Sau khi Thượng nghị sĩ John McCain qua đời, các lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã gửi lời chia buồn đến gia đình ông và Quốc hội Mỹ. Báo chí trong nước cho biết người dân Hà Nội cũng đến chia buồn tại Đại sứ quán Mỹ và khu vực có bức phù điêu bên Hồ Trúc Bạch diễn tả cảnh chiếc máy bay của người phi công hải quân John McCain bị bắn rơi và bị bắt vào năm 1967.
Ông McCain được nhiều người Việt Nam xem như là người có công đầu trong việc thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Mỹ sau chiến tranh và thúc đẩy mối quan hệ đó phát triển.
Một trong những người Việt từ Việt Nam gặp gỡ Thượng nghị sĩ McCain tại Mỹ ngay sau khi quan hệ hai nước được bình thường hóa, là Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Vào năm 1995, ông tham gia một đoàn danh nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ và được ông McCain tiếp tại Quốc Hội. Ông Nguyễn Quang A nhớ lại:
Ông ấy rất hiểu lãnh đạo Việt Nam, cũng như người dân Việt Nam.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
"Tôi rất là có ấn tượng với ông McCain, một người điềm đạm mà hóm hỉnh, tôi gặp ông ấy lần đầu tiên vào năm 1995. Ở Việt Nam thì tôi gặp ông ấy khá nhiều lần. Cảm tưởng của tôi là một người đã vượt qua được sự hận thù, luôn vun đắp cho quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam."
Với tư cách người đứng đầu Ủy ban quân lực của Thượng viện Mỹ, ông McCain cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Dưới sự nỗ lực của ông, một đạo luật được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã được đưa ra và chuẩn thuận vào tháng 8/2018, theo đó Bộ quốc phòng Hoa Kỳ phải báo cho Quốc hội biết những hoạt động quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Một mặt ông McCain thân cận với giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam, mặt khác ông cũng thân cận và khích lệ cho giới hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, qua nhiều lần gặp gỡ ông McCain trong tư cách một nhà hoạt động dân sự, nói với RFA:
"Ông ấy rất hiểu lãnh đạo Việt Nam, cũng như người dân Việt Nam, ông ấy tìm mọi cách làm sao cho lãnh đạo Việt Nam cũng thấy việc làm của ông ấy là hữu ích cho Việt Nam, và những người hoạt động như chúng tôi cũng cảm phục ông ấy, là vì những việc làm của ông ấy thực sự giúp cho Việt Nam chúng ta."
Nhưng trong giới hoạt động đối lập tại Việt Nam cũng có người không thích ông McCain. Nhà báo Chu Vĩnh Hải từ Vũng Tàu cho biết:
“Có một nhà văn đã bị tù đày vì đấu tranh nhân quyền, rất ghét ông John McCain. Ông ấy không thích đưa hai kẻ cựu thù xích lại gần nhau. Trong suy nghĩ của họ thì nếu Mỹ không xích lại gần Việt Nam, tiếp tục trừng phạt Việt Nam thì mọi chuyện sẽ đổ bể ở Việt Nam, dẫn đến quá trình dân chủ hóa tốt hơn.”
Trên trang Facebook cá nhân của ông Huỳnh Ngọc Tuấn, một nhà văn bị nhiều năm tù đày vì hoạt động bất đồng chính kiến, ông ghi rằng ông McCain tử tế độ lượng với cộng sản Việt Nam tức là ông ấy không tử tế độ lượng với 90 triệu người dân Việt Nam.
Vào năm 2014, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội sang thăm Mỹ lại trao tặng ông McCain một bức tranh tả phù điêu chiến tích của quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay của ông McCain vào năm 1967. Sự việc này làm dấy lên chỉ trích cho rằng giới lãnh đạo Hà Nội có ý xem thường ông McCain.
Nhưng những người bất đồng chính kiến mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng đấy là một sơ xuất ngoại giao mà thôi.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải từ Vũng Tàu nói tiếp:
“Hồi năm 2014 khi ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ tặng ông John McCain bức tranh đó, theo tôi là một sự vô trách nhiệm, chứ họ không có ý bề trên hay hả hê gì nữa.”
Ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức ngoại giao Việt Nam hiện tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ cũng đồng ý quan điểm này:
“Mọi người nghĩ cái đó là điều gì đó để chơi thâm ông ấy, nhưng mà tôi thì tôi không nghĩ thế, và có lẽ trong Bộ ngại giao cũng không nghĩ thế.”
Không chỉ giới ngoại giao Việt Nam, vốn được cho là có tư tưởng cởi mở nhất trong các giới chức Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng đa số những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không có ý xấu với ông McCain:
"Tôi nghĩ rằng những sự việc ấy nên hiểu rằng đó là những việc sơ suất, sai sót, từ phía người này người kia trong chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ rằng phần lớn những người lãnh đạo của Việt Nam lại muốn xỏ xiên ông ấy, hay đánh giá thấp vai trò của ông ấy."
Hồi năm 2014 khi ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ tặng ông John McCain bức tranh đó, theo tôi là một sự vô trách nhiệm, chứ họ không có ý bề trên hay hả hê gì nữa.<br/>-Nhà báo Chu Vĩnh Hải.
Bên cạnh những ý kiến xem Thượng nghị sĩ John McCain là một gương mặt lớn của quan hệ Mỹ Việt sau chiến tranh cho đến hiện nay, cũng có ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích những người ca ngợi ông McCain, cho rằng ông đã đem bom đạn bỏ xuống Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Có ý kiến thì nói rằng việc ông McCain kể lại chuyện bị tra tấn trong nhà tù Việt Nam là không đúng sự thật.
Sinh viên Nguyễn Quang Bách từ Học viện Báo chí tuyên truyền của Việt Nam nói với RFA:
"Ông ấy về nước ông ấy nói sai sự thật có thể là để tác động kéo dài cuộc chiến ra. Nhưng đó là việc trong quá khứ, chứ còn sau này ông ấy có công lao trong chuyện bình thường hóa quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ thì tôi hoàn toàn ghi nhận chuyện đấy. Là một người thuộc thế hệ sau, không bị thù địch với Mỹ, không bị Mỹ thù địch là điều tôi mong muốn và rất là cần."
Anh Bách cũng nói rằng các bài giảng trong Học viện mà anh theo học không có những cách đánh giá xem Hoa Kỳ nói riêng, phương Tây nói chung là kẻ thù của Việt Nam nữa.
Điều này lại trái ngược với trải nghiệm của ông Đặng Xương Hùng:
“Trong tuyên truyền, trong việc học tại trường của các cán bộ cao cấp, có tính chất như bồi dưỡng, mà tôi đã từng được học, thì phải nói rằng họ vẫn có cái gì đó bảo thủ của ngày xưa, và phải nói là vẫn còn giương lên những bài học cũ chưa xóa hết được, về kẻ thù, về tư tưởng…”
Ông cho rằng việc này có lẽ là do Đảng cộng sản vẫn muốn duy trì một chút gì đó là tư tưởng cộng sản cứng rắn, còn ý kiến của nhà báo Chu Vĩnh Hải thì chẳng qua đó chỉ là quán tính mà thôi.