Thấy gì qua thông tin ‘Dân viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ’?

0:00 / 0:00

Chính phủ Việt Nam vào ngày 8 tháng 4 đã ban hành gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người dân bị tác động bởi đợt dịch COVID-19 gây nên. Nhiều người trong số này trước khi dịch xảy ra từng phải ‘tay làm, hàm nhai’ nên khi có biện pháp ‘giãn cách xã hội’, nhiều hoạt động bị ngưng lại, nguồn thu của họ không còn nữa nên họ rất cần được hỗ trợ để qua cơn hoạn nạn. Người muốn nhận được hỗ trợ từ chính phủ phải khai báo với cơ quan chức năng địa phương.

Mới đây báo chí nhà nước có bài ca ngợi nhiều người dân ở tỉnh Thanh Hóa, miền bắc Việt Nam, đã làm xin đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mục đích được báo chí nói là những người từ chối hỗ trợ của Nhà nước muốn chia sẻ khó khăn với chính phủ.

Thật ra mấy chuyện đó là để tuyên truyền, theo mình đều có đạo diễn, đấy là một kiểu đánh bóng của nhà cầm quyền VN, xưa nay vẫn có chiêu bài đó.<br/>-Nhà báo Sương Quỳnh

Trao đồi qua tin nhắn với RFA hôm 8/5, Chị Nguyễn Lai, một người dân ở Nha Trang cho biết, một số khu vực ở Nha Trang đã có người nhận được tiền hỗ trợ; còn việc viết đơn từ chối nhận trợ cấp Chị viết tiếp:

“Còn việc người dân viết đơn không nhận hỗ trợ, theo tôi là chuyện tào lao, trong khi người dân khắp nơi thất nghiệp trong đợt dịch Vũ hán vừa rồi. 1 triệu không phải là nhiều nhưng ít ra nó cũng giúp được dân lao động trong lúc khó khăn.”

Còn Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời RFA hôm 8/5 thì cho rằng, cũng có thể họ tuyên truyền để thêm nhiều người dân từ chối tiền cứu trợ. Giả sử hộ nghèo từ chối nhận hỗ trợ, thì ông thấy nhục nhã cho đoàn quan chức Bộ KH-ĐT, tiểu ban kinh tế đi chuyên cơ từ Ấn vòng sang Anh xa gấp 4 lần rồi mới về VN... Hay chuyện ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam có thẻ gofl 3 tỷ... Cán bộ uống chai rượu vài triệu một bữa... như vụ ĐH Ngân hàng HCM, mà nhờ có cái chết của TS Tín mọi người mới biết... Theo ông Bang, những đoàn xe sang hàng chục chiếc hộ tống các cán bộ, nếu bớt đi một nửa thì bằng hàng ngàn suất hỗ trợ người nghèo...

Một người vừa nhận gạo từ thiện ở Hà Nội tháng 4 năm 2020.
Một người vừa nhận gạo từ thiện ở Hà Nội tháng 4 năm 2020. (AFP)

Trả lời RFA hôm 8/5, Nhà báo Sương Quỳnh, nhận định:

“Theo tôi chuyện viết đơn để không nhận tiền chính phủ hỗ trợ cũng không khác gì việc họ đi vận động mấy bà mẹ già, không có tiền, nhà neo đơn, mà góp mấy chục triệu mà báo có đăng. Thật ra mấy chuyện đó là để tuyên truyền, theo mình đều có đạo diễn, đấy là một kiểu đánh bóng của nhà cầm quyền VN, xưa nay vẫn có chiêu bài đó. Cũng như bạn Đỗ Hùng có viết trên FB rằng viết đơn này không khác gì hồi xưa ép gia đình ông viết đơn vào hợp tác xã, không vào thì cũng chết. Những chiêu trò đó ở VN vẫn thường và tôi cho là bất nhẫn. Một khi anh đã làm thì người dân người ta có quyền nhận. Còn nếu nói không nhận thì còn đấy, họ có thể chuyển sang người khác hay báo cáo... Chứ chả có ai đã không lấy mà còn phải viết đơn.”

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, đã được 63/63 tỉnh triển khai, trong đó 3 đối tượng cơ bản như người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ 12.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi trao đổi với RFA hôm 8/5, Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết, một số người dân ở khu vực anh có làm đơn xin hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ, anh nói tiếp:

“Nó cho chúng ta một cái cảm giác, rằng nhà nước không thấy xấu hổ trong cách hành xử như thế. Điều này cho thấy nhà nước không coi nhân dân ra cái gì, trong khi nói có hỗ trợ, sau đó nói dân từ chối hỗ trợ. Cho thấy họ chuyên môn làm cái chuyện cho dân ăn ‘bánh vẽ. Làm cho người ta thấy tởm lợm về cách làm của nhà nước.”

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tuyên truyền kêu gọi người dân đóng góp cho ngân sách nhà nước, với những tấm gương đóng góp được báo chí nêu lên nhưng để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Như việc nhân viên y tá mang thai 9 tháng vẫn ở lại bệnh viện chống dịch, hay người già neo đơn, trẻ em miền núi góp tiền cho quỹ phòng chống COVID-19.

Ngân sách đang hết sức khó khăn thì ai cũng biết, chính phủ cũng hiểu rõ điều này, tôi nghĩ quốc hội cũng vậy. Tuy nhiên việc hỗ trợ người dân, nhất là những người lao động, những người mất việc làm, chắc chắn là việc phải làm.<br/>-Phạm Chi Lan

Trao đổi với RFA hôm 8/5/2020, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, hiện ngân sách của Việt Nam năm nay hết sức khó khăn, do tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, không thu thuế được... Bà nói tiếp:

“Ngân sách đang hết sức khó khăn thì ai cũng biết, chính phủ cũng hiểu rõ điều này, tôi nghĩ quốc hội cũng vậy. Tuy nhiên việc hỗ trợ người dân, nhất là những người lao động, những người mất việc làm, chắc chắn là việc phải làm. Hay hỗ trợ các doanh nghiệp để có thể phục hồi hoạt động. Tất nhiên mong đợi của người dân và doanh nghiệp còn lớn hơn nữa, nếu so với các nước, họ hỗ trợ lớn hơn nhiều so với VN. Nhưng tôi nghĩ chính phủ. Dù khó khăn nhưng tôi nghĩ chính phủ đã có những cách để có thể thu xếp được.”

Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình việc triển khai gói cứu trợ đến người dân và doanh nghiệp đều đang trễ so với mong đợi. Hiện số người mất việc, bị ảnh hưởng theo tổng cục thống kê ước lượng lên đến khoảng 5 triệu lao động. Ngoài ra theo Bà Lan, ở Việt Nam hiện có khu vực không chính thức rất lớn, chiếm tới hơn 30% lực lượng lao động. Nhưng do thủ tục hành chính rườm rà ở Việt Nam, việc thống kê những người này là không dễ so với tình hình hiện nay. Còn diện chính sách đã nhận được tiền hỗ trợ do có sẵn danh sách, năm nào cũng hỗ trợ nên việc thống kê dễ hơn nhiều. Còn những người lao động khác, khó thống kê hơn, nên mới phải làm đơn.