Bất chấp nhiều vụ việc tham nhũng diễn ra thời gian gần đây, tại Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 diễn ra ngày 16/4 vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vẫn công bố: Công tác tự kiểm tra nội bộ của thành phố không phát hiện trường hợp tham nhũng nào trong hơn 10 năm từ 2009 đến tháng 6/2020. Trước đó, đầu tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo thành phố cũng từng khẳng định: Thành phố chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào liên quan đến tham nhũng trong năm 2020.
Báo cáo về hoạt động chống tham nhũng của Hà Nội như thế không chỉ gây bức xúc trong cộng đồng mạng xã hội mà hàng chục tờ báo Nhà nước Việt Nam, trong đó có các tờ báo lớn như Thanh niên, Tiền phong và VietnamNet tuy không đưa ra các bình luận nhưng đều đồng loạt đưa tin về "thành tích" này.
Sáo rỗng và chướng
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng, ông không bất ngờ về phản ứng của báo chí và công luận vì báo cáo này “rất không bình thường”.
"Báo cáo đọc lên thì cả đất nước này thấy không thể đồng tình được. Trong hơn 10 năm vừa qua, những vụ tham nhũng xảy ra tại địa bàn do Hà Nội quản rất nhiều" - ông Hợp nói và cho rằng chỉ cần điểm qua trong năm 2020 Hà Nội đã có ít nhất hai vụ tham nhũng đình đám là vụ công ty Nhật Cường được chỉ định thầu làm hệ thống thông tin chính phủ điện tử cho Hà Nội, có liên quan tới gia đình cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, và vụ liên quan đến cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá mua thiết bị xét nghiệm COVID. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong vụ Nhật Cường có các hành vi biển thủ -một hình thức tham nhũng khá phổ biến, một số cá nhân còn phạm tội chiếm đoạt tài liệu mật – một hình thức tham nhũng, lạm dụng quyền lực một cách nghiêm trọng.
![Nhat cuong.png](https://www.rfa.org/resizer/v2/N4U4Q4CYM4NQCWZAUOEGFNEQWA.png?auth=c4c9f4481b4400ef4316fe35ab60c3d2625a6ba40c71e2465692e15ae386ddb6&width=800&height=447)
Ông Hợp cho rằng báo cáo này không chỉ nghe “chướng tai” mà còn cho thấy sự yếu kém trong công tác phát hiện tham nhũng của Hà Nội. Theo ông, không rõ khái niệm “công tác kiểm tra nội bộ” của thành phố như thế nào, có sự tham gia của những lực lượng nào nhưng rõ ràng là công tác này không hiệu quả và hình thức vì rất nhiều vụ việc tham nhũng trên địa bàn thành phố đã được phanh phui sau khi công an vào cuộc.Theo báo cáo
[ Chỉ số Hiệu quả và Quản trị hành chính công cấp tỉnhOpens in new window ]
(PAPI) do Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố ngày 14/4 vừa qua, mặc dù ghi nhận một số tiến bộ nhưng Hà Nội vẫn ở trong nhóm trung bình thấp hoặc nhóm thấp nhất trong bảng xếp hạng 63 tỉnh thành về các chỉ số công khai minh bạch và chống tham nhũng. Cụ thể trong năm 2020, Hà Nội là một trong 20 tỉnh thành phố có điểm thấp nhất cả nước ở tiêu chí “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền” (trang 66), là một trong 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất về “Thủ tục hành chính công” (trang 69), xếp thứ 50 trong số 63 tỉnh thành về “Mức độ công khai minh bạch” và là một trong 06 tỉnh thành phố đạt điểm thấp nhất cả nước ở tiêu chí “Công bằng trong tuyển dụng công chức” (trang 66).“
Những số liệu này cho thấy Hà nội đang có vấn đề
” – ông Hợp nói và cho rằng mức độ minh bạch, đạo đức công vụ và hiệu quả quản lý nhà nước thấp là những nền tảng của tham nhũng.Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tự giải thể, trong một trao đổi với RFA cho biết ông không hề ngạc nhiên khi lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo trong hơn 10 năm không phát hiện được vụ tham nhũng nào vì nội bộ bất cứ một cơ quan nào cũng có xu hướng “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” và không ai tự “đá đập vào chân mình.” Ông đồng thời chỉ ra rằng cách báo cáo lấp liếm vào sáo mòn là cách Hà Nội và rất nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam thường sử dụng để bảo vệ tính chính danh của hệ thống Đảng và chính quyền vì họ hiểu rằng vấn đề tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của hệ thống.
“Đó là sáo ngữ mà họ thường sử dụng. Họ sử dụng đến chừng nào các vụ việc chưa bị vỡ lở, lấp liếm chừng nào mà họ không lấp liếm được nữa. Đây là chuyện dễ hiểu. Người ta biết rất là kỹ, tham nhũng làm xói mòn tính chính đáng/danh của hệ thống!”
– ông Quang A nói.
![Nguyen Duc Chung. AFP. Chuyen tham Phap tháng 10.2019.jpeg](https://www.rfa.org/resizer/v2/BMSX3ERBJ4MGHBIZ3YHNJ4DTHA.jpg?auth=761baadf84cbb9c940cf7597c0dbefde80212a0f159cf41ed772a05f38228729&width=800&height=562)
Nhà hoạt động xã hội dân sự này cũng cho rằng Việt Nam thường thực hiện song song hai cách tuyên truyền liên quan tới tham nhũng. Một là: Tình hình tốt, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng nào cả. Hai là, khi vụ việc tham nhũng vỡ lở thì xử lý một cách “rùm beng”.
"Hai cách hành xử đấy cùng nhằm một mục đích [khẳng định]: Chúng tôi rất là trong sạch còn những kẻ tham nhũng thì chúng tôi trừng trị rất nghiêm minh" – ông nói và cho rằng cách "trừng trị" rùm beng tham nhũng như hiện nay của Việt Nam chỉ mang đến kết quả trong ngắn hạn vì chế độ độc đảng, độc tài là môi trường thuận lợi để sinh ra tham nhũng, xử lý được vụ việc này thì lại sinh ra vụ việc khác.
“Bản chất pháp quyền là xác định đúng người đúng tội, công dân nào vi phạm, vi phạm cái gì, tội đến đâu. Nếu một nền pháp quyền làm người vô tội thành có tội, có tội thành không có tội, tội nhẹ thành tội nặng thì đó là vô pháp quyền, không minh bạch và đó là tham nhũng tư pháp” – TS Hà Hoàng Hợp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)
Làm gì để chống tham nhũng hiểu quả
TS Nguyễn Quang A cho rằng nói như trên không có nghĩa là chế độ độc đảng không chống tham nhũng được. Trong trường hợp Hà Nội, ông cho rằng thành phố cần có một cơ quan hay tổ chức độc lập để làm công tác giám sát các cơ quan công quyền. Tổ chức này không nhất thiết phải là báo chí hay tổ chức xã hội dân sự mà có thể do chính quyền lập ra nhưng điều quan trọng là có thể hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của bên ngoài làm ảnh hưởng tới hoạt động và kết quả hoạt động của mình.
Đối với hoạt động chống tham nhũng chung của cả nước, để hiệu quả, ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng 4 thể chế quan trọng, đó là: Thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và có các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh và sôi động.
"Nếu có bốn yếu tố đó thì tham nhũng sẽ giảm đi và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ có kết quả" – ông Quang A nói nhưng cũng cho rằng đáng tiếc Việt Nam vẫn chưa có được bất cứ điều kiện nào trong bốn điều kiện này.
"Đảng chính trị cũng cần phải cạnh tranh từ bên ngoài, tức phải có đảng khác soi thì đảng này mới lộ tốt, xấu. Còn không có đảng khác, không có lực lượng đối lập thì đảng này không bao giờ nhận ra cái sai, yếu kém cần phải thay thế. Chẳng hạn đảng cộng sản này phải có hai đảng, phải cạnh tranh một mất một còn như ông Trump và ông Biden thì mới hết lòng hết sức vì nhân dân và có thể giảm được tiêu cực trong chính nội bộ đảng chính trị đó."- Nhà hoạt động Trần Bang trong một trao đổi với RFA tháng 12/2020.
Trao đổi với RFA, TS Hà Hoàng Hợp cũng cho rằng Việt Nam vẫn có thể chống tham nhũng hiệu quả với thể chế chính trị hiện tại nếu thực sự có quyết tâm. Ông gợi ý Việt nam đẩy mạnh cải thiện hai lĩnh vực, đó là: Cải cách thể chế thống tham nhũng và tăng cường thu hút sự tham gia của người dân vào công cuộc chống tham nhũng.
Liên quan đến cải cách thể chế chống tham nhũng, ông Hợp cũng cho rằng hoạt động kiểm tra, thanh tra nội bộ ở các địa phương như Hà Nội hay các bộ ngành nên được thay thế hoạt động giám sát của một cơ quan độc lập để có thể mang tính khách quan, công bằng đồng thời có thể thu hút sự tham gia của người dân – một nhân tố quan trọng trong hoạt động chống tham nhũng. Cụ thể, ông gợi ý Việt Nam nên tham khảo mô hình Cơ quan giám sát Quốc hội (Ombudsman) vì đây là một thể chế chống tham nhũng đã phát huy hiệu quả ở nhiều nước phát triển như Đức, Anh, Thụy Điển, Australia và được duy trì trong nhiều thập kỷ qua.
![000_894O6.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/5HSQXY5OCXKC3TUXT4BSIV5AAM.jpg?auth=d45f6ec33fffad93b8837af045560c018f3debfe05599ab8494a8f15726cfd7b&width=800&height=532)
"Ombudsman là cơ quan độc lập, được dân bầu trực tiếp rồi Quốc hội lựa chọn. Ombudsman có thể giám sát bất kỳ cơ quan tổ chức nào kể cả các DN tư nhân, có chân rết ở các chính quyền địa phương, và họ chỉ báo cáo cho Quốc hội" – ông Hợp nói.
Chuyên gia này cho biết thực tiễn ở nhiều nước cho thấy Ombudsman có quyền lực rất lớn, có thể giám sát và tiến hành điều tra tất cả các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp của một quốc gia và có tính độc lập rất cao, do Quốc hội thành lập, phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước quốc hội nhưng hoạt động chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật mà không chịu sự chi phối hay tác động tùy tiện của bất kỳ cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Ombudsman trực tiếp nhận và điều tra các đơn thư khiếu nại của người dân các cấp, có cơ chế bảo vệ người tố cáo và tạo áp lực khiến cho các cơ quan chính quyền có liên quan phải đưa ra câu trả lời kịp thời, thỏa đáng hoặc nhanh chóng thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp sau. Theo ông, thể chế/mô hình chống tham nhũng trực tiếp và sâu rộng này sẽ giúp khắc phục những hạn chế về tính độc lập và khả năng thu hút sự tham gia của người dân của các cơ quan thanh tra, kiểm tra nội bộ của Việt Nam.
"Việc thành lập Ombudsman ở Việt Nam hiện không chỉ là nhu cầu tự thân của Quốc hội mà còn là nhu cầu của cả xã hội. Việc thành lập Ombudsman sẽ giúp khắc phục những hạn chế của hoạt động giám sát và bảo vệ quyền con người của Quốc hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Quốc hội….Trong thực tế, hiện tại bộ máy nhà nước ta đã có nhiều cơ quan có tính độc lập tương đối (Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Kiểm toán...), vì thế tính độc lập của thiết chế Ombudsman không phải là điều xa lạ, nhạy cảm hay cấm kỵ ở Việt Nam. Mặc dù Ombudsman có thể đòi hỏi tính độc lập ở mức độ cao hơn một chút so với tất cả các cơ quan khác của bộ máy nhà nước hiện nay, song nó vẫn là một thiết chế nằm trong hệ thống, và vì vậy hoàn toàn có thể 'quản lý' được" - Trích bài viết của TS Vũ Công Giao, khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội và Thạc sĩ Đinh Công Luận, Viện Nghiên cứu lập pháp.
Ngoài việc hoàn thiện thể chế chống tham nhũng, ông Hợp cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế hành chính vì sau những bước tiến đạt được trong giai đoạn 2001-2010, công cuộc cải cách hành chính và thể chế hành chính trong hơn 10 năm trở lại đây đã có dấu hiệu bị thu hẹp lại, chủ yếu bó hẹp ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Ông cho rằng nếu không có sự thay đổi về "luật chơi", phương thức vận hành bộ máy thì bộ máy hành chính không thể hiệu quả và tinh giản được.
Nói về gợi ý thứ 2 của mình, ông giải thích rằng bản chất của tham nhũng rất tinh vi và phức tạp, không thể chỉ dựa vào bộ máy nhà nước để chống tham nhũng mà rất cần có sự tham gia của người dân vì vừa là tai là mắt phản ánh tình hình, vừa là nạn nhân, chịu tác động trực tiếp bởi tham nhũng đồng thời cũng là tác nhân gây tham nhũng (ví dụ người dân thực hiện hành vi hối lộ).
"Vai trò phòng chống tham nhũng là của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo trong đó các cơ quan của Đảng và Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng như Công an, Ủy Ban Kiểm tra Trung Ương, thanh tra, nội chính nhưng tất cả các cái đó không quan trọng bằng việc tham gia trực tiếp của người dân" – ông Hợp nói.
![Le Hien Duc 2007.png](https://www.rfa.org/resizer/v2/MERBCS3ARSZDZFX5DDOU5LEW6I.png?auth=fbc31cc04d17585724513035c1b7eaa66e4b596a0d6cd2faf4fa38e52c3d2aa7&width=800&height=748)
Hàng năm Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đều công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) - chỉ số hàng đầu thế giới về tham nhũng trong khu vực công dành cho 180 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong nhiều năm qua kể từ khi có hiện diện tại Việt Nam, trong bản thông báo về chỉ số CPI của Việt Nam gửi Chính phủ Việt Nam, TI thường xuyên khuyến nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức ngoài nhà nước tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, khuyến khích người dân chủ động trang bị kiến thức về pháp luật PCTN, thực hành liêm chính, tố cáo tham nhũng hối lộ. Trước đó, một nghiên cứu của tổ chức này cho thấy người dân Việt Nam ít tham gia tố cáo tham nhũng vì cho rằng có tham gia cũng không thay đổi tình hình hoặc không sẵn sàng tham gia vì sợ gánh hậu quả.
Phòng chống tham nhũng về bản chất là phải thượng tôn các giá trị pháp lý, sự đúng đắn và nhân văn” – TS Hà Hoàng Hợp
"Chống tham nhũng không chỉ là bằng chống tham nhũng. Chống tham nhũng chỉ bằng chống tham nhũng thôi thì sẽ thất bại" – ông Hợp nói và nêu quan điểm rằng chống tham nhũng phải kết hợp nhiều hoạt động và theo ông, một trong những hoạt động quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong đó có người dân, hướng họ tới sứ mệnh phụng sự đất nước. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng cùng với việc khuyến khích người dân tham gia chống tham nhũng, các cơ quan hữu trách của Việt Nam cần xây dựng lòng tin trong dân bằng việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả thông tin do người dân cung cấp, làm tốt bảo vệ người tố cáo cũng như đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, tránh tình trạng cản trở quyền tiếp cận thông tin và kiểm tra giám sát của người dân.
Việt Nam đã có được một hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng tương đối đầy đủ. Ngay từ năm 1990, ông Đỗ Mười, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam đã nêu quy chế dân chủ ở cơ sở ('dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'), sau đó năm 1998, đã có Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam về dân chủ cơ sở. Những năm gần đây, nền tảng pháp luật chống tham nhũng của Việt Nam đã được dần hoàn thiện với Luật Phòng chống tham nhũng mới (2018), luật Báo chí mới (2016), luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật Tố cáo (2018). Gần đây, các quy định hướng dẫn bảo vệ người tố cáo – một tài liệu đã bị trì hoãn trong nhiều năm – đã được ban hành cùng với Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo và có hiệu lực từ ngày 28/5/2019, tạo điều kiện cho sự tham gia chống tham nhũng của người dân. – TS Hà Hoàng Hợp