40 năm trôi qua với 40 lần nhà nước Việt Nam tổ chức lễ hội vui mừng ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4 lịch sử. Khi đến ngày tháng này, những người lính từ miền Bắc từng mang niềm tự hào của người chiến thắng khi đặt chân vào mảnh đất Sài Gòn năm xưa nghĩ gì? Cuộc sống của họ giờ đây ra sao? Và họ, một thế hệ tuổi trẻ hy sinh và chiến đấu vì lý tưởng, bây giờ nhìn nhận gì về xã hội và đất nước sau cuộc đại thắng mùa xuân năm ấy?
Lý tưởng của tuổi trẻ và nhận chân thực tế
Họ trở thành người lính khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi đó, họ nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, của dân tộc đi chiến đấu để thống nhất đất nước. Mục tiêu đất nuớc đuợc qui về một mối là tất cả những gì họ mơ ước đến. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính Bắc Việt năm xưa đều không phủ nhận đó là lý tưởng một thời tuổi trẻ của họ. Thế nhưng, rồi cũng chính những người lính ấy, giờ đây nhận ra thực tế không như họ từng nghĩ.
Ông Phan Trọng Khang, trinh sát đặc công của Sư đoàn 2, Trung đoàn 3 cho biết:
" Khi xưa chúng tôi chiến đấu là mong mỏi cho đất nước được thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ. Thế nhưng khi đất nước thì thống nhất, độc lập thì sự thật vẫn bị chi phối, không phải là độc lập hoàn toàn. Vẫn có một thế lực ngầm bán nước, chịu ảnh hưởng về ý thức hệ. Tự do thì tất nhiên tự do trong khuôn khổ của pháp luật. Nhưng quyền tự do của con người vẫn bị giới hạn. Dân chủ không được đảm bảo. Sự hy sinh của chúng tôi, anh em đồng đội cả một thế hệ, là sự hy sinh bị phản bội. "
Cái người ta cảm thấy xót xa là sự hy sinh ấy nó không phải như mục tiêu, lý tưởng ban đầu đem lại. Người ta cảm thấy như bị lừa dối.<br/> - Ông Phan Trọng Khang <br/>
Ông Cao Đình Đông, cũng là người lính, thì cho rằng thanh niên tuổi trẻ thế hệ của ông cầm súng chiến đấu là vì nghĩa vụ phải có đối với Tổ Quốc. Ông nói:
" Chiến tranh thì thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. người thanh niên lên đường nhập ngũ theo phía nào cũng là đi làm nghĩa vụ cả. Nhiệm vụ đi lính, đi bộ đội thì nghĩa vụ thôi, đến tuổi đó ai cũng phải đi cả. Khi mình đi chiến đấu là đi theo lý tưởng của tuổi trẻ, tiếng nói của Tổ Quốc, mong là sau này cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn như mình ảo tưởng, ước mơ ban đầu của tuổi trẻ. "
Sau cuộc chiến ...
Khi cuộc chiến chấm dứt, rất nhiều người lính trờ về với cuộc sống dân sự và phải mưu sinh như những nguời khác.
Ông Phan Trọng Khang cho biết cuộc chiến mưu sinh của bản thân:
" Cuộc sống của tôi thì tôi phải tự bản thân mình, không lấy sự hy sinh đóng góp xương máu của mình xa xưa để làm công thần đối với tổ quốc. tôi tự phấn đấu bươn chải kiếm sống nuôi thân, không trong chờ vào sự trả ơn tri ân của chính phủ. Tôi tự bản thân mình là chính. "
Chấp nhận hiện tại với cái nhìn của người an phận, ông Đỗ Vĩnh Hưng, người lính thuộc sư đoàn 341 năm xưa nói:
" Đến bây giờ, cuộc sống của tôi cũng bình thường như bao người lính trở về. Mọi vất vả so với mọi người thì...tuỳ thuộc từng người. Cuộc sống thì an nhàn cuộc sống thôi. Về ngẫm nghĩ lại so với nhiều người lính khác thì khá hơn nhiều. Còn lại, về tinh thần thì nó cũng...khó nói lắm. "
Có lẽ vì cái khó nói ấy nên dù trong cái an phận của ông vẫn không tránh được sự dè dặt có chút ngậm ngùi:
" Thật sự mà nói về xã hội bây giờ thì...nếu nói thẳng thì không thể nói, giống như con ốc sên ấy, thụt cổ vào, tự mình biết cách xử sự, cuộc sống bây giờ sợ ngóc đầu ra nó chặt mất. "
Cũng trở về sau cuộc chiến, bên cạnh những người lính “buông súng vác cày” khác phải chải với đời sống cơm áo hàng ngày thì cũng có những người đi theo niềm đam mê của riêng mình, như trường hợp ông Cao Đình Đông giờ là nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông tự nhận mình là:
" Một người chiến sĩ văn nghệ thôi. Thích sáng tác những bức ảnh về quê hương đất nước con người và những cái gì mình thích thì mình chụp, gọi là yêu ảnh. "
Có lẽ thế mà cái nhìn của ông khá nhẹ nhàng. Ông cho biết về cuộc sống của mình:
" Cũng lăn lộn trong cuộc sống với mọi ngành nghề từ đi buôn đi bán, lao động, làm thuê, làm thợ mộc, đẩy xe ba gác, đủ các kiểu. Cuộc sống cũng vất vả. Đến nay hơn 60 tuổi, nói chung cũng sống như những người dân bình thường trong xã hội cũng không có gì thắc mắc cũng như ấm ức. xã hội nào thì cũng có những cái không thể hoàn thiện hoặc toại nguyện theo cuộc sống của từng người được. "
Khi xưa chúng tôi chiến đấu là mong mỏi cho đất nước được thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ. Thế nhưng khi đất nước thì thống nhất, độc lập thì sự thật vẫn bị chi phối, không phải là độc lập hoàn toàn. <br/> - Ông Phan Trọng Khang
Mỗi năm, đến ngày 30.4, những tưởng rằng trong họ vẫn luôn tồn tại niềm tự hào về ngày đại thắng mà họ đã góp phần không nhỏ thời tuổi trẻ. Thế nhưng, trong mỗi người họ bây giờ là một suy nghĩ khác nhau, và qua những lời tâm sự của họ, không còn tìm thấy âm hưởng của hình ảnh oai hùng năm xưa. Ông Đỗ Vĩnh Hưng nói:
"Bây giờ cũng không biết nói thế nào. Nói vắn tắt thì không thể nói. Nói dài dòng thì không biết nhiêu cho đủ. Hiện tại nếu nói về sự hài lòng thì không ai hài lòng được cả. Có những người chiến đấu như tôi, khổ hơn tôi nhưng họ vẫn hài lòng, chấp nhận cuộc sống này thì làm sao tôi không hài lòng với cuộc sống của mình được. "
Riêng ông Phan Trọng Khang thì cho biết điều mà ông và đồng đội của ông mong mỏi là một điều khác, vượt cả sự thắng- thua, vui- buồn thường đuợc nêu ra nhân dịp 30/4. Ông cho biết:
" Mỗi năm đến ngày 30 tháng 4, tôi nghĩ rằng tôi không vui mừng gì cả. Tôi nghĩ bên cạnh niềm vui đó thì phía bên kia của tôi và đồng đội tôi sẽ có những nỗi buồn. Nên tôi thấy đó là sự bình thường. Đáng lý ra cả một thế hệ chúng tôi đã bỏ ra tuổi trẻ để giành lại giang sơn đất nước thì lẽ ra đất nước phải được phát triển tốt hơn và dân tộc tổ quốc phải được coi là trên hết. Những người lính dù phía bên này hay bên kia thì đồng bào dân tộc phải được coi là trên hết. Tất cả phải kết nối cùng nhau để xây dựng lại đất nước. Còn khuếch trương chiến thắng để làm nỗi buồn cho người khác, để gây ra chia rẻ trong đồng bào thì tôi cảm nhận điều đó cũng không nên. "
Những người đã từng chiến đấu cho ước mơ về một đất nước thống nhất ấy, họ đều mang một sự ngậm ngùi khi nhắc về đồng đội của mình, hoặc về mục tiêu mà họ đã cống hiến.
" Cái buồn là chúng tôi và đồng đội chúng tôi, những người may mắn còn sống sót được trở về, còn số anh em hy sinh không để lại dấu vết, mồ mả, tên tuổi thì rất nhiều. Chúng tôi không nghĩ là sự hy sinh đó đòi hỏi một công lao gì to lớn nếu điều đó vì mục tiêu tổ quốc, chính nghĩa. Cái người ta cảm thấy xót xa là sự hy sinh ấy nó không phải như mục tiêu, lý tưởng ban đầu đem lại. Người ta cảm thấy như bị lừa dối. "
40 năm trôi qua. Có thể là chiến tranh đã kết thúc. Nhưng mục tiêu và lý tưởng của những người lính Bắc Việt năm xưa có vẻ như vẫn còn rất xa vời.