Thư ngỏ cho Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên về vấn đề Biển Đông

0:00 / 0:00

Truyền thông quốc tế đã thông báo chính thức về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm nay tại Hà Nội.
Những tháng đầu năm, trong lịch sử cận đại của Việt Nam cũng là thời điểm nhắc nhớ lại những sự kiện đau thương với Trung quốc:

- Ngày 19/1/1974 Trung quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa gây nên cái chết của 75 binh sĩ và thủ thủ Việt Nam Cộng Hòa

- Ngày 17/2/1979 Trung quốc xâm lăng Việt Nam để ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

- Và ngày 14/3 năm nay cũng đánh dấu 31 năm Trung quốc chiếm Trường Sa, 64 binh sĩ đã hy sinh trong trận thủy chiến Gạc Ma

Trong bối cảnh đó, ngày 14/2 vừa qua Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Nhóm Biển Đông tại Pháp đã phổ biến lá thư ngỏ gửi Tổng Thống Trump để kêu gọi ông chú ý đến những sự kiện này và coi đó như một mối đe dọa của nền hòa bình Quốc tế, nhất là ở khu vực Biển Đông. Đồng thời đề nghị Tổng Thống Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp Quốc tế. Ông Lê Trung Tĩnh chia sẻ về động lực thúc đẩy nhóm Biển Đông viết lá thư kêu gọi này:

Tôi muốn gửi thông điệp này đến Tổng thống Mỹ, kể lại những câu chuyện lịch sử của nước Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Quốc tế và từ đó, cũng mong muốn gửi những đề nghị đối với Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án công lý quốc tế. Nếu Trung quốc luôn mạnh miệng nói rằng họ có bằng chứng chủ quyền trên Hoàng Sa là mạnh nhất, tại sao họ không chấp nhận đưa phán quyết này ra một bên thứ ba?

Tôi viết lá thư này vì mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc nó và có những hành động tương ứng vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, vì hòa bình, vì ổn định, vì sự hợp tác chặc chẻ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.<br/>-Ông Lê Trung Tĩnh

Lá thư không chỉ đề cập đến những giải pháp quân sự mà còn kệu gọi sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực để có những giải pháp chính trị, kinh tế xã hội hầu đối phó với các kế hoạch chiếm lãnh toàn bộ biển Đông của Trung Quốc:

Tôi cũng mong muốn rằng Việt Nam có những hợp tác mạnh mẻ hơn với Mỹ trong công việc tuần tra trên biển và không chỉ Việt Nam, tôi cũng mong muốn những nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đường 9 đoạn cùng hợp tác nhiều hơn với Mỹ để có thể giải quyết được công việc này.

Ông Thành Đỗ một cư dân ngoại ô Paris, vui mừng trước ý tưởng này:

Tôi rất vui mừng khi thấy có những người lợi dụng cơ hội Tổng thống Mỹ đến Việt Nam để viết một lá thư ngỏ như vậy. Đó là một ý kiến rất hay. Nếu không ai làm gì hết thì sẽ không ai nghĩ đến Việt Nam đâu, chúng ta phải biết lợi dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ.

Căm phẩn về việc Trung quốc xâm chiếm biển đảo cũng như đàn áp ngư dân đánh cá trong phạm vi được coi là chủ quyền của Việt Nam là lý do mà ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo tự do đang sống tại Việt Nam ký tên vào lá thư này, ông nói:

Việc thôn tính biển Đông của Trung quốc cũng như là o ép những ngư dân vi phạm trắng trợ luật pháp quốc tế. Và chúng ta muốn giữ chủ quyền biển đảo cũng như là giữ cho những ngư dân tự do đánh bắt cá thì chúng ta phải đưa vấn đề này ra quốc tế. Đó là một yêu cầu rất chính đáng và rất là đúng. Vì thế tôi đã ký bức thư ngỏ đó.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) nói chuyện tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 12/11/217
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) nói chuyện tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 12/11/217 (AFP)

Sau khi lá thư được đưa lên mạng ngày 14/2, sau bốn ngày đã thu được gần 2000 chữ ký. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có người ái ngại cho rằng cách đây 5 năm Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã gửi một lá thư cho Liên Hiệp Quốc và không có phản hồi, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho rằng lần này sẽ khác, và nếu không có giá trị ngay lập tức thì cũng sẽ có ảnh hưởng về sau này, ông nói:

Chúng tôi xin thưa rằng lá thư này có một giá trị tích cực và thực sự hơn vì nó gửi đến một người cụ thể, một người có quyền lực cụ thể với những khả năng cụ thể, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump ! Khi họ nghe tiếng nói của hàng trăm ngàn người đến với họ khi họ đến đất nước đó thì một cách tự nhiên họ sẽ lắng nghe và suy xét để có những hành vi tương ứng. Nếu không ngay bây giờ, thì có thể là sau đó hay những điều chỉnh chính sách.
Cũng có người cho rằng những thư ngỏ hay pétition đều sẽ không đem lại hiệu quả, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người đầu tiên đã ký tên vào lá thư này, lại có suy nghĩ khác:

Quỳnh nghĩ là tất cả những động thái, những chữ ký dù lớn hay nhỏ, tất cả những thỉnh nguyện thư ít nhiều đều có hiệu quả. Và với chuyến viếng thăm lần này của Tổng thống Hoa Kỳ, Quỳnh nghĩ ít nhất đây cũng là một động thái chứng tỏ cho nhà nước Việt Nam thấy rằng người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt trong và ngoài nước không bao giờ từ bỏ cái khát khao dành lại Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó sẽ được thực hiện bằng sự văn mình, tiến bộ và luật pháp Quốc tế.

Theo kỹ sư Đỗ Thành, tùy theo bối cảnh tranh chấp, tùy trường hợp mà thời gian để đưa một vụ kiện ra tòa án quốc tế là 50 năm, và thời hạn đó với Hoàng sa đã gần kề, ông cho biết:

Chúng ta có đầy đủ yếu tố lịch sử và pháp lý để kiện vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án Quốc tế, chúng ta có đủ quyền để làm điều đó. Và xin thưa một điều khá quan trọng là theo luật pháp quốc tế thì một đất đai nào đó , nếu sau 50 năm mà chúng ta không kiện ra tòa án quốc tế thì coi như chúng ta mặc nhiên công nhận là điều đó đúng. Chúng ta chỉ còn có 5 năm nữa thôi, nếu không kiện thì chúng ta mặc nhiên công nhân Hoàng Sa thuộc về chủ quyền không thể chối cãi của Trung quốc . Xin thưa như vậy. Chúng ta phải làm điều đó bởi vì tiền đồ của dân tộc, bởi vì tương lai, bởi vì giang sơn của Tổ Quốc, chúng ta không thể ngồi im được.

Với hàng ngàn phóng viên, báo chí quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình tin rằng lá thư sẽ tạo được sự chú ý của Tổng thống Hoa kỳ vì vấn đề tự do hàng hải không chỉ liên quan đến Việt Nam, ông nói:

Sự tranh chấp ở biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung quốc mà có cả Mỹ và Trung quốc về vấn đề chiến lược biển Đông rồi tự do hàng hải nên tôi nghĩ Tổng thống Trump cũng sẽ quan tâm đến lá thư của người dân Việt Nam yêu cầu như thế. Nó tác động đến mức nào, như thế nào thì không nói được nhưng tôi nghĩ nó sẽ có tác động nhất định, có sự chú ý nhất định.

Nếu nó được đặt lên bàn trao đổi với nhà nước Việt Nam thì đó sẽ là một kết quả đáng khích lệ cho giới hoạt động Dân chủ tại Việt Nam và đặc biệt là cho những kết quả miệt mài của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.<br/>-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Gần đây truyền thông lề đảng gọi Trung quốc là xâm lược, nhưng vẫn đàn áp những sự kiện tưởng nhớ Hoàng Trường Sa, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định về sự mâu thuẩn này:

Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà bị Trung quốc xâm chiếm, thế nhưng việc quan trong nhất là khởi tiện Trung quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam lại không làm. Đó là những điều ngịch lý, rồi những người trong phong trào dân chủ khi muốn ra thắp hương tưởng niệm những kiệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới thì đều bị giữ ở nhà, người nào ra đến nơi chưa làm được gì đã bị bắt hết cả. Chứng tỏ đây không phải là thực tâm.

Trả lời câu hỏi: Thế các bạn chờ đợi gì từ lá thư này, ông Lê Trung Tĩnh nói:

Tôi viết lá thư này không phải là một công việc để cho vui. Tôi viết lá thư này vì mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc nó và có những hành động tương ứng vì tương lai tươi sáng của Việt Nam, vì hòa bình, vì ổn định, vì sự hợp tác chặc chẻ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi mong rằng điều đó sẽ được thực hiện và tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho việc đó được thực hiện.

Cùng với ý tưởng đó, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hy vọng:

Quỳnh mong rằng lá thư này sẽ được sự quan tâm của chính giới Hoa Kỳ, và nếu nó được đặt lên bàn trao đổi với nhà nước Việt Nam thì đó sẽ là một kết quả đáng khích lệ cho giới hoạt động Dân chủ tại Việt Nam và đặc biệt là cho những kết quả miệt mài của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông.

Lá thư này, theo ông Lê Trung Tĩnh, không phải là một giấc mơ, đó là hành trình tiến đến công lý từ chữ ký của mỗi người, ông kêu gọi:

Chúng tôi cần sự tham gia của tất cả bạn của tất cả mọi người Việt, của tất cả công dân trên thế giới ký tên vào lá thư và chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt.