Bộ phim ‘Điệp vụ Biển Đỏ” do Trung Quốc sản xuất và được công chiếu ở các rạp tại Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền vừa qua vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những khán giả Việt.
Lý do được nói là trong 36 giây cuối của bộ phim, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc ở biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh "quần đảo Nam Sa" mà Việt Nam gọi là Trường Sa. Giới quan sát trong nước nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Chống chế của Hội Đồng Duyệt Phim
Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 26 tháng 3 nói với truyền thông trong nước rằng bộ phim được kiểm duyệt đúng quy trình, đồng thời cũng phản bác những ý kiến cho rằng bộ phim nói Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định đây là hoàn toàn suy diễn chứ không hề có trong phim.
Tuy nhiên, cụm rạp CGV sau đó đã bỏ suất chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ với lý do không bán được vé chứ không phải do lệnh cấm chiếu.
Mọi người đã góp ý sai lầm rồi, nhưng đến giờ họ mới cấm, nhưng vẫn chống chế rằng họ duyệt đúng quy trình.<br/> - Đỗ Thái Bình
Nhận xét về hành động này, ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
“Cấm chiếu là việc rút lại cái sai của người ta vì đã cho chiếu. Mọi người đã góp ý sai lầm rồi, nhưng đến giờ họ mới cấm, nhưng vẫn chống chế rằng họ duyệt đúng quy trình.”
Hội đồng kiểm duyệt
Trước khi một bộ phim được công chiếu tại các rạp đòi hỏi phải trải qua những quy trình kiểm duyệt gắt gao. Trong buổi duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ có sự tham gia của 7 thành viên, trong đó có nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục Điện ảnh, ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia…
Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Huy, họa sĩ tham gia dựng bối cảnh "Kong: Skull Island", thì Hội đồng kiểm duyệt bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ gồm những người có rất nhiều kinh nghiệm vì nhiều người trong số họ là đồng nghiệp của ông, nên xảy ra sơ xuất lần này cũng khiến ông khá bất ngờ.
Về phía ông Đỗ Thái Bình lại cho rằng xưa nay Cục kiểm duyệt vẫn khá thận trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế:
“Trình độ nhận thức, trình độ văn hóa hơi thấp, bởi vì trước đây có những cái họ để lọt lưới rất vô ích và không thể tưởng tượng được. Ví dụ như họ cho phát hành bài ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, là người chỉ huy trận Hoàng Sa. Như vậy chứng tỏ họ không có nhận thức, bản thân họ không có trình độ để phân tích sự thật.”
Ông cũng cho rằng vai trò của Cục Kiểm Duyệt rất quan trọng, vì với những thông tin không chính xác hoặc sai lệch, những người hiểu biết có thể phân tích được, còn đại đa số quần chúng có vẻ thiếu thông tin thì sẽ có ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, không chỉ riêng Hội đồng kiểm duyệt phải chịu trách nhiệm trong việc thông qua cho phim Điệp vụ Biển Đỏ được ra rạp, mà cả Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cũng có phần liên quan:
“Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đương chức, ông đã bỏ ra từ ngân sách 180 tỷ để tuyên truyền biển đảo. Mà hội đồng duyệt phim và ngay cả Thứ trưởng của Bộ Văn – Thể – Du (Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cũng không hiểu thế nào là lãnh hải, nội dung khái niệm lãnh hải và các vấn đề liên quan đến lãnh hải.
Bộ phim được trang mạng của Hoàn Cầu Thời báo, tức là phụ bản của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá bộ phim này và chỉ rõ ra lãnh hải trong bộ phim đề cập đến và quyền chiếm đóng của Trung Quốc ở cái gọi là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc – tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ quảng bá cho quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hình thức kiểm điểm.<br/> - Đinh Kim Phúc
Chúng tôi không thể chấp nhận cách trả lời của các ông bà trong Bộ phận duyệt phim và Thứ trưởng Bộ Văn – Thể – Du.”
Kiểm duyệt phim tuyên truyền
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, để tránh trường hợp kiểm duyệt sót như vụ việc phim Điệp vụ Biển Đỏ, cần có một tổ kiểm định có nhận thức chuyên môn sâu sắc hơn:
“Yêu cầu Hội đồng duyệt phim tập hợp được những người có đầy đủ trình độ về luật, công pháp quốc tế, về tất cả vấn đề để nhận rõ bản chất Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh mềm về kinh tế, văn hóa để hợp thức hóa quá trình chiếm biển, chiếm đảo trên Biển Đông.”
Hiện tại, dù bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ không còn được chiếu ở các rạp chiếu phim ở Việt Nam, nhưng cách trả lời truyền thông trong nước của những đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa khiến giới quan tâm chấp nhận vì chưa đưa ra được cách giải quyết cụ thể và không bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm cho sai phạm này.
Do đó, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề ra giải pháp:
“Sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ quảng bá cho quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hình thức kiểm điểm.”
Giới quan sát cho rằng trong những năm gần đây, Bắc Kinh bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư vào thị trường phim ảnh nhằm quảng bá sức mạnh của Hải quân Trung Quốc với những tàu chiến và vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, không phải bộ phim tuyên truyền nào cũng được đón nhận rộng rãi, điển hình là hai bộ phim Kim Lăng Thập Tam Hoa và Vạn lý Trường Thành của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Nhưng đến khi công chiếu phim Chiến Lang 2, Điệp vụ Tam giác vàng (Điệp vụ Mekong), Điệp vụ Biển Đỏ với nhiều yếu tố giải trí, Trung Quốc dường như đạt được ý đồ tuyên tuyền của họ.