Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang từ lâu đã nổi tiếng không chỉ về sự sung túc, tấp nập mà còn là nét đẹp văn hóa vùng miền sông nước Tây Nam Bộ. Ngày nay, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đã làm thay đổi rất nhiều. Chợ nổi Cái Bè thời phồn thịnh trước đây chỉ còn trong ký ức của dân chúng địa phương ...
Đứng ở bến phà Cái Bè-Tân Phong vào một buổi trưa nắng nhẹ, phóng tầm nhìn bao quát một khúc sông Tiền tại thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi người dân sinh sống xung quanh ta thán Chợ nổi Cái Bè suốt chục năm nay không còn sầm uất như trước nữa rồi!
Quả thật, xuôi phà Cái Bè-Tân Phong, nếu không có những chia sẻ của người dân thì chúng tôi không thể nào biết được khu vực mà chúng tôi đang xuôi phà, mênh mông sông nước này từng là Chợ nổi Cái Bè. Nơ đây trước kia từng là nơi giao lưu buôn bán tấp nập. Ghe thuyền qua lại như mắc cửi đã đi vào thơ ca, hay những phóng sự nổi tiếng của cánh nhà báo, nhà đài. Còn hiện tại, đập vào mắt chúng tôi chỉ lưa thưa vài chiếc ghe thuyền còn sót lại của những thương hồ hoặc ghe thuyền của những hộ làm du lịch sinh thái, chủ yếu đưa khách về với miệt vườn cù lao Tân Phong nằm ở giữa sông.
Một số hộ dân nói với chúng tôi là họ sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện về Chợ nổi Cái Bè nhưng không muốn chúng tôi quay hình ảnh về họ. Họ nói Chợ nổi Cái Bè trước đây kéo dài cả cây số trên sông Tiền, các thương hồ đến từ các tỉnh như Long An, Vĩnh Long, An Giang...Sản phẩm bán buôn phong phú đủ các mặt hàng đặc sản của miền sông nước Tây Nam Bộ, nhưng nhiều nhất là trái cây.
Độ khoảng mười năm trở lại đây, phương tiện giao thông đi lại của người dân ngày càng được cải thiện, nhất là từ khi cầu đường bộ Cái Bè 2 được tỉnh Tiền Giang khởi công xây dựng rồi đi vào hoạt động góp phần nối liền hai bên bờ sông lại với nhau tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Từ đó nhu cầu đi lại bằng phương tiện ghe thuyền trên sông nước giảm dần đi.
"Tại vì ngày xưa cồn nổi, đường đi nó không thuận đường xe. Còn bây giờ nó thuận đường xe rồi thì người ta đi xe tiện hơn. Chợ nổi thì xuống nước…đi theo nước. Cái này giờ đi xe nó thuận hơn, người ta đi xe nhiều".
Đây là chia sẻ cởi mở của một chị chủ vườn cây ăn trái ở cù lao Tân Phong khi tiếp chuyện chúng tôi về Chợ nổi Cái Bè. Chị không muốn nêu tên. Theo chị, ngoài yếu tố phương tiện giao thông đường bộ được cải thiện thì còn một yếu tố nữa là mạng điện thoại di động phát triển mạnh. Cả hai yếu tố giúp gắn kết chặt chẽ thương lái với nhà vườn. Việc mua bán trái cây hoặc các mặt hàng nông sản được các thương lái với nhà vườn liên hệ trực tiếp với nhau, thuận lợi hơn nhiều. Sau khi thỏa thuận giá cả xong thì thương lái sẽ đánh xe thẳng vào vườn rồi chất hàng lên xe, hoàn toàn không cần phải qua khâu trung gian và cũng chẳng cần phải chờ đợi ngày nước đẹp để đi ghe thuyền đến chợ nổi tìm kiếm hàng hóa. Chị nói:
"Bây giờ thuận hơn. Giờ người ta đi xe nhiều hơn, xe tiện hơn. Xe tải giờ người ta làm cầu trên đây, xong rồi xe mua sầu riêng gì đó mua tại vườn nhà chị, mua xong là xe tải lên luôn. Hồi xưa thì mình phải theo nước, chờ nước đẹp mới đi được".
Chúng tôi được chị chủ vườn mời đi xem khu vườn của gia đình chị. Khu vườn khá rộng, trồng những loại cây như sầu riêng, mít, cóc, dừa… Chị cho biết thu hoạch mỗi năm sau khi trang trải cuộc sống gia đình thì cũng còn dư dả. Điều này cho thấy việc làm ăn của gia đình chị chủ vườn dù Chợ nổi Cái Bè có bị xóa xổ hay là không giờ cũng không là vấn đề quan trọng.
Bây giờ thuận hơn. Giờ người ta đi xe nhiều hơn, xe tiện hơn. Xe tải giờ người ta làm cầu trên đây, xong rồi xe mua sầu riêng gì đó mua tại vườn nhà chị, mua xong là xe tải lên luôn. Hồi xưa thì mình phải theo nước, chờ nước đẹp mới đi được - Chị chủ vườn
"Vườn của nhà chị trồng cũng được tám năm rồi. Thu hoạch ba mùa, trồng sầu riêng với mít, xoài…", chị chủ vườn cho chúng tôi biết.
Chị chủ vườn cho biết thêm việc trao đổi, mua bán cây trái của vườn nhà chị hiện chỉ có một phần nhỏ cần đem ra chợ nổi Cái Bè, ví dụ những mặt hàng trái cây không được thương lái chọn mua hoặc hàng còn sót lại thì chủ vườn đem ra chợ bán lẻ.
" Thương lái nó canh già, nó mua sát vườn cho mình. Mấy hàng đem ra ngoài bán là những quả chín cây, những quả sót. Những cái kia chị bán cho thương lái, mít cũng vậy. Mít một tuần chị cắt một lần."
Thêm một yếu tố quan trọng cũng góp phần việc nhanh chóng xóa xổ chợ nổi Cái Bè là tình trạng hút cát trên sông Tiền diễn ra nghiêm trọng. Ngay tại thời điểm chúng tôi quay hình, có vài thuyền chở cát qua lại và nhà máy khai thác cát đang hoạt động ở ngay mép sông.
Chúng tôi tìm hiểu và biết được giữa chợ nổi Cái Bè có một cồn nổi. Ngày trước cồn nổi cũng là nơi tập trung ghe thuyền để người dân tấp vào bày bán, trao đổi hàng hóa. Cùng chung với số phận của chợ nổi Cái Bè, mấy năm gần đây cồn nổi đã bị sạt lở, nhỏ dần vì phần lớn diện tích bị biến mất.
Cũng cần phải nói thêm, thực ra chợ nổi Cái Bè chưa hòa toàn bị xóa xổ, nó chỉ không tấp nập như ngày trước, vào những buổi sớm mai vẫn có cảnh ghe thuyền chở hàng hóa qua lại nhưng giảm đi rất nhiều. Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực chợ không bán buôn gì thì chuyển sang hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
"Giờ đi xe nó tiện hơn, ghe bữa nay giảm rồi, đi buổi sáng thôi. Vả lại giờ người ta mở khu du lịch, ghe nào đi qua …buôn bán trái cây thì buổi sáng nó nhiều hơn. Người ta mua xong là người ta đi"- Chị chủ vườn cho biết.
Theo sách Gia Định Thành Thông Chí, vào năm 1732, vàm Cái Bè được miêu tả là nơi “sông sâu nước chảy”, ngay từ đầu nơi đây đã trở thành một trong những đầu mối họp chợ lớn nhất và cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất miền Tây Nam Bộ. Gọi tên cụ thể là chợ nổi Cái Bè nhưng cho đến nay, chưa có sách sử hoặc ai đó biết chính xác chợ nổi này hình thành từ khi nào. Đa phần chỉ phỏng đoán là vào thời Chúa Nguyễn, người Việt di dân vào khai phá và rồi sau đó những người Việt này hình thành nên chợ nổi để phát triển đến lúc sầm uất thịnh vượng cho đến thưa thớt như hiện nay.
Tuy vậy, chính quyền tỉnh Tiền Giang cũng nhân những dịp lễ, tết nổ lực sức phục hoạt những nét đẹp văn hóa một thời của Chợ nổi Cái Bè nhằm thu hút du khách đến vùng sông nước của tỉnh.