Học trực tuyến: phương pháp thay thế thời dịch COVID-19?

0:00 / 0:00

Tạp chí Fobes vào ngày 12/3 có đăng tải bài viết của tác giả Michael Horn với tiêu đề tạm dịch là “Hy vọng cho sự đổi mới giáo dục ở Việt Nam giữa sự lan truyền của COVID-19”.

Tác giả nhận định việc đóng cửa các trường học và tạm ngưng các hoạt động ngoại khóa vào đầu tháng 2 vừa qua tại Việt Nam đã khiến cho học sinh không được đến trường. Nếu hiểu theo nghĩa đen, việc này đã khiến học sinh trở thành những người ‘vô học’ do không được tiếp nhận kiến thức tại lớp học theo cách truyền thống.

Để giúp học sinh cập nhật kiến thức trong khoảng thời gian đóng cửa trường kéo dài như hiện nay, các thầy cô đã nỗ lực quay phim những bài giảng rồi đăng tải trên các trang web của trường, chia sẻ qua email, gửi tư liệu cho học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh.

Chia sẻ chi tiết hơn, chị Đỗ Ngọc Linh, một phụ huynh có con đang học lớp 2 ở trường tiểu học thuộc quận Bình Thạnh cho biết:

“Trường học có cho 1 access vô trong app của trường. Trường nào sẽ có code của riêng trường đó. Mỗi ngày giáo viên sẽ post bài lên, có bài cứ down xuống rồi cho mấy đứa nhỏ làm. Nhưng vừa nãy cô giáo mới nhắn tin nói chắc nghỉ lâu nên cô giáo đưa thêm tên mấy cuốn sách để mua về cho tụi nhỏ học.”

Một sinh viên không muốn nêu tên hiện đang học Đại học Luật tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay:

“Trường em học trực tuyến là thầy cô quay clip bài giảng rồi gửi lên website, tụi em vô coi. Đến ngày thì thầy cô gửi bài kiểm tra rồi nộp. Em thấy cũng tiện, không phải đến trường nhưng vẫn có đầy đủ kiến thức.”

Dưới góc nhìn nhà giáo, thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông Trung học Thường Tín tại Hà Nội, cho hay hình thức học trực tuyến đang phổ biến ở Việt Nam trong lúc này thực ra đã có trước đây:

“Truyền hình Việt Nam hơn 10 năm trước cũng đã có những chương trình bồi dưỡng kiến thức thi đại học dạy trên truyền hình. Đây là một hình thức học online khá hiệu quả, miễn phí cho học sinh. Cách này không có gì mới mẻ và bất ngờ lắm. Đem lại nhiều hiệu quả: tiết kiệm thời gian công sức cho phụ huynh học sinh, cho các thầy cô cũng như góp phần chống dịch tốt hơn.”

Tuy nhiên, việc học trực tuyến này lại có một điểm hạn chế khiến chị Ngọc Linh không tán thành:

Giảng viên và sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đeo khẩu trang giữa những lo ngại về sự bùng phát coronavirus.
Giảng viên và sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đeo khẩu trang giữa những lo ngại về sự bùng phát coronavirus. (AFP )

“Cá nhân chị thấy học sinh cấp 1 không rành máy tính. Ví dụ như cấp 2, cấp 3 thì chị tán thành việc học online vì học sinh có kỹ năng sử dụng máy tính. Còn học sinh cấp 1 thì chính xác là còn quá nhỏ để tiếp xúc những thứ này. Rất phiền vì ba mẹ vẫn phải đi làm mà con nít chẳng biết làm những thứ đó và cần người kế bên chỉ phím này, phím kia gõ thế nào nên chị thấy không có tác dụng. Tất cả mọi người đều biết con em mình nên tránh xa máy tính, laptop, ipad… vì những thứ đó không tốt. Chúng cần tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn là qua đồ điện tử. Nhưng thời thế như vậy nên ai sao mình vậy, chỉ tuyệt đối không được ra đường.”

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số hạn chế nhất đinh trong chuyên môn, như lời thầy Khoa chia sẻ:

“Có một số môn không thể học online được vì có thí nghiệm, thực hành, học sinh sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận. Nhưng tạm thời lúc này những gì triển khai để học online được thì cứ làm, còn những bài nào bắt buộc thực hành biểu diễn sẽ khắc phục sau.”

Trong bài viết được Fobes đăng tải, tác giả giả Michael Horn trích lời ông Tony Ngo, Chủ tịch và đồng sáng lập của Everest Education, rằng học trực tuyến là một giải pháp tuyệt vời trong khi học sinh không được đến trường và về lâu dài, nó sẽ trở thành một công cụ quan trọng trong cách học của học sinh. Trong một vài trường hợp, học trực tuyến còn tốt hơn việc tiếp thu kiến thức ở trong lớp học.

Tuy nhiên, theo lời Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Everest Don Le, phần lớn việc học trực tuyến hiện nay liên quan đến việc xem video hoặc nghe các bài giảng, và sinh viên dễ dàng chán nản.

Tuy chưa hoàn thiện, nhưng cách học trực tuyến căn bản như hiện nay ở dải đất chữ S vẫn được các bạn sinh viên đánh giá cao và hy vọng các trường có thể mở thêm nhiều lớp học trực tuyến sau khi dịch bệnh qua đi, như nguyên nhân bạn sinh viên Đại học Luật đưa ra:

“Tiết kiệm được thời gian cho mình vì có thể sắp xếp được, có những hôm ngày bận nay giờ học trên trường nhưng vẫn xem được bài online để có được kiến thức.”

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát rộng rãi từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 đến nay, các tỉnh thành phải tạm ra văn bản yêu cầu đóng cửa trường học, chưa biết khi nào mở cửa lại.

Vì vậy, theo tác giả Michael, trong những thách thức mà COVID-19 mang lại, ông hy vọng mọi người sẽ thấy những đổi mới giáo dục không chỉ mang lại trải nghiệm bằng cách thu hình những video bài giảng và đưa chúng lên mạng. Hình thức này chỉ làm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh trở nên tệ hơn. Thay vào đó, ngành giáo dục Việt Nam cần vượt qua mô hình bài giảng truyền thống để thúc đẩy công nghệ và về cơ bản chuyển đổi kinh nghiệm học tập thành một công cụ giúp sinh viên có khả năng thành công cao hơn.