Vụ việc diễn ra tại vùng đất thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Từ đầu những năm ’90 một số dân đến khai hoang dựng nhà trên mảnh đất lúc đó còn ẩm thấp như lời họ kể.
Sau những năm sống yên ổn, họ bị cơ quan chức năng đến cưỡng chế lần thứ nhất hồi năm 2011 như lời thuật của một người dân trong cuộc là bà Vân Lê:
“Ngày thứ sáu 28/2/2011, họ photo 24 biên bản quyết định cưỡng chế 24 công trình vi phạm để dán lên 24 căn nhà của chúng tôi. Quyết định do ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phi quận Ngô Quyền ký và đóng dấu”
“Ngay chiều hôm ấy thì họ cắt điện, cắt nước rồi cho công an vào từng nhà để khống chế, nghĩa là trong bất xuất ngoài bất nhập”
"Qua ngày thứ bảy, chủ nhật, đến sáng thứ hai họ mang vào tất cả năm máy xúc, máy ủi, có cả cứu thương cứu hỏa, lính công binh dò mìn, rồi 113. Trong một buổi sáng bốn tiếng đồng hồ là họ phá hủy 24 căn nhà chúng tôi đang ở, Sau đó khi chúng tôi đi khiếu kiện thì họ lập 24 cái biên bản giả họ tự nghĩ tự ký với nhau, hiện giờ tôi còn giữa đây.Nhà chúng tôi đã ổn định nhưng biên bản giả họ lập là nhà ông A bà B chỉ mới xây có 20, 30 phân tường".
Bà Thúy, một cư dân khác, trình bày thêm về vụ cưỡng chế năm 2011:
"Tối chủ nhật họ đã đến từng nhà vây kín rồi, mỗi một nhà là mấy chục người công an. Họ không họp bàn người dân, không đền bù cũng không một giấy quyết định thu hồi. Hai mươi tư căn hộ bị san bằng hết, người dân bị khống chế ra hết, con gái tôi là mấy chục người vào khiên quăng lên ô tô luôn"
Sau đó cả gia đình bà Thúy và bà con cùng xóm đi khiếu kiện, từ địa phương lên tới trung ương, vật vã từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng cho đến Phòng Tiếp Dân, từ văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc đến Thanh Tra Chính Phủ… nhưng mọi đơn từ đều không được giải quyết:
"Họ không trả lời, bảo là chưa có giấy thì cứ về ở trên nền móng cũ. Năm 2013 bọn tôi về dựng căn chòi bằng tre nứa trên nền móng cũ để giữ đất và bây giờ xây nhà lại hết rồi"
“Người ta cho xây vì nó hoang vu, cỏ dại rất nhiều, rắn rết chuột cũng rất nhiều. Phường cũng hay vào, thấy cảnh đấy thì người ta cũng cho xây để giữ đất chứ không phải người ta đồng ý hay nhận sai đâu”.
Bà Vân Lê nói thêm về nguồn gốc và quá trình tranh chấp tại khu đất bà đã xây nhà và đang ở đó lâu nay:
"Đất của chúng tôi là đất khai hoang phục hóa, coi như đã có nguồn trích lục đất được xây dựng nhà ở sau năm 93, có bà Trần Thị Kim Liên là Phó Phòng Tài nguyên-Môi trường ký và đóng dấu hẳn hoi"
“Và khi chúng tôi xây thì không phải 24 căn một lúc xây lên mà từ 2001 đến 2010 là 24 căn nhà mọc lên, được Nhà nước công nhận bởi có biên lai của chi cục quận Ngô Quyền đến thu thuế và đóng dấu thuế nhà đất. Họ đã cấp cho chúng tôi số nhà, điện, nước”.
Cuộc sống dần ổn định nhưng đến đầu 2021, bà Thúy kể tiếp, chính quyền phường Đằng Giang loan tin sắp xây con đường đi qua khu xóm 24 hộ dân này, và khả năng trưng thu đất có thể xảy ra:
"Có nghĩa khi con đường Đông Khê thứ hai đi qua thì họ lấy vào nhà dân chúng tôi để làm đường đi qua. Thực ra thì họ chưa ủi nhưng mà họ sẽ lấy vào đợt hai đề phân lô bán nền. Họ nói là lấy nhà làm đường và có dự án chung cư trên đất này, thế người dân ở đây người ta mới hoang mang."
Và càng hoang mang lo lắng hơn nữa vì gần hai tuần nay công an phường Đằng Giang đã kéo về chốt chặn ở hai đầu xóm theo như lời bà Thúy mô tả:
"Ngày nào cũng canh hai đầu, chốt hai đầu ngõ đấy. Như nhà tôi thì không ra được vì tôi là đầu đơn. Đầu đơn thì họ canh kỹ hơn, còn đâu là bà con bên kia vẫn đi bình thường".
Bà Thúy còn báo cho biết có thể vì bà lên tiếng sẽ chống lệnh trưng thu đất như đã từng nên bị chính quyền địa phương tạo áp lực bằng cách bắt giữ con trai và con rể của bà hôm 6/10 chỉ vì một sự cố va chạm từ tháng Ba trước đó:
“Hồi tháng ba, con trai với con dâu có mở tiệc sinh nhật một tuổi cho cháu nội của tôi. Buổi tiệc đang vui thì có năm thanh niên ập vào đánh bạn của con tôi, đập luôn cậu ruột của con dâu tôi. Con dâu tôi ra báo công an phường nhưng họ không giải quyết. Từ tháng ba đến giờ kẻ gây thương tích cho gia đình tôi thì họ không bắt”
"Sáng 6/10/202, Công an phường Ngô Quyền hơn trăm người lao vào nhà tôi, đánh cả phụ nữ và trẻ con. Con dâu của tôi mang thai bảy tuần đang ở trong nhà tắm cũng bị chúng lôi ra đập lôi ra đập. Họ lấy lý do gây rối để bắt con trai tôi là Nguyễn Ngọc Hải và con rể tôi là Vũ Minh Tuấn, tống vào trại giam Trần Phú đến giờ vẫn chưa được thả".
Trao đổi với RFA liên quan đến việc người nhà bà Thúy bị bắt giữ hôm đầu tháng, Luật sư Ngô Anh Tuấn thận trọng đưa ra nhận định như sau:
“Về việc con và rể bà Thúy bị bắt trong vụ mà người ta đã khởi tố vụ án rồi và khởi tố bị can rồi nhưng theo họ là bị bắt trái pháp luật, tôi có nhận lời rằng tôi sẽ hỗ trợ pháp lý cho họ”
“Qua cái clip ngắn mà gia đình gởi thì tôi có thể nhận định là ngay khi bắt giữ thì người ta chưa đọc lệnh, người ta chưa làm đúng trình tự pháp lý trong việc bắt người khi mà có lệnh khởi tố vụ án. Sau khi xảy ra một ngày rồi thì hôm sau người ta mới đến đọc lệnh và ra thông báo để gởi cho gia đình. Nhưng mà người ta chỉ đọc là đã bắt giữ con của bà Thúy như thế này thế kia và không bàn giao văn bản thông báo đó cho gia đình bà Thúy”
“Như vậy theo nhận định sơ bộ ban đầu, nếu việc diễn ra đúng như những gì mà clip quay lại thì đó là việc sai trình tự thủ tục tố tụng hình sự, và nguyên nhân dẫn đến việc này xuất phát từ đâu hay là có vấn đề khuất tất khác đằng sau đó thì tôi cần xác minh thêm”.
Theo Luật sư, nói đến trưng thu, cưỡng chế, tranh chấp đất giữa dân và chính quyền thì phải nói tới Luật Đất Đai, đầu mối nhiêu khê phúc tạp của tất cả những vụ khiếu kiện lớn nhỏ trước nay, trong đó việc 24 hộ dân phường Đằng Giang quận Ngô Quyền nằm trong diện giải tỏa cũng không phải là ngoại lệ.
RFA đã cố gắng liên lạc thêm người cùng xóm với bà Vân Lê và bà Thúy, những người này cho hay không dám nói gì hết vì quá sợ, nhất là sau khi chứng kiến cảnh người nhà bà Thúy bị công an bắt đi.
Đường dây viễn liên RFA chỉ nối được với công an quận Ngô Quyền, câu trả lời duy nhất chúng tôi nhận được là “không nói chuyện với nhà báo nước ngoài”.