Bắc Hàn lại nổ thử nghiệm hạt nhân

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu phiên họp khẩn cấp nhằm đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn nhất đối với nhà cầm quyền Bắc Hàn, sau khi Bình Nhưỡng cho nổ thử nghiệm hạt nhân.

Các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc cho hay trong cuộc họp vừa bắt đầu cách đây chỉ ít phút đồng hồ, các quốc gia thành viên của Hội Đồng Bảo An sẽ thông qua một nghị quyết lên án hành động của Bắc Hàn, nhưng chưa rõ liệu các nước có đồng ý với những biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với Bình Nhưỡng hay không.

Một trong những trở ngại được nói đến trước khi phiên họp bắt đầu vẫn là quyết định của Trung Quốc. Tin tức ghi nhận được cho hay mặc dù Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng nói rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá rất đắt nếu cho nổ thử nghiệm hạt nhân, nhưng điều đó không hẳn là Bắc Kinh đồng ý với đề nghị gia tăng mức độ cấm vận Bắc Hàn mà các quốc gia khác sẽ đưa ra trong cuộc họp.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho triệu tập phiên họp khẩn ngay sau khi Bắc Hàn thành công trong vụ nổ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất. Đây là lần thứ ba Bình Nhưỡng làm điều này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Bình Nhưỡng cho biết cuộc thử nghiệm hạt nhân mới thực hiện hồi sáng sớm hôm nay là cuộc nổ mạnh nhất so với 2 lần trước đây. Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng Nam Hàn, trái bom được nổ thử lần này mạnh từ 6 tới 7 kiloton, tạo thành cường độ rung chấn đo được là 4,9 độ richter.

Vẫn theo thông báo của Bắc Hàn, vụ nổ thành công là một bước đột phá quan trọng vì sử dụng một thiết bị thu

Dân chúng Bình Nhưỡng, xem thông báo chính thức thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn qua đài TV trung ương Chosun. Photo courtesy of Yonhap
Dân chúng Bình Nhưỡng, xem thông báo chính thức thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn qua đài TV trung ương Chosun. Photo courtesy of Yonhap (Photo courtesy of Yonhap)

nhỏ và nhẹ hơn, giúp Bắc Hàn tiến gần đến việc lắp đặt đầu đạn cho các tên lửa đạn đạo mà họ đang có.

Trước đây, tin tình báo quốc tế từng nói rằng Bắc Hàn có đủ lượng plutonium để sản xuất từ 4 đến 8 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Mỹ CBS, cựu đặc sứ Hoa Kỳ là ông Christopher Hill cho hay thế giới Tây Phương không thể nào biết rõ khả năng hạt nhân mà Bắc Hàn hiện có.

Phản ứng thế giới

Ngay sau khi vụ nổ thử nghiệm xảy ra, nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ phản ứng mạnh mẽ, lên án việc làm của Bắc Hàn.

Tại Tokyo, Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản nói rằng chính phủ nước ông kịch liệt lên án hành động mang tính gây hấn mà ông gọi là không thể tha thứ của Bắc Hàn, cho rằng hành động này gây cản trở cho những nỗ lực mà cộng đồng thế giới đang theo đuổi với mục đích biến bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân.

Nam Hàn cũng đưa ra lời tuyên bố rất mạnh mẽ, nói rằng Bắc Hàn phải chịu mọi trách nhiệm về hành động khiêu khích mà họ vừa làm. Tổng Thư Ký Ban Ki-Moon của Liên Hiệp Quốc thì bày tỏ mối âu lo sâu xa, nói thêm rằng Bắc Hàn đã vi phạm tất cả mọi nghị quyết mà Hội Đồng Bảo An đã thông qua.

Thông cáo của Nhà Trắng cho thấy Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng gọi vụ nổ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn là một hành động khiêu khích, ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ và hòa bình toàn cầu. Ông cũng kêu gọi thế giới phải có thái độ quyết liệt và nhanh chóng đối với nhà cầm quyền Bình Nhưỡng.

Cũng cần nói thêm vụ nổ thử nghiệm của Bắc Hàn xảy ra vào đúng ngày Tổng Thống Hoa Kỳ Obama ra trước lưỡng viện Quốc Hội để đọc bản thông điệp hàng năm, để báo cáo về tình hình đất nước, và những kế hoạch ông muốn thực hiện ở nhiệm kỳ này.

Trong suốt tuần lễ vừa qua, tin tức phát xuất từ Nhà Trắng cho hay rằng kinh tế và việc làm vẫn là trọng tâm mà Tổng Thống Hoa Kỳ muốn nhắm đến, bên cạnh những mục tiêu khác như cắt giảm ngân sách hay giải quyết tình trạng cư trú bất hợp pháp của hàng chục triệu người đang cư ngụ tại Mỹ.

Đến sáng hôm nay và với biến chuyển mới nhất do Bắc Hàn gây nên, mọi người dự đoán vấn đề này sẽ là một trong những điểm chính của bản thông điệp, vì như Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên bố là vụ nổ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn là một hành động khiêu khích, ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ và hòa bình toàn cầu.

Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ cũng mới lên tiếng phản đối việc làm của Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ để nối lại cuộc thương thuyết ngoại giao giữa Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản và Bắc Hàn.

Thống cáo được nhiều người hiểu rằng chính phủ Thụy Sĩ sẵn sàng đứng ra làm trung gian, kể cả việc tổ chức cuộc đàm phán 6 bên đang bị bế tắc từ 2 năm qua.

Thụy Sĩ được xem là có mối quan hệ khá đặc biệt với Bình Nhưỡng, vì là nơi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un theo học lúc còn bé.