Những kiểu tra tấn tinh thần trong trại tạm giam

Bị dọa giết trong trại giam

Hôm 6/6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước, theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Ông Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018.

Theo cáo trạng tại tòa, trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là “Nguyễn Ngọc Ánh” với mục đích ban đầu chỉ để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2018, ông Ánh đã tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia các buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.

Khi bị kết án, ông Nguyễn Ngọc Ánh không chấp nhận bản án này và kháng cáo. Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh cho biết ông đang chịu sự khủng bố, đàn áp tinh thần của một người tù chung buồng giam. Tiếng lóng của những người tù gọi những người như thế này là “nhảy xô” - ám chỉ người của an ninh cài vào ở chung buồng với tù chính trị, một mặt để khai thác thêm những gì họ muốn biết, mặt khác để "thông báo" những điều khác đến người tù một cách không chính thức. Bà Châu cho RFA biết bà đi thăm chồng hôm 6/9/2019 và ông bị dọa giết. Bà kể:

“Khi vừa gặp vợ con thì ông xã em nói rằng em chỉ việc ngồi nghe thôi, để anh nói hết những gì đang xảy ra. Anh nói hai tháng qua anh bị đàn áp. Tháng trước bị đàn áp ít, gần đây bị đàn áp nhiều vì đang chờ phiên tòa phúc thẩm. Anh thì không thỏa hiệp với chúng là nhận tội, bỏ phiên phúc thẩm và đi thụ án.

Bây giờ anh bị chuyển phòng nào cũng có người của an ninh cài vô. Người tù chung buồng đã làm tay sai cho an ninh, làm phiền anh suốt ngày. Mỗi lần làm việc với an ninh xong thì nó vô nói to cho những buồng khác nghe luôn là ‘tao giết chết nó tao vẫn không bị ở tù’. Có hôm nó chỉ thẳng vô mặt anh nói ‘Ê thằng chó Ánh kia, tao giết chết mày tao cũng không bị tù!’”

Bà Châu cho biết ông Ánh (chồng bà) đã chuẩn bị cho cái chết của mình và dặn bà rằng nếu anh chết thì lấy tro của anh rải ra ba nơi: vùng biển chỗ vợ chồng anh chị lập nghiệp; vùng biển Nha Trang nơi anh học đại học; vùng biển quê của bà Châu. Anh cũng nói với vợ rằng nếu anh chết trong này sẽ không bao giờ tìm ra nguyên nhân, không bao giờ tìm ra người giết anh.

“Mỗi lần nó chửi bới, kiếm chuyện đánh anh thì anh chỉ ngồi cầu nguyện chứ không phản kháng, vì nếu anh phản kháng lại là anh mắc mưu của chúng nó.”

Ông Ánh kể với vợ rằng, có hôm tên “nhảy xô” trở về buồng sau khi làm việc với an ninh và trong túi nó có sợi dây dù. Ông Ánh lập tức báo cho quản giáo tại giam và quản giáo ép ông phải nhận sợi dây dù của mình. Ông Ánh nhận định với vợ rằng sợi dây dù đó tên “nhảy xô” dùng để giết ông trong trại giam.

Trước khi chia tay vợ, ông Ánh cho bà biết thêm một thông tin mà ông khẳng định an ninh cho người tù hình sự chung phòng đàn áp ông:

“Sáng 6/9/2019, trước khi ra gặp em, người tù chung phòng thường đe dọa anh có nói với những người tù khác là: Tôi không muốn đánh thằng Ánh, cũng không muốn hại thằng Ánh đâu nhưng tại vì đã nhận lời của “họ” nên tôi phải làm!”

Ông Nguyễn Ngọc Ánh đang bị giam tại Trại giam Bình Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Bị giam hơn 1 năm chưa xét xử

Bà Đoàn Thị Hồng trong cuộc biểu tình hồi tháng 6 năm 2018 ở Sài Gòn.
Bà Đoàn Thị Hồng trong cuộc biểu tình hồi tháng 6 năm 2018 ở Sài Gòn. (Photo: facebook Xuân Hồng)

Cùng ngày bà Nguyễn Thị Châu đi thăm chồng, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) lên tiếng kêu gọi cần có hành động khẩn cấp đối với trường hợp Nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, người bị bắt giữ phi pháp vào ngày 2 tháng 9 năm ngoái và bị giam cho đến nay chưa đưa ra xét xử dù bà có một con gái nhỏ dưới 3 tuổi.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Đoàn Thị Hồng. Lý do đưa ra là vì bà Đoàn Thị Hồng bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa.

Bà Đoàn Kim Khánh, chị gái của bà Hồng, người hiện đang nuôi dưỡng con gái của bà Hồng, cho RFA biết tình hình sức khỏe của em gái mình sau buổi thăm gặp hôm 4/9/2019:

“Hôm 4/9 lên thăm thấy mặt Hồng hốc hác xanh xao, mắt thì vàng, trên tay cầm chai thuốc nhỏ mắt. Em thấy Hồng không khỏe nên em hỏi nhưng Hồng chỉ nói là bị đau bao tử, chắc em gái sợ mình lo lắng nên nói vậy. Sau khi kết thúc cuộc gặp, cán bộ trại giam đưa toa thuốc cho mình đi mua thì được biết em gái bị rối loạn tiền đình, bệnh về da và bệnh về mắt.”

Bà Khánh kể thêm rằng khi vô trại giam bà Hồng có xin cán bộ cho bế con gái nhưng cán bộ không cho. Bé gái thì quá nhỏ, lâu quá không được gặp mẹ, lại không được mẹ bế nên giận mẹ, không chịu nhìn mẹ. Khoảng 20 phút sau cán bộ cho phép bà Hồng được bế con gái mình.

Bà Khánh cho biết đây là lần thứ hai bà được gặp mặt em gái. Lần đầu là hôm 2/8/2019, em gái có cho bà biết thông tin về việc ra tòa. Bà Khánh kể:

“Hôm 2/8, khi được gặp mặt lần đầu tiên thì Hồng có nói là lần sau chị đem cho em một bộ đồ cho đàng hoàng để tháng sau em ra tòa. Em có nói với Hồng là có thuê luật sư nhưng Hồng từ chối với lý do tội không có gì hết, nếu ra tòa cũng chỉ ở thêm 1 năm rồi về, đừng thuê luật sư tốn tiền. Nếu em chấp nhận làm việc với luật sư thì bên phía cơ quan công an sẽ không đem em ra tòa xét xử sớm.

Em có báo với luật sư. Luật sư cho biết họ gởi hai văn bản tới số 4 Phan Đăng Lưu và Viện Kiểm sát nhưng không được hồi đáp nên luật sư vô thẳng Viện Kiểm sát hỏi thì họ trả lời do bên số 4 Phan Đăng Lưu chưa chuyển hồ sơ qua.”

Bà Đoàn Thị Hồng bị bắt vào ngày 2 tháng 9 năm 2018 với cáo buộc ‘phá rối an ninh’ theo điều 118 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Bà tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập có tên Hiến Pháp.

Vào dịp lễ Quốc Khánh năm ngoái, nhóm Hiến Pháp có kế hoạch tập trung biểu tình ôn hòa để lên tiếng về nhiều vấn đề như vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, ô nhiễm môi trường trên cả nước.

Còn trường hợp Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một TNLT ra tù hôm 2/8/2019 sau 8 năm thụ án với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ, và hiện đang chịu án quản chế 5 năm, thì cũng không thoát cảnh bị tra tấn tinh thần.

Theo thông tin từ blogger Mẹ Nấm, “Mới đây Công an quận 7, thành Hồ đã từ chối đóng dấu giấy tờ cho Minh Mẫn vì yêu cầu bác sĩ điều trị phải viết xác nhận lên toa thuốc…

8 năm tù và 5 năm quản chế là một chặng đường dài mà Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã và sẽ phải đi qua. Việc công an quận 7 gây khó khăn trong việc xác nhận giấy tờ theo đúng chức năng pháp luật quy định cho thấy đối với công an, những người bị xếp vào "thế lực phản động" sẽ không bao giờ có được cuộc sống bình yên. Quyền khám chữa bệnh là một yêu cầu tối thiểu cần phải được đáp ứng của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, nhất là sau 8 năm tù phải sống trong điều kiện thiếu thốn khó khăn.”