Kềm lạm phát - duy trì tăng trưởng
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã trình bày những vấn đề lớn của nền kinh tế, khi tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013 vào hôm 9/1 tại Hà Nội.
Nhận định về những mục tiêu của chính phủ trong một thời kỳ kinh tế đầy khó khăn và bế tắc, GSTS Vũ Văn Hóa phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Một lúc mà đưa ra nhiều tiêu chí quá trong một bối cảnh kinh tế thế giới cũng chưa ổn định, thì kinh tế khu vực cũng như kinh tế của từng quốc gia cũng khó có thể một mình trỗi dậy được. Bởi vì đây là một sự liên kết hài hòa có tính chất chặt chẽ giữa các quốc gia và thế giới. Cho nên tình trạng kinh tế thế giới chưa hồi phục vững chắc thì kinh tế của các nước theo kế hoạch chỉ là một phần thôi, chứ chưa chắc đạt được sự mong muốn.”
GS Vũ Văn Hóa
Theo VnExpress bản tin trên mạng ngày 9/1/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là, Ngân hàng Trung ương ở các nước giữ vai trò quan trọng nhất và gần như duy nhất là kiểm soát lạm phát. Trong khi tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước luôn gánh một lúc hai trách nhiệm: vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Một nhiệm vụ đầy khó khăn, bởi kiểm soát lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, kinh tế khó tăng trưởng cao và ngược lại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải điều hành lạm phát thấp mà vẫn duy trì tăng trưởng. Nếu Thống đốc kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng kinh tế dưới 5% thì không tạo thêm công ăn việc làm, thất nghiệp tăng.
Trước đó ngày 7/1 Thời Báo Kinh Tế Saigon Online cho biết chỉ trong một năm hơn 300.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Tờ báo đưa tin này dựa vào số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 4/1/2013 theo đó thời điểm đầu năm 2012 số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 313.000. Trong khi đó, theo số liệu Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Quốc hội thì tính đến cuối 2011 tổng số doanh nghiệp có đăng ký là 624.000. Nếu cộng chung 55.000 doanh nghiệp được báo tử trong năm 2012 thì đã có hơn 360.000 doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động trong 24 tháng. Những con số này cho thấy nền kinh tế khó khăn tới mức nào và phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động vì lãi suất ngân hàng trong giai đoạn đó quá cao trên dưới 20%, chi phí sản xuất cao làm ăn thua lỗ. Khi lãi suất hạ giảm bớt thì nợ xấu khiến ngân hàng thắt chặt cho vay, những doanh nghiệp đang khó khăn càng thêm khó khăn do thiếu vốn và đi đến chỗ chết.
GSTS Vũ Văn Hóa cho rằng nếu vốn cho doanh nghiệp chưa được giải quyết, sản phẩm tồn kho tiếp tục, thì tăng trưởng kinh tế rất mờ mịt. Ông nói:
“Trong tình trạng hiện nay thu hút vốn ngoài dân cư lãi rất cao, thực tế trên 8% rất nhiều, đối với một số doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 10% tới 12% người ta đã thấy là cao rồi. Tôi cho rằng tình hình sản xuất suy giảm, hàng tồn kho tăng lên rất nhiều, việc các doanh nghiệp nợ đọng xảy ra thường xuyên và từ nay đến cuối năm 2013 chưa chắc đã có thể khắc phục tình trạng đó.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Bùi Kiến Thành chuyên viên tài chính cao cấp ở Hà Nội nói rằng, Ngân hàng Nhà nước có nguồn tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp có thể cho Ngân hàng thương mại vay để các nơi này hạ giảm được lãi suất cho vay. Ông nói:
“Vấn đề ở đây là Việt Nam cần thật sự quán triệt vai trò trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Trung ương, chúng ta bị kẹt trong tên gọi Ngân hàng Nhà nước và nếu không quán triệt được nên đã không hiểu tại sao Ngân hàng Trung ương lại có trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững với một lãi suất hợp lý; Chính Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác lập cái lãi suất hợp lý ấy. Sự kiện này cho thấy có vấn đề trong việc bố trí nhân sự để xác lập một chính sách tiền tệ và bố trí nhân sự để thực hiện chính sách đó hợp lý. Có lẽ Việt Nam mình cuối cùng vẫn là vấn đề nhân sự trong việc quản lý Nhà nước.”
Siết chặt thị trường vàng
TS Lê Đăng Doanh
Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng, Tuổi Trẻ Online và VnExpress đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý thị trường vàng trong thời gian qua, nhưng cần phải làm tốt hơn ba mục tiêu đã đặt ra là, quản lý vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không để vàng tác động đến tỷ giá, lãi suất hay cán cân thương mại, không để ảnh hưởng giá trị đồng Việt Nam. Thứ hai Không thể để vàng trở thành phương tiện thanh toán, chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Và thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thiện thể chế chính sách thích hợp để vàng trở thành tiền, nguồn lực của đất nước để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng trong thời gian hơn nửa năm vừa qua vừa qua. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
"Ngân hàng Nhà nước có chủ trương theo tôi là cần thiết và đứng đắn, đó là loại bỏ vàng và ngoại tệ ra khỏi phương tiện thanh toán của Việt Nam. Tuy vậy vấn đề này phải được thực hiện bằng cách nâng cao niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, chứ không nên chỉ đơn thuần áp dụng các biện pháp hành chính. Theo tiến độ sắp tới đây có thể có chừng 7.000 cửa hàng vàng đã được cho phép hoạt động sẽ bị đình chỉ và điều này sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với những người đã đầu tư vào việc xin phép mở cửa hàng vàng mà nay sẽ phải đóng cửa. Theo tôi, đó cũng là điều cần phải xem xét và rút kinh nghiệm vì bất kỳ một sự thay đổi đột ngột nào trong chính sách cũng sẽ dẫn đến thiệt hại và làm giảm niềm tin của người dân."
GSTS Vũ Văn Hóa từng là Giám đốc Học viện Tài chính, tán dương việc quản lý thị trường vàng, chống vàng hóa đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên ông ủng hộ việc bảo vệ quyền lợi người dân trong việc mua bán cất giữ để dành vàng là loại hàng hóa có giá trị. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
“Mức độ giao dịch của dân cư với dân số trên dưới 90 triệu người mà với số lượng cửa hàng kinh doanh vàng như hiện nay (2.500) thì phải xem xét lại, để làm thế nào có sự giao lưu vàng, coi như một loại hàng hóa, được thuận tiện cho mọi người dân. Tôi cho rằng việc này cũng giống như các cửa hàng ngoại tệ thôi, mình quản lý như thế nào cho thật tốt, chứ còn như thời gian trước đây việc ngoại tệ hóa trong một số lĩnh vực của nền kinh tế đã làm giảm thị phần của nội tệ cũng là không tốt. Bây giờ quản lý vàng theo kiểu này thì chắc chắn sẽ đụng chạm đến nhiều thành phần kinh tế, thể nhân cũng như pháp nhân cho nên cần phải xem xét. Ngay bây giờ chưa thể kết luận đúng sai, cần có thời gian nếu sai thì sửa còn đúng thì tiếp tục.”
Dân Trí Online đưa tin, ngày 10/1 thời điểm hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vàng miếng đóng cửa vì không có giấy phép mới, giá vàng miếng tuy giảm khoảng 370.000 đồng/ lượng do giao dịch ảm đạm, nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng. Nhắc lại, chênh lệch lớn lao kéo dài nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không ảnh hưởng gì tới kinh tế vĩ mô.
Theo Đất Việt Online, hàng ngàn tiệm vàng không còn mua bán vàng miếng vì không có giấy phép mới kể từ thời điểm 10/1/2013. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều vì từ đầu tháng 12/2012, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ bán vàng miếng sang vàng nhẫn đóng gói trong bao bì polymer với các thương hiệu quen thuộc trước đây như PNJ, DOJ, Phượng Hoàng, Rồng Vàng…Tờ báo đưa hình vàng nhẫn 1 chỉ đóng gói đẹp mắt trong bao bì polymer và ghi nhận nhiều tiệm vàng bắt đầu niêm yết giá bán vàng nhẫn trên bảng giá hàng ngày. Tại TP.HCM, nhiều tiệm vàng cho biết khách mua vàng nhẫn đóng gói tăng đột biến. Trong khi ở miền Bắc nhiều chủ tiệm vàng nhỏ cũng mua vàng nhẫn đóng gói với số lượng lớn về để bán.
Việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, ấn định một thương hiệu vàng miếng quốc gia là SJC cũng độc quyền, quản lý thị trường vàng miếng bằng cách cấp giấy phép mới loại bỏ 70% cửa hàng vàng không được mua bán vàng miếng, có vẻ vẫn chưa có tác dụng theo mục đích đặt ra.
Ông Thống đốc từng cho biết sắp tới sẽ siết chặt luôn thị trường vàng nữ trang, tương lai chưa biết thế nào. Tập quán của người dân Việt Nam từ trước đến nay khó loại bỏ, người ta không giữ đồng nội tệ mà vàng là của để dành bền vững nhất. Khó khăn với lưu thông vàng miếng thì vàng nhẫn đóng gói bao bì polymer đang là lựa chọn của người dân, sự biến tướng của thị trường vàng thật đáng chú ý.
Theo dòng thời sự:
- Sở hữu chồng chéo làm ngân hàng tròng trành
- Nhà nước và phát triển
- Đi tìm sự dung hòa kinh tế
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Hình sự trong kinh doanh
- Mặt trái kinh tế của biểu hiện ngang ngược
- Vũ khí kinh tế
- Dầu khí trên thương trường và chiến trường
- Cải Tổ Lãi Suất
- Doanh nghiệp và thất nghiệp
- Ngợi ca Tư Bản Chủ Nghĩa
- Cải cách ngân hàng VN gặp khó khăn
- Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?
- Ngân hàng Nhà Nước giảm lãi suất của một số hạng mục
- Suy Trầm Hay Khắc Khoải?