Thay chức Chủ tịch TP.HCM khi dịch COVID-19 căng thẳng

Một quyết định điều chuyển công tác mờ ám?

“Theo một nguồn tin tôi được biết từ một người thân làm việc trong Chính quyền TP.HCM, một trong những nguyên nhân chính mà ông Phong bị điều đi là vì ông Phong không đồng ý sử dụng quân đội ở ngoài Bắc đưa vô Nam chống dịch COVID-19.”

Ông Lê Văn Đơn, một cư dân ở Sài Gòn, vào tối ngày 24/8 cho biết như vừa nêu khi đề cập đến thông tin ông Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước đó, vào ngày 20/8, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin Bộ Chính trị điều động ông Nguyễn Thành Phong làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ Chính trị, trong cùng ngày 20/8, đồng thời ra quyết định bổ nhiệm ông Lê Hải Bình giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; theo quyết định số 305-QĐNS/TW.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, vào tối ngày 24/8, lên tiếng nhận xét với RFA rằng quyết định của Bộ Chính trị điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Thành Phong là một quyết định trái với luật định hiện hành.

“Dựa vào Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’, ví dụ như quyết định điều chuyển ông Nguyễn Thành Phong rõ ràng rất là khuất tất. Bởi vì, một quyết định quan trọng tới như vậy mà lại không hề có số, có ngày gì hết. Trong khi đó, ông Lê Hải Bình thì có rất rõ ràng. Tôi muốn nhấn mạnh cùng vào ngày 20/8 thì chỉ có thông tin mang tính chất rất mờ ám mà cả chục trang báo lại không có trang báo nào cho biết quyết định điều ông Nguyễn Thành Phong mang số mấy và ngày ban hành của quyết định đó. Không hề có. Chỉ có một dòng thông tin chung, đó là Bộ Chính trị vừa quyết định ông Nguyễn Thành Phong như vậy…Thế thôi.”

Báo mạng Lao Động, vào ngày 23/8, cho biết Bộ Chính trị ra quyết định thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM đối với ông Nguyễn Thành Phong từ ngày 20/8. Mặc dù vậy, công văn Chỉ thị 11, được ban hành vào ngày 22/8, vẫn do ông Nguyễn Thành Phong trong vai trò Chủ tịch UBND TP.HCM ký.

Lao Động Online cho biết thêm rằng Hội đồng Nhân dân TP.HCM chưa có quyết định miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Thành Phong, cho nên ông Phong vẫn tại vị với vai trò đương kim Chủ tịch UBND TP.HCM.

nguyenthanhphong2021a.jpeg
Ông Nguyễn Thành Phong. SGGP

Hội đồng Nhân dân TP.HCM được nói là lên kế hoạch dự kiến sẽ bầu chọn tân Chủ tịch UBND TP.HCM vào ngày 24/8 và tiến hành miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Thành Phong. Sau đó, sẽ trình Thủ tướng phê chuẩn.

Theo một nguồn tin tôi được biết từ một người thân làm việc trong Chính quyền TP.HCM, một trong những nguyên nhân chính mà ông Phong bị điều đi là vì ông Phong không đồng ý sử dụng quân đội ở ngoài Bắc đưa vô Nam chống dịch COVID-19-Ông Lê Văn Đơn

Nhà bào Nguyễn Ngọc Già giải thích theo Điều 84 Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’, quy trình được thực hiện theo trình tự bao gồm Hội đồng Nhân dân TP.HCM miễn nhiệm Chủ tịch UBND TP.HCM, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Tiếp đến, kết quả miễn nhiệm phải được Thủ tướng phê chuẩn theo quy định tại Điều 83 của Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’.

Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng việc ông Nguyễn Thành Phong bị cho thôi chức Chủ tịch UBND TP.HCM được tiến hành theo quy trình ngược.

Tuy vậy, Đài RFA ghi nhận cũng có không ít ý kiến của người dân Sài thành tán đồng việc ông Nguyễn Thành Phong đột ngột bị điều chuyển công tác.

Ông Nguyễn Đình Đệ, người dân ở Thủ Thiêm, vào tối ngày 24/8, nói với RFA quyết định cho ông Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM là không bất ngờ và là điều tất yếu.

“Tại vì với cương vị là Chủ tịch của một thành phố mà ông Phong lãnh đạo, đặc biệt trong việc chống dịch bệnh quá tệ. Lệnh giãn cách xã hội áp dụng suốt gần ba tháng trời là ông Phong chưa hề có động thái nào hỗ trợ cho người nghèo, để cho người nghèo chạy tứ tung dẫn đến lây nhiễm cộng đồng tăng vọt lên. Đó là điểm dở của ông Phong.”

Ông Đệ còn cho rằng kể từ khi ông Trương Tấn Sang giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP.HCM và kéo dài cho đến ông Nguyễn Thành Phong, thì chính sách an sinh xã hội không được cải thiện nào tốt hơn cho người dân.

“Nếu một người dân vào bệnh viện thì việc đầu tiên là được hỏi ‘có bảo hiểm không?’ và ‘có tiền không?’. Không bảo hiểm, không tiền thì nằm đó. Còn trẻ con đi học thì bây giờ là đủ thứ phí. Có thể nói thẳng rằng nếu gia đình nào khó khăn thì con chỉ có dốt thôi.”

Ông Đệ và một số cư dân Sài Gòn Đài RFA tiếp xúc đều bày tỏ họ trông mong vào vị tân Chủ tịch UBND TP.HCM vừa được bầu chọn trong ngày 24/8/2021.

1a950fe8-df49-4fbe-911f-6b3326f64bb8.jpeg
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy: Người Thủ Thiêm cung cấp

Kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch Phan Văn Mãi?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Phan Văn Mãi được Hội đồng Nhân dân TP.HCM chính thức bầu chọn giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM thay cho ông Nguyễn Thành Phong, với sự tán thành của gần 98% đại biểu tham dự.

Những người dân mà Đài RFA trao đổi, ngay sau khi Chính quyền TP.HCM công bố ông Phan Văn Mãi là tân Chủ tịch, nói rằng họ mong muốn Bí thư-Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch-Phan Văn Mãi cùng với giới chức lãnh đạo của Chính quyền TP.HCM sẽ ra sức dập dịch COVID-19 để đời sống dân chúng trở lại bình thường, nâng cao phúc lợi an sinh xã hội cho người dân được ấm no sau cơn dịch bệnh hoành hoành. Bởi vì, theo như các cư dân ở Thủ Thiêm thì "Nói ngắn gọn là hơn hai tháng qua, người dân TP.HCM và người dân Thủ Thiêm đã chết đói rồi!"

Những người dân ở Thủ Thiêm còn kiến nghị với tân Chủ tịch Phan Văn Mãi rằng họ hy vọng ông Phan Văn Mãi sẽ giải quyết rốt ráo và dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm, đã kéo dài hơn hai thập niên qua trong sự trông đợi mỏi mòn của họ.

Tân Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, phát biểu khi nhận chức vụ vào ngày 24/8, nhấn mạnh rằng ông sẽ khẩn trương chỉ đạo tập trung cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch COVID-19.

Đối với riêng cá nhân tôi là một người đang sinh sống tại TP.HCM, tôi không có nhiều niềm tin đối với ông chủ tịch mới này. Bởi vì, ông này đã phát biểu mà có thể nói là dư luận rầm rộ lên tiếng chê trách thời gian qua. Đó chính là câu ‘Lấy sức dân lo cho dân’. Tôi thực sự không hiểu ông lấy cái gì trong dân để mà lo cho dân, trong khi người dân có thể nói rằng bị kiệt quệ, cạn kiệt và thoi thóp thở trong những ngày này-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên quan điểm của ông trước lời tuyên bố của tân Chủ tịch-Phan Văn Mãi:

“Đối với riêng cá nhân tôi là một người đang sinh sống tại TP.HCM, tôi không có nhiều niềm tin đối với ông chủ tịch mới này. Bởi vì, ông này đã phát biểu mà có thể nói là dư luận rầm rộ lên tiếng chê trách thời gian qua. Đó chính là câu ‘Lấy sức dân lo cho dân’. Tôi thực sự không hiểu ông lấy cái gì trong dân để mà lo cho dân, trong khi người dân có thể nói rằng bị kiệt quệ, cạn kiệt và thoi thóp thở trong những ngày này. Vì vậy, tôi hoàn toàn không có một chút niềm tin nào đặt vào ông Chủ tịch Phan Văn Mãi.”

Ông Lê Văn Đơn tỏ ra lo ngại nếu tân Chủ tịch-Phan Văn Mãi vẫn tiếp tục biện pháp kéo dài giãn cách nghiêm ngặt “ai ở đâu, ở yên đó” cùng với sự hiện diện của lực lượng quân đội hùng hậu thì có thể hiệu quả chống dịch bệnh không được như mong đợi.

“Với tôi, hình ảnh chống dịch bằng xe tăng, bằng súng đại liên thì kết quả chống dịch chưa biết như thế nào; nhưng chắc chắn một điều là đã gây cho người dân một sự sợ hãi đối với quân đội. Tại vì thực tế mà nói thì chống dịch đâu cần đến các thiết bị dữ dội như vậy.”

Bác sĩ Phan Xuân Trung, một bác sĩ thường xuyên công khai đóng góp ý kiến cho Chính quyền TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 24/8 rằng ông dự đoán trong những ngày cuối tháng tám và đầu tháng chín, con số người nhập viện do COVID-19 sẽ giảm mạnh.

Bác sĩ Phan Xuân Trung đề nghị Chính quyền TP.HCM nên có kế hoạch sớm tái lập sinh hoạt bình thường của xã hội trong thời gian một tuần nữa. Và cảnh báo việc giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây hậu quả nặng nề về mọi mặt.