Tại phiên thảo luận của Quốc hội vào ngày 21 tháng 5, một số đại biểu nhắc đến yêu cầu Việt Nam cần có triết lý giáo dục.
Sau bao nhiêu năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vì sao đến nay vấn đề triết lý giáo dục lại trở nên bức thiết đối với Việt Nam như thế?
Theo tôi từ sau năm 1975, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa không có triết lý, mà tôi tạm gọi là triết lý mãnh lực đồng tiền. Vì vậy nó là cội rễ làm cho nền giáo dục ngày càng xuống dốc thảm hại.- Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn cho rằng việc xây dựng triết lý giáo dục là một việc làm vô cùng cấp thiết và chính phủ Hà Nội không nên chậm trễ hơn nữa.
Trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam có triết lý giáo dục là ‘Nhân bản, dân tộc và khai phóng’.
Giáo sư Lê Xuân Khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 giải thích rõ hơn về triết lý giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Nhân bản tức là nói về con người, lấy con người làm cơ sở cứu cánh. Cho nên, nền giáo dục phải chú trọng đến con người và phát triển con người toàn diện, một con người với giá trị phổ quát của nhân loại. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Nuôi dạy một đứa bé từ nhỏ đến lớn thành một trí thức thì trí thức đó có cơ sở của nhân loại và có cơ sở của Việt Nam để đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Đó là đặc tính dân tộc. Và thứ ba là vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Bởi vì Việt Nam trong hòan cảnh là một quốc gia chậm tiến; hay bây giờ người ta dùng chữ đẹp đẽ hơn, gọi là quốc gia đang phát triển do đó khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương. Đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.”
Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, triết lý giáo dục này đã không còn được sử dụng, và theo nhiều nhận xét thì hầu như Việt Nam đã không có triết lý giáo dục từ đó trở đi, như lời nhà báo Nguyễn Ngọc Già:
“Theo tôi từ sau năm 1975, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa không có triết lý, mà tôi tạm gọi là triết lý mãnh lực đồng tiền. Vì vậy nó là cội rễ làm cho nền giáo dục ngày càng xuống dốc thảm hại, không có gì đáng ngạc nhiên hết và những biểu hiện của việc xuống dốc thảm hại đó có lẽ quá nhiều và không cần phải chứng minh.”
Còn theo Sử gia Trần Gia Phụng, Nhà nghiên cứu sử học tốt nghiệp Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Huế năm 1965, hiện đang sinh sống tại Canada cho rằng nói cộng sản không có triết lý là không đúng:
“Họ có triết lý giáo dục, đó là triết lý dựa trên nền tảng Marxist – Leninist và cuộc tranh đấu giai cấp thành ra họ vẫn dạy triết học nhưng không áp dụng được vì người ta không thích. Cái quan trọng nữa là phải tôn trọng tuyệt đối giáo khoa. Giáo khoa là pháp lệnh tức là giáo khoa do người đảng viên cộng sản soạn dựa trên triết học Marxist – Leninist cho nên nó sai lệch, làm hỏng nền giáo dục.”
Trước đây, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là “triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.”
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng làm trong ngành giáo dục ở miền Bắc hơn 30 năm, đưa ra nguyên nhân vì sao Việt Nam lại không đưa ra triết lý giáo dục chính thức được:
Quốc hội hay ngành giáo dục không muốn một triết lý giáo dục nào ngoài những nguyên lý giáo dục cộng sản đề ra. Người ta ngại không bắt chước giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn giống thế giới và cũng không nghe một nhà khoa học nào. - PGS-TS. Mạc Văn Trang
“Quốc hội hay ngành giáo dục không muốn một triết lý giáo dục nào ngoài những nguyên lý giáo dục cộng sản đề ra. Người ta ngại không bắt chước giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn giống thế giới và cũng không nghe một nhà khoa học nào mà cứ coi như nguyên lý giáo dục của đảng, nghị quyết của đảng là sáng suốt nhất, là chân lý rồi.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, triết lý giáo dục cần được dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ và sử dụng những từ dễ hiểu:
“Tôi nghĩ triết lý giáo dục hiện nay là Trách nhiệm – Thành thật – Tự do, còn triết lý thời Việt Nam Cộng Hòa là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. Triết lý đó cho đến nay vẫn còn giá trị, nhưng sẽ khó hiểu ở góc độ chữ nghĩa. Ví dụ như từ khai phóng đối với trẻ sẽ rất khó khăn, bởi vì có một thực tế là chữ nghĩa tiếng Việt trước 75 thì sau này mai một đi rất nhiều. Do đó cần phải gầy dựng lại một cách có hệ thống từng bước thì mới có thể hiểu được từ khai phóng. Nên theo ý tôi triết lý giáo dục hiện nay cần phải gọn, rõ, và rất dễ hiểu cho quảng đại quần chúng, đó là triết lý Trách nhiệm – Thành thật – Tự do.”
Vẫn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, không chỉ riêng đối với những biểu hiện bang hoại trong ngành giáo dục mà tất cả các thảm trạng của xã hội Việt Nam ngày nay đều được quy về tội ‘thiếu trách nhiệm’. Ông cho rằng theo chương trình học trước năm 75, học sinh được dạy làm ‘tròn trách nhiệm’ hoặc ‘chu toàn trách nhiệm’; chứ không như hiện nay cụm từ ‘vô trách nhiệm’ hay ‘thiếu trách nhiệm’ luôn phải được dùng đến.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nếu Việt Nam có triết lý giáo dục, thì triết lý đó cần bắt đầu với ‘trách nhiệm’, để mỗi đứa trẻ đều sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, và xã hội.