Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và những ‘khẩu hiệu tốt đẹp’

0:00 / 0:00

Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 50, được tổ chức tại Malaysia, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điểm mấu chốt của nền giáo dục là phải xây dựng được một môi trường học tập hạnh phúc, ở đó công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng tình yêu thương và thúc đẩy động lực học tập suốt đời.

Nói một đàng làm một nẻo

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhạ đưa ra phát ngôn làm dư luận nghi ngờ. Cách đây ba năm, khi mới nhậm chức, một trong những phát ngôn đầu tiên của tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là ‘Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thật sự nhân văn.’

Nhưng trong 3 năm giữ chức bộ trưởng của ông Nhạ, ngành giáo dục đã xảy ra rất nhiều bê bối, từ bạo lực học đường, đạo đức suy đồi, gian lận thi cử .v.v…

Không chỉ riêng ông Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục mà các quan chức của thể chế này luôn nói đến những mong ước, những điều đẹp nhất của thế giới.<br/>-TS. Mạc Văn Trang

Trao đổi với RFA hôm 23/7 từ Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục nhận định:

“Nói chung không chỉ riêng ông Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục mà các quan chức của thể chế này luôn nói đến những mong ước, những điều đẹp nhất của thế giới. Người ta không tính đến điều kiện để thực hiện mà chỉ nói cho sướng mồm thôi. Các ông Bộ trưởng trước cho đến những ông Bộ trưởng sau này luôn luôn nói những điều như thế.”

Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, những khẩu hiệu rất là tốt đẹp nhưng làm sao thực hiện được khi mà bản chất của nền giáo dục này là mang tính áp đặt, tuyên truyền là chính. Thêm vào đó, bản chất của xã hội lại thiếu tính nhân đạo, nhân bản và thiếu tự do khai phóng, cho nên trẻ em không được tôn trọng. Một khi không được tôn trọng, tự do thì làm gì có dân chủ, yêu thương được. Do đó, có thể thấy từ môi trường xã hội, gia đình đến nhà trường đều ngày càng xấu đi.

Nhắc lại sự việc sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2018, Bộ trưởng Nhạ “phấn khởi” tuyên bố: kỳ thi quốc gia diễn ra nhẹ nhàng, tốt đẹp…

Nhưng những gì diễn ra sau đó đều khiến toàn xã hội rung động, khi 114 thí sinh bị phát hiện sửa điểm trong kỳ thi tại Hà Giang. Không dừng lại một tỉnh, tiếp tục các trường hợp lộ điểm thi, nâng điểm thi…nói chung là “gian dối” trong kỳ thi đều được lần lượt phanh phui như ở Sơn La, Hòa Bình.

Công an đọc lệnh khởi tố ông Trần Xuân Yến (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Sơn La.
Công an đọc lệnh khởi tố ông Trần Xuân Yến (áo trắng), Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Sơn La. (Photo courtesy of LĐ)

Đây được coi là trường hợp “gian lận” lớn nhất trong ngành giáo dục Việt Nam từ trước đến nay bị báo chí phanh phui, cơ quan an ninh tham gia điều tra và rất không may là đã xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Bộ trưởng Nhạ. Đến nay, đã xác định ra 3 tỉnh có thí sinh được sửa điểm, hàng trăm thí sinh đã bị trả về địa phương, hàng chục cán bộ ngành giáo dục bị bắt giam, một số cán bộ an ninh đã bị kỷ luật…Trước làn sóng phẫn nộ của xã hội, Bộ trưởng Nhạ đứng ra nhận trách nhiệm về sai phạm điểm thi ở Sơn La, Hà Giang.. nhưng ông vẫn chưa ứng dụng văn hóa xin lỗi về sai phạm của ngành giáo dục do ông làm Bộ trưởng.

Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện sống tại Hà Nội, hôm 23/7 nhận định với RFA:

“Tôi nghĩ ông Bộ trưởng Nhạ hay ngay cả ông chủ tịch nước có phát biểu gì thì cũng là bình thường, vì cương vị của họ ở Việt Nam lâu nay thích phát biểu oai phong lẫm liệt, đao to búa lớn. Nhưng cứ đợi một thời gian thì chẳng ông nào phát biểu cho đến hồn cả. Có rất nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do thể chế nên nó đã sinh ra như thế. Mong muốn của các vị đó, nếu có là thật thì đố mà các vị thực hiện được.”

Và đúng như suy nghĩ của thầy Đỗ Việt Khoa, một kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã để xảy ra tiêu cực gây chấn động, nhưng chúng ta chưa thấy một Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 nào đứng ra xin lỗi nhân dân cả nước hay nhân dân địa phương mình.

Tuy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Nhạ đã xin “nhận trách nhiệm” về vụ gian lận thi cử, và mãi đến những ngày cuối tháng 4/2019 ông Nhạ mới nhìn nhận rất đau lòng. Tuy nhiên vẫn không thấy ông xin lỗi.

Nên học -văn hóa từ chức

Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia 2019, vào 14/5/2019, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định 100% sẽ không xảy ra tiêu cực trong kỳ thi này.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ giáo dục, kỳ thi này, toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi… có cả thí sinh dùng điện thoại chụp đề rồi gửi cho người ở bên ngoài giải hộ.

Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:

“Thi năm nay để mà tuyệt đối không có chuyện gì xảy ra là rất khó. Do thói quen gian lận, quay cóp của thí sinh, thói quen thầy vì thành tích làm ngơ cho các thí sinh gian lận ở các địa phương có truyền thống về gian lận, rất khó chấn chỉnh. Gian lận thi cử có lẽ là chuyện muôn đời, dù có chấn chỉnh thì nó vẫn xảy ra, chỉ có cách nào đó làm giảm thiểu, chứ không thể làm sạch được đâu.”

Theo thầy Khoa, thường một hai năm đầu của đợt chấn chỉnh sai phạm, tình hình có vẻ nghiêm túc lại, nhưng sau đó vài ba năm đâu lại vào đấy, sai phạm cũ cứ lặp đi lặp lại.

Lời nói và việc làm của ông Nhạ hầu như không hề song đôi với nhau. Những lời nói tốt đẹp hoa mỹ về ngành của ông ấy, nhưng thực tế rất là tệ.<br/>-LS. Đặng Đình Mạnh

Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với RFA nhận định:

“Rõ ràng là sau năm vừa rồi, năm có những bê bối rất lớn trong ngành giáo dục, mà đã có đặt vấn đề là sẽ khởi tố vụ án hình sự. Nhưng mà qua năm nay vấn đề gian lận thi cử vẫn tái diễn, có điều năm nay tái diễn mức độ thấp hơn thôi nhưng mà nó vẫn còn.Điều đó chứng tỏ sự chế tài của luật pháp như đã có hiện nay và vẫn đang được áp dụng không hề mang ý nghĩa gì cả, nó không đủ sức ngăn lại những tiêu cực của ngành giáo dục.”

Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, không thể thực hiện được cải cách, khi bản thân hệ thống này ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Trong cùng một tổ chức mà người ta không phát hiện đươc gian lận thì cũng chịu: Gian lận từ trong bằng cấp: bằng giả, mua điểm; Kể cả Tiến sĩ, Thạc sĩ người ta cũng gian lận, cũng mua bằng giả. Như vậy làm sao trung thực được. Ông nói tiếp:

“Bản thân ông Nhạ cũng có nhiều bài báo nói ông gian lận bằng tiến sĩ. Cả một hệ thống với nhiều chuyện dối trá, gian lận mà không thể nào làm sạch được vì trong một hệ thống ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’, ở đâu cũng gian lận, cũng dối trá.”

Ngoài những tuyên bố gây sốc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn có nhiều đề án gây tranh cãi. Một trong những đề án đó là dự án dành 12 ngàn tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam tiến sĩ quá nhiều mà số nghiên cứu có giá trị hay được viết trên báo quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế mà ông Nhạ còn đề xuất bỏ 12 ngàn tỉ để đào tạo 9.000 tiến sĩ.

Với tư cách là một công dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết hầu như không có sự tin cậy nào vào khả năng của ông Nhạ:

“Điều này thể hiện qua lời nói và việc làm của ông Nhạ hầu như không hề song đôi với nhau. Những lời nói tốt đẹp hoa mỹ về ngành của ông ấy, nhưng thực tế rất là tệ.”

Theo Luật sư Mạnh, người như ông Nhạ mà đứng đầu ngành giáo dục của một quốc gia là hết sức nguy hiểm. Vì giáo dục khi mà đã gây hại là gây hại cả một thế hệ, ông Nhạ càng ở lâu thì càng hại nhiều thế hệ.