Việt Nam chính thức bác bỏ việc thành lập sàn giao dịch tiền ảo sau khi bản tin trên mạng PR Newswire loan báo về việc này cuối tháng Ba vừa qua.
Theo tin từ Mạng PR Newswire thì 2 tổ chức kinh doanh tiền ảo, từ quen thuộc gọi chung là Bitcoin hay từ chính thức là Crypto Currency, vừa thành công trong việc điều đình tiến tới bản MOU ghi nhớ tương thuận để Việt Nam có sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên trong những ngày tới.
Vẫn theo PR Newswire, tên 2 công ty được phép lên sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên là Linh Thanh Group và KRONN Ventures AG .
Tin đó không đúng, là khẳng định của ông Bùi Văn, cưu phó giám đốc kiêm giảng viên Chương Trình Fulbright, hiện phụ trách kênh truyền hình kinh tế FBNC ở thành phố Hồ Chí Minh:
PN Newswire là tổ chức đưa tin cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nguồn tin chứ PR Newswire không chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Tôi không nghĩ là Việt Nam cho phép đâu, có thể Google rồi đám “Ngân Hàng Nhà Nước Không Cấp Phép Cho Sàn Tiền Ảo” là có một loạt các tin của một loạt báo đài đồng loạt xác nhận Ngân Hàng Nhà Nước bác bỏ thông tin sắp cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo, cho nên chúng tôi biết chắc cái này không có đâu.
Chưa và không hề có chuyện chấp thuận để crypto currency tức tiền ảo được lên sàn giao dịch công khai ở trong nước, cũng là câu trả lời của chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:
Chúng tôi cũng được tin là Ngân Hàng Nhà Nước đã phủ nhận việc cấp giấy phép cho công ty vận hành với crypto currency . Điều này không làm tôi ngạc nhiên vì theo tôi hiểu Nhà Nước vẫn chưa có qui định nào rõ rệt về việc cho phép hay không cho phép tiền ảo crypto currency.
Từ năm 2014, crypto currency, đồng tiền ảo, được hiểu như thế nào, cách lưu hành của nó như thế nào, mua bán chuyển nhượng ra sao, được coi là hiện tượng rất mới trong nền kinh tế Việt Nam.
Ngân Hàng Nhà Nước đã phủ nhận việc cấp giấy phép cho công ty vận hành với crypto currency . Điều này không làm tôi ngạc nhiên vì theo tôi hiểu Nhà Nước vẫn chưa có qui định nào rõ rệt về việc cho phép hay không cho phép tiền ảo crypto currency. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Sau đó không lâu, đầu 2016, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết tiếp, Ngân Hàng Nhà Nước đã ra thông cáo là đồng tiền ảo không được phép sử dụng như một phương tiện thanh toán:
Có nghĩa không được sử dụng để mua bán hàng hóa,không được sử dụng để trả tiền khách sạn hoặc mua bất động sản. Tuy nhiên Ngân Hàng Nhà Nước không cấm chuyện có thể chuyển nhượng, mua bán cái crypto currency. Thành ra dùng nó như một phương tiện thanh toán thì không được phép, nhưng Luật không cấm việc tôi có đồng bitcoin, tôi có thể bán cho một người bạn với giá 1 bitcoin 4.000 hoặc 5.000 Đô la nếu hai bên thỏa thuận thương lượng với nhau. Chính vì thế đây là một lỗ hổng về mặt quản lý đồng tiền ảo.
Về mặt nguyên tắc Việt Nam chưa hề tuyên bố nên hay không nên cho phép đồng tiền ảo được lưu hành được sử dụng trong nước, vì thế tin nói Ngân Hàng Nhà Nước cho phép lập sàn giao dịch đồng tiền ảo là chuyện không thể xảy ra, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Anh Lâm ở Sài Gòn, từng tham gia mua bán crypto currency trên sàn mang tên Remitano từ khi tiền ảo vào Việt Nam 4 hay 5 năm trước, cũng có suy nghĩ tương tự:
Em săn dự án và thấy dự án nào nền tảng của nó thật, trình độ kỹ thuật OK là em chơi thôi. Cho mở sàn giao dịch là trái ngược hoàn toàn với những năm trước. Giống như mấy anh em của em là dân MMO Make Money Online trên sàn Remitano là sàn giao dịch buôn bán bằng nhiều loại đồng tiền crypto currency, nhưng cũng có một khoảng thời gian bị Nhà Nướ cđánh thuế. Đơn giản là quản lý không được thì cấm thôi, có nghĩa là không cho qui đổi ra tiền mặt,còn những cá nhân làm trái thì bị diệt hết trơn rồi.
Được hỏi về những dấu hiệu lừa đảo tai tiếng liên quan đến tiền ảo ở trong nước, anh Lâm trả lời không phải là dấu hiệu mà là chuyện có thực:
Đa số là người sau trả người trước, nó vẽ ra dự án thôi. Nếu biết chơi hụi thì cũng giống như chủ hụi nói là gởi tiền cho họ để lấy lãi hàng tháng thì người sau trả người trước. Chơi hụi lúc trước là trả tiền mặt, sau này là Bitcoin, thì Bitcoin lại dễ lừa nữa vì đâu có tra ra được. Lừa tới mấy trăm ngàn tỷ lận. Bốn, năm năm rồi, lừa biết bao nhiêu rồi, cảnh báo họ không tin thì biết làm sao.
Tháng Tư năm 2018, Việt Nam lên tiếng yêu cầu điều tra nghi án lừa đảo tiền ảo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị các bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường điều tra một vụ lừa tiền ảo lên tới mấy trăm triệu đô la
Tháng Sáu năm 2018 Việt Nam ra lịnh tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo ( Cryptocurrency Mining). Tin nói Bộ Tài Chính tạm thời ngưng nhập máy đào tiền ảo nhằm tăng cường quản lý hoạt động liên quan đến bitcoin và các giao dịch tiền ảo khác.
Tính đến lúc này khoảng 15.000 máy đào tiền ảo đã nhâp về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ riêng 2018, hơn 9.300 máy đào tiền ảo được nhập, trong đó Hà Nội 2.300 máy, Sài Gòn khoảng 7.000 máy.
Bất kể biện pháp ngăn chặn và cảnh báo từ chính phủ, thực tế cho thấy đầu tư vào tiền ảo vẫn gia tăng tại các thành phố lớn, đe dọa sự ổn định thị trường tài chính cũng như trật tự xã hội.
Đối với ông Bùi Văn, đang phụ trách kênh truyền hình kinh tế tài chính FBNC trên TV, thì không thể gọi là đầu tư mà gọi là đầu cơ mới đúng:
Không có cái đầu tư gì mà mới mua 5.000 khoảng hai tháng sau đã lên 20.000, rồi vừa 20.000 thì hai tháng sau lại giảm xuống còn 3.000. Cái này là speculation tức là đầu cơ. Nhà Nước Việt Nam không khuyến khích cái đầu cơ này. - Ông Bùi Văn
Tiền ảo thì rủi ro của nó rất cao, không có cái đầu tư gì mà mới mua 5.000 khoảng hai tháng sau đã lên 20.000, rồi vừa 20.000 thì hai tháng sau lại giảm xuống còn 3.000. Cái này là speculation tức là đầu cơ. Nhà Nước Việt Nam không khuyến khích cái đầu cơ này.
Khác với đầu tư là tạo ra giá trị, đầu tư vào một công ty thì tiền đó dùng làm ra hàng hóa, dịch vụ, trả lương công nhân, tạo ra một cái giá trị gia tăng. Còn đầu cơ là mua vào thế nào thì bán ra giá trị như thế, không tạo ra giá trị gia tăng.
Đây là một trò chơi mà người này được của người kia, tiếng Anh gọi là Zero Sum Game, Nhà Nước Việt Nam rất là không khuyến khích.
Một lý do quan trọng khác, ông Bùi Văn nhận định tiếp, Việt Nam đã phải vất vả trong việc kiểm soát lạm phát, trong việc kềm giữ mệnh giá giữa 3 thứ đang lưu hành là VND, USD và vàng, vì thế không có lý do nào lại chấp thuận cho lên sàn giao dịch một loại tiền không kiểm soát được:
Thế bây giờ lại sinh ra crypto currency mà qui mô của nó còn rất nhỏ so với nên kình tế nhưng cái tác động gây nhiễu, gây ra những tin đồn của nó lại rất lớn.
Cho nên Ngân Hàng Nhà Nước khó mà có thể cho phép một thứ tiền, vốn đã là ảo, mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ như bao lâu nay, ông Bùi Văn kết luận.