Lê Hải An và những cái chết bí ẩn...

0:00 / 0:00

Cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An được cho là rơi từ lầu 8 xuống đất, một lần nữa nhắc nhớ dư luận về những cái chết trước đây của các quan chức cao cấp như Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, Trần Bắc Hà… mà đến bây giờ vẫn được coi là “những cái chết bí ẩn”.

Hôm 17/10/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Lê Hải An tử vong sau khi ngã từ tầng 8 của tòa nhà ở địa chỉ số 35 đường Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sau đó, thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GD&ĐT xác nhận Thứ trưởng Lê Hải An từ trần do tai nạn vào lúc 7h10 sáng 17/10/2019. Theo đúng thủ tục, thi thể ông An đã được cho là đưa đi khám nghiệm tử thi để cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết. Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái chết của vị thứ trưởng 48 tuổi này khi mới cách đây 2 tháng, ông đã ký một văn bản kỷ luật hàng loạt công chức do vi phạm quy chế thi cử...

Qua sự việc này nhiều người nhớ lại buổi trưa định mệnh 18/7/2019 khi báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam vào buổi sáng cùng ngày. Những thông tin sau đó khiến người dân lạc vào “mớ hỗn độn” không biết ông Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam hay chết trên đường đi cấp cứu…Và rồi những nghi vấn đó lại tắt ngấm đi khi truyền thông im bặt không thông tin gì về cái chết của ông Trần Bắc Hà nữa.

Với những gì đã xảy ra như chúng tôi vừa nêu bên trên, Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhận định rằng chính quyền đã nói dối:

“Từ trước đến nay, qua hàng loạt cái chết khuất tất, bất minh và bị nghi ngờ rất nhiều bởi dư luận như cái chết của Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cái chết ở Yên Bái hay là vụ Trần Đại Quang. Và cho tới bây giờ là trường hợp của ông Lê Hải An, tôi chỉ thấy một điều: khi bắt đầu xảy ra những cái chết đó thì cơ quan chính quyền lập tức nói dối; Nói dối liên tục nhưng lại không có hệ thống. Mạnh cơ quan nào cơ quan đó nói dối và đá nhau lung tung.”

Ông Phạm Chí Dũng dẫn trường hợp mới nhất là ông Lê Hải An. Vào buổi sáng ngày 17 tháng 10, khi xảy ra cái chết của ông Lê Hải An, Bộ GD&ĐT đã vội vã công bố rằng đó là một vụ tai nạn dù không có nhân chứng, không có vật chứng, không có camera ghi hình, không có hình ảnh nào cả. Ông kết luận:

" Dối trá là các phản ứng nhanh và nó đã trở thành các phản xạ có điều kiện ăn sâu vào các não trạng của các cơ quan của đảng Cộng sản. Và chỉ có thể rút ra một triết lý thế này đối với các quan chức của các cơ quan đảng Cộng sản: sự dối trá kéo dài từ lúc sống cho đến lúc chết."

Quay ngược lại cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang xảy ra vào ngày 21/9/2018, khi Ủy ban bảo vệ sức khỏe Trung ương loan tin rằng ông Quang mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa. Cái chết của ông Trần Đại Quang không khiến người dân ngạc nhiên nhiều bởi vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và bị “đầu độc” theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây được các facebookers cập nhật, phân tích hàng ngày thông qua mạng xã hội, trong khi báo chí chính thống thì im lặng.

Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh được báo chí loan chết ngày 13/2/2015 cũng gây ra nhiều nghi vấn bởi sự giấu diếm bệnh tình của ông Thanh. Nhà nước chỉ chính thức loan tin khi trên mạng xã hội đã tràn ngập tin tức, hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện ở nước ngoài.

Xa hơn nữa là cái chết bất ngờ của ông Phạm Quý Ngọ vào tối 18/2/2014, chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố quyết định về tạm đình chỉ nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Công an do liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.

Điều đáng nói là lúc bấy giờ nhà báo Như Phong đã loan tin trên mạng lúc 19g58 phút tối 18/2/2014 rằng ông Ngọ đã chết lúc 21g20 phút cùng ngày, có nghĩa là ông Phong biết trước giờ mất của ông Ngọ trước đó ít nhất là 1 giờ 22 phút.

Ông Nguyễn Bá Thanh.
Ông Nguyễn Bá Thanh. (AFP)

Với Nhà báo Võ Văn Tạo thì những cái chết như thế không phải bây giờ mới xảy ra và không phải chỉ Việt Nam mới có. Ông dẫn chứng:

“Đối với những cái chết bất thường, bất minh của cán bộ, người dân…thì không chỉ là đặc thù ở Việt Nam đâu mà ở Liên Xô, Trung Quốc cũng có.

Tôi nhớ có đọc cuốn “Nửa thế kỷ của ĐCS Trung Quốc và sự phản bội của Mao Trạch Đông” của tác giả Vương Minh - trước đây cũng là một trong những lãnh tụ của đảng cộng sản TQ. Trong đó đã nói từ năm 1930-1940 đã có những chuyện thanh trừng lẫn nhau bằng cách bỏ thủy ngân vô thực phẩm. Ở Liên Xô cũng thế. Chuyện bí mật thủ tiêu nhau rất là nhiều. Ở Việt Nam cũng vậy”.

Trở lại cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An, theo thông tin từ báo chí trong nước, sáng 17/10/2019 (cái ngày ông An chết), ông sẽ phải cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội đồng Quốc gia giáo dục tại trụ sở Bộ.

Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016-2021 viết trên Facebook cá nhân sau cái chết của ông An rằng:

"Chúng tôi làm việc với nhau tuy không lâu, nhưng biết An là người có năng lực và nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học. Một mất mát lớn cho tương lai ngành giáo dục."

Ông Võ Văn Tạo nhận định cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An là không bình thường. Ông An được cho là một người tài, một nhà giáo có năng lực, đặc biệt có tư tưởng giáo dục tiến bộ có khả năng làm Bộ trưởng Giáo dục thay thế ông Bộ trưởng hiện nay là Phùng Xuân Nhạ vào năm 2021.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Phạm Công Út nhận định sinh tử là chuyện bình thường và ‘Trời kêu ai nấy dạ’. Có những người là quan chức và khi bị bắt họ bị chết trong tù hay những quan chức đột tử cũng xảy ra nhiều, không chỉ những người thay thế những người bất tài vô dụng mới chết. Tuy vậy ông nhận xét:

“Tôi thấy những cái chết của những người có vị trí lớn trong xã hội, mạnh mẽ, có tài và được lòng dân (có thể nói trong số 4 triệu đảng viên cũng có những người được lòng dân) thì cái chết đến với họ có thể sớm hơn số mạng của họ.”

Mãi mãi là bí mật?

Sau cái chết của nhiều quan chức từ xưa đến nay, từ cấp cao cho đến cấp thấp gần như luôn gây nghi ngờ trong công chúng. Trên mạng xã hội có những câu mỉa mai như “Quan chức cộng sản hay rơi vậy nhỉ (?!)”.

Xe cấp cứu. Ảnh minh họa.
Xe cấp cứu. Ảnh minh họa. (AFP)

Điều đó quả không sai khi nhiều vụ quan chức rơi từ trên lầu xuống đất trong vài năm qua mà báo chí trong nước loan tin có thể kể ra như:

Giữa tháng 8/2019, ông Phạm Văn Khương - phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bị rơi xuống đất từ tầng 27 của tòa nhà Vinaconex 1.

Ngày 16/01/2019, ông Phan Tấn Nghị - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam - tử vong do rơi từ tầng 3 của trụ sở này xuống đất.

Ngày 29/10/2018, Nữ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang tử vong sau khi nhảy từ lầu 2 tại bệnh viện.

Ngày 13/7/2016, Thượng tá Huỳnh Hữu Khiêm đã rơi lầu 6 của trụ sở tử vong.

Ngày 4/11/2016, ông Lê Hoàng Vân, cán bộ công ty nhà nước rơi từ lầu 4 trường ĐH Bình Dương xuống đất tử vong.

Nguyên nhân cái chết được báo chí trong nước loan tải không hẳn khiến người dân tin tưởng, bởi nhà nước đã dối dân quá nhiều và người dân không còn bị mù thông tin như xưa sau khi họ có mạng xã hội.

Ông Phạm Chí Dũng phân tích:

“Khi mà các cơ quan chính quyền tố cáo một số phần tử trên mạng xã hội, các thế lực phản động đã tung ra những cái thuyết âm mưu về cái chết của Nguyễn Bá Thanh, của Trần Đại Quang, ở Yên Bái… cho đến Lê Hải An thì chính các cơ quan chính quyền cũng tung ra thuyết âm mưu vì họ không có cơ sở gì cả. Thật sự, cho tới nay, tất cả những cái chết mà tôi vừa đề cập là đều vẫn còn bị nghi ngờ rất lớn trong dư luận khi họ nhắc đến.”

Nhà báo Võ Văn Tạo thẳng thắn nêu quan điểm của ông khi ông cho rằng một xã hội độc tài và không minh bạch thì những cái chết trong xã hội đó cũng không minh bạch. Ông nói thêm:

“Việc khám nghiệm tử thi, điều tra có được công bố hay không, rồi công bố có đúng sự thật hay không lại là một việc khác. Người dân cũng chỉ biết đến thế.

Nhà nước chủ trương bưng bít quá nhiều nên giả sử lần này có công bố đúng chắc gì người dân đã tin."

Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út lên tiếng cho rằng sau cái chết cũng có những cuộc điều tra hoặc giải phẫu tử thi, giám định pháp y…nhưng người quan trọng nhất là gia đình của họ không lên tiếng nghi ngờ…họ chấp nhận cái chết đó là cái chết không có nghi vấn. Xã hội đặt vấn đề nghi vấn thì đó là quyền của xã hội, nhưng quyền cao nhất vẫn là gia đình họ, những người ruột thịt. Ông nói thêm rằng:

“Hãy dành cho gia đình họ lên tiếng, còn nếu họ sợ điều gì đó mà không lên tiếng thì lịch sử sẽ nói lại, và khi đó họ sẽ có chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của họ là có căn cứ.”