Đêm thắp nến cho Nhân Quyền tại Paris

Ngày 10 tháng 12 mỗi năm đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Nhân Quyền Quốc Tế.

0:00 / 0:00

Vào ngày này, năm 1948, bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã đại diện Liên Hiệp Quốc tuyên đọc bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền lịch sử này tại Paris, Pháp Quốc.

Ngày 10 tháng 12 vừa qua, cũng tại nơi đây, Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền đã tổ chức đêm thắp nến để cổ vũ cho Nhân Quyền và cũng để tưởng nhớ đến những người đã và đang tù tội vì đấu tranh cho Nhân Quyền, xin mời quý thính giả theo dõi bài tường thuật của thông tín viên Tường An gửi về từ Paris.

Hàng năm vào ngày 10 tháng 12, Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền đều kỷ niệm ngày mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn để thông qua Tuyên Ngôn về Quyền Làm Người tại vùng đất lịch sử, nơi mà 63 năm trước, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được ra đời. Năm nay là lần thứ 5, Hiệp Hội đứng ra tổ chức ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại khu sinh viên St Michel, Paris.

Công trường St. Michel nằm giữa đại lộ Saint Michel và đường Danton thuộc quận 5, nơi mà nhà thơ Nguyên Sa vẫn gọi là xóm học vì khu đó có nhiều trường đại học trong đó, có viện đại học nổi tiếng Sorbonne. Trong bầu không khí giá lạnh của Paris, làm sáng rực một góc công trường là những ngọn nến được thắp lên để cổ vũ cho những cuộc đấu tranh cho Dân Chủ, Nhân Quyền và cũng để tôn vinh những nạn nhân bị đàn áp, tù tội vì đã đấu tranh để san bằng mọi kỳ thị, áp bức, bạo hành cho những kẻ yếu thế trong xã hội.

Cho tự do dân chủ

000_Par3654134-200.jpg
Bức tranh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba trên bức tường khách sạn Grand ở Oslo vào ngày 10 tháng 12 năm 2010. AFP photo (Bức tranh nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba trên bức tường khách sạn Grand ở Oslo vào ngày 10 tháng 12 năm 2010. AFP photo)

Ông Htin Kyaw, thuộc cộng đồng Miến Điện cho biết lý do ông có mặt trong đêm nay:

"Bởi vì ở Miến Điện có gần 2000 tù nhân chính trị và ở Miến Điện không có luật pháp, và họ đàn áp dân tộc thiểu số, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Miến Điện hoàn toàn không có tự do chính trị.

Vì vậy chúng tôi tham gia cuộc biểu tình hôm nay để đòi hỏi tự do và dân chủ cho Miến Điện. Chúng tôi cần áp lực của Quốc tế.Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ giúp chúng tôi tranh đấu cho Dân chủ và nhân quyền của các nước Á Châu."

Hiệp hội các quốc gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền (la Fédération des Pays Asiatiques pour les Droits de l’Homme,FPADH) được thành lập từ năm 2007 nhân biến cố chính quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp phong trào dân chủ và các nhà sư trong nước.

Hiệp hội gồm 7 đại diện thường xuyên là: Tây Tạng, Miến Điện, Trung Hoa Dân Chủ, Đài Loan, Tân Cương và Việt Nam, đó là những quốc gia mà tình trạng Nhân Quyền không được tôn trọng đúng mức.

Đối với ông Wong Longman, một cựu sinh viên đã tham gia cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt:

"Rất quan trọng, vì đặc biệt, tình trạng Nhân quyền tại các nước Á Châu không được tốt, thí dụ như ở Việt Nam, Kam pu chia, Miến Điện, Trung Quốc. Nhất là ở Trung Quốc, vì tôi là 1 cựu sinh viên Thiên An Môn.

Ông đã được giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, nhưng cho tới nay, ông vẫn còn bị cầm tù.

Ô. Wong Longman

Tôi theo dõi tình trạng nhân quyền ở Á Châu và Trung Quốc đã 22 năm qua, tôi muốn trình bày rằng tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc rất tồi tệ. Ví dụ: ở Tây Tạng, rất nhiều nhà sư Tây Tạng bị cầm tù trở lại, rất nhiều phóng viên, nhà văn thuộc dân tộc Oui-Ghour bị cầm tù và bị kết tội là khủng bố.

Ngày nay chúng tôi vừa phát hiện ra ở Mông Cổ nhà cầm quyền Trung Quốc đã cướp đất, cướp hầm mỏ của người dân mà không bồi thường. Nhiều phóng viên, nhà văn đã mất tích, tôi xin nhấn mạnh với quí vị là nhà văn Khada đã mất tích từ khi Ông rời khỏi nhà tù."

Chỉ vào phù hiệu đang mang trên ngực áo, ông tiếp:

"Ông Lưu Hiểu Ba đã bị cầm tù 3 năm rồi, đó là lý do, tôi mang phù hiệu này để nhắc nhở mọi người đừng quên ông. Ông đã được giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, nhưng cho tới nay, ông vẫn còn bị cầm tù."

Truyền bá Quyền Làm Người

CuHuyHaVu04042011-250.jpg
Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011. AFP photo.

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay ngoài việc thắp nến cầu nguyện cho Sự thật và Công lý, cho những người bị tù tội, bị đàn áp, còn để chia sẻ nỗi vui mừng của cộng đồng Miến Điện khi nghe tin Lãnh tụ dân chủ của họ - Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do sau gần hơn 15 năm bị chính quyền Miến Ðiện quản thúc. Cũng không quên cầu nguyện cho những nhà bất đồng chính kiến còn đang bị sống trong cảnh tù đầy tại Việt Nam.

Chị Hoa, một công dân Paris tham gia biểu tình nói lên suy nghĩ của chị:

"Đêm thắp nến hôm nay đối với người Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất chúng ta phải biết hiện nay Việt Nam chúng ta là một trong những nước bị cai trị bởi một chế độ độc tài, độc đảng, qua đó thì người dân không biết tới quyền con người của mình, thứ hai nữa là nếu quốc tế không nhắc đến những vi phạm, thứ ba nữa là vì vấn đề người dân VN vì vấn đề cơm áo, đầu tắt mặt tối, không biết đến cái quyền của họ.

Chúng tôi thấy rằng nên có nhiều ngày như vậy nữa để cho người dân biết tới bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, để biết rằng họ có cái quyền, quyền con người và cái quyền đó phải được tôn trọng bởi tất cả mọi người. <br/>

Chị Hoa

Qua những nhận định như vậy thì chúng tôi thấy rằng nên có nhiều ngày như vậy nữa để cho người dân biết tới bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, để biết rằng họ có cái quyền, quyền con người và cái quyền đó phải được tôn trọng bởi tất cả mọi người. Đặc biệt ý nghĩa ngày hôm nay là để xé tan màn đêm u tối đang bao trùm lên đất nước VN và những đất nước đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài. Thứ hai, thắp sáng lên lương tâm nhân loại, đừng thờ ơ trước sự chà đạp nhân quyền.

Đêm hôm nay thắp nến là để không quên những người bị đàn áp một cách thô bạo mà điển hình là Cù Huy Hà Vũ bị kết án rất là vô lý. Anh Nguyễn Tiến Trung cũng vì bày tỏ lòng yêu đất nước mà bị bắt bỏ tù, và Giáo sư Phạm Minh Hoàng cũng vì muốn đóng góp phần của mình để xây dựng đất nước mà cũng bị bắt rất là vô cớ.

Đặc biệt trong buổi thắp nến này, chúng tôi muốn hiệp thông với cộng đồng Công Giáo Thái Hà và đặc biệt là những thanh niên công giáo ở Vinh, chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước mà bị bắt bỏ tù vô cớ mà cho tới hôm nay chưa biết họ bị bắt vì tội gì và bị giam giữ ở đâu."

Vận động, ủng hộ

tibet-nun-palden-choetso-250.jpg
Ni Cô Palden Choetso tự thiêu ngày 3 tháng 11 năm 2011 để phản đối chính sách đàn áp cai trị của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Photo courtesy of Central Tibetan Administration.

Trên quảng trường St. Michel, người ta thấy những lá cờ đại diện cho các quốc gia khác nhau như Tây Tạng, Miến Điện, Việt Nam v.v… và những biểu ngữ bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Tạng, tiếng Việt với nội dung kêu gọi Tự do, Dân chủ và Nhân Quyền cho các quốc gia của họ.

Khi được hỏi về tình hình nhân quyền tại Tây Tạng, Ông Armand Clère thuộc cộng đồng Tây Tạng cho biết:

"Tại Tây tạng hoàn toàn không có nhân quyền. Từ lúc quân đội Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng từ hơn 60 năm thì tại Tây Tạng không có sự tôn trọng nhân quyền. Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy nhiều chùa chiền và đã giết hại hơn 1 triệu 200 ngàn dân Tây Tạng tức là 20% dân số Tây Tạng.

Từ tháng 3 năm nay đã có 16 Nhà Sư Tây Tạng tự thiêu và trong đó có 7 nhà Sư đã qua đời. Sau đó quân đội Trung Quốc bao vây Chùa Kerty và đã cô lập chùa không cho ăn uống cũng như thuốc men. Quân đội TQ đã bắt 300 nhà Sư và cho tới bây giờ không ai có tin tức gì của họ. Chúng tôi kêu gọi sự vận động của Quốc tế để chấm dứt sự khủng bố của TQ để dân Tây Tạng được sống trong hòa bình và dân chủ."

Tuy là người Pháp, nhưng ông đã tranh đấu nhiều năm cho sự Tự do của người dân Tây Tạng, từ ngày thành lập Hiệp Hội này, năm nào ông cũng có mặt trong ngày Nhân Quyền, ông cho biết lý do:

"Tôi tham gia cuộc biểu tình vì tôi là một người ủng hộ công cuộc tranh đấu của dân Tây Tạng từ nhiều năm nay. Nếu các nước Á Châu kết hợp lại thì chúng ta sẽ đông hơn và năng động hơn để vực dậy nhân quyền ở các nước Á Châu.

Buổi tối hôm nay có ý nghĩ đặc biệt vì kỷ niệm 63 năm ngày nhân quyền, nhưng nhân quyền đã không được thực hiện trên tất cả các Quốc Gia trên Thế giới. Tôi nghĩ rằng các nước tự do chưa làm đủ sức để đòi hỏi nhân quyền cho các Quốc gia chưa có nhân quyền."

Chủ đề của đêm thắp nến cho Nhân Quyền hôm nay là Hướng về những ngọn nến, Hát cho Tự Do, dùng tiếng hát để cùng chia một nổi đau chung, để san sẻ tâm tình và cũng là lúc mà những trái tim cùng đập chung một nhịp với những đồng hương còn trong ngục tù ở phía bên kia quả địa cầu.

Nếu các nước Á Châu kết hợp lại thì chúng ta sẽ đông hơn và năng động hơn để vực dậy nhân quyền ở các nước Á Châu.

Ô. Armand Clère

Ông Trần Nghĩa Hiệp, một thành viên của Hưng Ca chia sẻ:

"Bổn phận của mỗi người chúng ta đều biết rằng ở quê hương, nhân quyền không còn nữa, vì thế mà năm nào tôi cũng dự chứ không phải lần đầu từ hồi mà Việt Nam có biểu tình về Nhân Quyền. Điểm đặc biệt nữa là anh chị em Hưng Ca chúng tôi là tranh đấu Nhân Quyền cho Việt Nam.

Hồi nãy khi tôi hát bài Việt Nam Quê Hương Tôi Đẹp Lắm thì tôi cũng mặc cái áo: Chúng Tôi Là Chiến Sĩ Về Nhân Quyền (Human Rights for VietNam). Bởi vậy lúc nào có những cuộc biểu tình cho Nhân Quyền, Tự do cho Việt Nam, chúng tôi đều có mặt."

Chủ đề của Ngày Nhân quyền là "Chúc mừng Nhân quyền" (Celebrate Human Rights). Năm 2011 được đánh giá là một năm "vô cùng đặc biệt", "hồi sinh" của nhân quyền và tự do trên thế giới.

Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Bà Navy Pillay, vào ngày 1/12/2011, đã có bài phát biểu về những bước tiến của cuộc vận động nhân quyền trong năm nay. Theo bà, nỗ lực đòi hỏi sự tôn trọng nhân phẩm, như tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 63 năm nay, đã trở thành phổ quát với những hành động cụ thể tại khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tôn trọng Quyền Làm Người, tôn trọng Nhân Phẩm của con người vẫn còn là một ý niệm mơ hồ ở một số quốc gia độc đảng, độc tài trên thế giới. Những ngọn nến thắp sáng quảng trường St. Michel hôm nay là một bằng chứng không thể chối bỏ.

Theo dòng thời sự: