Sắc tộc thiểu số và quyền sở hữu đất rừng

Các tổ chức quốc tế khuyến nghị chính phủ Việt Nam công nhận quyền sử dụng đất chung của cộng đồng dân tộc thiểu số, công nhận các luật tục phù hợp về sử dụng đất cũng như văn hóa và bản sắc dân tộc.

0:00 / 0:00

Tình trạng thực tế

Đất và rừng của các sắc tộc ít người là một trong 4 điểm góp ý về sửa đổi Luật đất đai được nêu lên tại phiên khai mạc Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam sáng 10/12/2012 tại Hà Nội. Tổ chức phi chính phủ Oxfam đã đại diện các tổ chức quốc tế trình bày vấn đề này. Việc trở lại sở hữu đất đai, cũng như những luật tục và văn hóa bản sắc của cộng đồng sắc tộc thiểu số được cho là ý kiến rất mới, do chính phủ Việt Nam hầu như đã thay đổi vấn đề này từ cơ bản sau khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên giải thích cho chúng tôi về tình trạng đất rừng thực tế ở Tây nguyên từ sau 1975 tới nay. Theo đó người sắc tộc không còn được sở hữu rừng và được cấp mỗi hộ 0,5 ha đất theo chính sách áp dụng chung cho cả người kinh lẫn người thiểu số.

“Những khu rừng mình gọi là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì hồi trước họ gọi là rừng thiêng họ không đụng tới. Cộng đồng sắc tộc của họ mỗi người có chừng 5-7 mảnh đất cách xa nhau, họ du canh khi làm một mảnh thì để mấy mảnh khác cho rừng phục hồi, rồi sau 3-4 năm quay trở lại mảnh thứ nhất. Nhưng bây giờ đất không sinh ra mà người thì nhiều thêm, ở Tây Nguyên vào năm 1975 tổng số dân của 5 tỉnh chỉ có 1 triệu người bây giờ hơn 5 triệu người rồi.

Đã có một cuộc đại di dân thành ra cũng không còn đất để cho họ du canh theo kiểu đó nữa. Tôi nghĩ là ngay cả với người Kinh 0,5 ha cũng khó sống, thành ra người dân tộc rất khó khăn. Họ kêu là rừng của họ đất của họ, nhưng bây giờ phát triển nông lâm nghiệp, nông lâm trường, nói chung họ không còn sở hữu những thứ đó nữa.”

Theo ông Nguyên Ngọc, một nhà nghiên cứu có uy tín về văn hóa cồng chiêng, vùng Tây Nguyên trong truyền thống đất đai là thuộc về tập thể của cộng đồng làng. Các nhà khoa học gọi là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng, thực tế trên Tây nguyên trước đây không hề phân biệt đất và rừng, đất tức là rừng, rừng tức là đất. Mọi cánh rừng đều có chủ, Tất cả rừng mênh mông như vậy nhưng tìm hiểu kỹ thì nó đều được chia cho các làng, người ta gọi là từ ông bà từ tổ tiên hoặc người ta bảo là thần linh đã giao cho tổ tiên có ranh giới rất rõ ràng. Ông Nguyên Ngọc nhấn mạnh:

"Thực tế sau năm 1975, đã không tìm hiểu vấn đề đó, không hiểu về vấn đề đó và làm như tất cả mọi nơi quốc hữu hóa những rừng đó. Vì vậy cho nên các làng không còn đất của họ, không còn những đất tập thể đó nữa. Đó là nền tảng cơ bản, nền tảng vật chất kinh tế của một cái làng và khi nền tảng đó không còn nữa thì cái làng đó vỡ và văn hóa của làng cũng sẽ vỡ. Đấy là hiện tượng ở Tây nguyên và chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về điều này rồi. Nhưng theo tôi, cho đến nay trong Luật Đất đai chưa hề phản ánh được cái thực tế đó ở Tây nguyên."

Người dân tộc sống nhờ rừng

Đất rừng của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Photo courtesy of speri.org
Đất rừng của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Photo courtesy of speri.org (Đất rừng của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Photo courtesy of speri.org )

Một khi đất rừng trở thành nông lâm trường, theo TS Lê Ngọc Báu người dân tộc thiểu số cũng phải định canh không thể du canh nữa. Ông Báu mô tả một thực tế mà chỉ có những người ở địa phương mới thấu hiểu:

“Một số không lớn người dân tộc cũng được đưa vô lâm trường, họ cũng nhận khoán. Số còn lại không được vào thì với diện tích canh tác 0,5ha gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và nhiều mặt khác. Nhiều khi đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng có xung đột với đồng bào dân tộc thiểu số miền bắc di cư tự do vô. Thường thì người dân tộc tại chỗ bỏ đi vào rừng sâu hơn, bắt đầu đốt rừng làm rẫy. Đây là một vấn đề xã hội cũng lớn, ở Tây nguyên tình trạng di cư tự do vẫn tiếp tục diễn ra mà cũng chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn, chủ yếu là người dân tộc miền núi phía bắc họ vào và có tranh chấp với người dân tộc tại chỗ.”

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhân vật từng nêu ý kiến phải đặt quan hệ đất đai với vấn đề dân tộc tán dương đề xuất của Oxfam. Ông nói các nhà làm chính sách làm luật của Việt Nam hiện nay có thể chưa nghiên cứu về vấn đề đất rừng và sự liên quan đến cộng đồng sắc tộc thiểu số.

“Chưa nghiên cứu thì chỉ có thể đưa một câu tổng quát vào Luật chứ cụ thể thì chưa được. Rừng ở Việt Nam gọi là đất chưa sử dụng hoặc đất rừng. Người dân tộc nhiều người vẫn còn sống nhờ rừng như vào rừng lấy mật ong, kiếm củ mài, sắn, chuối rừng ….và nhất là săn thú vật. Ngoải ra người dân tộc còn làm nương rẫy cứ thay đổi di chuyển gọi là du canh du cư thì vấn đề cũng khá phức tạp, giải quyết thế nào cũng còn phải có nghiên cứu chứ không phải chỉ đơn giản công nhận.”

Theo các chuyên gia, cộng đồng sắc tộc thiểu số hiện nay tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên và có thể chiếm tỷ lệ 30% dân số 5 triệu của khu vực này. Theo số liệu chính thức Việt Nam có 54 dân tộc anh em, ngoài người Kinh chiếm 86% dân số, 53 dân tộc ít người còn lại chiếm tỷ lệ 14%. Đất rừng của người sắc tộc thiểu số từng là nguyên nhân của tình trạng bất ổn xã hội dẫn đến bạo động ở Tây Nguyên, hai sự kiện nghiêm trọng nhất xảy ra vào 2001 và 2004 khiến chính quyền phải sử dụng lực lượng vũ trang để tái lập trật tự, dẫn đến một làn sóng người Thượng vượt biên sang Campuchia và Thái Lan.

Theo dòng thời sự: