Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố trong cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra vào ngày 19/5; theo đó Bộ Giao thông – Vận tải đứng cuối bảng xếp hạng.
Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Giao thông ‘đội sổ’ danh sách.
Kết quả PAR INDEX 2019 được điều tra xã hội học dựa trên 20.000 phiếu để cán bộ trong các cơ quan nhà nước tự đánh giá và 36.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp.
Nguyên nhân
Nhận xét về kết quả đánh giá vừa nêu, anh Nguyễn Minh Hùng, tài xế quan tâm đến tình hình BOT bẩn trên cả nước, đồng thời cũng là người đại diện nhóm đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa cho rằng:
“Ông Bộ trưởng khi lấy phiếu tín nhiệm thì bị áp chót, còn 3 ông Thứ trưởng đương thời và 1 ông nguyên Thứ trưởng bị kỷ luật lần lượt là Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật, Nguyễn Văn Công và Nguyễn Hồng Trường. Theo mình nghĩ trình độ những người trong Bộ này bảo thủ nên cải cách hành chính áp chót không có gì lạ.”
Còn theo anh Vũ Tân, một người dân sống tại Kiên Giang thường xuyên qua trạm BOT T2 và từng nhiều lần tham gia phản đối vị trí đặt trạm thu phí T2 cho hay đối với những sai sót của Bộ này trong thời gian qua đây thì vị trí cuối bảng là điều hiển nhiên:
“Trong 2 năm vừa rồi Bộ Giao thông – Vận tải gặp nhiều cái bị dân phản đối nhiều nhất về BOT, chính sách cho doanh nghiệp làm BOT, mang tính lợi ích chồng chéo nhiều, không làm lợi cho dân.”
Trên thưc tế, tình trạng người dân phản đối các trạm BOT diễn ra ngày càng nhiều tại hầu hết tất cả những trạm thu phí tại quốc lộ trên cả nước.
Nguyên nhân được cho rằng nhiều dự án BOT chi phí cao, thời gian thu vốn dài nhưng chất lượng đường xá không tốt, thậm chí có những dự án không phải làm đường mới hoàn toàn theo BOT mà chỉ làm những việc đơn giản như trải thêm lớp nhựa mới hoặc mở rộng thêm một chút đường cũng tính như một con đường mới.
Ngoài ra, việc đặt trạm sai vị trí, thậm chí không phải trên tuyến đường xây dựng… đã gây ra phản ứng không chỉ riêng từ những tài xế mà cả dân thường.
Ngoài những bất cập vừa nêu, anh Nguyễn Minh Hùng còn cho rằng chính sách đầu tư Bộ Giao thông – Vận tải không hiệu quả. Anh dẫn chứng:
“Ví dụ như họ chỉ chăm chăm vào làm đa số dự án ngoài bắc như đường xá, giao thông. Có những đường xá, giao thông chưa cần thiết lắm nhưng họ mở lên mà lưu lượng xe không nhiều. Mới đây họ dự định làm 2 đường sắt nữa trong khi dự án Cát Linh – Hà Đông vẫn đắp chiếu, chưa biết tính hiệu quả thế nào. Theo Hùng họ không chăm lo lắm về giao thông miền trung và miền nam, đặc biệt là miền tây, một vựa lúa và nông nghiệp lớn của cả nước nhưng đường xá của miền tây và miền nam rất tệ. Hùng thường xuyên đi công tác đường đó và thấy ách tắc giao thông.”
Trong báo cáo ‘Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương –MOBI 2018’ do Liên minh minh bạch ngân sách phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam thực hiện được công bố vào ngày 30/7/2019, Bộ Giao thông vận tải được đánh giá có tổng chi ngân sách lớn nhất trong 40 bộ nhưng thiếu minh bạch.
Cụ thể, Bộ Giao thông – Vận tải chi ngân sách khoảng 58,56 nghìn tỉ đồng trong năm 2019 nhưng điểm công khai ngân sách của bộ chỉ đạt 3,7 điểm, xếp thứ 13 trong tổng số 17 đơn vị có điểm MOBI.

Vì thế, dưới góc nhìn chuyên môn, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải và cũng là nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng đánh giá thấp về cải cách hành chính của Bộ Giao thông – Vận tải là đúng. Đây cũng là một đánh giá trung thực, khách quan, không hề có cái gọi là do định kiến mà là do thực tế không thay đổi được ở Bộ Giao thông lâu nay họ rất chậm sửa đổi nên xảy ra tình trạng đó.
Bà Phạm Chi Lan nhận định những sai phạm của Bộ Giao thông – Vận tải đã diễn ra từ lâu và qua nhiều đời Bộ trưởng. Bà giải thích:
“Lĩnh vực hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược trọng điểm của Việt Nam, tận dụng vị thế đó nên các dự án hạ tầng do Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì rất nhiều, chiếm phần gần như lớn nhất của ngân sách. Ngoài ra cũng dựa vào các quy hoạch được đưa ra được chính phủ hoặc các cấp khác phê duyệt, kể cả quy hoạch đến tận năm 2040-2050 thì họ vẫn muốn đề xuất làm sớm. Vì vậy nên nhìn vào nhiều người thấy rằng nhóm lợi ích ở đấy quá lớn, ham dùng tiền ngân sách cho những dự án khác nhau.
Thông thường nhiều yêu cầu của Bộ Giao thông – Vận tải không đạt được yêu cầu về công khai, minh bạch hay tính khả thi cần thiết của nó mà thường thiên về cách làm thiếu minh bạch hoặc không rõ ràng, dễ bị thực hiện một cách bóp méo đi.”
Bộ Giao thông – Vận tải vào ngày 18/5 trình Chính phủ hai phương án đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp BOT và khẳng định rằng nếu không tăng phí BOT nhiều doanh nghiệp nguy cơ thành nợ xấu.
Đề xuất này được đại diện Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam kiến nghị lên Chính phủ Hà Nội vào ngày 12/5 và đã vấp phải phản đối nhiều từ phía dư luận. Tuy nhiên Bộ vẫn tiếp tục đề xuất chỉ một tuần sau đó.
Nhiều người dân bất bình phải chăng do các doanh nghiệp BOT là sân sau của Bộ Giao thông – Vận tải nên nhận được những ưu đãi bất chấp dư luận như vậy?
Giải pháp
Do đó, trên các diễn đàn, phần lớn người dân đồng tình với việc Bộ Giao thông – Vận tải đứng cuổi bảng Chỉ số cải cách hành chính là việc chính đáng và hoàn toàn hợp lý.
Để có thể lấy lại được lòng tin của nhân dân và không ‘đội sổ’ 3 năm liền, anh Vũ Tân đưa ra đề nghị:
“Những người hiện tại đang không có năng lực thì nhà nước nên thuyên chuyển để những người có tâm với dân làm. Ở Việt Nam mình thấy đường xá xấy, phí cao và rất dày đặc.”
Đồng quan điểm vừa nêu, anh Nguyễn Minh Hùng cũng cho rằng Bộ Giao thông cần phải cầu thị lắng nghe và phải thay đổi dân sự vì nếu vẫn giữ dàn lãnh đạo với nhiều sai phạm như vậy thì họ vẫn tiếp tục cách làm cũ, vẫn ù lì và không có thay đổi gì.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính phủ Hà Nội cần cương quyết hơn với Bộ Giao thông – Vận tải, không nên để tình trạng này kéo dài mãi. Bà đưa điển hình:
“Những chuyện đơn giản như đặt trạm thu phí BOT tự động để tránh gian lận trong thu phí nhưng lại kéo dài từ năm này sang năm khác vẫn không thực hiện được trong khi việc đó không hề khó, chỉ mấy chục dự án chứ không nhiều mà không làm được. Chỉ ráo hoảnh trình nhà nước với chính phủ là chưa thực hiện được, xin lui tiến độ. Tôi nghĩ cần có trừng phạt hẳn hoi, không chỉ riêng với dự án mà cả Bộ Giao thông về những việc đó.”
Các lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam luôn nói mạnh về việc cải cách trong mọi lĩnh vực, mọi ngành và cần xử lý những yếu kém; thế nhưng thực tế những vấn đề thuộc Bộ Giao thông - Vận tải như vừa nêu đến nay vẫn tiếp diễn; thậm chí còn xấu hơn.