Thanh tra Chính phủ vào ngày 9/4 ký quyết định thành lập tổ công tác phục vụ đối thoại với người dân khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tổ công tác gồm 8 thành viên và do ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ này gồm chuẩn bị nội dung, tổ chức đối thoại, ghi biên bản và phối hợp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để trả lời người dân khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, tổ công tác do ông Nguyễn Hồng Điệp dẫn đầu sẽ phải phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan chức năng địa phương để chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh trật tự buổi đối thoại với người dân khiếu nại trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhận xét về động thái mới này của chính quyền, ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm và cũng là người đại diện cho những hộ dân khiếu kiện nhiều năm cho rằng:
“Thanh tra Chính phủ lập tổ chuẩn bị những công đoạn sẽ đối thoại chứ không phải tổ này có chức năng đối thoại với dân. Họ làm như vậy để xoa dịu dân vì chính phủ hứa đối thoại với dân mà kéo dài từ năm này qua tháng khác, chắc cũng không được gì. Bây giờ mà đối thoại sẽ phanh phui toàn bộ sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sai từ A-Z chứ không phải một vài công đoạn, sai ngay từ đầu, không có gì đúng. Thành ra đối thoại sẽ phơi bày ra ánh sáng hết.”
Ông Cao thăng Ca khẳng định rằng Thanh tra chính phủ để sai phạm này kéo dài cả 20 năm nay mà không giải quyết được thì Chính phủ cũng phải có trách nhiệm. Vì vậy, hiện nay các bên đang phân vân trong việc đùn đẩy trách nhiệm.
Còn theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân khiếu kiện Thủ Thiêm hàng chục năm qua, nhận định rằng ông không trông mong gì vào kết quả đối thoại lần này vì trong suốt những năm qua, dù có đối thoại bao nhiêu lần thì chính quyền chỉ nói nhiều chứ không làm.
Vì vậy, Mục sư Quang cho rằng mâu thuẫn sẽ ngày càng nhiều thêm nếu phía lãnh đạo không tôn trọng pháp luật quốc gia, những văn bản quy phạm pháp luật của cấp thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt, mà chỉ tôn trọng văn bản khác chứ không chịu tôn trọng văn bản gốc. Ông tiếp lời:
“Người Thủ Thiêm đối diện với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban cán sự đảng của thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân, toàn những nhân vật cao cấp thời kỳ ông Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương, rồi thời nay ông Trọng nên mất khả năng giải quyết, chứ nếu mà họ muốn, họ tôn trọng pháp luật, họ vì dân chỉ cần 1 nốt nhạc là họ giải quyết được. cho cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp độc lập, Hội luật sư độc lập, khách quan xem xét văn bản pháp luật sai chỗ nào, đúng chỗ nào là xong. Mà họ không chịu làm, việc rành rành mà cứ đòi đối thoại.”
Với kinh nghiệm làm trong ngành luật pháp lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh vào tối 9/4 nhận định với RFA rằng nhận xét của người dân về chuyện chính quyền không muốn giải quyết những khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm là có cơ sở. Ông giải thích:
“Quy định về đất đai, vấn đề bồi thường… thì mặc dù bối cảnh hiện nay luật pháp chưa hoàn chỉnh nhưng để xử lý vấn đề Thủ Thiêm là hoàn toàn có quy định rồi, có thể có lý do chính quyền chưa xử lý dứt điểm được. Một trong những điều tôi nghĩ chưa làm được là do nếu bồi thường đúng cho người dân thì nguồn kinh phí rất lớn, bây giờ tìm đâu ra kinh phí để bồi thường cho dân là cả vấn đề. Vấn đề thứ 2 là vấ đề xử lý những người vi phạm. Thật ra vi phạm của họ quá rõ ràng nhưng xử lý quá chậm chạp, nếu xử lý từng vi phạm thích đáng, có công lý ngay cho người dân thì trong chừng mực nào đó cũng vuốt ve được người dân, người dân giải tỏa được sự bức bối. Vấn đề còn lại là chờ bồi thường họ vẫn có thể chấp nhận được, còn đây cả 2 vấn đề đều không có sự tiến triển phía trước.”
Vì vậy, dưới góc độ người dân phải đi khiếu kiện trong nhiều năm qua, ông Cao Thăng Ca bày tỏ mong muốn của dân Thủ Thiêm là yêu cầu chính quyền giải quyết thỏa đáng.
“Nếu cứ kéo dài thì tất cả mọi người đều mòn mỏi và chính quyền cũng mệt mỏi hơn vì tất cả những khu đất vàng ở Thủ Thiêm khi bán đấu giá thì cũng không ai dám mua do đất lấy được của dân là đất trái pháp luật, không có quyết định thu hồi đất, cưỡng chiếm đất của dân đi bán, không ai mua nên người ta cũng bị tê liệt. Hiện nay theo tôi chính quyền còn mong muốn giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm hơn người dân vì có đất nhưng không bán được nên cần bán được để có kinh phí trang trải.”
Trước đó, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất cuộc tiếp xúc đối thoại với người dân Thủ Thiêm có khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch. Theo tin từ báo trong nước đăng tải, buổi đối thoại dự kiến diễn ra từ ngày 17-22/2. Tuy nhiên, vì lý do tình hình dịch bệnh Coronavirus bùng phát nên tạm thời vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại với người dân.
Trong hàng chục năm qua, người dân bị cưỡng chế nhà phi pháp ở Thủ Thiêm đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương đề nghị Chính phủ lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các vấn đề liên quan đến Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể, họ yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong quá trình đền bù, giải tỏa, tái định cư...
Thanh tra chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố đã nhiều lần tiếp xúc đối thoại với người dân Thủ Thiêm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân.
Do đó, ông Cao Thăng Ca cho rằng lần đối thoại sắp tới vẫn không thể giải quyết được vấn đề mà sẽ còn "kéo dài ít nhất 2-5 năm bởi vì chính quyền không có thiện chí giải quyết!"