Nghị Định 168, 176: Khi công an viết luật

Việc để công an vừa viết luật vừa thực thi luật là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam và gây ra nhiều tranh cãi. Điều này, theo các luật sư, sẽ tạo ra những hệ quả tiêu cực lớn đối với xã hội.

Nghị định 168 và 176 đang gây nên làn sóng phản đối từ phía người dân. Tuy vừa chính thức được áp dụng được nửa tháng nhưng các nền tảng mạng xã hội đã ngập tràn những lời ta thán của người dân về những bất cập mà dự luật này mang lại.

Mức phạt quá cao, cơ chế trừ điểm bằng lái xe, thưởng tiền cho người báo cáo vi phạm luật giao thông, hạn chế giám sát bằng ghi âm, ghi hình…là những vấn đề khiến người dân bức xúc nhất.

Một số tài xế cho biết họ thà nghỉ Tết sớm còn hơn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí có người còn cho biết họ sẽ không nhường đường cho các loại xe ưu tiên vì sợ bị phạt theo luật mới. .

Công an vừa viết luật, vừa thực thi luật

Một luật sư hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nhận định rằng những phản ứng nêu trên thể hiện sự bất mãn của người dân.

Điều này bắt nguồn từ việc để cho các cơ quan hành pháp, đặc biệt là Bộ Công an soạn thảo luật, trong khi cũng chính họ là cơ quan thi hành luật:

"Tình trạng cơ quan hành pháp viết luật và thi hành luật rất phổ biến ở Việt Nam. " Theo vị luật sư ẩn danh. Và " Nghị định 168 là một ví dụ điển hình cho việc Bộ Công an đã tự ý ban hành mà không lấy ý kiến người dân, không đánh giá đầy đủ những tác động tiêu cực tới đời sống của người dân." Ông nói thêm.

Sở dĩ có việc Bộ Công an được quyền viết luật, theo luật sư Đặng Đình Mạnh, vì nhà nước quan niệm rằng việc thực thi luật thuộc về cơ quan nào thì cơ quan đó có sự hiểu biết chuyên môn, nên sẽ được giao để soạn thảo dự án luật.

Nghị định 168 về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là một trong các dự án luật được hình thành như vậy. Chúng đã được giao cho Bộ Công an soạn thảo, sau đó, chuyển qua Chính phủ để ban hành.

Tác hại của cơ chế ban hành các nghị định hay luật như vậy, theo luật sư Mạnh, là cơ quan được giao soạn thảo dự án luật chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của cơ quan mình, hơn là lợi ích của xã hội.

--------------------

Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thánOpens in new window ]

Nghị định 168 có hiệu lực chỉ năm ngày sau khi ban hành: gấp gáp như phục kích người dânOpens in new window ]

Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?Opens in new window ]

--------------------

“Công an hóa” bộ máy

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington, trong một bài viết được đăng trên RFA hồi tháng 5/2024 cũng nhận định rằng Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hóa sâu sắc hơn .

Bằng chứng là bộ máy an ninh rộng khắp phụ trách đủ mọi thứ từ cảnh sát khu vực tới điều tra quốc gia, tội phạm kinh tế, an ninh biên giới cho tới cứu hỏa, tình báo, phản gián và rất nhiều thứ nữa.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng ngành công an đang ngày càng củng cố vị thế và mở rộng quyền lực của mình:

“Bộ Công an không chỉ kiểm soát các lĩnh vực về an ninh mà còn "lấn sân" sang quản lý những ngành nghề có khả năng tạo nguồn thu tài chính, chẳng hạn như kiểm định, sát hạch, cấp bằng lái xe hay quản lý dịch vụ điện thoại di động.

Với việc ngành công an mở rộng phạm vi quản lý sang các lĩnh vực khác, hệ quả hiển nhiên, là việc "họ sẽ chủ trì việc soạn thảo các dự án luật" ở các lĩnh vực đó, luật sư Mạnh kết luận.

Chỉ riêng trong năm 2024, Bộ Công an được giao soạn thảo bảy dự án luật để trình Quốc hội khóa 15, bao gồm: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Dự án Luật Dữ liệu.

Theo mạng báo Thanhtra.vn , sắp tới đây, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của ông Tô Lâm, Bộ Công an dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành đã bị tinh giản.

Các lĩnh vực dự kiến chuyển về cho Bộ Công an bao gồm công ty Viễn thông MobiFone; Sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; bảo đảm an ninh hàng không; bảo đảm an ninh quốc gia tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Hệ quả của việc công an viết luật

Sự tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng luật của Bộ Công an làm cho các quy định trở nên hà khắc hơn, với góc nhìn tập trung vào việc kiểm soát thay vì phục vụ lợi ích của người dân. Luật sư giấu tên cho biết như vậy và nói thêm rằng:

“Khi công an can thiệp sâu vào quá trình soạn thảo và thực thi luật, xã hội sẽ trở nên cực đoan và hà khắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ thao túng, thực hiện các hành vi bất công, đồng thời đẩy hết gánh nặng lên vai người dân.”

Luật sư Mạnh cho rằng với góc nhìn hạn hẹp của ngành công an, thì nhìn đâu cũng chỉ thấy tội phạm hoặc phản động:

“Do đó, chúng ta sẽ nhìn thấy trước khả năng luật pháp do Bộ Công an soạn thảo sẽ ngày càng hà khắc, đặt nhân dân vào vị thế như là tội phạm chứ không phải là đối tượng để phục vụ nữa.”

Từ những điều luật hà khắc do Bộ Công an soạn thảo, vị luật sư giấu tên cho rằng người dân sẽ sinh ra tâm lý bất mãn, chán nản và mất lòng tin vào chính quyền, làm gia tăng sự căng thẳng giữa người dân với chính quyền, đặc biệt là với lực lượng công an.