Ở phần 1 cuộc phỏng vấn, Mục sư Vàng Chí Mình chia sẻ với độc giả RFA lý do cộng đồng Mông đến với đạo Tin Lành vào năm 1989, cách mà đạo Tin Lành giúp hiện đại hóa xã hội người Mông. Ở Phần 2, Mục sư kể về sự đàn áp của chính quyền địa phương đối với cộng đồng Mông Tin Lành ở quê hương ông. Sự đàn áp cứ tăng dần, ban đầu chỉ là ngăn cấm nhóm họp với nhau nghe giảng đạo qua radio, cuối cùng kết thúc bằng việc tịch thu hộ khẩu, hộ tịch, nhà cửa, ruộng nương và đuổi khỏi bản làng (năm 1995). Những người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi bản làng ở miền núi phía Bắc đã chạy tị nạn sang các địa phương khác, đông nhất là ở khu vực Điện Biên, Tây Nguyên và vùng núi Nghệ An, Thanh Hóa. Ở phần thứ 3 này, Mục sư Vàng Chí Mình kể về tình cảnh cộng đồng người Mông Tin Lành khi tị nạn trong rừng sâu ở Điện Biên (lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu, tách tỉnh năm 2003). Những khổ ải họ phải chịu đựng đã tích tụ dần thành cuộc biểu tình Mường Nhé khoảng 15 năm sau đó (năm 2011.)
1. Điểm đến sau khi bị trục xuất: Điện Biên, Tây Nguyên, miền núi Nghệ An
RFA: Tại sao lại mọi người lại chọn Điện Biên Phủ làm nơi lánh nạn?
Mục sư Vàng Chí Mình: Tôi sinh ở Hà Giang năm 1975, theo đạo Tin Lành năm 1989, bị đàn áp ở Hà Giang khoảng 6 năm, tháng 11 năm 1995 chúng tôi bị đuổi khỏi bản làng ở Hà Giang. Chúng tôi tìm đường chạy sang Điện Biên Phủ. Tới Điện Biên khoảng tháng 1 năm 1996.
Vùng Điện Biên Phủ khi đó không chỉ có người Mông Tin Lành ở Lào Cai, Hà Giang chạy tới mà người Mông Tin Lành Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu cũng chạy tới đó. Vì Điện Biên Phủ lúc đó rừng già rất là nhiều và lại giáp với Lào. Cộng đồng người Mông Tin Lành khắp các nơi bị đàn áp thì chạy hết vào trong rừng ở vùng đó.
Ngoài Điện Biên thì Tây Nguyên, miền núi Nghệ An, Thanh Hóa cũng có nhiều nhóm người Mông Tin Lành chạy đến khi bị chính quyền địa phương trục xuất khỏi bản.
Năm 1995 bị trục xuất khỏi bản, ý định ban đầu của chúng tôi là chạy càng xa chính phủ càng tốt. Ban đầu chúng tôi tìm đường sang Lào. Nhưng Lào xa quá và Điện Biên thì có nhiều rừng để trốn nên chúng tôi ở lại. Chính quyền Điện Biên phát hiện ra chúng tôi, cho công an và biên phòng bao vây, chúng tôi không đi đâu được nữa.
Ban đầu khi tìm đường sang Lào, chúng tôi đi bộ một tuần trong rừng rồi không đi được nữa vì không có cơm ăn. Chúng tôi bỏ hết con cháu ở lại trong rừng còn đàn ông thì phải đi tìm cơm về. Chúng tôi đi vào thành phố mua gạo. Đi mất 3 ngày mới tới, rồi mất 3 ngày để về lại trong rừng là mất một tuần rồi. Mua được 20 kg gạo, đem về tới nơi trú ẩn trong rừng cho vợ con ăn. Rồi mình lại đi bộ vào thành phố, khi quay về tới nơi thì gạo đã ăn hết rồi. Chúng tôi thấy không thể có đủ cơm ăn để đi tiếp sang Lào.
Điện Biên Phủ lúc đó rừng rất là nhiều. Chúng tôi mới tính là ở lại, phá rừng lấy đất trồng lúa xem có làm được gạo ăn không. Chúng tôi tính là sau khi có gạo ăn thì chúng tôi sẽ lại đi tiếp vì ở trong rừng quá xa, quá khó.
Thêm nữa là có một số đã sang được tới Lào nhưng bị bên Lào bắt được. Họ bị giao về Việt Nam và bị bỏ tù hết. Điều đó làm người Mông chúng tôi sợ. Rồi chính quyền địa phương ở Điện Biên lại phát hiện ra chúng tôi. Họ ngăn chặn chúng tôi hết, không đi đâu được nữa. Họ cho công an và bộ đội biên phòng bao vây. Thành ra chúng tôi ở lại trong rừng ở Điện Biên luôn.
2. Tị nạn ở Điện Biên: chính quyền bỏ rơi, cộng đồng tự tổ chức để sống
RFA: Lúc đó cộng đồng người Mông Tin Lành trong rừng sâu ở Điện Biên có khoảng bao nhiêu người?
Mục sư Vàng Chí Mình: Tổng cộng khoảng 28 ngàn người.
RFA: Nhà nước cho quân bao vây nhưng có lập chính quyền địa phương để quản lý cộng đồng không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Nhà nước chỉ bao vây thôi, không cho chúng tôi đi đâu nữa, chứ không lập chính quyền để quản lý chúng tôi.
Về sau tôi thấy Nhà nước tách tỉnh, thành lập nhiều huyện mới, đều là những nơi cộng đồng người Mông Tin Lành chúng tôi sống tập trung trong rừng sâu, như Mường Nhé (2002), Mường Chà (2005), Sìn Hồ (RFA chú thích: lập năm 2003, tách tỉnh, thuộc Lai Châu), sau này có thêm Nậm Pồ (RFA chú thích: lập năm 2012, sau vụ Mường Nhé năm 2011.) Cả 4 huyện đó đều rất đông người Mông Tin Lành chạy tới từ các tỉnh khác.
Tôi biết nhà nước lập 4 huyện đó là vì chúng tôi. Sau này, nhà nước cho làm đường đi vào trong rừng, chỗ chúng tôi. Ban đầu chỉ đóng quân thôi, suốt một thời gian dài chính quyền vẫn không đến quản lý chúng tôi trực tiếp. Chúng tôi đã bị tịch thu hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư ở quê cũ. Lúc đó không còn giấy tờ gì, không còn quyền công dân, không ai quản lý. Chúng tôi cứ sống trong rừng vậy thôi.
RFA: Khoảng 28 ngàn người sống trong rừng mà không có quản lý thì có phát sinh vấn đề lớn gì không? Vấn đề kinh tế, xã hội? Vấn đề y tế? Cộng đồng tìm cách tổ chức đời sống ra sao để tồn tại? Lúc đó cộng đồng Tin Lành người Kinh có giúp đỡ gì không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Chúng tôi vốn không phải là du canh du cư, nhưng bị trục xuất khỏi bản làng cũ thì khi đến ở Điện Biên chúng tôi phải phá rừng làm rẫy kiếm gạo ăn.
Năm 1996, tôi tìm đường chạy xuống Hà Nội, tìm gặp các mục sư Tin Lành người Kinh ở đó để báo tin tức, kể về tình cảnh khốn khổ của chúng tôi, xin các mục sư Tin Lành người Kinh giúp đỡ. Mục sư Âu Quang Vinh ở Hà Nội lúc đó mới biết đến chúng tôi. Mục sư Âu Quang Vinh hỏi tôi
- Các anh có đông không?
- Rất là đông - tôi nói - tổng số người Mông Tin Lành chạy từ Hà Giang sang Điện Biên Phủ sống trong rừng có khoảng ba mươi ngàn người.
Ông rất là quan tâm. Ông nói tôi về lại rừng sâu trong Điện Biên để nói đồng bào đang ở đâu thì ở yên đó, không manh động, rồi quay lại gặp.
Hai tuần sau, tôi quay lại Hà Nội, Mục sư Âu Quang Vinh đề nghị gửi tôi vào Sài Gòn học với các mục sư trong đó. Tôi đã bị tịch thu hộ khẩu và chứng minh thư nên không mua được vé tàu. Mục sư phải nhờ người giúp đưa tôi vào Sài Gòn.
Học xong ở Sài Gòn, tôi quay về, trở thành lãnh đạo Hội thánh ở Điện Biên Phủ. Riêng tỉnh Điện Biên Phủ lúc đó có 28 ngàn tín đồ Tin Lành. Tôi trở thành người lãnh đạo cho 28 ngàn tín đồ đó.
Tôi tách cộng đồng người Mông Tin Lành thành khoảng 1900 hội thánh nho nhỏ, do là mình không thể nhóm đông người được. Mỗi hội thánh nhỏ như vậy chỉ có chừng 10 hộ gia đình đến 50 hộ thôi. Tôi không cho nhóm quá 50 hộ. Chỗ nào lên đến 100 hộ thì tôi cho tách ra.
Mình phải tách nhỏ ra như vậy vì có quá đông người ở trong rừng, trong khi không có trưởng bản, không có ai lãnh đạo, không có chính quyền địa phương. Trong cộng đồng xuất hiện nhiều rắc rối, tranh chấp giữa người Mông với nhau mà không có ai giải quyết.
Tôi chia thành các hội thánh nhỏ để người lãnh đạo từng hội thánh nhỏ ấy chịu trách nhiệm lãnh đạo cả nhóm. Nếu nhóm lại nhiều hộ dân hơn trong khi chúng tôi không được chính quyền quản lý, nhà nước không tới, thì chúng tôi không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp. Nếu có gì trục trặc, chia rẽ, tranh chấp, cãi nhau lung tung các thứ… giữa các gia đình trong cộng đồng thì người lãnh đạo hội thánh nhỏ sẽ giải quyết.
Lúc đó chúng tôi vẫn không đi đâu được. Công an và bộ đội biên phòng đóng quân cả bốn phía người Mông Tin Lành chúng tôi. Chúng tôi không đi đâu được, không sang Lào được, nên đành ở lại trong rừng luôn.
3. Rời khỏi Việt Nam
RFA: Như vậy các hội thánh nhỏ vừa làm công việc tôn giáo vừa làm quản lý giống như chính quyền thôn xã luôn? Trở thành lãnh đạo Hội thánh ở Điện Biên trong hoàn cảnh đó, Mục sư có phải đối diện với khó khăn gì với chính quyền không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Trong 10 năm đó, chính quyền bắt tôi đi tù. Tổng thời gian tù khoảng 9 năm. Nhưng không phải họ bắt tôi ngồi tù liên tục 9 năm. Họ bắt tôi vào tù mỗi năm một hai lần, khi thì sáu tháng, khi thì hai tháng, khi thì bốn tháng. Cứ bắt bỏ tù rồi lại cho về thăm nhà, rồi lại gọi vào tù. Cứ như vậy trong gần 10 năm. Đến 2006 thì tôi rời khỏi Việt Nam.
RFA: Mục sư có tìm cách tiếp xúc với chính quyền ở cấp cao hơn không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Tôi đã tìm cách tiếp xúc với chính quyền khi còn ở Hà Giang. Khi chạy tị nạn sang Điện Biên tôi cũng tìm cách tiếp xúc với chính quyền Điện Biên. Rồi tôi xin cộng đồng Tin Lành người Kinh giúp cho gặp Chính quyền Trung ương. Nhưng không ai nghe chúng tôi cả.
Tình cảnh cứ đi đi lại lại giữa nhà tù và nhà mình trong rừng suốt 10 năm như thế làm tôi cảm thấy Hội thánh Tin Lành Việt Nam không thể giúp đỡ chúng tôi thêm được.
Tôi thấy cộng đồng người Mông Tin Lành chúng tôi khổ quá. Nếu tôi cứ tiếp tục phụng sự Chúa ở trong nước thì sẽ có một ngày nào đó tôi có thể chết trong tù. Tôi chết thì vẫn không giúp gì được cộng đồng người Mông chúng tôi. Tôi nghĩ là mình phải đi ra nước ngoài tìm đường cứu cộng đồng mình.
Tôi nói với các Hội thánh nhỏ trong cộng đồng: Tôi sẽ bỏ nước ra đi để tìm cách giúp đỡ mọi người. Đừng có chạy lung tung, ở đâu ở yên đó, không được manh động. Rồi tôi vượt rừng sang Lào. Từ Lào tôi tìm đường sang Thái Lan. Tôi đi vào năm 2006, đến Thái Lan khoảng 2007, vào năm 2008 thì tôi tìm đến được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn ở Thái Lan và được cho sang Hoa Kỳ tị nạn.
Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần này, Mục sư kể lại cuộc sống của cộng đồng gần 30 ngàn người Mông Tin Lành trong rừng sâu ở Điện Biên, sau khi bị trục xuất khỏi quê nhà. Chính quyền địa phương ở nơi họ đến tiếp tục bỏ rơi họ, không quan tâm. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình kể về những nỗ lực tiếp xúc với chính quyền địa phương và trung ương trong những năm tháng đó.
Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối