Thiên tai ngày càng bất thường hơn đối với Việt Nam

0:00 / 0:00

Việt Nam nằm cạnh Biển Đông và hằng năm phải hứng chịu chừng 20 cơn bão nhiệt đới. Bên cạnh đó còn có hạn hán, nước mặn xâm nhập vào mùa hè… Trong những năm gần đây, thiên tai có xu hướng bất thường hơn.

Ngoài thiên tai, hoạt động xả lũ, ngăn dòng để làm thủy điện… cũng gây nên những thiệt hại về nhân mạng và tài sản.

Thiên tai

Thiên tai trong năm 2018 đã làm 218 người thiệt mạng và gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng. Đây là thống kê được Tổng Cục Phòng chống thiên tai tổng kết đến ngày 20/12 và đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019, diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 21/12/2018.

Đáng chú ý, chỉ 6 tháng trước đó, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo sơ bộ thiên tai chỉ khiến 33 người thiệt mạng và mất tích, phá hủy gần 11.000 ha lúa và hoa màu với tổng thiệt hại ước tính hơn 808 tỷ đồng.

Hiện nay thiên tai có nguy cơ ngày càng bất thường hơn, cường độ lớn hơn, đôi khi nằm ngoài những quy luật so với nhiều năm trước. - TS. Lê Anh Tuấn

Như vậy, chỉ trong nửa năm, số lượng người thương vong và giá trị thiệt hại đã tăng lên đáng kể.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, tuy còn nhiều bất cập, nhưng nhờ những công tác ứng phó kịp thời và xin trợ giúp từ Chính phủ mà thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 đã giảm đi rất nhiều so với năm trước đó.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí hậu, ĐH Cần Thơ đánh giá rằng Việt Nam là một nước gặp rất nhiều thiên tai nên bộ máy ứng phó với khí hậu Việt Nam hình thành khá chặt chẽ. Từ Trung ương đến địa phương đều có những bộ phận lo về phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, việc khó nhất bây giờ là thiên tai khó xác định hơn và mức độ tàn phá nặng hơn:

“Hiện nay thiên tai có nguy cơ ngày càng bất thường hơn, cường độ lớn hơn, đôi khi nằm ngoài những quy luật so với nhiều năm trước, nên việc xác định thiên tai xảy ra ở mức độ nào hoặc đường đi của các trận bão hay nguy cơ mới là vấn đề chính, khó khăn nhất hiện nay.”

Theo nhận xét của ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Biến đổi Khí hậu tại Hà Nội, chính vì vậy mà nhà nước đã chú trọng hơn đến việc phổ biến thông tin dự báo thời tiết cho người dân trong năm 2018 để có thể giảm thiểu thiệt hại trong những đợt thiên tai:

“Cụ thể là trong bản tin dự báo thời tiết. ngoài việc dự báo không lại còn đưa ra những lời khuyên về mùa màng với canh tác nông nghiệp, và biến đổi khí hậu được nhấn nhiều thêm. Đặc biệt tôi thấy từ đầu năm nay có cả chương trình tính cả những cơn bão đi qua vùng biển Việt Nam. Trước đây thì những cơn bão vào đất liền mới được tính là bão.”

Nhân tai

Ngoài những biến đổi bất lợi từ phía mẹ thiên nhiên, những việc làm của con người cũng đã phần nào góp phần cho những thiên tai có sức công phá mạnh hơn, gây nên nhiều thiệt hại hơn.

Một căn nhà tại Bà Rịa - Vũng tàu bị bão số 9 đánh sập. Ảnh chụp ngày 26/11/2018.
Một căn nhà tại Bà Rịa - Vũng tàu bị bão số 9 đánh sập. Ảnh chụp ngày 26/11/2018. (RFA)

Minh họa cho dẫn chứng trên là vụ sạt lở núi tại Nha Trang vào tháng 11 năm 2018 đã khiến hơn mười người tử vong. Được biết, những người này bị giải tỏa nhà đất với giá rẻ mạt, nên phải tự lên các sườn núi chiếm đất làm nhà.

Lý giải về nguyên nhân lở núi trên, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ đưa ra lý do:

“Thứ nhất, rừng bị triệt phá làm những dòng chảy từ núi đổ xuống rất nhanh. Thứ hai, những rừng dọc theo ven bờ, ven biển, ven sông để bảo vệ đất, dưỡng đất thì bị những khu resort du lịch thay thế rồi.”

Bên cạnh đó, còn nhiều lý do khác cũng được những người quan tâm lên tiếng nhưng chính phủ Hà Nội chưa có biện pháp cụ thể để ngăn chặn. Điển hình như việc đốn gỗ lậu, chặt phá rừng phòng hộ, tài nguyên nước không hợp lý, hoặc đê biển, những công trình kiểm soát nước không đủ yêu cầu, cũng là những yếu tố gây gia tăng nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai.

Giải thích rõ hơn, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng rừng phòng hộ là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn bão lũ tại Việt Nam:

“Tôi nghĩ đây là chiến lược về lâu về dài phải làm, nhưng làm được tới đâu thì khó xác định lắm. Vì có địa phương làm tốt, có địa phương lại phá những rừng phòng hộ để vì những lợi ích cục bộ của những nhóm lợi ích khác nhau. Nên đôi khi thiên tai xảy ra, những việc đó làm cho trầm trọng thêm, như mất rừng phòng hộ gây ra nguy cơ lũ quét hay lũ ống xảy ra, làm cho thiệt hại về nhân mạng và tài sản lớn. Đó là trách nhiệm của từng địa phương.”

Hướng giải quyết cho năm 2019

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vào ngày 28/12/2018 có ban hành Công văn 210 về việc tổ chức tổng kết công tác Phòng chống thiên tai năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Mối quan tâm, nguồn tiền, chính sách và công nghệ sẽ ngày càng tập trung nhiều cho các vấn đề về thiên tai cũng như ứng phó biến đổi khí hậu. - Vũ Trung Kiên

Trước đó, vào ngày 25/12/2018, trong buổi tiếp ông Keiichi Ishii, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị phía Nhật hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại cho các dự án “Xây dựng Trung tâm Điều hành phòng chống thiên tai” và “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía bắc Việt Nam”; cũng như tiếp tục phái cử các chuyên gia về quản lý thiên tai đến làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Vũ Trung Kiên, chính phủ Việt Nam sẽ chú trọng quan tâm hơn đến các vấn đề về thiên tai, thảm họa và biến đổi khí hậu, sau khi ký thảo thuận Paris.

“Với cam kết trong thỏa thuận Paris cũng như các nguồn hỗ trợ của quốc tế thì một phần vì lợi ích quốc gia, một phần những ảnh hưởng do cả về thiên tai lẫn do cách thức canh tác nông nghiệp, thì chắc chắn cả mối quan tâm, nguồn tiền, chính sách và công nghệ sẽ ngày càng tập trung nhiều cho các vấn đề về thiên tai cũng như ứng phó biến đổi khí hậu.”

Trong Nghị quyết 76/NQ-CP năm 2018 về công tác phòng, chống thiên tai do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 18/6/2018 cho biết nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, ước tính thiệt hại hàng năm từ 1-1,5% GDP.

Do đó, việc xác định thiên tai và hướng đi từ đó tìm ra những biện pháp ngăn chặn và cứu hộ kịp thời là điều cần được sự quan tâm nhiều hơn từ phía chính phủ để giảm thiểu những thiệt hại về người và của sau mỗi lần thiên tai đi qua, mà theo nhận xét của Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan là ngày càng dồn dập hơn, nhất là từ miền Trung đến miền Nam với xu thế hướng về phía Nam.