“Đại hội bầu, là đảng viên phải chấp hành”
Tại cuộc họp báo, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng XIII, vào sáng ngày 1/2, ông Nguyễn Phú Trọng cảm ơn báo chí chức mừng ông tái đắc cử chức vụ Tống Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 1/2 rằng ông đã báo cáo về tuổi cao, sức khỏe không tốt lắm và xin nghỉ. Thế nhưng, Đại hội bầu, là đảng viên nên ông phải chấp hành.
Ông Trọng nhấn mạnh rằng “Tôi chỉ là một cá nhân. Làm tốt hay không là cả tập thể trên dưới một lòng”. Ông Trọng khẳng định thêm rằng “Tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, vào tối ngày 1/2, từ Nha Trang lên tiếng với RFA rằng những chia sẻ của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ông được bầu chọn vào nhiệm kỳ thứ 3 là “lời thanh minh thanh nga không hợp lý và không thuyết phục”.
“Về công tác cán bộ, ông Trọng là Tổng Bí thư thì ông phải trực tiếp lo về công tác tổ chức. Công tác tổ chức bao giờ cũng do người đứng đầu của cấp ủy Đảng phải có bồi dưỡng nguồn, giới thiệu, phát hiện nguồn…mà nguồn đó phải được tập thể Đảng tín nhiệm. Trước khi ông Trọng trở thành Tổng Bí thư thì ông Trọng có hai nhiệm kỳ đứng đầu ở Quốc hội, tức là ông Trọng ở trong Bộ Chính trị khá lâu rồi thì ông không lạ gì về đội ngũ cán bộ dưới quyền. Thế thì tại sao lại không tìm được một hoặc người có khả năng thay thế lúc ông nghỉ? Bây giờ, nếu ông giải thích do Đại hội Đảng tín nhiệm ông thì điều đó có nghĩa là những người kế cận ông không được tín nhiệm. Tôi cho rằng điều đấy là rất dở.”
Lý giải về điều ông Trọng cho rằng kết quả tốt là do tập thể, không phải do cá nhân, nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét đây là thêm bằng chứng cho thấy việc tái đắc cử của ông Trọng càng không hợp lý.
“Thứ hai nữa, bình luận ở một góc độ khác, giả sử ông Trọng tạm coi là người có uy tín nhất ở trong Đảng đi chăng nữa thì vai trò của ông Trọng cũng không hẳn là không có ông thì việc điều hành của Đảng CSVN không thể thực hiện được. Điều này có thể liên hệ với ngày trước thì rõ ràng trong Ban Lãnh đạo Đảng CSVN có ông Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng và ông Hồ Chí Minh được tín nhiệm cao hơn người khác về uy tín và tài năng. Thế nhưng khi ông Hồ Chí Minh mất hồi năm 1969 thì công việc đấu tranh thống nhất đất nước vẫn thành công và kết thúc vào ngày 30/4/1975. Đâu phải ông Hồ Chí Minh mất thì sự nghiệp cách mạng gãy giữa chừng. Vì thế, tôi cho rằng việc ông Trọng trụ lại là không hợp lý và cách giải thích đó cũng không thuyết phục.”
Tôi tưởng rằng người ta phải thay đổi, phải sửa điều lệ trước rồi mới để cho ông Trọng làm Tổng Bí thư. Ngạc nhiên là vì người ta không thay đổi điều lệ, mà người ta vẫn bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư như thường. Thế thì như vậy là vi phạm điều lệ. Ông Trọng có thể tiếp tục làm Tổng Bí thư sau khi thay đổi điều lệ, bỏ một câu ở Điều 17 quy định ‘tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ’.-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một nhà quan sát tình hình Việt Nam và theo dõi sát sao Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, trong cùng tối ngày 1/2 nói với RFA rằng ông khá là ngạc nhiên khi đón nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vì có sự bất thường khi chiếu theo quy định trong điều lệ Đảng.
“Tại vì, tôi tưởng rằng người ta phải thay đổi, phải sửa điều lệ trước rồi mới để cho ông Trọng làm Tổng Bí thư. Ngạc nhiên là vì người ta không thay đổi điều lệ, mà người ta vẫn bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư như thường. Thế thì như vậy là vi phạm điều lệ. Ông Trọng có thể tiếp tục làm Tổng Bí thư sau khi thay đổi điều lệ, bỏ một câu ở Điều 17 quy định ‘tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ’. Thế nhưng, người ta không đổi, không sửa điều lệ này mà vẫn cứ bầu ông Trọng làm Tổng Bí thư. Không hiểu ở đại hội, người ta nói như thế nào về việc này. Tôi thì nhận thấy rằng có điều gì đó rất lạ lùng.”
Ý kiến của nhà báo Võ Văn Tạo và giáo sư Nguyễn Đình Cống phần nào thể hiện cho quan điểm của một số người làm việc trong bộ máy nhà nước và sinh hoạt trong tổ chức của Đảng CSVN mà Đài RFA được dịp trao đổi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận được không ít người dân ở Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đảm nhiệm vai trò của ông trong nhiệm kỳ thứ 3.
Thầy giáo Trần Bá Thiện, một cư dân ở Sài Gòn, nêu lên lý do vì sao ông ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử.
“Là vì tôi thấy ông Trọng chống tham nhũng rất hiệu quả. Đất nước trong thời gian nhiều năm phát triển thì ai cũng thấy tình trạng tham nhũng đang làm băng hoại đất nước. Thế nhưng có một người lãnh đạo tích cực chống tham nhũng và đạt hiệu quả như ông Trọng làm thì ông Trọng đúng là một nhân vật mà đất nước rất cần. Thứ hai, khi bùng nổ chiến tranh Mỹ-Trung thì Việt Nam có được một vận hội mới rât sáng sủa. Việt Nam cần sửa đổi rất nhiều trong hệ thống kinh tế, hệ thống luật pháp…để đón nhận đầu tư nước ngoài và hội nhập với quốc tế. Vì thế, tôi nghĩ rằng vận hội mới cần có một người trung chuyên như ông Trọng sẽ cần thiết hơn một người cấp tiến, tại vì người cấp tiến sẽ rất vội vàng và dễ đẩy đất nước vào những tình huống nguy hiểm. Còn người trung chuyên như ông Trọng, tôi nghĩ ông Trọng sẽ đủ tỉnh táo, sáng suốt để kịp thời ngăn chận, lèo lái con thuyền đất nước ra khỏi gian nguy”.
Nếu ông Trọng không thể tiếp tục, ai sẽ thay thế?
Đài RFA ghi nhận hai tổ chức Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 1/2 phổ biến thông cáo cho rằng Đại hội Đảng XIII củng cố chế độ toàn trị và bước vào năm năm mới đàn áp cũng như vi phạm nhân quyền.
Vào những ngày cuối tháng 1, khi chưa có kết quả bầu chọn lãnh đạo mới từ Đại hội Đảng XIII, luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, nhận định với RFA rằng trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm được giao phó trọng trách nhiều hơn thì phong trào dân chủ tại Việt Nam càng bị khó khăn và dân chúng càng bị rủi ro cao trong việc bị bắt bớ và cầm tù.
“Chắc chắn từ phía nhà cầm quyền không có sự thay đổi trong năm năm tới. Bởi vì, chính sách công an trị mở rộng vẫn còn hiện hữu và được mở rộng hơn trong xã hội Việt Nam.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà đấu tranh dân chủ bị Hà Nội tống xuất sang Đức hồi tháng 6/2018, còn cho rằng yếu tố ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ 3 thì ông Trọng sẽ kiểm soát xã hội một cách siết chặt hơn nữa để tìm người kế vị và chuyển giao quyền lực được an toàn hơn trong thời gian từ nay đến giữa nhiệm kỳ khóa XIII.
Tôi thấy ông Trọng chống tham nhũng rất hiệu quả. Đất nước trong thời gian nhiều năm phát triển thì ai cũng thấy tình trạng tham nhũng đang làm băng hoại đất nước. Thế nhưng có một người lãnh đạo tích cực chống tham nhũng và đạt hiệu quả như ông Trọng làm thì ông Trọng đúng là một nhân vật mà đất nước rất cần. Thứ hai, khi bùng nổ chiến tranh Mỹ-Trung thì Việt Nam có được một vận hội mới rất sáng sủa. Việt Nam cần sửa đổi rất nhiều trong hệ thống kinh tế, hệ thống luật pháp…để đón nhận đầu tư nước ngoài và hội nhập với quốc tế. -Thầy giáo Trần Bá Thiện
Tuy vậy, nhà báo Võ Văn Tạo lập luận khó có thể tiên liệu được ai là nhân vật “sáng giá” để được bầu chọn thay thế ông Trọng, nếu như tình huống xấu nhất xảy ra khi ông Trọng không thể đảm nhiệm chức vụ vì sức khỏe.
“Theo tôi theo dõi thì rõ ràng nhân sự trong Bộ Chính trị hiện nay, tôi thấy thật luộm thuộm. Có những nhân vật mà tất cả mọi người không ai ngờ con người đấy vào được Bộ Chính trị”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, được nhà báo Võ Văn Tạo nêu danh như là một trường hợp điển hình.
"Ông Trần Tuấn Anh có nhiều vụ bê bối, đặc biệt là lợi dụng phương tiện của nhà nước trong vụ dùng xe công ra tận cầu thang máy bay đón vợ của ông gây ồn ào dư luận. Tôi nghĩ nếu là một người có liêm sĩ, hay ở một quốc gia có minh bạch, văn minh thì ông Trần Tuấn Anh phải lập tức xin từ chức hoặc là bị cách chức ngay tức khắc. Ai cũng tưởng ông Trần Tuấn Anh kỳ này không vào được Trung ương Đảng, mà té ra ông không những được vào Trung ương Đảng mà còn vào Bộ Chính trị nữa. Hay bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng, nhưng suốt mấy năm nhiệm kỳ của ông Phúc thì cộng đồng mạng coi ông như một anh hề. Ông Phúc đi mỗi nơi lại phát biểu lăng nhăng. Nói xin lỗi, người Việt Nam có câu rất dân dã rằng 'dốt hay nói chữ', không xứng tầm với thủ tướng một chút nào. Tuy nhiên nhiệm kỳ này, ông Phúc vẫn trụ lại dù về độ tuổi quy định thì ông Phúc cũng đã quá tuổi. Ông Phúc cũng thuộc trong 'những trường hợp đặc biệt' về công tác nhân sự."
Nhà báo Võ Văn Tạo quả quyết rằng những ai theo dõi tình hình chính trị tại Việt Nam đều có thể xác định rằng “Việc bố trí cán bộ không hẳn là do tài đức mà do dàn xếp, cánh này phe kia”. Do đó, ai có thể được chọn để thay thế ông Trọng vẫn còn là ẩn số.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Cống, cho dù ông Nguyễn Phú Trọng hay bất kỳ nhân vật nào trong giới lãnh đạo của Đảng CSVN giữ chức Tổng Bí thư, mà vẫn trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, thì tình hình đất nước Việt Nam vẫn “bi đát”, bởi vì đó là một chủ thuyết phản khoa học và phản dân chủ.
“Nghĩa là, Đảng CSVN vẫn theo con con đường cũ. Ông Trọng đã tuyên bố rõ ràng là ‘phải kiên trì Marx-Lenin’, ‘kiên trì đường lối định hướng xã hội chủ nghĩa’. Thế thì phải chịu, chứ biết thế nào”.
Trong khí đó, luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, từ Canada, vào hôm 26/1, trong cuộc phỏng vấn với RFA, bày tỏ rằng ông cầu chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được tái cử vào chức vụ mà ông Trọng mong muốn. Luật sư Vũ Đức Khanh, đồng thời hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người Cộng sản Việt Nam cuối cùng, giống như ông Mikhail Gorbachev, làm cho tiến trình tự do và dân chủ hóa Việt Nam được phát triển.