Vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Cục Hải quan Đà Nẵng đã tịch thu 4 bưu kiện gửi từ nước ngoài về, trong đó có 3 cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Lý do được đưa ra là “nhạy cảm chính trị”. Vậy như thế nào là chính trị bình dân và nhạy cảm chính trị?
Chính trị bình dân
Vào cuối tháng 9 năm 2017 vừa qua, cuốn sách Chính trị bình dân của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được xuất bản và được phổ biến rộng rãi, thậm chí còn được đăng bán trên trang mạng mua sắm trực tuyến Amazon.
Trong bài phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do trước đây, cô Phạm Đoan Trang cho biết khi viết cuốn sách này, cô muốn người Việt xóa bỏ định kiến cho rằng chính trị là của một nhóm thiểu số, hay nói theo kiểu người dân trong nước là có đảng và nhà nước lo.
Tôi muốn cho mọi người biết là chính trị nó nằm trong cuộc sống, nó đơn giản như là cơm ăn áo mặc.<br/> - Nhà báo Phạm Đoan Trang <br/>
“Cái hiểu về chính trị của Việt Nam bị bóp méo hoàn toàn, rất sai lệch. Người Việt Nam nghĩ về chính trị là nghĩ về công việc quản lý nhà nước của một thiểu số, của đảng cộng sản, tức là của các quan chức đảng cộng sản, nhà nước của đảng cộng sản. Còn lại tất cả những người không thuộc cái nhóm đấy đều là quần chúng.”
Đồng quan điểm với nữ nhà báo Đoan Trang, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến hiện đang sống ở Hà Nội cho biết:
“Trong Việt Nam, chính trị là gì rất khủng khiếp, người dân thường không nên bàn luận.”
Tuy vậy, chính trị không phải là những việc lớn lao mà con người không có quyền nói đến, chính trị là những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, như lời chia sẻ của nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến:
“Chính trị như hơi thở hàng ngày, len vào tất cả sinh hoạt vì là những thứ bằng cách này hay cách khác tác động trực tiếp lên cuộc sống con người. Chính sách, tất cả những gì tác động đến đời sống người dân như thuế, xăng dầu, vật giá, viện phí… đều là một phần của chính trị.”
Đây cũng chính là mong muốn của nhà báo Đoan Trang khi nói về lý do cô viết cuốn sách Chính trị bình dân:
“Tôi muốn cho mọi người biết là chính trị nó nằm trong cuộc sống, nó đơn giản như là cơm ăn áo mặc. Người bình dân nào cũng có thể nói về nó, một chuyện rất bình thường.”
Tuy nhiên, quan niệm về chính trị như thế cũng khác biệt nhau, điển hình là từ Cục Hải quan Đà Nẵng khi Cục này cho rằng cuốn sách Chính trị bình dân có “nội dung nhạy cảm chính trị” và tịch thu luôn bưu phẩm có chứa sách này.
Nhạy cảm chính trị
Vậy tại sao nhà cầm quyền Hà Nội thường xuyên sử dụng lý do “nhạy cảm chính trị” để cấm đoán các nhà hoạt động dân chủ trong thời gian gần đây?
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với Đài Á Châu Tự Do:
Các nước, đặc biệt là Việt Nam, hay vin vào những gì không muốn đưa ra công luận hay bàn dân thiên hạ biết thì đều gắn vào chữ 'nhạy cảm' <br/> - Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
" Những gì mà họ (chính quyền Việt Nam) không thích thì họ gọi là nhạy cảm."
Còn đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, cụm từ ‘nhạy cảm chính trị’ rất mơ hồ. Anh nói thêm:
“Các nước, đặc biệt là Việt Nam, hay vin vào những gì không muốn đưa ra công luận hay bàn dân thiên hạ biết thì đều gắn vào chữ ‘nhạy cảm’ rất chung chung, không theo bộ luật hay điều luật nào nói rằng cụ thể thế nào là nhạy cảm, ở mức độ nào và lĩnh vực gì. Nhưng khi vấn đề nào động chạm thì người ta nói chung chung là nhạy cảm.”
Vẫn theo anh Nguyễn Chí Tuyến, gán ghép lý do nhạy cảm để cấm đoán không phải là phương thức mới được sử dụng gần đây, mà đã có từ trước đó rất lâu. Các biện pháp giải quyết những vấn đề “nhạy cảm chính trị” được cơ quan nhà nước thực hiện theo mức độ:
“Nếu nhẹ nhàng thì người ta khuyên không nên bàn luận về vấn đề đó, nặng hơn thì ngăn cấm rất gắt gao, mạnh mẽ về việc bàn tán, trao đổi, giao lưu.”
Hiện tại, cơ quan công quyền không ra văn bản mà chỉ truyền miệng về vấn ‘nhạy cảm chính trị’. Theo anh Nguyễn Chí Tuyến, lý do được đưa ra vì nếu có những phản đối từ phía công luận thì cũng không có bằng chứng cụ thể:
“Vì trong nước thì người ta toàn quyền muốn làm gì thì làm, nhưng khi ra công luận quốc tế thì bằng chứng đâu, văn bản đâu, đồng thời có thể đổ thừa cấp dưới, do những cá nhân tự suy nghi nghĩ và làm sai. Đây là cách người ta vẫn hay áp dụng trong nước Việt Nam.”
Phổ biến về chính trị trong đời sống
Trong không gian mạng xã hội như ngày nay, đặc biệt là khi Facebook đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, những thông tin về chính trị liên tục được báo chí lề trái và lề phải cập nhật, giúp cho chính trị dần trở nên quen thuộc với người dân; không như những gì cao siêu và nguy hiểm mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường tuyên truyền.
Tôi đã đọc cuốn sách của Đoan Trang và chẳng thấy gì nhạy cảm cả. <br/> - TS. Nguyễn Quang A
Đặc biệt, những người đọc qua cuốn sách Chính trị bình dân của nhà báo Đoan Trang đều nhận xét rằng cuốn sách này giúp người đọc biết nhiều hơn về chính trị.
Facebooker Nguyễn Quốc Quân hiện đang sống tại bang California nước Mỹ chia sẻ: “Tôi đã đọc quyển sách “Chính Trị Bình Dân”, cảm thấy bổ ích về tri thức để Biết đúng & Hiểu đúng hơn. Lẽ ra mọi loại “Nhà Nước” nên phát hành giúp và phát không cho dân chúng… đằng này lại tịch thu làm của riêng. Thật “ích kỷ” quá.”
Luật sư Lê Công Định cũng bày tỏ trên Facebook rằng sách Chính trị bình dân rất đáng đọc: “Đây là quyển sách quan trọng và nền tảng về chính trị cho mọi người, nhất là giới trẻ”.
Riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, có thể nhân việc sách Chính trị bình dân bị Hải quan Đà Nẵng tịch thu để giúp sách được phổ biến rộng rãi hơn:
“Tôi đã đọc cuốn sách ấy của Đoan Trang và chẳng thấy gì nhạy cảm cả. Không có gì quảng cáo cho cuốn sách tốt như cách tịch thu như vậy.”
Không chỉ riêng tại Việt Nam, lý do ‘nhạy cảm chính trị’ lâu nay thường được các nhà nước độc tài sử dụng để trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Biện pháp này bị các tổ chức theo dõi nhân quyền từng lên án là mơ hồ.