Ăn thịt heo quay để trấn an
Truyền thông Việt Nam vừa qua đăng tải hình ảnh lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cùng ăn thịt heo quay và các thực phẩm chế biến từ thịt heo như một minh chứng về việc tiêu dùng thịt heo một cách bình thường, không tẩy chay thịt heo khi dịch bệnh lây lan vì đã được kiểm soát, chứng thực nguồn gốc của cơ quan chức năng.
Sinh hoạt này làm nhiều người nhớ lại sau khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng gây nên, các lãnh đạo trung ương và đia phương cũng biểu diễn ăn hải sản và xuống biển tắm.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói rằng ông không phản đối việc làm của các lãnh đạo. Ông giải thích:
“Họ làm như thế để chứng minh nó không nguy hiểm cho sức khỏe con người, tiêu thụ của xã hội bớt hoảng loạn đi nhưng do các vị lãnh đạo của nhà nước này lâu nay lời nói không đi đôi với việc làm nên sự tín nhiệm nó kém những việc làm như thế chưa chắc nhân dân người ta tin như đợt ăn cá khi sự cố Formosa.”
Bất đồng trong cách dập dịch
Từ sau khi ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên bị phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ở khu vực phía Bắc vào tháng 2 đến ngày 22 tháng 5 dịch đã có mặt tại 37 tỉnh/thành phố trên cả nước và buộc tiêu hủy hơn 1,5 triệu con lợn bệnh. Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra chỉ thị yêu cầu chính quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương họp bàn đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh này.
Bộ Nông Nghiệp –Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh thành, biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Thậm chí Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn còn kêu gọi đưa bộ đội vào tham gia công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương nói với chúng tôi rằng dịch bệnh này chỉ ảnh hưởng về kinh tế chứ không ảnh hưởng sức khỏe người dân.
“Một số tỉnh thành có chuyện dịch bệnh là do người ta không tuân thủ các quy định nên thành ra có một số lợn chết họ mang đi tiêu hủy theo quy định mà đem đi vứt ra bừa bãi làm cho lây lan và đấy là một trong những lý do, hiện nay đang siết chặt lại khâu đó. Nói chung dịch bệnh này chỉ thiệt hại về kinh tế thôi còn sức khỏe con người thì không sợ vì nó không lây lan sang người. Nó không giống như các dịch cúm gà có thể lây sang người nên nguy hiểm dẫn đến tử vong.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải một chuyên gia về môi trường trao đổi với chúng tôi rằng, ông đã bắt đầu chống dịch tả này từ cuối năm 2016 và có cảnh báo đối với chính quyền Việt Nam từ trước tết. Tuy nhiên, mọi cảnh báo đều không được phản hồi.
“Dịch tả Châu Phi là phải từ ruột mà tại sao lại đi phun thuốc lên xe, rồi ở ngoài, xử lý trong ruột thì nó mới chết được chứ. Những nguyên lý cơ bản sao Việt Nam không nói. Bây giờ họ đưa cả một hệ thống chính trị để phòng chống dịch lợn, chúng ta phải phòng tất cả loại dịch bệnh. Thử đi khắp Việt Nam hỏi những người nuôi lợn xem họ biết cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi như thế nào không, chắc chắn không ai biết. Tốn bao nhiêu tiền họp hành, tuyên truyền trên truyền thông nhưng không được gì.”
Vị tiến sĩ khẳng định với chúng tôi loại vi khuẩn gây bệnh này nằm trong ruột heo, do đó chỉ cần dùng Anoxic KT cho vào nước, thức ăn của heo, bơm vào sữa heo mẹ cho heo con bú thì có thể diệt tận gốc cho heo. Vì ông đã thực hiện thành công ở rất nhiều hộ dân chăn nuôi heo.
Cập nhật mới về bệnh dịch tả heo
An Giang là địa phương mới nhất công bố dịch tả lợn Châu Phi hôm 22/5. Thông tin của tỉnh An Giang cho biết ổ dịch đầu tiên bị phát hiện tại một hộ dân khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang.
Nguyên nhân được đưa ra là có thể do nguồn thức ăn cho heo được chủ hộ chăn nuôi sử dụng từ nguồn thức ăn thừa tại hai khu vực phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh nhưng chưa qua xử lý nhiệt.
Sau khi phát hiện ổ dịch tại thành phố Long Xuyên, các cơ quan giám sát dịch tỉnh cùng với Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang chốt chặn hai đầu ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi 3 cây số để kiểm tra, giám sát, khử trùng… nếu nghi ngờ có dịch.
Theo ông Trần Tiến Hiệp Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú Y tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa phương thứ hai tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả heo Châu Phi. Trước đó vào đầu tháng 4/2019 tỉnh Hậu Giang cũng đã bùng phát ổ dịch đầu tiên tại khu vực này.
Cùng ngày, sau khi có thông tin dịch đã lan tới An Giang thì tỉnh Cà Mau đã triển khai lực lượng chốt chặn kiểm tra tất cả các tuyến đường bộ lẫn đường thủy ra vào Cà Mau, các xe đi qua vùng dịch đều được yêu cầu ghé trạm để kiểm tra và khử trùng.