Ở bốn cuộc phỏng vấn trước, Mục sư Vàng Chí Mình đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện người Mông Tin Lành Việt Nam từ lúc bắt đầu theo đạo (năm 1989) đến khi bị trục xuất khỏi quê nhà và tị nạn sang các địa phương khác. Mục sư cũng đã nỗ lực không ngừng để chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương hiểu và không còn nghi kị người Mông Tin Lành nhưng không thành. Ở phần này, Mục sư kể về nguyên nhân của cuộc biểu tình Mường Nhé năm 2011.
1. Ngăn chặn cuộc biểu tình Mường Nhé không thành
RFA: Mục sư đến Mỹ năm 2008. Ở Mỹ, Mục sư làm gì để giúp cộng đồng Mông Tin Lành ở Việt Nam?
Mục sư Vàng Chí Mình: Năm 2010, tôi nghe tin người Mông Tin Lành ở Việt Nam muốn biểu tình để đòi đất đai đã bị tịch thu. Nghe tin đó, tôi rất là buồn. Bởi vì tôi biết bà con mà biểu tình thì sẽ bị bắt đi tù. Tôi tìm cách gọi điện thoại cho những người Mông ở Việt Nam thuyết phục họ đừng biểu tình nữa. Nhưng những người Mông ở Việt Nam không đồng ý. Họ nói: Chúng tôi đã bị tịch thu đất rất nhiều, không có gì để sống nữa, không còn cách nào khác phải biểu tình thôi.
Đến năm 2011, tôi thấy cuộc biểu tình sắp sửa xảy ra, tôi tìm cách bay về Việt Nam thuyết phục những người tổ chức biểu tình không làm việc đó. Lúc đó tôi không biết mình có được nhập cảnh Việt Nam không. Tôi mời những người Mông Tin Lành Việt Nam muốn tổ chức biểu tình đến Côn Minh, Trung Quốc gặp tôi. Tôi thuyết phục họ:
“Các anh không được làm như thế. Nếu các anh biểu tình như thế, Nhà nước Việt Nam sẽ quy cho các anh tội “chống phá Nhà nước”. Các anh sẽ bị bắt đi tù. Ngoài ra các anh còn làm ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của cộng đồng Mông Tin Lành chúng ta. Bởi vì đa số những người muốn biểu tình đều là người Mông Tin Lành.”
Nhưng những người Mông Tin Lành đó không chịu tôi. Họ nói: "Bây giờ anh đã đi xa rồi. Anh đã thoát khỏi sự đàn áp rồi. Còn chúng tôi bị đàn áp mười mấy năm rồi, còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu năm nữa?"
Thế rồi chúng tôi cãi nhau. Cãi nhau mãi, không đồng ý được với nhau nên cuối cùng tôi bay về Hoa Kỳ còn họ trở lại Việt Nam để chuẩn bị biểu tình. Hai tuần sau thì cuộc biểu tình xảy ra. Đó là cuộc biểu tình ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2011. Nhà nước bắt những người tổ chức biểu tình.
2. Bản chất của cuộc biểu tình Mường Nhé
RFA. Báo Nhân dân của Nhà nước nói người Mông biểu tình ở Mường Nhé là do họ nhẹ dạ, cả tin, nghe lời một số đối tượng muốn thành lập "quốc gia riêng" cho người Mông. Truyền thông nhà nước nói bà con tập trung ở Mường Nhé vì kẻ xấu tuyên tuyền là có "Vua Mông" sẽ xuất hiện? Xin mục sư cho biết có đúng như vậy không?
Mục sư Vàng Chí Mình: Tôi không thấy Nhà nước đưa ra bằng chứng nào cho thấy người Mông Tin Lành chúng tôi muốn "lập quốc gia" riêng hết. Nhà nước chỉ nói vậy thôi mà không đưa ra được bằng chứng nào.
Còn tôi thì tôi biết rõ lý do người Mông Tin Lành biểu tình ở Mường Nhé năm 2011. Năm 1995, người Mông Tin Lành chúng tôi bị tịch thu hộ khẩu, chứng minh thư rồi đuổi khỏi bản làng. Chúng tôi phải chạy sang các tỉnh khác như Điện Biên ở Tây Bắc, Lâm Đồng ở Tây Nguyên, miền núi Nghệ An.
Những người biểu tình ở Mường Nhé năm 2011 chỉ muốn đòi lại hộ khẩu, muốn có chứng minh thư và đòi lại đất đai đã mất. Bởi vì sau khi bị trục xuất khỏi quê nhà, chúng tôi phải phá rừng làm rẫy kiếm gạo ăn ở nơi lánh nạn mới. Nhưng không có giấy tờ gì nên họ không mua được cái gì chính thức cả. Không mua được xe máy, không mua được đất, và đất mình khai phá làm rẫy cũng không có giấy tờ gì. Nhà cửa, ruộng nương mình làm trong rừng cũng không có giấy tờ gì cả.
Ở Tây Nguyên và Điện Biên, nhiều người trong số chúng tôi mua đất đai của người địa phương nhưng không có giấy tờ chính thức vì chúng tôi không có hộ khẩu, chứng minh thư để làm giấy tờ. Chính quyền địa phương sau đó thu hồi những mảnh đất đó vì đó là đất đai không có giấy tờ hợp lệ. Những người bị thu hồi đất như vậy vì không còn gì để kiếm gạo ăn nên họ mới biểu tình ở Mường Nhé để đòi lại.
RFA: Truyền thông nhà nước nói bà con người Mông ở Tây Nguyên và Điện Biên có tập quán du canh du cư, phá rừng làm rẫy. Có đúng không? Báo Công an Nhân dân của Nhà nước cũng cho biết chính quyền địa phương ở Lâm Đồng phải giải quyết vấn đề du canh du cư của người dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông.
Mục sư Vàng Chí Mình: Người Mông không phải là dân tộc du canh du cư. Trước khi bị đuổi khỏi bản làng ở miền núi phía Bắc thì người Mông Tin Lành chúng tôi có bản làng riêng trên núi cao, có nương rẫy để sống.
Trước năm 1995 là năm chúng tôi bị đuổi khỏi quê hương thì không có cộng đồng người Mông Tin Lành nào ở Tây Nguyên và Điện Biên hết. Chúng tôi bị đuổi khỏi bản làng nên mới chạy đến các tỉnh đó. Lúc tôi chạy từ Hà Giang sang Điện Biên, có khoảng 250 hộ gia đình đi theo tôi.
RFA: Tại sao khi biểu tình năm 2011, họ lại tập trung ở Mường Nhé tỉnh Điện Biên? Tại sao có người Mông Tin Lành ở Lâm Đồng cũng đến Mường Nhé tham gia biểu tình mà không biểu tình tại địa phương? Năm ngoái , một chuyên gia cao cấp của nhà nước cũng nói họ tập trung ở Mường Nhé vì nghe lời tuyên truyền là sẽ có "vua Mông" xuất hiện ở đó.
Mục sư Vàng Chí Mình: Họ tập trung ở huyện Mường Nhé vì chỗ đó giáp với cả Lào và Trung Quốc. Những người biểu tình sợ bị đàn áp nên họ chọn một nơi có thể chạy được sang Lào hoặc Trung Quốc khi bị đàn áp. Có những người Mông Tin Lành ở tận trong Lâm Đồng đến Mường Nhé, Điện Biên biểu tình là vì vậy. Tôi đã cố gắng ngăn họ biểu tình nhưng không được.
Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình kể lại những nỗ lực khuyên giải đồng bào mình không được liên quan đến chính trị, đồng thời đấu tranh với quốc tế xin giúp đỡ để người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi quê quán năm 1995 lấy lại quyền công dân cơ bản là có hộ khẩu và chứng minh thư.
Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối