Tiếp tục loạt bài nói về cuộc tranh tài thể thao lớn nhất thế giới diễn ra mỗi 4 năm một lần, Nguyễn Khanh từ London và Vũ Hoàng tại Washington DC xin gửi đến quý thính giả câu chuyện của ngày hôm nay.
Câu chuyện thời tiết
Vũ Hoàng: Xin chào anh Nguyễn Khanh, thời tiết bên đó như thế nào?
Nguyễn Khanh: Từ Olympic London 2012, tôi là Nguyễn Khanh xin được gửi lời chào đến quý thính giả và chào bạn Vũ Hoàng. Câu hỏi bạn đặt ra cũng chính là điều tôi muốn thưa chuyện cùng với quý thính giả và với bạn trong chương trình câu chuyện London 2012 hôm nay.
Rõ ràng thời tiết là điều mọi người lo âu nhất. Buổi sáng lên xe lửa đi làm là nghe nói chuyện về thời tiết, buổi chiều trên đường về nhà cũng nghe nói chuyện thời tiết. Những người dân London bảo với tôi như thế nào? Họ bảo ông là người may mắn vì những ngày vừa qua thời tiết thật tốt, sáng sớm đã thấy mặt trời và mùa hè mặt trời lại lặn trễ. Nhưng đừng quên hôm nay cũng có mưa, ngày mai cũng mưa, và kể từ thứ Ba này trở đi mọi chuyện sẽ đổi khác: dự báo khí tượng cho hay trời mưa tầm tã, đến ngày thứ Tư có nắng ấm nhưng một ngày sau đó lại mưa to.
Người dân London nói với nhau về thời tiết, du khách nói với nhau về thời tiết, và Ban Tổ Chức Olympic London 2012 cũng nói với nhau về thời tiết. Ít nhất tôi nhìn thấy 2 lý do: thứ nhất là có những cuộc tranh tài tổ chức ngoài trời và thời tiết đương nhiên ảnh hưởng tới cuộc thi, thứ nhì là thời tiết sẽ ảnh hưởng đến số lượng khán giả. Ai cũng háo hức muốn đi xem để hưởng không khí Olympic, nhưng nếu trời mưa thì chắc chắn sẽ có nhiều người bảo “thôi, ở nhà ngồi xem TV cũng được”, không cần phải đến tận sân xem.
Nhưng đó là chuyện thời tiết của ngày thứ Ba trở đi, khi bầu trời âm u hơn, những cơn mưa sẽ nặng hạt hơn. Hôm nay mới là Chủ Nhật, thời tiết tương đối tốt dù có mưa nhẹ, ngày mai cũng thế. Tôi nghe một vài người bạn bảo rằng hôm nay cứ lo chuyện hôm nay đi, chuyện ngày mai để ngày mai hẵng tính. Câu này lúc ở bên Mỹ thường nghe anh bạn Vũ Hoàng của tôi nhắc nhở mọi người, sang bên này lại nghe những người bạn Ăng Lê nhắc lại. Bây giờ mới biết anh Vũ Hoàng đúng là người của Olympic Quốc Tế, mai mốt chắc có ngày anh được mời làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, lúc đó đừng quên anh em nhé. Bây giờ xin trở lại Washington DC với bạn Vũ Hoàng.
Có quá nhiều ghế trống
Vũ Hoàng: Cám ơn anh Khanh nhiều. Chuyện ngày mai Vũ Hoàng có làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc hay không thì cứ để ngày mai hẵng tính anh ạ, bây giờ anh em mình nói chuyện ngày hôm nay thôi. Anh bảo thời tiết tốt, mọi người náo nức đi xem Olympic thế mà sao trong các chương trình thi đấu được chiếu trên truyền hình, tôi lại thấy có quá nhiều ghế trống vậy? Anh Khanh có thể giải thích lý do tại sao không?
Nguyễn Khanh: Quả thật chuyện còn nhiều, phải nói là quá nhiều ghế bỏ trống trên khán đài khiến Ban Tổ Chức lo âu. Ngày hôm qua, tin tức anh em báo chí chúng tôi ghi nhận được cho thấy các cuộc tranh tài của những bộ môn bóng chuyền, bóng rổ, thể dục dụng cụ và ngay cả ở bể bơi Olympic London cũng vắng người.
Câu hỏi anh Vũ Hoàng đặt ra là câu hỏi thật hay. Tại sao lại có chuyện như vậy? Câu trả lời mà tôi nghe được là có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là một số lượng vé không nhỏ được dành riêng cho Ban Tổ Chức và các đại công ty bảo trợ cho London 2012, không ai biết ban tổ chức và các công ty bảo trợ tặng vé cho ai, tại sao người được tặng lại không đi xem.
Lý do thứ nhì là những chỗ trống đa số là những chỗ vé hạng nhất, hạng nhì, tức là những ghế giá vé lên đến dăm bảy trăm dollars một chiếc, và chắc bạn Vũ Hoàng cũng hiểu là ở thời buổi kinh tế vẫn còn khó khăn này, chuyện bỏ ra vài trăm bạc để mua một chiếc vé đi xem là chuyện không phải ai cũng có thể làm được. Cũng phải nói thêm là Olympic là lễ hội của mọi người, của mọi gia đình, nên đi cả giả đình sẽ tốn cả ngàn dollars dễ dàng. Chính vì thế mà tình trạng trống chỗ xảy ra. Cũng phải thưa cùng với quý thính giả và cùng bạn Vũ Hoàng là thông cáo tối hôm qua của Ban Tổ Chức có nói là sẽ chấn chỉnh, nhưng tôi chưa rõ là họ sẽ chấn chỉnh như thế nào.
Thất vọng với Michael Phelps
Vũ Hoàng: Ngày đầu tiên của Olympic London 2012 đã kết thúc, muốn hỏi nhận xét của anh như thế nào?
Nguyễn Khanh: Trước hết là phải nói về thất vọng của những người ủng hộ kình ngư Michael Phelps, lực sĩ từng làm chủ bể bơi Olympic Bắc Kinh. Hôm qua anh Phelps về hạng tư trong cuộc thi 400 mét…
Vũ Hoàng: Xin lỗi ngắt lời anh Khanh ở đây. Đó có phải là điều dự đoán trước không?
Nguyễn Khanh: Thưa anh có. Từ khi Michael Phelps gặp khó khăn, vất vả ở đường đua trong cuộc thi bơi lội thế giới tổ chức hồi năm ngoái và đầu năm nay, tức khắc mọi người đã dự đoán kình ngư này khó có thể làm chủ bể bơi ở London. Dự đoán đó không sai ở ngày đầu tiên, trong cuộc thi đầu tiên, nhưng những người ủng hộ anh vẫn hy vọng vào cuộc thi ngày hôm nay, tức là ngày thứ nhì của Olympic London 2012.
Vũ Hoàng: Phía quốc gia chủ nhà thì sao?
Nguyễn Khanh: Câu trả lời là chưa có gì hay lắm với nước chủ nhà Anh Quốc. Nhưng có lẽ cũng phải nhắc lại là chúng ta mới bước qua ngày đầu tiên của các cuộc tranh tài kéo dài tới 2 tuần lễ và ngay lúc này ở London, các cuộc thi của ngày thứ nhì vừa mới bắt đầu, do đó không thành công ngày đầu không có nghĩa là sẽ chẳng thành công ở những ngày kế tiếp.
Ngay chính phái đoàn vận động viên của Việt Nam cũng thế. Hôm qua nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú của Việt Nam đã chia tay với cuộc thi judo ở London, nhưng các lực sĩ khác vẫn chưa ra sân tranh tài, thành ra mình vẫn phải chờ những bất ngờ của thể thao có thể sẽ đến với đoàn lực sĩ nước chủ nhà và với Việt Nam. Xin bạn Vũ Hoàng và quý thính giả cứ an tâm, bình tĩnh chờ đợi.
Những mẫu chuyện bên lề
Vũ Hoàng: Sau ngày đầu tiên của các cuộc tranh tài, anh có chuyện gì vui kể cho quý thính giả và các bạn đồng nghiệp ở DC không?
Nguyễn Khanh: Có 2 chuyện xin được kể với quý thính giả và các bạn. Chuyện thứ nhất liên quan đến môn bóng chuyền bãi biển. Trước đây, môn này hấp dẫn khán giả thế giới vì các nữ lực sĩ tài ba, xinh đẹp và mặc bikini khi tranh tài, nhưng từ năm nay trở đi thì luật không bắt buộc mặc bikini nữa, nhưng chẳng vì thế mà các cuộc tranh tài kém hào hứng.
Chuyện thứ nhì liên quan đến tay súng nữ Nur Taibi của Malaysia, dự tranh môn bắn súng trường 10 mét, là lực sĩ duy nhất mang bụng bầu tới dự Olympic London 2012, và bị loại ngay ở vòng đầu. Nữ lực sĩ 29 tuổi này nói với báo chí là có những lúc cầm súng lên thì đứa con trong bụng mẹ bắt đầu đạp. Lúc đó thì bà mẹ tương lai làm gì? Bà trả lời là con đạp thì mẹ đau, vừa nín thở vừa nhăn mặt chờ cho qua cơn đau rồi nhắm vào bia, tiếp tục cuộc thi.
Vũ Hoàng: Nghe anh kể thì Vũ Hoàng thấy không ai may mắn cho bằng bà mẹ lực sĩ này. Không chiếm huy chương Olympic, nhưng khi đứa con chào đời thì đó chính là chiếc huy chương quý giá nhất cho người mẹ, anh Khanh đồng ý không nào?
Nguyễn Khanh: Vâng đúng như anh Vũ Hoàng nói, đứa con chính là chiếc huy chương quý nhất của các bà mẹ. Tôi được nghe nói bà Nur Taibi của Malaysia mang thai đã 8 tháng, và đến tháng Chín này thì bà sẽ nhìn thấy chiếc huy chương vàng của mình.
Vũ Hoàng: Cám ơn anh Khanh cho câu chuyện thể thao hôm nay, hẹn gặp lại anh cũng giờ này, ngày mai, trong chường trình Olympic London 2012.
Nguyễn Khanh: Cám ơn bạn Vũ Hoàng, cám ơn quý thính giả. Hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình ngày mai.