Trong phiên chất vất Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào sáng 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về thực trạng buôn bán ma túy tại Việt Nam ngày càng manh động, các loại tội phạm ngày càng liều lĩnh hơn, các đường dây buôn bán và vận chuyển với số lượng lớn liên tục bị phát hiện dẫn đến việc số lượng người sử dụng ma túy ngày càng nhiều và sẽ là mầm mống cho các loại tôi phạm khác. Do đó, các đại biểu đề nghị Bộ Công an đưa ra giải pháp để quản lý các đối tượng nghiện ma túy này.
Trả lời chất vấn trước Quốc Hội, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận tình trạng về tội phạm liên quan ma túy gia tăng đáng kể trong thời gian qua bắt nguồn từ việc bỏ quy định xử lý người nghiện ma túy khỏi Bộ luật Hình sự.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh rằng "Không được để số người nghiện ma túy tăng cao. Các đối tượng buôn bán chất ma túy sẽ rất vui với điều này vì khi số người nghiện tăng thì lượng tiêu thụ ma túy cũng tăng cao. Việc có quy định rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xử lý người nghiện ma túy"
Trước những bất cập này, vị bộ trưởng cho biết Bộ Công an sẽ nghiên cứu, xử lý về phòng chống ma túy và có thể khôi phục lại việc đưa những người nghiện vào diện tội phạm trong bộ Luật Hình sự.
Luật hình sự Việt Nam năm 1999 quy định những người nghiện ma túy phải cưỡng bức đi cai nghiện và thậm chí có thể bị tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tội phạm tái phạm có thể phải đối mặt án từ từ 2 đến 5 năm.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 130 trung tâm cai nghiện ma túy. Tất cả các trại này trước đây do Bộ Công an cai quản nhưng sau này do sức ép của quốc tế về vấn đề nhân quyền, chính phủ Việt Nam dần đổi các trung tâm thành cơ sở cộng đồng và tự nguyện vào năm 2013.
Người nghiện là người bệnh không phải tội phạm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, nếu đưa người nghiện vào diện xử lý hình sự sẽ không phù hợp. Vị luật sư giải thích:
“Trước đây việc xử lý vi phạm hành chính mà Việt Nam đã sửa vào năm 2009 tức là coi người nghiện ma túy là những người bị bệnh, nên bắt buộc phải đưa họ đi chữa bệnh, không xử phạt hành chính. Nếu người ta phạm tội thì xử lý hình sự về những tội như cố ý gây thương tích, tội giết người, tổ chức buôn bán trái phép chất ma túy. Những tội này trong bộ luật hình sự đã có quy định rồi nên nếu đưa người nghiện xử lý hình sự thì theo thôi nó không phù hợp.”
Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho biết người nghiện là người bệnh do đó cần đưa vào trại cai nghiện để chữa trị và tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chuyên gia tâm lý và nghiên cứu xã hội học cho chúng tôi biết:
“Từ trước đến nay người ta vẫn xem những người nghiện là người bệnh và chỉ khi nào nhìn nhận người ta là con bệnh thì mới có trách nhiệm trong việc giúp người ta cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho dù trong thực tiễn số người được cộng đồng, xã hội, chính phủ, gia đình… coi là bệnh tật cần phải cai nghiện tuy nhiều lần cũng có những sự cố vỡ trại này trại kia. Cho nên dù là sao đi nữa thì người nghiện vẫn phải được coi là người bệnh chứ không phải là tội phạm.”
Theo báo cáo thống kê của Bộ Công an vào năm 2018 trên toàn quốc có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tuy nhiên trên thực tế số người sử dụng ma túy cao gấp nhiều lần con số này. Chỉ riêng ba tháng đầu năm 2019, các cơ quan công an điều tra phát hiện hơn 6,500 vụ án ma túy và bắt giữ hơn 10,000 người.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc người sử dụng ma túy và các loại tội phạm tăng cao tại Việt Nam khiến các cơ quan chức năng không thể kiểm soát do đó việc đưa người nghiện vào diện tội phạm sẽ dễ dàng xử lý đối phó với những người này.
“Một khi nhìn nhận người ta như cộng đồng nhân dân thì sẽ có đối xử khác, còn khi là tội phạm hay hình thức chuyến tiếp có thể thành tội phạm thì sẽ có đối xử hoàn toàn khác nên đưa hết lại vào tội phạm để người ta có thể quy giảm, dễ dàng hơn công việc của họ trong việc đối phó với những người nghiện này. Khi nhìn nhận là tội phạm thì có thể bắt, triệu tập và thậm chí có thể là thượng cẳng tay hạ cẳng chân sẽ dễ hơn những người nằm trong quần chúng nhân dân.”
Một phụ nữ không muốn nêu tên, từng là học viên tại một trung tâm cai nghiện trước đây từng cho RFA biết về việc bị coi là tội phạm trong các trại cai nghiện:
“Mới bước vô phòng là bị ăn đòn rồi, đánh bầm dập như vậy đó, nó gọi, nó nói cái gì cũng nghe hết, đánh một trận đầu tiên là nói gì cũng nghe hết, quăng cho một bịch hột điều, kêu nửa tiếng xong, không xong là bị ăn đòn. Bữa nay là một mẫu mía, một đứa làm mấy trăm mét đó, đứa nào đứa nấy hăng hái làm, đứa nào mệt nghỉ tay một chút là cái cây giáng vô đầu liền. Đánh xỉu dội nước ra làm tiếp. Ban ngày làm không xong nó đánh chưa đủ, tối vô phòng đánh tiếp, đánh sao ngày mai làm cho kịp thì thôi.”
Từ năm 2011, tổ chức Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch đã công bố phúc trình nói rằng người nghiện ma túy ở Việt Nam bị giam giữ trong những trung tâm lao động cưỡng bách, không được điều trị đúng cách mà còn bị lạm dụng rất nhiều.
Ông Joe Amon, giám đốc y tế và nhân quyền tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết "hàng chục ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang bị giam giữ tại các trung tâm lao động cưỡng bức do chính phủ quản lý Đây không phải là điều trị ma túy, các trung tâm nên bị đóng cửa, và trả tự do cho những người này."
Cũng phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết dù công an đã gia tăng nỗ lực truy quét tội phạm ma túy và bắt giữ hàng tấn ma túy nhưng giá ma túy trên thị trường Việt Nam vẫn không giảm. Điều này cho thấy là tình hình buôn bán ma túy ở Việt Nam vẫn rất phức tạp. Do đó, Bộ Công an dự định sẽ có đề xuất vào Luật phòng chống tội phạm ma túy trong thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, ma tuý từ khu vực Tam Giác Vàng được đưa đến Lào vượt biên giới vào Việt Nam. Các loại ma túy sau khi được tập kết ở Việt Nam sẽ chia một số lượng nhỏ tiêu thụ trong nước; còn lại sẽ chuyển đi các nước khác trên thế giới. Từ đầu năm 2019, liên tiếp các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện tại miền Trung và TP HCM... Tổng lượng hàng thu giữ tới trên 3 tấn ma tuý đá, một tấn heroin và hàng triệu viên ma tuý tổng hợp.