Đề nghị này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có một đơn tố giác về tính xác thực của người dân Văn Giang về các tài liệu liên quan. Việt Hà có bài tường trình
Hơn 10 ngày sau vụ cưỡng chế ồn ào của tỉnh Hưng Yên vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, những người dân Văn Giang vẫn tiếp tục con đường đi tìm công lý để giữ lại đất ruộng của mình, chống lại việc cưỡng chế và bàn giao đất cho chủ đầu tư dự án khu đô thị Ecopark.
Tính xác thực của các văn bản?
Vào ngày 8 tháng 5 năm 2012, luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho người dân Văn Giang đã gửi một thư đề nghị đến ông chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ đề nghị làm rõ về tính xác thực của hai tài liệu có liên quan đến dự án này. Đó là quyết định số 303/QĐ-TTG ngày 30 tháng 3 năm 2004 và quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2004 của thủ tướng chính phủ. Trong đó quyết định 303 là về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm từ 2001 đến 2005 của tỉnh Hưng Yên. Quyết định số 742 là về việc giao đất thực hiện xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên.
Trả lời đài Á châu tự do về lý do đưa ra thư đề nghị này, luật sư Trần Vũ Hải cho biết:
"Tôi không quan điểm cho rằng nó là giả, có một số người nghi ngờ như vậy, nhưng tôi đề nghị văn phòng làm rõ việc đó. Tôi muốn xác định rõ xem rằng người ban hành thẩm quyền này là theo yêu cầu của chính phủ hay do thủ tướng quyết."
Tôi muốn xác định rõ xem rằng người ban hành thẩm quyền này là theo yêu cầu của chính phủ hay do Thủ tướng quyết.
LS Trân Vũ Hải
Trong thư đề nghị của luật sư Trần Vũ Hải, những quyết định này, căn cứ theo pháp luật Việt Nam, cần phải được chính phủ thông qua trong cuộc họp chính phủ hoặc lấy ý kiến từng thành viên và phải được đa số tán thành. Sau đó thủ tướng chính phủ mới ban hành quyết định.
Tuy nhiên, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng giả thuyết chính phủ đã có cuộc họp thông qua là chưa rõ ràng. Ông giải thích
"Giả thuyết cho rằng chính phủ đã thông qua tại cuộc họp 2 quyết định này là chưa xác thực. Vì trong căn cứ của quyết định của thủ tướng không thấy nói rõ là căn cứ theo nghị quyết nào hay cuộc họp nào của chính phủ."
Ngoài ra, luật sư Trần Vũ Hải cũng đặt một câu hỏi với văn phòng chính phủ, tại sao các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như vậy lại không được đăng trên cổng thông tin điện tử của chính phủ và công báo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước khi luật sư Trần Vũ Hải gửi bức thư đề nghị này đến văn phòng chính phủ, vào ngày 5 tháng 5 năm 2012, người dân Văn Giang cũng đã gửi một đơn tố giác khác đến bộ Công An. Trong đơn tố giác, người dân Văn Giang nghi ngờ có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của chính phủ để cưỡng chế thu hồi đất giao cho dự án Ecopark.
Hai tài liệu bị người dân nghi ngờ bao gồm quyết định 742 của thủ tướng do phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thay và văn bản số 1495/CP-NN ngày 31 tháng 10 năm 2003 của chính phủ về việc xin chủ trương sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng công trình cơ sở hạ tầng tỉnh Hưng Yên. Riêng quyết định 742 không có dấu của chính phủ và cũng không có dấu giáp lai theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu giám định, trả lời
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Văn Giang làm đơn đề nghị văn phòng chính phủ và bộ Công An
làm rõ tính xác thực của các văn bản này.
Theo đề nghị của người dân Văn Giang, vào ngày 19 tháng 10 năm 2009, văn phòng chính phủ cung cấp cho người dân một bản sao của quyết định 742 có dấu xác nhận sao nguyên bản chính, mà theo đơn tố giác của người dân thì hoàn toàn không đúng pháp luật.
Một người dân Văn Giang cho chúng tôi biết:
"Nhân dân chúng tôi đấu tranh mãi thì văn phòng chính phủ cho chúng tôi một văn bản là sao nguyên bản chính chứ không phải sao y bản chính. So sánh kích thước là chênh lệch. Người dân chúng tôi không thể xác định được cái nào đúng, cái nào sai thì chúng tôi đề nghị cơ quan pháp luật, và bộ công an giám định nhưng họ không trả lời đúng hay sai mà chỉ đưa con dấu mẫu của chính phủ, các cấp, mẫu dấu thế này, mà không nói đúng hay sai.
"
Người dân chúng tôi không thể xác định được cái nào đúng, cái nào sai thì chúng tôi đề nghị cơ quan pháp luật, và bộ công an giám định nhưng họ không trả lời đúng hay sai mà chỉ đưa con dấu mẫu của chính phủ, các cấp, mẫu dấu thế này.
Một người dân Văn Giang
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết đơn tố giác của người dân Văn Giang và thư đề nghị của ông không có liên quan:
"T
ố giác của người dân là chuyện của họ vì họ nghi ngờ. Bản thân họ đã gửi đơn rồi mà chưa thấy trả lời bằng văn bản, thì họ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ, đó là việc của họ.
Còn chúng tôi với tư cách là luật sư chúng tôi khi xem xét vấn đề pháp lý, chúng tôi đề nghị người ở nguồn gốc trả lời. Chúng tôi hy vọng là họ sẽ tôn trọng chúng tôi và trả lời. Còn nếu họ không trả lời thì sẽ là điều đáng tiếc
".
Luật sư Trân Vũ Hải đề nghị văn phòng chính phủ trả lời thắc mắc trước ngày 15 tháng 5 năm 2012. Trường hợp văn phòng chính phủ không thể trả lời theo thời gian đề nghị, luật sư sẽ thực hiện các bước tìm hiểu tiếp theo. Ông giải thích:
"Nếu sau ngày 15 mà không trả lời thì chúng tôi sẽ có quan điểm cho rằng văn phòng chính phủ không trả lời được có nghĩa là có khả năng không có văn bản này, không có cuộc họp này và việc đăng công báo cũng không có lý do. Trong trường hợp này chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ tư pháp, quốc hội và một số chuyên gia pháp lý có uy tín để làm rõ vấn đề pháp lý của các tài liệu này.
"
Nếu sau ngày 15 mà không trả lời thì chúng tôi sẽ có quan điểm cho rằng văn phòng chính phủ không trả lời được có nghĩa là có khả năng không có văn bản này, không có cuộc họp này và việc đăng công báo cũng không có lý do.
LS Trần Vũ Hải
Đối với người dân Văn Giang, việc đề nghị các cơ quan chính phủ điều tra tính xác thực của các văn bản này là hết sức quan trọng trong con đường đi tìm công lý đòi quyền lợi đất đai của họ từ nhiều năm nay. Một người dân Văn Giang cho biết:
"Cụ Hồ nói là nghề nông phải có ruộng, có trâu, và có cày cuốc. Người nông mà không có ruộng đất thì sống bằng gì. Hy vọng của nhân dân chúng tôi 3 xã nói riêng và và toàn nước nói chung là người nông dân phải có ruộng đất và công cụ sản xuất thì mới bảo tồn được nòi giống và con người".
Dự án khu đô thị Ecopark được phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt vào năm 2004. Đây là dự án do công ty Việt Hưng là chủ đầu tư trên diện tích 500 ha đất của 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Người dân ba xã không nhất trí mức đền bù quá thấp mà chính quyền và chủ đầu tư đưa ra vì vậy quyết tâm không giao đất. Chính quyền đã thực hiện cưỡng chế hai lần vào tháng 1 năm 2009 và lần gần đây nhất là ngày 24 tháng 4 năm 2012.
Theo dòng thời sự:
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội
- Thêm một vụ cưỡng chế đất gây bất bình
- Từ Tiên Lãng đến Văn Giang
- 3.000 công an, bộ đội đối đầu với 2.000 nông dân Hưng Yên
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Điện thoại của người dân Văn Giang bị khóa
- Dân khiếu kiện, chính quyền "ra tay"