Vào ngày 5/4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 5/2019, trong đó có danh mục bổ sung tài liệu dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh lớp 1, có hiệu lực vào ngày 21/5 tới đây.
Những thay đổi này nhằm đáp ứng với việc nâng cao nhận thức về các tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em đang xảy ra ngày nhiều trong nước.
Trước thông tin này, một cô giáo không muốn nêu tên hiện đang dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở Sài Gòn cho chúng tôi biết cô chưa nhận được thông tin này từ phía nhà trường do đang trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên cô cũng cho rằng lẽ ra Bộ Giáo dục cần ra thông tư này sớm hơn:
Nếu muốn có hiệu quả thì cần phải có nhiều tranh ảnh hơn chứ tài liệu đơn giản vậy thì tụi nhỏ chỉ biết câu đó là như vậy thôi, nhưng vấn đề cần hiểu phải giảng giải ra nhiều tài liệu khác hơn. Còn chỉ nhiêu đó thì không hiệu quả gì mấy. - Tú Anh
“Giờ mới đưa vào chính khóa là muộn, giống như mất trâu mới lo làm chuồng. Lúc trước Bộ đưa vào ngoại khóa thôi, tụi chị có làm chương trình này nhưng là ngoài giờ lên lớp. Những tiết sinh hoạt tập thể chị có đưa vô.”
Chị Tú Anh, hiện có con đang học lớp 1 ở Tây Ninh cũng xác nhận chị chưa được nghe thông tin này từ phía giáo viên chủ nhiệm:
“Có thể cô đã nghe rồi nhưng chưa có thông báo chính thức nên cô chưa thông báo. Đó là thời gian cận hè nên có thể đầu năm sau cô mới thông báo vụ đó.”
Vẫn theo chị, tuy bây giờ mới ban hành là trễ nhưng chị ủng hộ thông tư này của Bộ Giáo dục:
“Trẻ mà bị như vậy (xâm hại) mình đâu tính được từ tuổi nào đâu, có thể từ mẫu giáo, 2, 3 tuổi cũng bị rồi nên bây giờ đưa vô chương trình học thì càng tốt, đưa càng sớm càng tốt.”
Việc đưa ra Thông tư này được nhận xét như một phản ứng của Bộ Giáo dục trước những thông tin xâm hại tình dục trẻ em trong nước ngày càng nhiều. Dựa theo những thông tin báo chí trong nước loan tải, có ít nhất 8 vụ ấu dâm trẻ em trong tháng 4 vừa qua.
Gần đây nhất là vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, một đảng viên, đồng thời là cựu phó công tố viên đã ôm cổ và hôn một bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, đến khi Công an quận 4 quyết định khởi tố ông Linh.
Theo báo chí trong nước, trong thông tư 5/2019, Bộ Giáo dục đề nghị phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại để giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi, khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Trong đó, một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sỹ thăm khám”. Bức còn lại minh họa 3 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm, hoặc kể lại với người thân về những gì đã xảy ra.
Nhận xét về bộ tranh này, chị Tú anh cho rằng chỉ thông tin cho học sinh lớp 1 qua hai bức tranh như trên để dạy trẻ là quá sơ sài,
“Nếu muốn có hiệu quả thì cần phải có nhiều tranh ảnh hơn chứ tài liệu đơn giản vậy thì tụi nhỏ chỉ biết câu đó là như vậy thôi, nhưng vấn đề cần hiểu phải giảng giải ra nhiều tài liệu khác hơn. Còn chỉ nhiêu đó thì không hiệu quả gì mấy. Nếu cho giáo dục vô chương trình của nhà trường cần biên soạn bài bản, chứ không thể chỉ có mấy tài liệu đó được.”
Để tự bảo vệ con mình, chị Tú Anh đã mua hai quyển sách ‘Đừng lạm dụng cháu’ và ‘Đừng tùy tiện thơm cháu’ về cho con gái xem và giảng giải rõ về những hành vi xâm phạm cho con:
“Hai quyển đó là hai quyển rất nổi tiếng ở đây, nó phổ thông nhất ở đây về giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ, cho phụ huynh dạy. Hai quyển đó đa số phụ huynh biết rất nhiều. Trong đó ghi đơn giản, dễ hiểu nên khi bé đọc câu chuyện trong đó có thể hiểu sơ sơ, ba mẹ cũng cần dạy thêm. Mình tự tìm hiểu thôi chứ Bộ Giáo dục không tư vấn gì hết. Trong hội phụ huynh chia sẻ với nhau sách này tốt cho bé thì mình mua.”
Cô giáo ở Sài Gòn cho biết dù cô chưa nhận được thông tin về thông tư 5/2019 này, nhưng ở trường,vào mỗi thứ hai đầu tuần chào cờ, các cô giáo vẫn cho các em học sinh xem những video clip nói về tự bảo vệ cho mình để tránh bị xâm hại.
“Ngay vùng ‘đồ bơi’ cho những đứa trẻ kể cả bé gái, bé trai, trước hết phải có ý thức tự bảo vệ mình trước đã, rồi có những bé nhớ lời cô thì sẽ phản kháng. Còn đối với kẻ xâm hại lớn mạnh, mà trẻ không có sức phản kháng lại. Chứ nếu có truyền thông như vậy thì mình không dám nói hết nhưng cũng được 80% là mấy bé có ý thức.”
Vẫn theo cô giáo này, dù trước đây không có thông báo chính thức từ Bộ Giáo dục nhưng các cuộc họp ở sở, phòng ban đều có yêu cầu lồng ghép những nội dung đó. Giáo viên đứng lớp bắt buộc lồng ghép nội dung này vào để giáo dục các em tự bảo vệ mình.
Theo thống kê từ Bộ Công an, trong năm 2018 đã có gần 1.300 trường hợp bạo lực tình dục đối với trẻ em đã được báo cáo.
Ngay vùng 'đồ bơi' cho những đứa trẻ kể cả bé gái, bé trai, trước hết phải có ý thức tự bảo vệ mình trước đã, rồi có những bé nhớ lời cô thì sẽ phản kháng. - Cô giáo
Hầu hết trong các trường hợp, thủ phạm được phát hiện là những người quen thuộc với trẻ, như giáo viên, cán bộ an ninh trường học, người thân và hàng xóm, khiến các nhà lập pháp và các tổ chức phi chính phủ kêu gọi phụ huynh cảnh giác hơn và chú ý hơn đến trẻ em.
Tại Hoa Kỳ, khi các bé vào lớp 1, trường tiểu học sẽ có chương trình học sẽ dạy các bé về cách bảo vệ bản thân.
Trao đổi qua email với Đài Á Châu Tự Do, một phụ huynh tại Hoa Kỳ cho biết, khi con anh vào lớp 1, trường học đã gửi thư về cho từng phụ huynh để hỏi xem liệu phụ huynh có đồng ý để trường dạy các bé bảo vệ bản thân hay không. Sau buổi học, các bé biết được việc phải báo với bố mẹ khi có người đụng vào người mà không được sự đồng ý của trẻ. Ngoài ra, chương trình học còn nhấn mạnh các bé không được để người thân (trừ bố, mẹ) hay họ hàng đụng vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể.
Tại Việt Nam, sau mỗi vụ xâm hại trẻ em được truyền tải rộng rãi lại có các trung tâm, trường học tự mở lớp hướng dẫn học sinh cách phòng vệ, nhưng đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục đưa nội dung này vào chương trình chính thức.
Trong báo cáo mang tên ‘Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse’ (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Đơn vị Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) được phổ biến đầu năm nay, Việt Nam hiện đang đứng cuối danh sách toàn cầu về tình trạng xâm hại trẻ em, đứng hạng 37 trong số 40 quốc gia được khảo sát về chống xâm hại tình dục trẻ em với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.