Trong giai đoạn từ 2006 - 2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng và triển khai 62 dự án, với tổng mức đầu tư lên tới gần 60 ngàn tỷ đồng. Kết quả thanh tra chính phủ hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, riêng 10/62 dự án được thanh tra đã có mức đội vốn khủng lên đến cả chục ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án cải tạo nâng cấp QL 10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ đội vốn từ 825 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường tránh bão, cứu nạn (Tuy Lộc – Bình Minh) từ 435 tỷ đồng tăng lên thành 699 tỷ đồng; Dự án xây dựng nâng cấp đường 477B và cầu Trường Yên tăng từ 196 tỷ lên 1.308 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp Đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy từ Bái Đính đi Kim Sơn tăng từ 1.650 tỷ đồng lên 3.806 tỷ đồng; Dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân tăng từ 519 tỷ lên 1.082 tỷ đồng; Dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long tăng từ 955 tỷ lên 1.389 tỷ;
Những cái chuyện như đào đất, nạo vét ai mà biết cho chính xác được, mà cũng chẳng ai đi canh cái chuyện đó lắm cho nên là dễ khai gian lắm, khai gian từng chút một thì chưa thấy gì nhưng mà đến khi cộng lại mới thấy kinh khủng - TS. Phạm Sỹ Liêm
Dự án nạo vét sông Đáy, từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến nhánh qua sông Đáy từ 2.078 tỷ tăng lên thành 9.720 tỷ đồng; Dự án Sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi 5 xã Bắc sông Rịa từ 98 tỷ tăng lên 168 tỷ đồng; Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá sông Đáy từ 88 tỷ tăng lên 105 tỷ đồng; Dự án xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư tăng từ 137 tỷ lên 202 tỷ đồng.
Đặc biệt, riêng Dự án nạo vét sông Đáy từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy đã đội vốn hơn 7.000 tỷ đồng, bằng tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu của cả 10 dự án cộng lại. Điều đáng nói là phần lớn trong số các dự án này được thông qua theo hình thức chỉ định thầu với sự tự thoả thuận về giá giữa chủ đầu tư và nhà thầu thay vì đấu thầu một cách công khai và minh bạch. Trong khi đó, những dự án về xây dựng thuỷ lợi, bồi đắp, nạo vét kênh rạch lại là lĩnh vực dễ phát sinh đội vốn nhiều nhất. TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng nói về điều này:
“Những cái chuyện như đào đất, nạo vét ai mà biết cho chính xác được, mà cũng chẳng ai đi canh cái chuyện đó lắm cho nên là dễ khai gian lắm, khai gian từng chút một thì chưa thấy gì nhưng mà đến khi cộng lại mới thấy kinh khủng. Giá cả có nhiều cái người ta nói đúng nhưng có nhiều cái cũng dễ bị khai khống nhất là số lượng đào đắp, rồi lại còn lèn vào nữa nên cuối cùng cũng chẳng ai mà đi đo mà kiểm tra được cho nên các nhà thầu hay gian lận trong khâu ấy, rồi chưa nói đến khâu vận tải. Ví dụ trong dự toán người ra bảo là khâu vận tải đi đổ đất khoảng nửa cây số nó khai là 2-3 cây số”
TS Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng đã có một sự liên kết giữa các bên liên quan để đẩy giá thành của dự án lên tới mức như thực tế được công bố. Ông nói tiếp:
“ Ban quản lý dự án thì chi phí của nó được tính vào phân trăm cái mức đầu tư. Mức đầu tư tăng lên thì phần trăm tăng lên, thì đó là cái hợp pháp cái đã chưa nói gì đến là cái không hợp pháp. Thế rồi tất nhiên là giữa các vị chủ đầu tư và nhà thầu, thậm chí cả tư vấn giám sát thông đồng với nhau để nâng giá nâng số lượng và phần thu được tất nhiên là họ phải chia nhau. Và trong bối cảnh hiện nay thì tình trạng tham nhũng, không minh bạch và lợi ích nhóm có thể xảy ra ở các dự án công một cách tương đối phổ biến”
Ninh Bình là một tỉnh đặc thù và tại sao lại khác với các tỉnh khác và được nhiều dự án… thì đây là một vấn đề cần thanh kiểm tra và đi đến kết luận một cách minh bạch để cho công chúng người ta biết được - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long<br/>
Chia sẻ với đài RFA về vấn đề vì sao Ninh Bình lại được chính phủ “ưu tiên” và liên tục “rót” hàng chục nghìn tỷ vốn ngân sách vào các dự án đội vốn và chậm tiến độ mà điển hình là dự án nạo vét sông Sào Khê với mức đội vốn 36 lần từ 72 tỷ đồng lên tới hơn 2500 tỷ đồng trong vòng 17 năm qua, TS Nguyễn Quang A cho biết đây không phải là hiện tượng mới mẻ. Ông cũng tán thành quan điểm cho rằng thời điểm Ninh Bình được rót vốn ngân sách cũng trùng thời điểm mà các doanh nghiệp tư nhân của Ninh Bình như Xuân Trường, Xuân Thành… xây dựng một số các dự án về du lịch tâm linh. Tiến sỹ A giải thích:
" Khi mà đã muốn tuồn tiền của nhà nước cho doanh nghiệp sân sau hay doanh nghiệp cánh hẩu của mình thì người ta vống cái giá lên rồi đội vốn. Và cái công ty tư nhân hay doanh nghiệp quốc doanh được chia cái phần nó ăn lợi bất chính đó nó dùng làm cái gì thì tôi nghĩ cái đó nó muôn hình vạn trạng. Chuyện cái thời đó mà đầu tư đi xây dựng chùa Bái Đính hay làm cái gì đấy nhân danh tâm linh, du lịch tâm linh hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì chùa đấy thì người ta đã đồn, mà tin đồn thì thường có lý gì đó trong người dân, là đấy là chùa của các "ông" ấy, tức là những ông rất là to và nhờ có sự bật đèn xanh của các ông ấy và cả cơ chế đội vốn lên để làm những việc như vậy"
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng đây là một hiện tượng hoàn toàn bất bình thường và cần phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa cũng như những nhân tố đã tác động đến thực trạng này:
"Ninh Bình là một tỉnh đặc thù và tại sao lại khác với các tỉnh khác và được nhiều dự án… thì đây là một vấn đề cần thanh kiểm tra và đi đến kết luận một cách minh bạch để cho công chúng người ta biết được. Mà nó có một có biểu hiện không bình thường như vậy thì thanh tra phải vào cuộc và thanh tra phải hoàn toàn khách quan."
Vấn đề phát sinh đội vốn “khủng” tại các dự án công tại Ninh Bình cũng đã được đem ra mổ xẻ và bàn luận về nguyên nhân cùng các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong phiên họp quốc hội khoá 14 vào cuối tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng thực tế tại các dự án đội vốn nói chung và của tỉnh Ninh bình nói riêng có tác động ngày càng tiêu cực đến niềm tin của người dân đối với chính phủ. Và nếu như có một chế tài đủ nghiêm khắc và kiên quyết đối với các hành vi tham nhũng thì chắc chắc sẽ không còn một quan chức hay doanh nghiệp nào có thể tồn tại và cấu kết với chính quyền tham nhũng tài sản và ngân sách của nhà nước như hiện nay.