Nghi vấn về các thương vụ tỷ đô của đại gia Trịnh Văn Quyết-FLC

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC được truyền thông trong nước tôn vinh có thời điểm là tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ước tính 2 tỷ USD bao gồm hàng chục các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở, văn phòng… trải dài tại các tỉnh thành tại Việt Nam.

Trang wikipedia Việt Nam có đăng tải thông tin cho biết ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình công chức nghèo. Với xu hướng kinh doanh ngay từ thời sinh viên, ông này đã thành công từ việc buôn bán điện thoại di động, tổ chức trung tâm gia sư và đứng ra mở văn phòng luật sau khi tốt nghiệp tại Hà Nội. Đây là cơ sở để ông Trịnh Văn Quyết thành lập nên công ty Luật mang tên SMiC hoạt động trong lĩnh vực tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các vấn đề liên quan đến kinh doanh cho và sau này công ty cổ phần FLC, tiền thân của tập đoàn kinh doanh bất động sản FLC hiện nay.

Có một số thông tin không chính thức có nói là có thể họ được cấp tín dụng từ một ngân hàng Trung Quốc. Còn từ ngân hàng Việt Nam thì tôi chưa có thông tin nào là có ngân hàng Việt Nam nào cấp một khoản tín dụng lớn như thế để mà mua 20 chiếc máy bay Dreamliner của Boeing - TS Lê Đăng Doanh

Khác với những đại gia khởi nghiệp thành công ở các nước Đông Âu trở về Việt Nam lập nghiệp như trường hợp tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Lê Viết Lam (Sungroup), Nguyễn Phương Thảo (Vietjet Air) hay Nguyễn Đăng Quang (Massan)…, thành công của một doanh nhân với quá trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và phát triển thuận lợi, thành công thần tốc như ông chủ tập đoàn FLC khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh những dự án mà tập đoàn này đang triển khai. Trên thực tế, FLC đang phải đối mặt với những cáo buộc cho rằng tập đoàn này bắt tay với chính quyền địa phương gây nên những sai phạm nghiêm trọng về quy hoạch, cấp phép, nộp thuế và cả những chính sách đền bù rẻ mạt nhằm cưỡng đoạt đất canh tác, nhà ở… của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân tại những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở và sân golf mà tập đoàn này đang triển khai tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Đinh, Quy Nhơn… Không chỉ có được những vị trí đất “vàng” tại các thành phố lớn, bờ biển, thậm chí hồi cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn này vấp phải phản đối gay gắt từ phía dư luận, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch di dời đồn biên phòng Bình Hải trên địa bàn tỉnh này để giao đất cho FLC xây dựng khách sạn, sân golf…

Nguồn vốn của tập đoàn FLC này cũng là một dấu hỏi lớn khi mà tập đoàn này vừa mới ký một hợp đồng mua 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787 trị giá 5,6 tỷ USD. Đây là một thương vụ mà giới chuyên gia quốc tế đánh giá là quá “mạo hiểm” và “bất thường”. TS kinh tế Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi về thương vụ đầu tư này:

“ Những khoản mua máy bay với số tiền quá lớn thì câu hỏi được đặt ra thế thì tiền của FLC là ở đâu? Có một số thông tin không chính thức có nói là có thể họ được cấp tín dụng từ một ngân hàng Trung Quốc. Còn từ ngân hàng Việt Nam thì tôi chưa có thông tin nào là có ngân hàng Việt Nam nào cấp một khoản tín dụng lớn như thế để mà mua 20 chiếc máy bay Dreamliner của Boeing”

Đây cũng là nghi vấn chung của nhiều chuyên gia, nhà quan sát chính trị trước những hoạt động thâu tóm thị trường bất động sản hiện nay của các tập đoàn địa ốc nói chung và của FLC nói chung. TS Nguyễn Quang A nói:

“Tôi có những lúc đặt sự nghi ngờ như thế không chỉ với FLC mà với các đại gia khác ở VN. Nếu đúng là như thế, như người ta nghi ngờ thì nhiệm vụ đầu tiên phải là trách nhiệm của Tổng cục an ninh của Bộ Công an. Họ có một bộ phận an ninh kinh tế rất đồ sộ, họ phải theo dõi và nếu nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì tổng cục an ninh đó họ phải can thiệp”

không biết là cái gọi là Tổng cục an ninh của Bộ Công an hoặc là Đảng Cộng sản Việt Nam họ có lo cái chuyện đó hay không hay là họ tiếp tay cho những việc làm như vậy - TS Nguyễn Quang A

Trước ý kiến cho rằng việc tập đoàn FLC triển khai xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải dọc theo đường bờ biển Việt Nam từ Bắc vào Nam gây nên những mối đe doạ về vị trí an ninh quốc phòng, một khi tập đoàn này tăng vốn thông qua hình thức bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược mà không loại trừ khả năng là các doanh nghiệp Trung Quốc, tiến sỹ A bày tỏ sự quan ngại:

“ Tôi cũng rất là lo như nhiều người trên mạng xã hội về những chuyện như thế nhưng không biết là cái gọi là Tổng cục an ninh của Bộ Công an hoặc là Đảng Cộng sản Việt Nam họ có lo cái chuyện đó hay không hay là họ tiếp tay cho những việc làm như vậy”

Với số vốn tăng trưởng đến chóng mặt- khoảng 470 lần trong vòng 7 năm trời, từ 18 tỷ đồng năm 2008 lên 3.140 tỷ đồng năm 2014 và hơn 8.400 tỷ 2015, một mức siêu tăng trưởng ở thị trường Việt Nam, tiếp tục là một dấu hỏi lớn đối với rất nhiều người hiện nay. Đặc biệt khi mà hôm 10/7 vừa qua, Bộ Công thương đã ký quyết định chính thức cấp phép cho doanh nghiệp này thành lập hãng hàng không Bamboo Airways với sân bay căn cứ là cảng hàng không Phù Cát tỉnh Bình Định và thời gian dự kiến sẽ chính thức khai thác vào cuối năm nay.