Việt Nam: Tiến tới cuộc ‘Đổi mới’ mới và tìm bệnh căn cho ‘khối ung thư’ phải gỡ bỏ

Ba mươi bảy năm đã trôi qua, kể từ cuộc ‘Đổi mới’ lần thứ nhất do Đại hội ĐCSVN lần thứ 6 phát động, nay đã tới lúc bước sang cuộc đổi mới một lần nữa. Lần này Việt Nam cần làm triệt để hơn để hội nhập tốt với thế giới, chủ động hướng tới tương lai. Tuy nhiên để làm được việc đó thành công, Việt Nam cần tự tháo gỡ được một số vấn đề như một ‘khối ung thư’ mà lâu nay cản bước, trong khi mỗi người dân cần có tinh thần ‘cầu tiến’ thay vì ‘cầu an’ để tham gia, giúp sức. Đó là ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, nhà nghiên cứu kinh tế từ Sài Gòn, người từng là cố vấn của ban lãnh đạo Nhà nước và ĐCSVN thời kỳ trước đây về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

“Việt Nam xuất phát từ một nền kinh tế quốc doanh và doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp của nhà nước, từ 20 đến 30 năm nay, Việt Nam đã cổ phần hóa hầu hết tất cả những doanh nghiệp nhà nước đó, còn lại một số còn đương có sự quản lý trực tiếp của nhà nước,” kinh tế gia Bùi Kiến Thành trong phần hai cuộc trao đổi của mình hôm 29/5/2023 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do mà đầu tiên ông đi từ góc độ quan sát cách thức và quan niệm quản lý nền kinh tế, ông nói tiếp:

“Nhưng chúng ta (Việt Nam) ở đây cần thẳng thắn với nhau, đừng ngần ngại vấn đề danh chính, bởi vì không dám nói đến ‘tư nhân hóa’ (privatization) của nền kinh tế, mà lại nói rằng ‘cổ phần hóa’ để tránh một vấn đề chính trị của một từ ngữ là ‘tư nhân hóa’ nền kinh tế. Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật, và nói rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt không phải là do thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ chốt chủ động, mà vai trò đó phải là của và bởi kinh tế của quốc dân, của toàn dân, đó là tinh thần của chính sách Đổi mới từ năm 1986, mà đến nay Việt Nam chưa làm hết, vì vậy phải làm rõ vấn đề đó.

Do đó Việt Nam cần phải quyết tâm, hãy tư nhân hóa nền kinh tế một cách rõ ràng và hãy tổ chức mọi điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển, chứ đừng giành giật lại những thành phần nào đó để giao cho doanh nghiệp nhà nước, để rồi quản lý không đến nơi, không đến chốn, lỗ triền miên, tình trạng đó là điều mà chúng ta đang thấy qua những dự án đang chết đứng, chết ngồi mà do Bộ Công thương quản lý v.v…

Những cái đó, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết, xóa bỏ hết tất cả và tiến tới một nền kinh tế quốc dân, một nền kinh tế hiện đại và vì vậy Việt Nam phải xây dựng những cơ sở để làm những việc đó, mà trước hết là xây dựng tinh thần, xây dựng ý chí để tiến tới một nền kinh tế hiện đại, hội nhập với nền kinh tế thế giới.”

dcsvn.jpeg
Một người đàn ông đang sơn tấm biển cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội (hình minh họa). Reuters

Né tránh từ ngữ chính trị, hay là sách lược để ‘đầu xuôi, đuôi lọt’?

RFA : Ông nói không nên 'né tránh' từ ngữ vì 'nhạy cảm' chính trị, nhưng phải chăng tại Đại hội Đảng của BCHTW ĐCSVN lần thứ 6, cũng đã có sự cân nhắc nào đó về từ ngữ văn kiện nghị quyết liên quan đường lối đổi mới cơ chế quản lý, thể chế kinh tế, thậm chí nhiều hơn thế, mà ĐCSVN đã chưa thể gọi tên cho tương xứng, triệt để?

Ông Bùi Kiến Thành: Hoàn cảnh lúc đó về vấn đề chính trị, về vấn đề của tổ chức mà ĐCSVN chưa thể nào thấm nhuần được nền kinh tế thị trường là như thế nào, vì vậy văn kiện nghị quyết của Đại hội đảng mới có những 'cái đuôi' đi tiếp theo viết rằng 'nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường', chưa dám nói rằng 'đây là nền kinh tế thị trường', mà chỉ dám nói 'vận hành theo cơ chế thị trường', tới đó rồi lại còn sợ đảng viên chưa chấp nhận, nên lại móc thêm một câu nữa vào đó là 'với sự quản lý của nhà nước'. Thành ra như thế nó gò bó lại cuộc cách mạng về vấn đề từ nền kinh tế 'quốc doanh' biến ra thành nền kinh tế 'dân doanh', gò bó bằng những điều, những cái đuôi móc theo đó để cho những đảng viên khỏi phải quá bỡ ngỡ và để cho Nghị quyết, văn kiện Đại hội đảng được thông qua, để mà được thực hiện.

Tới đó, cần đọc tiếp nữa để thấy điều thú vị trong văn kiện Đại hội đảng lần thứ 6 đó, Nghị quyết nói ‘với sự quản lý của nhà nước’, nhưng câu hỏi đặt ra là để làm gì? Cứu cánh, tức là mục đích cuối cùng của nó, được nêu ra là để cho ‘dân giàu, nước mạnh’. Đấy là một cuộc cách mạng vĩ đại khác, bởi vì chủ nghĩa cộng sản không phải là ‘dân giàu’, chủ nghĩa cộng sản là ‘vô sản’, là ‘prolétariat’.

Bây giờ văn kiện Nghị quyết Đại hội đưa vào một quan niệm là ‘dân giàu’ thì ‘nước mới mạnh’, thì đó là cả một cuộc cách mạng vĩ đại khác, theo tôi, trong vấn đề chính nghĩa và cũng có thể nói là chính sách mà có thể nói là ‘dân giàu, nước mạnh’. Thế nhưng như thế cũng chưa đủ, ‘dân giàu, nước mạnh’ để làm gì? Đích tiếp theo đầy đủ hơn phải là ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’.

Đến đó, rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng cứu cánh trong mục đích mà Việt Nam đi tới không phải chỉ cho và trong vấn đề kinh tế, mục đích Việt Nam đi tới là một xã hội ‘dân chủ, công bằng, văn minh’, thì việc ấy là việc mà chúng ta cần phải làm, và ngày nay Việt Nam cần phải làm, và phải nêu lại, nêu rõ vấn đề rằng mục đích cứu cánh của Việt Nam không phải là xã hội độc đảng, mà cứu cánh của Việt Nam là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đó theo tôi là công việc mà những ngày tháng tới đây, trong tương lai ngay tới đây, mà Việt Nam cần phải làm theo định hướng để Việt Nam đi tới một xã hội hội nhập cùng với thế giới, trong đó chúng ta là một xã hội ‘dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền’, chứ tôi nhắc lại không phải là một xã hội ‘độc tài, độc đoán’, và tôi nghĩ Việt Nam bây giờ cần phải đặt vấn đề như thế.

Đốt lò mới ‘đạt một phần’ kết quả, nhưng ‘chưa thực căn cơ’

RFA : Ông vừa nói tới 'bây giờ', nhân đây ông đánh giá thế nào về chiến dịch chống tham nhũng vấn được gọi là 'đốt lò', 'củi lửa' ở Việt Nam mấy năm trở lại đây? Cái được và chưa được của nó là gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Cố gắng bài trừ tham nhũng đã được Đại hội ĐCSVN kỳ 11 rồi 12, cách đây ít nhất đã mười năm rồi, đặt ra. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đạt được phần nào nhưng thực sự nó chưa phải là căn cơ. Căn cơ ở đây là ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản đã bị con sâu mọt, con virus tham nhũng ăn sâu vào trong cơ chế, trong xương tủy của Đảng Cộng sản, vì vậy lãnh đạo của ĐCSVN phải nhìn cho rõ căn bệnh căn cơ của mình như thế nào để mà giải quyết, chứ không phải là chỉ đốt một vài cành củi, hay đốt cái này, cái nọ lặt vặt, chống tham nhũng là vấn đề cần làm, nhưng cách làm như 'Đốt lò' như thế không phải là căn cơ.

Căn cơ là gì? Ở đây tôi chỉ nói một trong những vấn đề tham nhũng căn cơ của Đảng Cộng sản chính là đạo luật đất đai của Việt Nam, chính sách này trao quyền cho nhà nước có sự sở hữu và quản lý đất đai, và từ đó đi đến cho tới tỉnh, tới quận, tới phường, cho tới cả cấp xã, mấy người cán bộ xã cũng được quyền giải quyết về vấn đề đất đai, như vậy là một trong những nguồn tạo ra tham nhũng ở đất nước này.

Vì vậy tôi trở lại và nhấn mạnh là phải xóa bỏ Luật đất đai đó đi, làm một Luật đất đai mới hoàn toàn trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho người dân, áp dụng cho toàn dân, và nhà nước chỉ được sở hữu những cái nào mà nhà nước cần phải quản lý, và nhà nước không thể nào là chủ đất đai của toàn dân được, riêng thay đổi đó sẽ làm giảm bớt được phần nào hệ lụy về tham nhũng.

Nhưng cái đó cũng chỉ là một phần thôi, như tôi đã nói và ý của tôi là chúng ta phải tìm cho rõ những căn cơ khác của căn bệnh tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam là gì để mà giải quyết. Và chúng ta phải cần có một sự ‘hội chẩn’ của những bác sỹ, tức là sự ‘hội chẩn’ của những nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, đó là điều Việt Nam cần phải làm và làm càng sớm, càng tốt.

Còn nếu không, chỉ chữa bệnh theo lối mắc bệnh ‘ung thư’ mà cho uống aspirin, thì không thể nào giải quyết được vấn đề ung thư. Và nếu chúng ta không giải quyết được căn bệnh ‘ung thư’ của đảng Cộng sản ở Việt Nam, thì chúng ta cũng sẽ chết về vấn đề ung thư mà thôi.

Vì thế, câu hỏi đặt ra là ban lãnh đạo có muốn để cho đảng Cộng sản chết vì ung thư hay là không? Nếu không muốn để cho đảng chết, thì phải giải quyết vấn đề bệnh căn, bệnh nguồn của ung thư đó là cái gì, cái đó là cái mà tôi khuyến cáo ban lãnh đạo của đảng Cộng sản ở Việt Nam nên lưu ý.

dcsvn khoa 13.jpeg
Các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam khoá 13 chụp hình chung tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (minh hoạ). AFP

RFA : Trong lúc chờ đợi có một cuộc 'hội chẩn' như vậy, tạm thời theo giả thuyết ông đặt ra, theo ông những nguyên nhân chính khác của căn bệnh 'ung thư' đó là gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Ngoài vấn đề Luật đất đai đến nay là một căn cơ, thì căn cơ thứ hai là cơ chế về quản lý đảng viên, cái đó cần phải xem lại. Đừng tạo ra điều kiện như tới giờ, nghĩa là để cho đảng viên mua quan, bán chức, rồi khi có được chức quyền rồi thì áp đảo nhân dân. Tôi vẫn thường nghe, chẳng hạn, chuyện muốn có một cái chức Chủ tịch UBND Quận thì phải có bao nhiêu chục tỷ đồng để bỏ ra chạy, muốn làm được chức Giám đốc giao thông ở chỗ nọ, chỗ kia, thì phải bỏ ra mấy chục tỷ đồng để mua v.v… và v.v… Những cái tương tự như thế nhân dân đều biết hết, nên lãnh đạo phải thực sự quan tâm và nghiên cứu coi thử căn cơ của tham nhũng ở đâu.

Và cũng giống như một bác sỹ trị ung thư tốt, thì phải thực sự tìm ra chuẩn xác bệnh căn, rồi tìm cách giải quyết cho tốt, nếu không giải quyết được, thì bệnh nhân sẽ chết, đó là vấn đề mà tôi khuyến cáo những người có trách nhiệm của đảng Cộng sản ở Việt Nam nên đặc biệt quan tâm.

Còn một vấn đề nữa là vấn đề đảng Cộng sản chỉ đạo cho bên chính quyền, tức đảng chỉ đạo mọi chỗ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài chi tiết, cho tới chỉ đạo đến cả các bên lập pháp, hành pháp, tư pháp nữa v.v…, thì đó không còn là dân chủ nữa rồi, và cái đó là rất khó chấp nhận. Chúng ta vẫn nói là pháp quyền và nhà nước pháp quyền, thì đó là tam quyền phân lập. Ba nhánh phải độc lập và đứng riêng ra, trong đó ví dụ tư pháp phải được độc lập, để công lý được thực thi, để xét xử được công bằng, chứ không phải là xét xử theo sự chỉ đạo của đảng Cộng sản hay theo sự chỉ đạo của bất cứ ai cả, đó là vấn đề nguyên tắc, tư pháp phải công bằng, chứ không được theo sự chỉ đạo của ai hết cả. Những việc vi phạm đó chưa chấm dứt được, thì phải hướng đến chấm dứt.

Nói rộng ra, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa ra khỏi được sự tổ chức một cách có thể nói là cổ lỗ của vấn đề chỉ đạo của đảng Cộng sản đối với chính quyền. Do vậy mới có mô hình ở mọi cấp đều có một Chủ tịch UBND, rồi mọi cấp ấy lại có một Bí thư đảng, mà luôn luôn là Bí thư đảng đó (thành ủy, tỉnh ủy, huyện ủy, quận ủy, đảng ủy xã, phường), chỉ đạo Chủ tịch UBND.

Điều trái khoáy này xảy ra từ bao giờ rồi mà thành nếp mãi như vậy? Chủ tịch UBND là đại diện cho nhân dân, thế mà lại bị lãnh đạo bởi ĐCS, ở đây là Bí thư đảng chỉ đạo, mà cái mô hình này còn đi vào tới tận bệnh viện, trường học, thậm chí doanh nghiệp v.v… đủ chỗ, thì như thế đâu còn là dân chủ nữa. Đấy là thêm một bệnh căn khó chấp nhận, nó cho thấy Việt Nam vẫn chìm sâu trong quỹ đạo của một chế độ có thể nói là hết sức độc đảng, một chế độ không hề dân chủ.

Việt Nam đã biết như vậy, thì phải tìm giải pháp để cho nền quản trị, quản lý nhà nước được thông thoáng hơn, và ảnh hưởng của đảng Cộng sản là lãnh đạo, chứ không phải là chỉ đạo, thì sau đó Việt Nam sẽ đi lần lần, dần dần tới một nhà nước pháp quyền, dân chủ và dân chủ pháp trị sau này.

Nếu có ‘Đổi mới’ lần nữa, thì cần làm gì?

RFA : Nếu có một cuộc 'Đổi mới'tới đây ở Việt Nam, sau gần 37 năm tính từ Đại hội lần thứ 6 của ĐCSVN, thì theo ông cần phải làm gì, có lưu ý gì không?

Ông Bùi Kiến Thành: Tôi thấy mọi chuyện đều xoay vào con người, hệ thống quản lý của ĐCSVN phải như thế nào đối với những đảng viên đang được quy hoạch, xây dựng nên, và những đảng viên đó phải có tinh thần như thế nào đối với trách nhiệm, quyền hạn của mình. Đây là điểm chưa thấy rõ ràng, và nếu không chịu có sự thay đổi một cách hiệu quả, có thứ lớp, bài bản, thì sẽ chịu một sự đổ vỡ tan tành, điều mà đã xảy ra với nhiều đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước khác trước đây.

Do đó, muốn tránh sự đổ vỡ ấy, cần rút kinh nghiệm xem cần phải làm cái gì, tôi mong rằng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam sẽ nhận thức được những kinh nghiệm đã qua và nhận thức được trách nhiệm trong tương lai sắp tới của mình đối với đất nước, nhân dân.

Vấn đề thứ nhất ở đây là trách nhiệm và sự sáng suốt của những vị lãnh đạo, chúng ta nhớ lại Đại hội đảng 6 là trước một tình hình rất căng thẳng, trên thì Trung Quốc đánh xuống, dưới thì Pol Pot vừa đánh lên cách đó không lâu, Việt Nam bị kẹt ở giữa trong một thế gọng kìm, trong khi kinh tế thì kiệt quệ. Cả miền Nam, cả đồng bằng Sông Cửu Long mà cũng đi vào nạn đói. Vì vậy, rõ ràng ĐCSVN lúc đó đứng trước nguy cơ sự đổ vỡ, và buộc phải tìm giải pháp.

Bài học rút ra cho bây giờ là nay chúng ta không phải chờ cho đến một điểm như thế, hãy sáng suốt, hãy nhìn vào sự thật của ngày hôm nay và có hành động, hãy ngồi lại với nhau để có giải pháp, chứ đừng chờ cho tới lúc trời sập xuống, lúc đó mới than thân, trách phận. Như thế là không được và không nên, và chúng ta phải hiểu rằng triều đại hưng vong là do ở con người. Mà con người đó chính là chúng ta. Và trong chúng ta có những người có quyền hành, và chúng ta cũng gồm những người chưa có quyền hành, nhưng cũng có ý kiến…

Vậy chúng ta phải cố gắng làm sao để đi tới một Đại hội mới, để đưa ra những Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết Trung ương mới, để giải quyết vấn đề thể chế chính trị mới, theo kiểu mà chúng ta đã giải quyết vấn đề thể chế kinh tế của thời kỳ thập niên những năm 1980.

Hiện nay tôi thấy, về nhân sự, trong nhân dân và trong đảng Cộng sản, cũng đã có được những thành phần mà có thể nói rằng có tâm huyết và có trí tuệ, để mà ngồi lại bàn những việc này, đưa nước Việt Nam tới một nền dân chủ văn minh trong hòa bình, trong hạnh phúc, chứ không nên chờ đợi đến lúc đổ vỡ hết cả.

RFA : Viễn kiến của ông về một chế độ có đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng được chấp nhận và vận hành ở Việt Nam, điều đó gần, xa thế nào, theo ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Xa hay gần hay không là tại con người, nhưng tôi nghĩ rằng nó không xa. Nếu chúng ta không làm gì thì mặt trời vẫn cứ lên, như tôi từng nói, không thể nào mà cứ nửa đêm giờ Tý canh ba mãi, mà qua những thời khắc như Sửu, Dần, Mão, Ngọ, thì mặt trời sẽ dần lên. Không thể lấy sức gì để mà níu lại một thời kỳ mà nó đã lỗi thời được.

Vì vậy những ai có trách nhiệm hôm nay phải cố gắng lên. Nhân đây, tôi có một lời nhắn nhủ với tất cả mọi người rằng phải cố hết sức đi, người ta nói là ‘tận nhân lực, tận nhân lực, tận nhân lực’, anh làm cái gì được, phải ráng hết sức làm, thì lúc đó mới ‘tri thiên mệnh, tri thiên mệnh, tri thiên mệnh’, tới lúc ấy sẽ thấy trời đất ra sao, và vận nước cụ thể thành quả thế nào.

Tức là đất nước tương lai thế nào, đi đến đâu là do sự nỗ lực của mỗi người, đừng có ngồi đó mà nói rằng tôi không có làm được, tôi không có quyền, tôi không có lực, tôi không có thế này, thế khác, rồi than thở, cái đó là không có và không được. Mọi người phải tận nhân lực, và tận nhân lực trong một tinh thần tích cực, chứ không phải trong tinh thần phá hoại một nền tự do, dân chủ.

Mỗi người công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm với đất nước, không thể nào để cho sống chết mặc bay, ai làm bậy gì thì làm, trong khi nếu như mình có thể góp ý gì được, thì mình góp ý, ở trong tinh thần thực sự cầu thị và cầu tiến.

Tôi chỉ ngại rằng có một số bạn tự cho mình giỏi hơn người khác, một đằng là ‘không thèm’ nói ra, mặt khác là lại quá khích. Ý của tôi ở đây là toàn dân phải có một tinh thần hợp tác cầu thị để cùng nhau đưa đất nước vươn lên, để tìm ra con đường sống, con đường tiến cho cả một dân tộc, chứ không phải là chỉ trích, chê bai thiếu xây dựng này khác, hoặc là một thái độ khác là ‘cầu an’.

Cầu an ở đây là những người không nói, không làm mà chỉ cầu an, như vậy là không phải. Con người ta cần phải có ân nghĩa với nhân dân, với đất nước. Một ngày mình ăn một hột gạo do nhân dân làm ra, thì mình phải có cái nghĩa đối với nhân dân. Và nghĩa đối với nhân dân ở đây là gì, là hãy làm tất cả những gì có thể để cho đất nước vươn lên, chứ đừng, như tôi nhắc lại, cho rằng mình tài giỏi, mình nói một lần không nghe, thì không nói nữa, tôi thấy phong cách đó là không đạt, mà trái lại là mỗi người phải gắng hết sức mình ‘tận nhân lực’ thì đất nước mới có ngày ‘tri thiên mệnh’.

Lời khuyên của tôi như thế là đừng nên quá tự cao, tự đại, mà cũng đừng nên quá ủy mị, để nói rằng tôi không làm gì được. Chúng ta cần phải có hành động mỗi ngày, cần mỗi ngày nêu cao ý nghĩa của cuộc sống, nêu cao ý nghĩa của việc đất nước cần phải được thay đổi, cần phải được vươn lên, và cần mỗi người đồng tâm nhất trí hiệp lực để mà hành động. Nếu tạo được tinh thần như thế, thì sẽ thành công, còn nếu chúng ta không tạo được tinh thần, thì chúng ta sẽ không có cách nào giải quyết được những vấn đề lớn.

Còn thông điệp của tôi đối với ban lãnh đạo của nhà nước ĐCSVN là nếu thấy vấn đề gì mà chưa thoáng, thì phải tìm mọi cách để làm cho nó thông thoáng, nếu thấy cái gì mà thiếu sót, thì tìm mọi cách để mà sửa sai, đối với tôi đảng cũng chỉ là một thành phần như những thành phần khác trong nhân dân, cái gì chúng ta thấy có thể làm được tốt hơn, thì cố gắng mà làm cho được, chứ đừng không làm gì cả. Rồi còn vấn đề nữa, tôi nhấn mạnh thêm đó là tâm lý ‘cầu an’, nhiều người đang rút về, rút lui, đi nuôi mấy con chim, mấy con cá…, nó không phải là một tinh thần đúng đắn với thời cuộc của đất nước hiện nay, đang lúc khó khăn, thì phải có tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, đối với đất nước này.

Trong một thế giới mà mọi người đang tiến tới, nếu Việt Nam không tiến tới, không phát triển, chúng ta sẽ bị cả thế giới bên ngoài chèn ép và chúng ta sẽ trở về một tình hình là bị lệ thuộc, thì cái đó không thể nào chấp nhận được. Vì thế, mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm hành động để cho đất nước vươn lên, anh ở trong đảng, anh ở ngoài đảng, bất kỳ trong địa vị nào, thành phần nào, đều phải thấy trách nhiệm đó, để dần dần đất nước có được sự thay đổi tốt đẹp, chứ đừng rút vào cầu an, hay ủy mị, điều mà tôi thấy đang là một cái nạn trong một số thành phần trong xã hội ở Việt Nam bây giờ, khi tự nói rằng ‘tôi không làm được nên tôi ngồi đó và tôi chờ’. Tôi cho rằng từ trong đảng, hay ngoài đảng, đã là người Việt Nam thì phải xóa bỏ thái độ sai lầm ‘cầu an’ đó, và trái lại phải chuyển sang tinh thần cầu tiến. Cầu tiến sẽ tích cực và hữu ích cho đất nước.

Pic ông Bùi Kiến Thành.jpg
Ông Bùi Kiến Thành (ảnh do tác giả cung cấp)

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, một chuyên gia về kinh tế, tài chính, ông nguyên là Đại Diện Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tại New York, nguyên Trợ lý cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Bảo Hiểm Quốc Tế Mỹ (AIU), nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Công ty Bình Điện VABCO (nay là PINACO). Ông từng cố vấn cho Lãnh đạo Đảng CSVN và chính phủ VN xây dựng chính sách Đổi Mới, cố vấn cho chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển kinh tế, tài chính; giải tỏa cấm vận Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ; cố vấn cơ sở pháp lý Chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông; Tư vấn xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, Hội nhập kinh tế thế giới; Chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Phát huy Nhà nước Pháp Quyền. Hiện nay, ông đang nghiên cứu đề án xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính quốc tế”. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi phần đầu cuộc trao đổi của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do.

Việt Nam: mô hình kinh tế "bộc lộ áp lực lớn", nhưng chỉ đổi mới kinh tế là chưa đủOpens in new window ]