"Nhà nước vô lương tri khi tổ chức mừng chiến thắng 50 năm biến cố Mậu Thân"

0:00 / 0:00

Cư dân mạng tại Việt Nam bày tỏ sự bức xúc trước thông tin về Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, được Nhà nước tổ chức một cách long trọng, cũng như phản đối truyền thông nhà nước tiếp tục tuyên truyền sai sự thật về biến cố lịch sử này.

Mừng chiến thắng trên xác đồng bào

Truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin về lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”, diễn ra vào sáng ngày 31 tháng Giêng tại Hội trường Thống nhất, ở thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi lễ này được tổ chức cấp quốc gia, có sự tham dự đầy đủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Thông điệp chính của buổi lễ được Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao chói lọi, là đường lối đúng đắn của Đảng, mãi mãi là minh chứng sinh động của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tự Tư Cang), người đã có mặt trong cuộc tấn công vào Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968 phát biểu rằng đây là thắng lợi mang tính chiến lược của chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.

Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả...Tất nhiên là họ không bao giờ nhận lỗi về phía mình, nhưng lẽ ra họ cũng nên tổ chức một buổi lễ nào đó, gọi là cầu siêu cho các oan hồn bị chết một cách rất là đau xót trong bối cảnh chiến tranh<br/>-LS. Lê Công Định<br/>

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam dậy lên một làn sóng phẫn nộ trước các hoạt động tổ chức rầm rộ kỷ niệm mừng chiến thắng 50 năm biến cố Mậu Thân của chính quyền. Nhiều người lên tiếng phản đối Nhà nước Việt Nam ăn mừng trên cái chết của hàng ngàn thường dân vô tội bị sát hại trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định nói với RFA rằng thật là đáng tiếc khi Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm như thế sau 50 năm vì điều đó thể hiện một hệ thống vô lương tri từ xưa đến giờ không thay đổi:

“Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả. Bởi vì dù cho biện minh dưới bất kỳ gốc độ nào, thì lẽ ra họ cũng nên thấy rằng việc tổn thất nhân mạng rất là lớn trong một trận đánh như vậy. Tất nhiên là họ không bao giờ nhận lỗi về phía mình, nhưng lẽ ra họ cũng nên tổ chức một buổi lễ nào đó, gọi là cầu siêu cho các oan hồn bị chết một cách rất là đau xót trong bối cảnh chiến tranh.”

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, qua mạng xã hội Facebook nêu lên quan điểm cá nhân của ông rằng Nhà nước Việt Nam gọi cuộc tấn công Mậu Thân là thắng thì đó là một sự gượng ép; vì con số thương vong do chiến dịch Mậu Thân có được dự kiến trước hay không, bao nhiêu cơ sở trong nội thành bị lộ, bao nhiêu chiến sĩ vào Sài Gòn rồi mà không rút ra được, việc đánh vào thành phố và bị đánh bật trở lại có nằm trong kế hoạch hay không? Bác sĩ Võ Xuân Sơn lập luận rằng nếu các yếu tố vừa nêu đã được tính toán thận trọng trước khi tiến hành cuộc tổng tấn công, thì tại sao phải chọn cách chấp nhận hy sinh nhiều như vậy? Còn nếu không, thì làm sao gọi đó là chiến thắng?

Tiếp tục tuyên truyền sai sự thật

Những thắc mắc của Bác sĩ Võ Xuân Sơn và cũng là của một số đông cư dân mạng phần nào được Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam giải đáp.

Trước luồng dư luận về Hà Nội vẫn đánh dù lực lượng hy sinh quá nhiều và đã thất bại khi muốn giải phóng miền Nam trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, Đại tướng Phạm Văn Trà giải thích với báo giới quốc nội rằng đó là cách nhìn phiến diện, không hiểu đúng về ý nghĩa của chiến dịch Xuân Mậu Thân.

Báo mạng Dân Việt, vào ngày 31 tháng Giêng dẫn lời của Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương ở Ba Đình lúc bấy giờ đều xác định không phải đánh để giải phóng miền Nam Việt Nam ngay lập tức, bởi vì không thể địch nổi lại 50 vạn binh lính Mỹ và 1 triệu quân của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, Tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh mục đích của chiến dịch tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán , mà ông nói là “Mỹ không muốn ngồi thì cũng phải ngồi”. Do đó, những người lãnh đạo và cấp chỉ huy của chiến dịch Mậu Thân đã không phổ biến đến chủ đích cho cấp dưới, mà chỉ ra lệnh bộ đội và du kích ở miền Nam dốc hết sức để đánh một trận quyết định như trận đánh cuối cùng, nhằm để họ hăng hái và quyết tâm khi xung trận.

Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội, một số tài liệu được cư dân mạng lan truyền trong những ngày qua, cho thấy những gì nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng-Tướng Phạm Văn Trà nói có điều vô lý. Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, từ Nha Trang vào tối mùng 1 tháng Hai nói với RFA:

Những thông tin tôi nắm được cách đây mấy chục năm đến giờ thì Hà Nội khi quyết định mở chiến dịch Mậu Thân là với quyết tâm giải phóng toàn bộ miền Nam, hoàn thành gọi là 'cuộc kháng chiến chống Mỹ' và chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn. Nhưng mà họ đã không lường được cái sức và phương pháp có nhiều cái sai, ngay trong ban lãnh đạo của Hà Nội thì không phải ai cũng thống nhất phương án này<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Những thông tin tôi nắm được cách đây mấy chục năm đến giờ thì Hà Nội khi quyết định mở chiến dịch Mậu Thân là với quyết tâm giải phóng toàn bộ miền Nam, hoàn thành gọi là ‘cuộc kháng chiến chống Mỹ’ và chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn. Nhưng mà họ đã không lường được cái sức và phương pháp có nhiều cái sai, ngay trong ban lãnh đạo của Hà Nội thì không phải ai cũng thống nhất phương án này.”

Không chỉ phản đối thông tin về mục đích cuộc tấn công Mậu Thân của Hà Nội mà Đại tướng Phạm Văn Trà cung cấp sau 50 năm, cư dân mạng còn chú ý đến chi tiết ông Đại tướng Trà kể lại lữ đoàn của ông dù đã hy sinh nhiều trong những trận quyết liệt, kéo dài 3 ngày từ ngày 15-18/02/1968 ở Cần Thơ, nhưng đã tập kích tiêu diệt được 1 đại đội lính Mỹ, thu 60 súng ER 15 mới tinh và một số trang thiết bị.

Cư dân mạng Hanh Nguyen, khẳng định thông tin này là không chính xác. Ông Hanh Nguyen cho RFA biết trong thời điểm biến cố Mậu Thân xảy ra, ông đang làm công việc dịch thuật cho văn phòng Phái bộ Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ-MACV (Military Advisory Command in Vietnam) và nơi đây chuyển dịch tất cả báo cáo, tài liệu quân sự trước khi phổ biến ra các cơ quan lẫn truyền thông. Ông Hanh Nguyen cho biết thêm ông và các đồng nghiệp vào thời điểm đó được giao phụ trách chuyển dịch tin tức quân sự liên quan hai vùng chiến thuật 3 và 4, trong đó có Cần Thơ:

“Phải thú thật rằng thông tin mà ông Tướng Trà mới vừa đăng trên báo chính thống nhà nước thì tôi chưa hề thấy và cũng chưa hề nghe, nên với tôi độ tin cẩn cho bản tin này rất là thấp.”

Ông Hanh Nguyen còn nhấn mạnh không rõ Đại tướng Phạm Văn Trà nói nhầm hay nhà báo viết sai vì Hoa Kỳ không có loại súng ER, mà chỉ có loại AR mà thôi.

Nhà nước phải làm gì?

Chúng tôi liên lạc với cựu Tổng Biên tập RFA, Ký giả Dan Southerland, người có mặt ở Sài Gòn và một số địa điểm ở miền Tây Nam Bộ trong biến cố Mậu Thân và được xác nhận thông tin vừa nêu rất lạ đối với ông. Ký giả Dan Southerland càng thấy lạ lẫm hơn vì đã 50 năm trôi qua thì không phải là thời điểm để khoe khoang chiến tích, mà điều Chính phủ Hà Nội cần làm là hàn gắn vết thương chiến tranh cùng hòa giải dân tộc.

Chúng tôi cũng ghi nhận không ít các cư dân mạng thuộc thế hệ 8X và 9X còn so sánh sự đối nghịch giữa các tin tức từ truyền thông nhà nước về sự kiện kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân với bản tin của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) phát hành vào ngày 31/01/1968, ghi rõ người phát ngôn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và người phát ngôn Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tố cáo “Mỹ và tai sai trắng trợn phá hoại ngày tết của nhân dân ta”. Những cư dân mạng trẻ tuổi đối chiếu các bản tin suốt 50 năm qua và đặt câu hỏi vì sao Nhà nước Việt Nam không nói đúng sự thật với những gì xảy ra trong lịch sử. Từ những thắc mắc không được giải đáp như thế, nhiều bạn trẻ đã tìm kiếm thông tin liên quan đến biến cố Mậu Thân và họ cũng bày tỏ nỗi thất vọng đối với Nhà nước trong dịp tròn 50 năm của biến cố này. Một cư dân mạng thế hệ 8X, ở Hà Nội chia sẻ với RFA:

Tết ở Huế không bao giờ vui cả. Chỉ là hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ bên trong rất là buồn...Chính quyền vinh danh và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân thì quá là bất nhẫn. Điều đó là điều không thể nào chấp nhận được<br/>-Cư dân mạng 8X <br/>

“Em có chơi với một số những người bạn ở trong Huế. Họ có những người thân là nạn nhân trong các cuộc thảm sát đó. Và cứ đến gần Tết là họ rất là buồn. Tết ở Huế không bao giờ vui cả. Chỉ là hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ bên trong rất là buồn. Những gia đình có người thân bị bắt bớ, bị thủ tiêu, bị giết hại trong thảm sát Mậu Thân không hề biết họ chết ngày nào, chỉ biết là mất tích thôi. Sau này có người tìm được xác, có người không. Thường thì người ta làm cái lễ giỗ chung, cứ đến Tết là giỗ, cứ hay gọi giống như là quốc tang vậy. Chính quyền vinh danh và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân thì quá là bất nhẫn. Điều đó là điều không thể nào chấp nhận được.”

Trong khi các cư dân mạng là những nhân chứng lịch sử mong muốn Chính phủ thừa nhận lỗi lầm cũng như cần có những việc làm để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát thân nhân của hàng ngàn gia đình người dân Việt trong biến cố Mậu Thân, thì những cư dân mạng trẻ tuổi yêu cầu Nhà nước minh bạch hóa thông tin về biến cố lịch sử quan trọng này. Một vài bạn trẻ chia sẻ với RFA rằng nếu Nhà nước cố tình bưng bít và không tôn trọng lịch sử thì họ không khó để tìm hiểu và tiếp cận thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, nhưng đối với họ Nhà nước Việt Nam không xứng đáng là một nhà nước “của dân-do dân-vì dân”.