Tình trạng quan chức móc nối với các doanh nghiệp chiếm lĩnh những dự án béo bở rồi chia nhau lợi nhuận tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.
Dư luận gần đây truyền nhau về một quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh đi sang Đức học tập công nghệ 4.0 để về xây dựng khu dân cư ven biển. Hai điểm liên quan vụ việc này kiến dư luận xôn xao: thứ nhất là kinh phí chuyến đi hoàn toàn do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải đài thọ; thứ hai ông Nguyễn Văn Thân sẽ nghỉ hưu vào tháng 8 tới đây. Tức là chỉ tầm nửa tháng sau chuyến đi Đức. Dư luận đặt ra câu hỏi vậy ông Thân đi học công nghệ về có kịp áp dụng không? Mặc dù sau đó tỉnh Bình Thuận đã lên tiếng, không cho ông Thân đi nữa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là cách đối phó mà thôi.
Cũng trong cùng khoảng thời gian này, lại một thông tin xôn xao trên các mặt báo về việc nhiều lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Giang đi du lịch Châu Âu nhiều ngày bằng tiền của một doanh nghiệp xây dựng lớn ở địa phương, đó là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn. Chính công ty này đã thừa nhận chu cấp tiền cho nhóm cán bộ tỉnh đi du lịch, và nói rằng doanh nghiệp có “tình cảm riêng với cán bộ sau một năm làm việc vất vả”. Trong số này, có cả Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang. Đây đều là những lĩnh vực then chốt trong ngành xây dựng.
Một chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn nói với RFA với điều kiện giấu danh tính:
Nếu các doanh nghiệp mà muốn có thể được trốn thuế, được ưu ái về vấn đề làm ăn thì phải có một chút giống như lại quả, hay một chút đãi cán bộ như đưa họ đi nước ngoài du lịch. Hình thức này gần như rửa tiền.
Bản thân anh là một chủ doanh nghiệp, cũng giống như bất cứ doanh nghiệp nào, vẫn phải quan tâm đến cán bộ. Nếu không quan tâm các cán bộ sẽ cử người xuống kiểm tra, sẽ làm khó dễ rất nhiều điều. Cho nên bắt buộc phải quan tâm, những doanh nghiệp lớn thì quan tâm sếp lớn, doanh nghiệp nhỏ thì quan tâm sếp nhỏ. Còn nếu các doanh nghiệp trực thuộc trung ương thì lại phải quan tâm các sếp trung ương.
<i>Nếu các doanh nghiệp mà muốn có thể được trốn thuế, được ưu ái về vấn đề làm ăn thì phải có một chút giống như lại quả<br/>- Chủ doanh nghiệp</i>
Tình trạng này thường được những người liên quan dùng cụm từ ‘phải biết điều’ để mô tả. Nếu doanh nghiệp bị cho ‘không biết điều’ thì sẽ bị gây khó dễ như trình bày của chủ doanh nghiệp này:
Các doanh nghiệp không quan tâm đến chính quyền địa phương thì một năm có thể bị kiểm tra mười mấy lần. Họ nói là để đảm bảo an toàn về sản xuất, về đời sống công nhân nhưng thực sự đến để vòi tiền thôi. Ví dụ một khách hàng muốn đặt hàng ở doanh nghiệp đó mà thấy họ bị thanh tra nhà nước vào kiểm tra hoài, chắc chắn người ta không muốn đặt hàng ở những doanh nghiệp như vậy.
Rất nhiều vụ án cho thấy sự móc nối giữa cán bộ và doanh nghiệp tạo thành một nhóm lợi ích tham nhũng. Cụ thể gần đây như vụ một số lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng nhân vật Phan Văn Anh Vũ hay Vũ “Nhôm” thao túng thị trường bất động sản tại thành phố biển này, Thượng tá Đinh Ngọc Hệ thuộc Bộ Quốc phòng liên kết với các chủ đầu tư nhiều dự án BOT hàng ngàn tỷ đồng, vụ sân golf Tân Sơn Nhất khét tiếng được nói đằng sau có sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Công ty Him Lam, hay vụ Mobifone mua cổ phần AVG cũng được cho là sự cấu kết giữa một mạng lưới quan chức nhiều bộ ngành với doanh nghiệp.
Trong một buổi tiếp xúc cử tri năm ngoái, cử tri Đà Nẵng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục kiểm tra, giám sát, đừng để quan chức móc nối đại ca, đại gia làm lũng đoạn kinh tế; đừng để vài ba người hưởng lợi trên thành quả lao động của hàng vạn, hàng triệu người dân.
Chúng tôi cũng nêu vấn đề này với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ông cho biết quan điểm:
“Từ trước đến giờ đã xảy ra nhiều trường hợp móc nối như vậy. Có những trường hợp móc nối là vì vấn đề quyền lợi, và cũng có liên quan đến tham nhũng nhưng không phải tất cả móc nối giữa những dự án và cán bộ đều là những sai phạm, bởi vì có những dự án nhất là dự án lớn thì chủ đầu tư phải liên kết với một số quan chức địa phương để tạo điều kiện xin những giấy phép cần thiết. Cho nên không phải móc nối nào cũng là tiêu cực.
Tuy nhiên ở trong những móc nối đó có những tiêu cực liên quan đến tham nhũng. Đây không phải là chuyện mới mà đã từ lâu xảy ra trong nền kinh tế VN và hiện tại Chính phủ cũng đang quan tâm đến vấn đề bài trừ tham nhũng.”
<i> <br/>Các dự án đều cần phải qua sự giám sát, điều tra của Thanh tra Chính phủ để xem có hiện tượng tham nhũng, đút lót và có lợi ích nhóm hay không.<br/>- Chuyên gia KT Nguyễn Trí Hiếu</i>
Nhiều vụ xử lý cán bộ câu kết với doanh nghiệp tham nhũng đã được thực hiện như một phần trong chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng nhiều ý kiến nói rằng ở mọi nơi trên khắp Việt Nam từ địa phương đến trung ương đều xảy ra tình trạng quan chức bè phái với doanh nghiệp, mà người dân chỉ được biết khi báo chí phanh phui. Có nhiều vụ việc dù báo chí đã đưa ra nhưng vẫn không được giải quyết.
Cán bộ liên kết với doanh nghiệp là một trong nhiều hình thức nhóm lợi ích ở VN vốn đã được chính Quốc hội thừa nhận đang tồn tại trong nền kinh tế. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này được nhiều chuyên gia nhận định là do quan chức được trao quá nhiều quyền lực, dẫn đến tình trạng lạm quyền. Cho đến nay, dù phong trào càn quét tham nhũng vẫn chưa hạ nhiệt, nhưng đó mới chỉ là liều thuốc trị bệnh chứ chưa có liều thuốc phòng bệnh cụ thể nào được đưa ra.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu góp ý:
"Các dự án đều cần phải qua sự giám sát, điều tra của Thanh tra Chính phủ để xem có hiện tượng tham nhũng, đút lót và có lợi ích nhóm hay không. Sau đó các bộ ngành cũng có ban thanh tra để thẩm định nhất là bộ Công thương, bộ Kế hoạch Đầu tư và ngay cả bộ Tài chính. Ban thanh tra của những bộ này phải vào cuộc để phát hiện tham nhũng, xử lý."
Trong khi tình trạng doanh nghiệp và quan chức móc nối trục lợi chưa được giải quyết rốt ráo thì Chính phủ lại thường xuyên thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác với chính quyền, gọi đây là “những người bạn đồng hành trong phát triển kinh tế”.