Nhân ngày Nhà vệ sinh thế giới nhìn về hiện trạng Việt Nam

0:00 / 0:00

Hiện trạng ở VN

Ngày Nhà vệ sinh thế giới năm nay hướng đến việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội đến những người chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản, an toàn, đồng thời kêu gọi việc phổ biến quyền tiếp cận nhà vệ sinh an toàn và không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là một quyền con người.

Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam, nhất là ở trường học, bệnh viện, nhà ga… từng là nỗi ám ảnh của người sử dụng.

Một người chạy xe ôm cho biết từ thời đi học anh từng ‘khiếp vía’ với nhà vệ sinh của trường, bây giờ nghĩ lại anh vẫn còn rùng mình và tiếc rằng đến bây giờ tình trạng đó vẫn còn. Anh nói:

“Các nhà vệ sinh ở bệnh viện hay trường học thì phải nói là rất dơ dù có lao công dọn dẹp. Dơ hơn các nhà vệ sinh công cộng bình thường. Mùi hôi không chịu nổi nên tôi đi ngoài đường luôn.”

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng là một điều đáng nói, bởi nó ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đến môi trường sống và cả chất lượng không khí cho người dân sống quanh những nơi đó.

Người chạy xe ôm nói tiếp:

"C hất lượng nhà vệ sinh ở Việt Nam thì cũng tốt nhưng sau một thời gian sử dụng thì cũng xuống cấp, dơ bẩn. V ề số lượng thì thiếu rất nhiều những nhà vệ sinh công cộng, ngay cả ở những công viên lớn. Thường tui đi nhờ những nhà vệ sinh trong những tiệm tạp hóa nhỏ lẻ".

Anh nói thêm về những bất tiện khác như vị trí đặt nhà vệ sinh công cộng cũng không thuận tiện cho người dân nên đa số người dân tiểu tiện ngoài đường. Nhà vệ sinh có thu phí hay không thu phí đều như vậy.

Một sinh viên đại học cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói thêm về hiện trạng này:

“Nhà vệ sinh công cộng trong thành phố thì thiếu mà nếu có thì rất dơ và những nút bấm xả nước đa số hư hỏng. Số lượng nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố. Những điểm du lịch cũng không thấy có nhà vệ sinh công cộng”.

Giải pháp

Theo con số thống kê của WHO UNICEF được Liên Hiệp Quốc trích dẫn nhân Ngày Nhà vệ sinh thế giới năm 2019, trên toàn cầu hiện có 4,2 tỷ người (chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu) sống mà chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn; 673 triệu người vẫn sử dụng nhà vệ sinh thô sơ trên toàn thế giới; ít nhất có 2 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm bởi chất thải con người.

Vậy đâu là giải pháp ngắn hạn và lâu dài cho hiện trạng này tại Việt Nam ?

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến:

" Nói về nhà vệ sinh công cộng thì ở Việt Nam đó là một trong những yếu tố về mỹ quan đường phố. Chưa thể có một hệ thống bao phủ các quận huyện. Có nơi thì dân cư đông đúc, có nơi không; nhà cửa cũng không đồng bộ nên muốn thực hiện chương trình nhà vệ sinh công cộng thì có lẽ phải chọn một khu nào đó tương đối hiện đại để thí điểm thì sẽ thích hợp hơn.

Cần những nhà đầu tư có tinh thần hợp tác với những mô hình bảo đảm thoáng, đẹp. Ngay cả chuyện thu gom rác làm sạch đường phố cũng cần người dân hợp tác về mặt tư tưởng. Người dân cần có ý thức gìn giữ môi trường.”

Theo ông Trần Quang Thắng, hiện tại người dân cũng chưa quen với những thiệt bị hiện đại, tự động. Vì vậy phải từng bước một. Ngân sách thành phố thì dàn trải nên cần những nhà đầu tư nước ngoài hợp tác làm những công trình thí điểm theo mô hình đối tác công - tư. Nếu đạt hiệu quả thì nhà nước sẽ dành ngân sách để triển khai đồng bộ. Cần sự hợp tác giữa người dân - nhà đầu tư - chính quyền. Ông nói thêm:

“Cũng có một số nhà đầu tư đưa ra ý tưởng trong các buổi hội thảo nhưng giá thành còn khá cao nên nhà nước chưa quan tâm lắm. Phải làm sao cho cả xã hội phải quan tâm. Hay nhất là mỗi khi xây dựng một công trình nào đó như siêu thị, những bãi đậu xe hay chợ thì phải đưa nhà vệ sinh vào quy chuẩn xây dựng”.

Ngoài việc kinh phí như ông Thắng vừa nêu thì chuyện xây dựng như thế nào để vừa tiện lợi cho dân, vừa giữ được mỹ quan thành phố là điều các kiến trúc sư quan tâm. RFA hỏi chuyện Kiến trúc sư Trần Thanh vân thì được bà cho biết:

"Bây gi rất khó nói chuyện đó vì nói đến xấu hổ lắm. Tôi thì không bao giờ dám đến những chỗ như thế. Nhưng tôi muốn nói rằng việc gì muốn làm thì cũng phải đồng bộ. Cái vệ sinh công cộng bẩn thỉu nhem nhuốc do ý thức người dân kém, do đầu tư kém…

Nhiều cái xấu trong xã hội quá rồi nên chuyện vệ sinh công cộng không còn là cái xấu nữa.”

Bà nhấn mạnh, xã hội này cần thay đổi rất nhiều thứ. Đầu tiên con người phải có ý thức. Ý thức thay đổi thì những chuyện khác mới thay đổi được. Nếu không có ý thức giữ gìn thì hôm nay làm cho đẹp ngày mai nó lại xấu ngay. Thật ra muốn làm sẽ làm được hết nhưng cả xã hội hiện đang lộn xộn đến độ người ta không còn muốn nói nữa!

Riêng trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Chỉ thị nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục là “Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định”.