Đại biểu Quốc hội đề nghị tổ chức du lịch mùa bão lũ: ngớ ngẩn và lố bịch!

0:00 / 0:00

Hôm 8 tháng 11, tại phiên thảo luận tại Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đại biểu Nguyễn Minh Tâm thuộc đoàn Quảng Bình cho biết, Sở Du lịch tỉnh này đang nghiên cứu mô hình du lịch mùa thiên tai để kích thích nhu cầu du lịch của người dân bị ‘nén’ trong nhiều tháng qua do đại dịch COVID-19. Bà Tâm cho rằng, du lịch trong mùa bão lũ sẽ là những trải nghiệm đáng có trong cuộc đời mỗi người.

Nhiều phân tích cho rằng thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là miền Trung, những năm gần đây ngày càng trầm trọng do phá rừng và làm thủy điện. Năm ngoái, miền Trung bị đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão liên tiếp trong hai tháng 10 và 11.

Số liệu năm 2020 của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia cho thấy, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập và 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi... Tổng thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

Với phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình, nhiều người cho rằng đi du lịch đến Quảng Bình vào mùa bão lũ là vui chơi trên nỗi đau khổ của đồng loại, lấy nỗi khổ đau của đồng loại làm thú vui chơi cho mình.

Ông Phương Thuần, một người thích đi du lịch khắp nơi để chụp ảnh phong cảnh Việt Nam, nói với RFA tối ngày 8 tháng 11:

Nếu mình du lịch trong mùa bão lũ thì không còn thấy thú vị gì nữa hết vì thấy người dân nơi đó khổ sở. Nhà sập, người dân thì đói meo đói mốc ai mà đi chơi cho được. Nếu đi làm từ thiện thì ráng mà đi để giúp dân nghèo thôi. Ai mà đi chơi! - Ông Phương Thuần

“Mùa đó ai mà đi du lịch. Nước ngập lênh láng mà đi gì. Sau này lũ lụt nặng hơn thời xưa vì người ta phá rừng phá núi. Nước lũ một phần là do phá rừng, một phần là do các đập thủy điện xả lũ. Tôi nghĩ, nếu đi du lịch mùa lũ chẳng qua là những người thích mạo hiểm hoặc thích những cái gì khác lạ. Họ muốn chứng kiến những gì xưa nay họ chưa thấy thì họ đi, chứ bình thường không ai đi đâu.

Nếu mình du lịch trong mùa bão lũ thì không còn thấy thú vị gì nữa hết vì thấy người dân nơi đó khổ sở. Nhà sập, người dân thì đói meo đói mốc ai mà đi chơi cho được. Nếu đi làm từ thiện thì ráng mà đi để giúp dân nghèo thôi. Ai mà đi chơi!”

Theo bà Nguyễn Minh Tâm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Dù miền Trung đang bước vào mùa bão lũ nhưng việc tổ chức du lịch là điều cần làm vì “trong nguy có cơ”, phải tìm ra nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn. Giải pháp ưu tiên đó là ban hành các chính sách và triển khai các biện pháp an toàn để tạo sự tin tưởng cho khách du lịch.

Ông Phạm Bá Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Bình chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA sáng ngày 9 tháng 11:

“Quảng Bình thì chỉ Động Phong Nha thôi chứ ngoài ra cũng chẳng có gì. Các nhà thờ, nhà chùa thì cũng là bình thường. Bây giờ đang là mùa lũ, do đó việc đón khách vào Phong Nha chỉ là hãn hữu. Không ai dám vào. Đến hết tháng 11 thì mọi việc mới trở lại bình thường. Người ta còn phải coi con nước vì chỉ sau một đêm mưa, nước ra cửa hang nguy hiểm lắm. Tổ chức du lịch vào mùa bão thì không an toàn nên không ai dám tổ chức mà có tổ chức thì khách cũng không ai dám đi.

Du lịch Quảng Bình thì mỗi năm chỉ được sáu hoặc bảy tháng là yên ổn, còn lại lo tránh mưa, tránh bão là chính. Mùa mưa lũ thì không ai dám đi du lịch hết vì nước sông dâng lên cao, nước trong hang động xả ra. Thuyền bè cũng không ai dám đi. Người phục vụ không dám đi thì bản thân khách hàng cũng bị thiệt.

Đến Quảng Bình thì thứ nhất là tham quan hang động, thứ hai là tắm biển, nghỉ ngơi thư giãn. Đó là hai điểm chính. Biển Nhật Lệ thì chỉ tắm được vào mùa không mưa bão, không lạnh mà thôi.”

000_Hkg10235883.jpg
Hình chụp hôm 1/12/2015: người dân địa phương đi qua sông vào Công viên Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình. AFP

Động Phong Nha nằm trong vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sau khi vườn quốc gia này được công nhận là di sản thế giới, chính quyền tỉnh Quảng Bình chính thức bổ sung ngành du lịch là một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đầu năm nay, tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch đưa du lịch trở thành một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc bằng các hình thức du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp. Kế hoạch đề ra mục tiêu Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á.

Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người trong ngành, du lịch ở Quảng Bình chỉ khai thác được vào những tháng không mưa lũ.

Du lịch Quảng Bình thì mỗi năm chỉ được sáu hoặc bảy tháng là yên ổn, còn lại lo tránh mưa, tránh bão là chính. Mùa mưa lũ thì không ai dám đi du lịch hết vì nước sông dâng lên cao, nước trong hang động xả ra. Thuyền bè cũng không ai dám đi. Người phục vụ không dám đi thì bản thân khách hàng cũng bị thiệt.- Ông Phạm Bá Vinh

Anh Hải, một hướng dẫn viên du lịch ở tỉnh này cho hay:

“Hiện tại thì Quảng Bình đang vào mùa mưa bão, nước sông nước suối đang dâng lên. Hết tháng 11 mới hết mùa mưa bão. Muốn du lịch Quảng Bình thì phải chọn thời điểm từ tháng 12 trở đi cho tới tháng 9 hàng năm thì thời tiết phù hợp hơn. Từ tháng 9 tới tháng 11 thì không nên đi vì nếu gặp cơn bão thì cả ngày phải ở trong khách sạn.

Cũng có người tổ chức nhưng mà ít lắm bởi vì có một số hoạt động như chèo thuyền kayak trên biển không thể thực hiện trong những ngày mưa lớn. Nó không an toàn. Mùa lũ có những chỗ nước chảy xiết không đi được nên phải chờ giáp xuân thì lúc đó hết mưa lũ, chỉ có mưa xuân thì mới tổ chức du lịch được. Chứ mùa này đường ngập, sạt lở thì không có cách nào di chuyển được.”

Một số người dân khi trao đổi với RFA về “mô hình du lịch mùa thiên tai” của Sở Du lịch Quảng Bình đều cho rằng, các quan chức bây giờ có những ý tưởng hết sức ngớ ngẩn, lố bịch. Bao nhiêu năm qua, dường như người dân không còn quan tâm nhiều đến những phát ngôn sai lệch, ngớ ngẩn như thế nữa.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2013, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến vấn nạn tham nhũng đã nói: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ, bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ nên chúng ta phải sáng suốt”.

Đầu năm học 2019-2020, Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lại phát biểu: “Năm nay ngành giáo dục phải xác định việc dạy người, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh ưu tiên hàng đầu.”

Ngay khi nghe câu nói này, mạng xã hội tràn ngập những câu châm biếm như: “Chức bộ trưởng cũng nên được con người đảm nhiệm!”; “Còn Phùng Xuân Nhạ thì mọi lời tốt đẹp về giáo dục đều vô nghĩa!”...

Mới đây nhất là câu nói của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 12 tháng 10 năm 2021: “Tiền trong dân còn nhiều, làm sao để huy động được vào sản xuất”.