Trong toàn bộ biến cố Mậu Thân ở Huế, cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy được đánh giá là dã man và thê thảm nhất.
Giáo xứ Phủ Cam 50 năm trước
Bà cụ Đỗ Thị Xuân hồi tưởng lại những gì diễn ra với gia đình của bà và của nhiều gia đình khác trong giáo xứ Phủ Cam, ở Huế vào ngày Tết đầu năm Mậu Thân, cách nay 50 năm:
“Đầu năm Tết 1968, khi đó súng bắn dữ quá. Mấy người nói lên nhà thờ là an toàn nhất. Ngày sau đó, gia đình lên nhà thờ. Ở trên đó hai ngày thì phải! Khi đó, súng bắn hai, ba ngày rồi. Cậu em canh gác bên ngoài vào lúc khuya chạy lại chỗ cha tôi nằm và nói ‘Cha ơi, Việt cộng tràn vô rồi’. Đến khuya thì Việt cộng tràn vô nhà thờ. Trời ơi, họ đi khám xét, rọi đèn pin từng mặt người.”
Bà cụ Xuân kể lại tỉ mỉ từng chi tiết như là vụ việc vừa mới xảy ra, bởi vì nỗi ám ảnh kinh hoàng luôn hằn sâu trong ký ức của bà và của người thân trong gia đình về cái chết của cậu em trai út trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài.
Họ nhảy dù xuống và vớt lên nào là chuỗi, nào là dây chuyền, qua 2 trận lụt trong 20 tháng làm thịt người bị rã ra, mắc trên cây do nước dâng lên. Còn dưới suối thì họ vớt lên xương cốt, đủ thứ hết<br/>-Bà Đỗ Thị Xuân
Bà cụ Xuân cho biết sau khi bộ đội Bắc Việt và Việt cộng nằm vùng kiểm tra mọi người đang trú ẩn ở nhà thờ Phủ Cam, thì phụ nữ và trẻ em được cho về. Người em trai út của bà là Đỗ Long, 16 tuổi bị bắt lại khi đang cùng gia đình trên đường trở về nhà. Người em trai kế Đỗ Thanh, là thanh niên tự vệ trong giáo xứ đã bị mất liên lạc nên không rõ có bị bắt hay không.
“Việt cộng vào trong thành phố, còn xung quanh thì đạn bắn rớt ào ào. Khi đó, họ cho người về nhắn rằng nếu ai có thân nhân bị bắt thì mang đồ ăn cho 3 ngày mang lên cho những người ‘học tập’ ở chùa Từ Đàm. Mẹ tôi nấu cơm bới giống như cục bột, bới hai giỏ vì không biết cậu anh có bị bắt không. Tôi trẻ nên tôi đi mang cơm lên chùa Từ Đàm, để hai giỏ xách, ghi tên Đỗ Long/1 giỏ xách và Đỗ Thanh/1 giỏ xách rồi tôi đi về.”
Kể từ khi đặt hai giỏ cơm tại sân chùa Từ Đàm, gia đình của bà cụ Xuân không bao giờ được gặp lại người con, người em Đỗ Long một lần nào nữa.
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà cụ Xuân, lúc bấy giờ hàng trăm gia đình giáo dân trong giáo xứ Phủ Cam và rất nhiều gia đình Phật tử tại địa phương cũng không biết số phận của những người đàn ông và các thanh niên trong gia đình mình sẽ như thế nào. Nỗi hoang mang và lo sợ phủ trùm cả đất cố đô kinh thành Huế không chỉ trong 26 ngày đêm dịp Tết Mậu Thân khi quân đội Bắc Việt chiếm đóng, mà còn kéo dài suốt thời gian nửa thế kỷ qua.
Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài được phơi bày
Hai thanh niên bị bắt trong số hàng trăm người bị đưa đến chùa Từ Đàm, là hai nhân chứng duy nhất còn sống sót, chạy thoát trước khi cuộc thảm sát diễn ra trong ít phút đồng hồ. Họ kể lại hầu hết những người bị bắt là giáo dân giáo xứ Phủ Cam, đều là học sinh, sinh viên, thanh niên hiền lành. Khỏang 20 người bị bắn chết ngay tại chùa Từ Đàm và chôn xác luôn tại đó. Một vài người được cho về để nhắn tin các gia đình mang đồ ăn đến chùa Từ Đàm cho thân nhân trong thời gian ‘học tập’ 3 ngày. Hàng trăm người còn lại được thông báo Cách mạng đưa đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ cho về. Ngay sau thông báo, từng người bị trói thúc ké bằng dây điện thoại và bị xâu lại thành chùm, gồm 20 người bằng một sợi dây kẽm gai. Tổng cộng có khoảng 25 chùm, tức vào khỏang 500 người.
500 người này bị đẩy ra đường trong đêm tối, bị 30 bộ đội Bắc Việt áp giải. Họ đi trong bóng đêm dưới trời mưa lâm râm, phải qua sông bằng bè lồ ô và có lúc lên đồi, khi lại xuống lũng, qua khe, thỉnh thoảng được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của các bộ đội. Những người bị bắt cảm nhận được đang đi sâu vào trong rừng, nhưng vì là trong đêm tối nên họ không biết ở khu vực nào.
Tôi lên tìm được cái áo của cậu em tôi. Đem về thì biết em tôi bị đâm từ sau lưng đâm tới với một đường dài khỏang hơn 10 phân. Hiện bây giờ trong nhà còn giữ chiếc này, bỏ trong cái hộp xà cừ<br/>-Bà Đỗ Thị Xuân
Một nhân chứng hiện còn sống chính là người nghe lỏm được các bộ đội nói với nhau rằng trong vòng 15 đến 20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết những người bị trói. Nhân vật này báo cho người bạn đang bị trói cạnh bên để tìm cách trốn chạy. Trong lúc đi xuống dốc và nghe tiếng nước róc rách gần kề, hai người đã cùng nhau bỏ chạy. Mặc dù có những tiếng súng bắn đuổi theo, nhưng hai người họ may mắn được thoát. Vào đúng khuya mùng 7 rạng sáng mùng 8 Tết Mậu Thân, hai thanh niên này nghe tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp. Một góc rừng rực sáng chen lẫn với những tiếng khóc la khủng khiếp.
Đến tận 20 tháng sau biến cố Mậu Thân, vào tháng 10 năm 1969, tin tức về cuộc thảm sát này mới được phơi bày do tù binh Việt cộng cho biết địa điểm tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy. Vào thời điểm đó, công binh mất hai ngày dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra khoảng trống đủ lớn cho trực thăng đáp xuống. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Bà cụ Đỗ Thị Xuân nhớ lại:
“Ngày đó tôi coi tin tức trên tivi thôi. Họ nhảy dù xuống và vớt lên nào là chuỗi, nào là dây chuyền, qua 2 trận lụt trong 20 tháng làm thịt người bị rã ra, mắc trên cây do nước dâng lên. Còn dưới suối thì họ vớt lên xương cốt, đủ thứ hết.”
Bà cụ Xuân cho biết sau đó, bà tìm được cái áo sơ mi của cậu em trai út Đỗ Long mặc vào ngày bị bắt, vì người thân từ Quy Nhơn đã gửi hai xấp vải ra Huế để may cho hai cậu em của bà mặc đón Tết Mậu Thân:
“Tôi lên tìm được cái áo của cậu em tôi. Đem về thì biết em tôi bị đâm từ sau lưng đâm tới với một đường dài khỏang hơn 10 phân. Hiện bây giờ trong nhà còn giữ chiếc này, bỏ trong cái hộp xà cừ.”
Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân Cộng sản Tết Mậu Thân, nhân dịp biến cố lịch sử này tròn 40 năm, cũng kể lại với RFA rằng:
"Chúng tôi thấy các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên các thi hài đó còn thấy các dây điện thoại trói lại."
Nỗi ám ảnh dài nửa thế kỷ
Những người tôi đã tiếp xúc thì đều mong muốn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bày tỏ thái độ nhận lỗi, xám hối vì đã giết những người vô tội. Họ mong muốn nhà cầm quyền phải thừa nhận điều đó một cách chính thức. Thứ hai nữa là ngôi mộ tập thể ở núi Bân, tức là núi Ba Tầng cần phải được chỉnh trang và tôn tạo lại; bởi vì cho đến bây giờ vẫn để hoang phế cỏ mọc um tùm, thậm chí có những người đến đó còn bị gây khó dễ này nọ. Đó là ước nguyện của những người có thân nhân đã khuất<br/>-Linh mục Phan Văn Lợi
Theo truyền khẩu từ các gia đình nạn nhân bị giết hại trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, có khoảng 400 bộ hài cốt được tìm thấy và được đưa về an táng tại nghĩa trang ở núi Ba Tầng (núi Bân). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt, hai bên có bàn thờ che mái cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa phía sau có một bia tưởng niệm. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính quyền mới ở Huế đã dùng mìn để phá trụ bia và hai bàn thờ.
Từ đó cho đến nay, suốt 50 năm qua nghĩa trang bị hoang tàn. Các gia đình có thân nhân bị sát hại ở Khe Đá Mài đến viếng nghĩa trang Ba Tầng hầu như bị chính quyền địa phương làm khó dễ.
Linh mục Phan Văn Lợi, người được gặp gỡ và được nghe nhân chứng còn sống sót trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài kể lại tường tận vụ việc, nói với Đài Á Châu Tự Do về nguyện vọng của những gia đình có người thân bị thảm sát tại Khe Đá Mài:
"Những người tôi đã tiếp xúc thì đều mong muốn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bày tỏ thái độ nhận lỗi, xám hối vì đã giết những người vô tội. Họ mong muốn nhà cầm quyền phải thừa nhận điều đó một cách chính thức. Thứ hai nữa là ngôi mộ tập thể ở núi Bân, tức là núi Ba Tầng cần phải được chỉnh trang và tôn tạo lại; bởi vì cho đến bây giờ vẫn để hoang phế cỏ mọc um tùm, thậm chí có những người đến đó còn bị gây khó dễ này nọ. Đó là ước nguyện của những người có thân nhân đã khuất."
Một số các gia đình có thân nhân bị sát hại tại Khe Đá Mài nói riêng và bị mất mạng trong các cuộc thảm sát ở Huế chia sẻ với RFA rằng mỗi năm Tết về, nỗi đau âm ỉ mất mát người thân được truyền lại cho thế hệ con cháu, nhắc nhở hãy tha thứ cho những người Cộng sản một khi họ chân thành hối lỗi và cũng đừng bao giờ quên biến cố lịch sử quan trọng của dân tộc, như bà cụ Xuân khẳng định"Biến cố Mậu Thân là diệt chủng" để những người Việt máu đỏ da vàng không sát hại đồng bào mình một lần nào nữa hết.