Độc lập về kinh tế
Theo số liệu của các báo cáo y tế, hiện nay số bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS mà vẫn sinh hoạt bình thường ngày càng tăng, và khả năng duy trì cuộc sống của những người bị nhiễm HIV/AIDS ngày càng cao. Do vậy nhu cầu về việc làm để có thể ổn định cuộc sống, tự nuôi bản thân hay lo cho gia đình là điều cần thiết đối với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Giám đốc Cơ quan Cứu trợ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS), ông Eamonn Murphy nhận định, "người mang virus HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV rất cần được độc lập về kinh tế và có sức khoẻ, vì đây là điều kiện giúp họ giữ được tự trọng, và giảm đi sự kỳ thị và phân biệt đối xử của những người xung quanh."
Tuy nhiên, để có được một công ăn việc làm không phải là điều dễ dàng đối với những người mang virus HIV. Chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Bắc Ninh, và cũng là một người nhiễm HIV cho biết:
“Ở chỗ nhà em có nhiều khu công nghiệp. Rất nhiều người đang làm ở công ty may nhưng họ bị từ chối, không cho làm việc vì liên quan đến HIV.”
Và ước mơ của họ cũng rất đơn giản – chỉ mong có được thu nhập ít ỏi hầu trang trải cuộc sống. Chị Hiền kể lại những điều chị đã nghe từ các bạn trong nhóm:
“Có những bạn ở chỗ em họ nói rằng, nếu như có một khoản tiền từ 5 đến 10 triệu, họ có thể mở một cửa hàng bán SIM thẻ điện thoại, có người thì nói nếu như có năm, mười triệu thì tôi sẽ chăn nuôi vì người ta thấy thuận tiện với việc chăn nuôi. Thế nhưng có người thì nói, tôi sẽ mua một cái máy may, và tôi nhận hàng về hàng tháng tôi cũng kiếm ra một khoản tiền từ một triệu rưỡi đến hai triệu. Tôi vẫn có thể nuôi sống bản thân và lo thêm cho con cái. Tức là mỗi người họ thường đầu tư theo cách của cá nhân họ.”
Hơn nữa, muốn thực hiện một hoạt động kinh doanh nhỏ thì những người nhiễm HIV lại không có đủ vốn và cũng không thể tiếp cận với nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Trong điều kiện khó khăn như vậy, hình thức tín dụng không cần thế chấp huy động nguồn vốn từ các đơn vị tài trợ đã giúp họ giải quyết vấn đề.
Tại Việt Nam, người nhiễm HIV/AIDS và những người chăm sóc họ được tạo điều kiện vay vốn làm kinh tế gia đình để được độc lập về kinh tế và tái hoà nhập với cộng đồng. Nguồn vốn này dựa vào sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các cơ quan viện trợ, các nhà mạnh thường quân hợp tác với các đoàn thể xã hội, tổ chức từ thiện trong nước để thực hiện việc cho vay.
Người mang virus HIV rất cần được độc lập về kinh tế và có sức khoẻ, vì đây là điều kiện giúp họ giữ được tự trọng và giảm đi sự kỳ thị và phân biệt đối xử của những người xung quanh.
Ô. Eamonn Murphy
Theo bà Nguyễn Thị Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Phòng chống HIV/AIDS và Chăm sóc Sức khoẻ Sinh sản, là cơ quan thực hiện các dự án hỗ trợ thuộc Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, những khoản tín dụng này là sự giúp đỡ to lớn đối với các phụ nữ bị nhiễm AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV. Tổ chức của bà đã thực hiện các dự án cho vay tín dụng cho người nghèo và người bị nhiễm HIV từ lâu. Bà cho biết:
“Tín dụng cho phụ nữ nghèo thì Hội cũng đã làm và đặc biệt là chú ý tạo việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ có HIV trong các dự án, các chương trình khác nhau. Không phân biệt đối xử khi người ta nghèo thì được vay, nhưng thông thường là vay trong vòng một năm, với số vốn trung bình là từ ba cho đến năm triệu đồng Việt Nam.”
Mô hình cho vay
Người phụ nữ bị nhiễm HIV, đồng thời là Trưởng nhóm vận động sự trợ giúp cho các thành viên, nói về cách thức vận hành mô hình cho vay vốn hỗ trợ này như sau:
“Nếu như có được một nguồn vốn, thì các bạn sẽ lập kế hoạch thông qua nhóm. Ví dụ có một cơ quan như Hội Liên Hiệp Phụ nữ hay một cơ quan nào đó nhận một khoản tài trợ để giúp chúng em hỗ trợ cho các bạn trực tiếp. Các bạn đề xuất lên, bọn em xem mô hình đó có khả thi không rồi chúng em sẽ cho các bạn đó vay. Và một số nơi đã thực hiện là vốn thì phải trả lại, quay đầu để giúp các thành viên khác, có những nơi người ta không áp dụng lãi, mà 6 tháng đầu tiên người ta phải trả 50% vốn, 6 tháng cuối năm hoặc một năm sau phải trả nốt vốn trong khoản tiền vay từ 5 đến 10 triệu.”
Trưởng nhóm Vì Ngày Mai Tươi sáng Bắc Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ vốn trong nhóm của chị như sau:
“Hiện tại nhóm em cũng đang cho vay, nguồn vốn ở đây chúng em lấy từ chính nhóm để dành từ những hoạt động, còn tổng cộng được khoảng năm, bảy triệu. Chúng em cho 3 bạn vay, mỗi người vay 2 triệu. Chúng em trừ mỗi tháng 200.000. Mục đích là trong khoảng từ một năm đến một năm ruỡi thì khoảng vay 2 triệu sẽ được hoàn trả lại và chúng em quay đầu cho bạn khác vay. Chúng em không lấy lãi nhưng mỗi tháng sẽ cắt 200.000, lấy đến bao giờ đủ vốn thì cái máy may sẽ thuộc về bạn đó. Em lại cầm 2 triệu này cho các bạn khác vay tiếp. Còn các bạn làm được triệu rưỡi, triệu bảy mỗi tháng, chỉ phải trừ 200.000 mỗi tháng. Hàng tháng các bạn vẫn kiếm được tiền dù không nhiều nhưng phù hợp với sức khỏe. Em thấy như vậy rất tốt.”
Ước muốn hiện nay của nhóm: “Chúng em vẫn mong muốn thành lập được một tổ may để cho anh chị em đến tập trung với nhau ngồi may, sau đó thì được chia sẻ thông tin về bệnh, nhắc nhau uống thuốc, đi khám định kỳ. Con em họ cũng được dể dàng hơn. Có nhiều người bảo bây giờ vay để mua một máy may mấy triệu, họ không có đủ khả năng để vay.”
Việc làm ý nghĩa
Đối với những người kém may mắn này thì có được một việc làm chẳng những giúp họ có thu nhập, mà còn mang một ý nghiã rất quan trọng. Chị Hiền nói với chúng tôi:
“Khi người ta có việc làm người ta sẽ có tất cả. Ngay khi có việc làm họ sống tích cực hơn, thì gia đình không kỳ thị nữa. Họ thấy bạn ấy đi làm được, vẫn sáng đi tối về, trưa có thể ăn luôn ở nhóm. Tiền đóng học không phải xin ai nữa, tự mình làm ra. Con cái thì chúng em vận động cho trẻ đó được tới trường. Và dần dần khi có việc làm thì các bạn rất tự tin khi nói với mọi người ‘tôi đang làm nghề này’ hay là ‘tôi đang tham gia công tác này’. Trước đây thì có nhiều người giấu. Em nghĩ khi có việc làm thì bản thân họ chứng minh được tốt hơn. Họ còn chăm lo được cho con cái và hoà nhập với cộng đồng tốt hơn.”
Một điểm luôn được những người thực hiện chương trình cho vay trợ vốn này nhấn mạnh, là biện pháp cho vay không thế chấp, không tính lãi này lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cho không, vì nó tạo được ý thức trách nhiệm, tránh tâm lý ỷ lại, đồng thời giúp duy trì nguồn vốn để giúp những người kế tiếp. Một khoản tín dụng được đánh giá là thành công nếu người vay trả được ít nhất 40% số tiền vay sau năm đầu tiên và trả ít nhất 80% số tiền vay sau ba năm.
Giám đốc Nguyễn Thị Hoà Bình cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp dự án thực hiện đạt hiệu quả cao. Bà nói:
“Nếu như trong các dự án hỗ trợ, mình có theo dõi, có sự phối hợp và được sự ủng hộ của các ban ngành, tổ chức ở địa phương đó, và ở đó có những nhóm tự lực hoạt động tốt thì khả năng chi trả rất cao. Qua kinh nghiệm đó thì sau đó mình cũng đã thuyết phục được các dự án khác cũng hoàn trả vốn rất cao.”
Và dần dần khi có việc làm thì các bạn rất tự tin khi nói với mọi người ‘tôi đang làm nghề này’ hay là ‘tôi đang tham gia công tác này’.
Chị Phạm Thị Hiền, Bắc Ninh
Người nhận vốn vay được tập huấn kỹ năng cần thiết để quản lý mô hình kinh doanh nhỏ để thực hiện thành công kế hoạch hoàn trảvốn. Sự thành công của dự án sẽ cho phép mở rộng phạm vi cho vay trong những năm tiếp theo, với số người tham gia dự án ngày càng tăng.
Bên cạnh các tổ chức tài trợ quốc tế, Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp Dành cho AIDS của Tổng thống Hoa kỳ (PERFAR), thông qua Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam đã hỗ trợ nhiều dự án giúp người bị nhiễm HIV. Mới đây cơ quan này thông báo hợp tác với tổ chức Một Thành Viên Tình Thương thuộc Hội Liên Hiêp phụ nữ Việt Nam (TYM) thực hiện dự án cho vay vốn cho khoảng 100 phụ nữ cóAIDS với số tiền 350 đô la/người tại Hà Nội, Nghệ An, và Thái Nguyên.