Bị kỷ luật - vẫn giữ được… chức
Vụ việc được xem là nghiêm trọng nhất là tại hội nghị Trung ương 9 khóa XII vào ngày 26/12/2018 Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư TPHCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Cang bị kết luận là đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố HCM liên quan những sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thế nhưng ngay sau khi bị kiểm điểm không lâu, ông Tất Thành Cang được đề bạt làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TPHCM” và vẫn giữ nguyên chức danh thành ủy viên, đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố diễn ra hôm 8/10, các cử tri đặc vấn đề về việc vì sao ông Cang dù bị Trung ương kỷ luật nhưng vẫn “giữ ghế” thành ủy viên và là đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trả lời do trung ương chỉ cách các chức vụ mà Trung ương quản lý chứ không chỉ đạo cách chức Thành ủy viên hay tư cách HĐND TP.HCM, vì vậy xem xét chức vụ này là do Đảng bộ TP.HCM thực hiện.
Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nhận định cho rằng, trường hợp của ông Cang không chỉ riêng là Thủ Thiêm mà còn rất nhiều vụ khác nữa và đúng ra ông Cang đã bị bắt, truy tố, ra tòa và đi tù từ lâu rồi nhưng vì sự bao che, chống lưng, chạy chọt rất lớn phía sau trong thành ủy thành phố HCM.
“Gần đây nhất người ta cũng nghi ông Nguyễn Thiện Nhân bí thư thành ủy thành phố HCM trắng trợn bao che cho ông Cang. Vấn đề thứ hai người ta nghi rằng phía sau ông Cang phải có ô rất lớn vì mặc dù bị cắt chức Ủy viên Trung ương nhưng vẫn giữ chức vụ thành ủy viên, vẫn có chân trong hội đồng nhân dân. Như vậy cái “ô” đó là ai, người ta suy ra quê quán ông Cang ra thì dư luận cho rằng ông Cang thuộc quân khu Long An, “quân khu” có nghĩa là tính đồng hương đồng đội rất cao và ông Trương Tấn Sang cựu Chủ tịch nước cũng là quê Long An nên dư luận nghi rằng chỉ có những nhân vật có cỡ như ông Sang và hiện giờ vẫn còn những hoạt động xã hội trong chiến trường mới có thể bao che cho Tất Thành Cang được.”
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết, việc cán bộ đã bị trung ương kỷ luật cách mọi chức vụ nhưng vẫn còn giữ chức vụ khác thì nó đã vi phạm quy định 205 mà Tổng Bí thư Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới ký về việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Chia sẻ với RFA về vấn đề này, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang phân tích, về mặt nguyên tắc Đảng bộ thành phố không sai nhưng vì những sai phạm nghiêm trọng của ông Cang nên dư luận xã hội cảm thấy không phục. Ông giải thích thêm:
“Trung ương chỉ quản lý chỗ là Ủy viên Trung ương Đảng của ổng thôi thì đã xử lý rồi đó là chức lớn nhất của ổng. Còn những chức vụ khác trong Đảng thấp hơn như thành ủy viên TPHCM thì phải do Đảng bộ thành phố kỷ luật mà nếu chưa kỷ luật thì ông vẫn nắm giữ vị trí đó, không có gì sai về mặt nguyên tắc nhưng rõ ràng nó chướng. Đúng ra là phải cách chức vụ trong Đảng, mọi thứ luôn mới đúng. Có những trường hợp nếu Trung ương ra 1 cái kỷ luật là cách hết mọi chức vụ trong Đảng hoặc khai trừ Đảng chẳng hạn thì thành phố không cần phải làm nữa nên tùy vào kiểu Trung Ương làm như thế nào.”
Ngoài ra, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho hay đối với trường hợp của ông Cang thì dùng từ “phe phái” có phần nào đúng vì những quan điểm của Trung ương nhận xét đánh giá kỷ luật cán bộ thành phố HCM mà đa phần thành ủy thành phố đều không tán thành, những thành phần cán bộ chủ chốt của thành phố đều không hài lòng nên thường họ sẽ tìm cách trì hoãn việc xem xét.
Quy trình quy hoạch cán bộ có vấn đề?
Một vụ việc khác liên quan đến xử lý cán bộ sai phạm có thể kể đến là trường hợp ông Lương Duy Hanh.
Sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do công ty gang thép Formosa gây ra hồi tháng 4/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cách chức Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh- chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) lúc bấy giờ do liên quan vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, mới đây ông Hanh vừa được quy hoạch vào vị trí Vụ trưởng của hai vụ thuộc Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT. Ít có trường hợp quan chức bị kỷ luật lại được quy hoạch làm quan ngay trong lĩnh vực mình vi phạm như trường hợp ông Hanh. Trước đây thường nếu cán bộ bị kỷ luật thường sẽ bị điều chuyển công tác sang bộ phận khác để tránh điều tiếng. Như trường hợp ông Nguyễn Huy Dũng, bí thư huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) sau khi bị kỷ luật khiển trách, ông được điều chuyển về giữ chức Phó giám đốc sở Xây dựng tỉnh…
Trở lại việc quy hoạch ông Hanh, ông Phạm Tân Tuyến vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ thuộc Bộ TNMT giải thích việc quy hoạch như thế để cán bộ có động lực phấn đấu trong thời gian tới (!?)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS nhận định "Họ giải thích kiểu gì cũng được mà cách giải thích như ông ấy nghe cũng có vẻ hợp lý nhưng thật sự không biết như thế nào nên biểu người dân tin thì thật sự hơi khó."
Còn Nhà báo Phạm Chí Dũng thì nói: "Đó cũng chỉ là lời ngụy biện mà thôi vì một cán bộ bị kỷ luật mà chưa bị xử lý tới nơi tới chốn và đặc biệt trong vụ Formosa thì việc phấn đấu chỉ là chui sâu và leo cao, ăn càng nhiều càng tốt chứ ngoài ra không có động lực nào khác. Đó là thực trạng rất phổ biến trong công tác cán bộ trong nền chính trị tại VN, nguồn gốc lớn nhất là do cơ chế độc đảng, độc tài mới sinh ra những vấn đề như vậy."
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết thêm, vụ việc Formosa là sự bất công ghê gớm của toàn xã hội cũng như nền chính trị độc tài của Việt Nam và đúng ra ông Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phải bị cách chức chứ không chỉ riêng gì ông Hanh nhưng tới nay vẫn ung dung tự tại, do đó đây là sự bao che thôi.
“Nếu việc ông Hanh được trót lọt đó là một thách thức ghê gớm của Bộ TNMT đối với dư luận xã hội và đồng thời thách thức luôn quy định 205 về kiểm soát quyền lực chống chạy chức chạy quyền của Nguyễn Phú Trọng đã ký. Nếu ông Trọng không giải quyết vấn đề Trần Hồng Hà và Lương Duy Hanh thì quy định 205 không còn ý nghĩa gì nữa và chiến dịch chống tham nhũng chỉ mang tính chất mị dân và “đầu voi đuôi chuột”.”
Đồng tình với ý kiến của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho rằng về nguyên tắc thì việc cách chức cán bộ sẽ có thời gian nhất định để xem xét nhưng đối với trường hợp của ông Hanh vi phạm vụ việc lớn mà vẫn được quy hoạch vào chức vụ trưởng Bộ TNMT như thế chắn chắn là không điều bất hợp lý.
“…Trước trường hợp của ông Hanh cũng đã có nhiều trường hợp tương tự như thế, cứ nghĩ để qua lâu rồi không ai để ý nữa rồi lén lén đưa vào chức này vụ kia và thậm chí còn tệ hơn nữa như bi kỷ luật ở cấp dưới nhưng được đưa lên thẳng Trung ương làm ngon lành hơn nữa. Nên độ khoảng 3-4 năm trở lại đây có một quy định là nếu vi phạm kỷ luật ở địa phương không được đưa lên trung ương để đề bạc và bố trí cán bộ nữa, chứ trước đó là loạn xà ngầu hết.”
Theo các nhà báo và giới quan sát tình hình chính trị tại Việt Nam chúng tôi trò chuyện đều có chung nhận định rằng, quy trình xử lý kỷ luật, quy hoạch cán bộ trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam rất tùy tiện, không minh bạch. Gần như việc đó tùy thuộc vào sự bảo trợ của ai và thế lực nào đứng sau mà thôi. Chính điều đó khiến người dân càng ngày càng mất lòng tin vào chính quyền, nhà nước.
"Đây là tội rất lớn, bởi vì các cơ quan công quyền phải được người dân tin cậy thì lúc đó chính quyền mới hoạt động được hiệu quả, để mất đi lòng tin của người dân là mất đi tài sản rất lớn của quốc gia trong sự phát triển của đất nước." tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.