Nỗi khó nhọc
Ai đã từng đặt chân tới xã Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp thì chắc rằng sẽ không bao giờ quên được những luống hoa nhiều màu sắc đan xen lẫn trong cánh đồng lúa bạt ngàn của vùng đồng bằng Sông Cửu Long với cuộc sống và công việc thường nhật của những nông dân trồng bông.
Nhiều giỏ hoa với những cái tên nghe rất quê mùa nhưng rất đẹp như bông vạn thọ sắc vàng sắc cam, bông mồng gà đỏ thẫm, bông cúc mâm xôi hay cúc xơ mít vàng tươi rực rỡ trong nắng bên cạnh những chùm hoa hồng tỉ muội nho nhỏ xinh xinh được chuẩn bị sẵn sàng cho chợ hoa ngày Tết ở khắp các tỉnh thành. Để có được thành quả như vậy, những nông dân trồng bông phải chuẩn bị ngay từ những tháng đầu năm.
Những chậu tắc xum xuê quả (hay còn gọi là “trái hạnh” với ý nghĩa hạnh phúc sum vầy) được chuẩn bị từ khoảng tháng 3 qua các khâu đặt giống, chuẩn bị giỏ với phân ủ đã qua công đoạn xả bớt chất mặn, sau đó mang về và chăm sóc cẩn thận từng chút một để bán trong mấy ngày giáp Tết sang năm. Còn đa số các giống hoa được gieo mầm từ khoảng giữa tháng 8, phải bón phân tưới nước thường xuyên thì mới có những bông hoa to đẹp.
Các loại mai, đào phải trồng cả một vườn và mất nhiều thời gian thì mới có thu hoạch. Các loại hoa này đòi hỏi sự chăm sóc rất công phu, kỹ lưỡng. Phải có kinh nghiệm rất nhiều để biết tùy theo thời tiết mà lặt lá, lãi mầm cho hoa nở rộ vào đúng 3 ngày Tết. Công việc lặng thầm cả năm với hy vọng được trúng một mùa bông Tết đủ để trang trải cho những chi tiêu chính như mua sắm vật dụng trong gia đình, tiền học phí của con cái, cái ăn cái mặc cũng như vốn liếng để chuẩn bị cho một mùa bông năm sau.
Thường thì những nông dân trồng bông phải làm thêm những công việc khác như trồng lúa, buôn bán lặt vặt để mua thuốc men, dành cho đám tiệc và những chi phí phát sinh. Thế nhưng, những ngày chợ Tết thường không được như mong muốn. Tâm lý người mua bao giờ cũng chờ đến giờ chót với hy vọng mua được giá rẻ còn người bán thì phải bán đổ bán tháo để còn về cho kịp giao thừa. Bác Hai, một nông dân cả đời trồng bông chia sẻ:
“Trồng bông đi bán là không bao giờ bỏ, bao nhiêu cũng bán, bán đổ bán tháo, bán lấy tiền cơm về. Còn bây giờ thành phố quy định tới 12 giờ trưa sẽ hú còi, nếu không dẹp sẽ bị xúc bỏ hết. Người bán bông nhờ từ 12 giờ trưa tới chiều ngày 30 Tết nhưng tới 12 giờ là thành phố không cho bán nữa. Mấy năm rồi là người ta lỗ lã về vấn đề đó dữ lắm. Họ lại xúc hết trơn, không thôi thì họ giật khủng khiếp lắm”.
Còn những nông dân trồng bông bán quanh năm thì sao? Chị Minh Hương, một người chuyên trồng hoa cúc ở Đà Lạt cho biết các loại hoa như cúc đóa, cúc kim cương, cúc pha lê, cúc thạch bích hay bông chùm bán được suốt năm, đặc biệt trong những ngày rằm thì mức tiêu thụ rất cao. Từ giai đoạn cấy phôi cho đến khi thu hoạch thì công việc phun thuốc trừ sâu là quan trọng nhất.
Dù thời tiết ở Đà Lạt có mưa nhiều, số lần tưới nước có giảm đi thì vẫn phải phun thuốc trừ sâu đều đặn để phòng ngừa hoa bị sâu bệnh hay nhiễm nấm. Vào thời điểm 3 ngày từ ngày 12 đến ngày 14 của tháng dù tất bật để chuyển hoa đi khắp mọi nơi trong cả nước để bán cho ngày rằm nhưng dường như những nông dân trồng hoa cúc không mỏi mệt trước những thành quả mà họ có được. Tuy nhiên, họ bỏ nhiều công khó để chăm sóc nhưng những gì họ thu về lại không xứng với công sức đã bỏ ra. Chị Minh Hương cho biết:
“Tiêu thụ thì nhiều nhưng giá thành hạ hơn hồi trước. Cách đây 10 năm 1 cây bông có giá 1 ngàn đồng trong khi phân urê cũng 1 ngàn/kg. Bây giờ phân urê lên giá 10 ngàn/kg nhưng cây bông vẫn cứ giá 1 ngàn. Nông dân bây giờ chỉ đủ sống thôi chứ không thể dư dật giàu có như hồi xưa được”.
Niềm đam mê
Dù không được giàu có, dù xu hướng hoa giả ngày càng thịnh hành nhưng những nông dân chuyên trồng hoa bán quanh năm như chị Minh Hương vẫn duy trì cái nghề cái nghiệp của mình. Họ quan niệm rằng ngày Tết, ngày cúng ông bà thì không thể dùng bông giả được. Có những người theo truyền thống không bao giờ dùng bông giả, dù nghèo không có tiền, người ta vẫn mua bông thiệt tuy có xấu.
Hiện nay, trước tình trạng nông dân không còn đất nông nghiệp để canh tác do quá trị đô thị hóa và cuộc sống có phần “héo hắt” như những cánh hoa tàn, nhiều nông dân trồng bông phải tìm kế sinh nhai bằng phương cách khác. Những nông dân có thể trụ lại với nghề chỉ vì lòng đam mê của họ. Điển hình như trường hợp của chị Nguyên, một người làm việc trong một công ty chuyên trồng hoa lan Hồ Điệp của Đài Loan. Với những kinh nghiệm tích lũy được cùng số vốn dành dụm và sự hỗ trợ của những người thân, chị Nguyên bắt đầu trồng những chậu hoa lan Hồ Điệp đầu tiên của riêng mình với niềm tin một ngày không xa những chậu hoa này sẽ được xuất khẩu khắp năm châu.
Để có những nhánh lan Hồ Điệp tươi xinh rực rỡ, chị Nguyên phải nhập những mô cấy từ Đài Loan về, phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, phải tưới nước bón phân, phải chăm sóc tỉ mỉ từng nhánh hoa một và nếu tiết trời quá lạnh còn phải có hệ thống sưởi cho hoa. Chị Nguyên cho biết phải kết hợp rất nhiều yếu tố trong công việc này.
“Nói chung là kết hợp tất cả mọi thứ: cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, khí hậu và phân thuốc. Để trồng hoa lan Hồ Điệp không chỉ có một yếu tố mà thôi. Cơ sở hạ tầng nhà kính phải tốt thì hoa mới có chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhà kính tốt không cũng không được, phải có thêm lượng phân thuốc cho đúng thời hạn”.
Những nông dân trồng bông mà Hòa Ái tiếp xúc đều chia sẻ là dù khó nhọc, dù phải bỏ nghề nhưng niềm đam mê của họ không bao giờ tàn. Những người như bác Hai ở xã Tân Quy Đông bây giờ đã già, không còn sức để trồng bông bán Tết nữa nhưng vẫn ra vào sân trước sân sau, trồng vài chậu bông cho đẹp nhà cửa và cho đỡ nhớ nghề.
Nhân dịp xuân về, mong rằng chính phủ sẽ quan tâm và có những giải pháp hỗ trợ cho nghề truyền thống này để nét văn hóa chợ hoa ngày Tết không bị mai một trong những ngày về sau và để những buổi chợ cuối năm vẫn còn đó lời chào mời chơn chất của người nông dân: “bông tui trồng đẹp lắm à. Mua đi, tui bán rẻ cho”.