Báo điện từ Người Tiêu Dùng ở Việt Nam vào ngày 22 tháng 2 vừa qua bị cơ quan quản lý chức năng kỷ luật tạm ngưng hoạt động và đóng phạt 65 triệu với cáo buộc sai phạm trong hoạt động báo chí.
Thanh Trúc tìm hiểu điều bị cho là ‘sai phạm’ đó của Mạng báo Người Tiêu Dùng.
----------------------
Sai phạm trong hoạt động báo chí, nội dung thông tin lấp liếm, sai sự thật, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, là cáo buộc từ Cục Báo Chí thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông đối với trang mạng Người Tiêu Dùng.
Theo Cục Báo Chí, trang mạng Người Tiêu Dùng đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng bởi câu hỏi được trích nguyên văn là “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”? liên quan đến bài viết nói về vụ Thủ Thiêm đăng ngày 27 tháng Mười Hai năm 2018.
<i>Trong một chế độ toàn trị thì người ta soi lên kính hiển vi, cái gì động chạm và không có lợi cho đảng cầm quyền là họ bắt phốt ngay. Báo Người Tiêu Dùng bị bắt phốt vì điều đó.<br/>-Ông Lê Phú Khải</i>
Dưới mắt Cục Báo Chí/ Bộ Thông Tin và Truyền Thông, với nhận định sai lầm cụ thể như “Ít nhất đến lúc này ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng “chính là đưa tin sai sự thật, qui kết tội danh khi chưa có bản án của tòa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoạt động báo chí.
Ông Lê Phú Khải, cựu phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam, thường trú tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, từng viết nhiều bài trên báo Nhân Dân và báo Sài Gòn Giải Phóng, nhận định:
Tất cả những tờ báo quốc doanh chỉ là công cụ thôi, nhưng đôi lúc cũng có tờ báo quốc doanh mà anh em phóng viên, biên tập viên còn có chút lương tâm còn có chút băn khoăn thì anh em cố gắng đưa những tin mà nó trung thực, và càng trung thực bao nhiêu thì càng bị chính quyền ghét bấy nhiêu.
Theo kinh nghiệm một người lâu năm làm việc trong ngành thông tấn báo chí, trong Đài Phát Thanh và Đài Truyền Hình Trung Ương, tôi nghĩ báo Người Tiêu Dùng là một trong những tờ báo rất mạnh dạn, cấp tiến. Một tờ báo không phải là có tính chất chính luận như Người Tiêu Dùng chẳng hạn, nghĩ tiêu dùng chỉ là đi mua son mua thịt mua cá thôi, ít người để ý cho nên lợi dụng kẻ hở là ít bị dòm ngó để cố gắng dưa những tin gần sự trung thức. Nhưng trong một chế độ toàn trị thì người ta soi lên kính hiển vi, cái gì động chạm và không có lợi cho đảng cầm quyền là họ bắt phốt ngay. Báo Người Tiêu Dùng bị bắt phốt vì điều đó.
Cũng là cựu phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam nhưng làm việc tại Hà Nội gần 30 năm, ông Phạm Thành, cho rằng báo chí có quyền đặt vấn đề về 2 lãnh đạo cấp cao thành phố Hồ Chí Minh trong vụ tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm và rằng những câu hỏi của báo mạng Người Tiêu Dùng là không phạm luật:
Báo chí được quyền đặt ra giả thuyết, đặt ra những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Báo Người Tiêu Dùng đặt vấn đề tại sao ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân bao giờ thì vào lò, người ta có quyền đặt câu hỏi ấy vì hai ông cầm đầu bộ máy đảng và bộ máy hành pháp ở thành phố Hồ Chí Minh mà để xảy ra cái sai phạm Thủ Thiêm ấy thì đương nhiên 2 ông này phải chịu trách nhiệm chính. Báo chí người ta có quyền đặt câu hỏi đó, không sai gì hết. Thế nhưng ở đây họ không xử lý báo chí theo luật pháp mà theo quyền lực. Họ cho rằng 2 ông này là ủy viên Trung Ương, là ủy viên Bộ Chính trị, đảng chưa kỷ luật chưa gì cả thì có nghĩa không được phép đặt câu hỏi đó. Người ta đặt vấn đề hoàn toàn không có gì sai cả thế mà cuối cùng lại đi xử phạt người ta. Xử lý như thế thì có khác nào bịt mồm báo chí đâu.
Với những sai phạm bị gán cho là đưa tin lấp liếm không đúng sự thật về những quan chức lãnh đạo trong vụ Thủ Thiêm, báo điện từ Người Tiêu Dùng bị xử phạt hành chính với số tiền 65 triệu Đồng, cùng lúc bị tước quyền sử dụng trong 3 tháng giấy phép hoạt động do Bộ Thông Tin Truyền Thông cấp từ năm 2016.
Không xác đáng, không logic là nhận xét của đại tá Nguyễn Đăng Quang, cựu cán bộ an ninh Bộ Công An:
Nó không vững vàng, nó không có cơ sở, tôi hy vọng sau này thực tế người ta phải rút lại quyết định này thôi bởi vì có dấu hiệu ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân cũng như Nguyễn Văn Đua và Tất Thành Cang đã có chỉ dấu vi phạm luật pháp đáng phải bị khởi tố, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề là người ta có muốn làm đến nơi đến chốn hay không.
Trong khi có những tờ báo hoặc nhà báo nêu lên công luận như vậy thì xử phạt người ta thì tôi cho rằng không có cơ sở pháp lý. Rõ ràng người ta nêu được cái thực tế rất hiện thực là ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân ở cấp cao là chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh và bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh mà thuộc cấp, tức cấp phó, bị khởi tố thì đương nhiên 2 ông này phải liên đới chịu trách nhiệm vì không có một cơ quan nào mà để cho cấp dưới bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm, bị gọi ra tòa mà mình thì vô can được. Lý lẽ mà Bộ Thông Tin và Truyền Thông dựa vào để kỷ luật báo Người Tiêu Dùng tôi cho là không xác đáng và không logic.
Tháng Bảy năm 2018, trang mạng có nhiều độc giả trong nước là Tuổi Trẻ Online từng bị đình bản 3 tháng với mức phạt 220 triệu đồng vì “có hành vi thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài báo trên Tuổi Trẻ Online ngày 19 tháng Sáu 2018, nói biết chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tiếp xúc với cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh đã nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri là cần có Luật Biểu Tình và hứa báo cáo Quốc Hội về nội dung này.
<i>Lý lẽ mà Bộ Thông Tin và Truyền Thông dựa vào để kỷ luật báo Người Tiêu Dùng tôi cho là không xác đáng và không logic.<br/>-Đại tá Nguyễn Đăng Quang</i>
Đến trung tuần tháng Giêng 2019, báo chí trong nước loan tin phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong năm 2019 báo chí cần tiếp tục phản ánh những vấn đề nóng trong xã hội.
Tin còn cho hay yêu cầu này phù hợp với chỉ thị của trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương là báo chí Nhà Nước đã bị mạng xã hội qua mặt về việc phản ánh những vấn đề nóng mà công luận quan tâm.
Đối với nhà báo Lê Phú Khải, yêu cầu tiếp tục đưa tin nóng của phó thủ tướng Việt Nam không đi đôi với thực tế:
Nói vấn đề nóng thì trong Luật Báo Chí Việt Nam cũng có, đấy là quyền được thông tin của nhân dân. Tôi là nhà báo 28 năm có lẻ làm báo lề phải rồi, tôi luôn có Luật Báo Chí trong cặp của tôi, thì quyền được thông tin của nhân dân nhưng làm gì có thông tin. Ở Việt Nam nơi thiếu thông tin nhất là báo chí.
Còn theo nhà báo Phạm Thành, quả thực báo chí lề phải không thể nào theo kịp các mạng xã hội trong việc đưa tin nóng:
Bây giờ mạng xã hội đưa tin nhanh nhạy, trung thực kịp thời gấp hẳn bao nhiêu lần 700 tờ báo và hệ thống truyền hình hay phát thanh của Nhà Nước. Vì nó đánh bại cái khả năng đưa tin của Nhà Nước thì ông Vũ Đức Đam và những người khác thấy điều đó mà xót xa mà nói như thế thôi. Một cái tin đang phải theo chỉ đạo, duyệt lên duyệt xuống, với cách tổ chức hoạt động báo chí như thế thì sẽ tiếp tục bị đánh bại, bị mất tư thế truyền thông là lẽ đương nhiên.
Theo kết luận của nhà báo Lê Phú Khải, Cục Báo Chí thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã xử ép báo điện tử Người Tiêu Dùng không ngoài mục đích răn đe nhưng vô tình làm cho bộ mặt truyền thông trong nước ngày càng xấu xí hơn mà thôi.