Mục sư Vàng Chí Mình (phần 1): Đạo Tin Lành hiện đại hóa xã hội người Mông

Gần đây, cơ quan chức năng ở Việt Nam tăng sức ép lên "Hội thánh Giê-Sùa" trong cộng đồng người Mông (người H'mong, người Mèo) theo đạo Tin Lành, cho rằng họ muốn "lập quốc" riêng. Vấn đề cộng đồng người Mông Tin Lành vốn nhức nhối ở Việt Nam hơn 30 năm qua một lần nữa có thể quay trở lại. RFA phỏng vấn Mục sư Vàng Chí Minh, một Mục sư người Mông Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ, một người đã có gần ba mươi năm đấu tranh cho quyền sống và quyền tự do tôn giáo của đồng bào Mông theo đạo Tin Lành ở Việt Nam.

Mục sư Vàng Chí Mình giải thích lý do người Mông theo đạo Tin Lành từ hơn 30 năm trước, kể về quá trình người Mông theo đạo Tin Lành bị chính quyền đàn áp từ đó đến nay. Theo ông, từng có những lúc sự đàn áp đến mức đày ải người dân đến cùng khổ.

Việc đàn áp này bắt đầu từ những nghi kị đối với đạo Tin Lành thời cuối thập niên 1980s trở về trước, hiểu sai văn hóa và xã hội đồng bào Mông thiểu số, sự vô trách nhiệm của hệ thống công quyền từ cấp trung ương đến một số địa phương (mặc dù vẫn có những địa phương nỗ lực thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình.) Những nghi kị và hiểu sai này phát triển dần thành thù ghét, sợ hãi. Và như một vòng tròn luẩn quẩn, sự thù ghét, sợ hãi lại càng làm tăng mức độ đàn áp của Nhà nước.

Mục sư Vàng Chí Mình mong cộng đồng người Mông Tin Lành ở Việt Nam tuân thủ luật pháp nhà nước, hòa nhập với cuộc sống hiện đại, và đồng thời muốn Nhà nước Việt Nam hội nhập với thế giới, hiểu đúng người Mông theo đạo Tin Lành, không còn nghi kị để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Dưới đây là phần 1 của cuộc phỏng vấn. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình giải thích bối cảnh văn hóa - xã hội của người Mông hơn 30 năm về trước, khi họ ồ ạt theo đạo Tin Lành. Theo Mục sư Vàng, người Mông hồi đó ồ ạt theo đạo Tin Lành vì tôn giáo mới này đã đem lại những thay đổi lớn về mặt tinh thần cho cộng đồng, giúp cộng đồng vượt qua được những hủ tục lâu đời, trở nên đoàn kết để hiện đại hóa xã hội. Nhưng rồi, việc theo đạo Tin Lành cũng đã dẫn đến những thảm họa ghê gớm cho cộng đồng, khi Nhà nước Việt Nam lo sợ vì cộng đồng tập trung lại với nhau nghe giảng đạo.

1. Thời thanh niên theo Tin Lành

RFA: Xin Mục sư kể về thời thơ ấu và thời thanh niên của mình. Tại sao Mục sư và nhiều thanh niên Mông khác đến với Đạo Tin Lành? Mục sư biết rất nhiều ngôn ngữ. Mục sư học tiếng Kinh (tiếng Việt) như thế nào?

Mục sư Vàng Chí Mình: Hiện nay tôi có quốc tịch Mỹ nhưng tôi vốn là một người Mông Việt Nam. Quê hương tôi là tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần. Tôi sinh vào tháng 6 năm 1975. Hồi ở Việt Nam, là một công dân người Mông sống trên núi, nói chung thì tôi làm nương, làm rẫy thôi.

Thời nhỏ tôi không được đi học. Lúc bắt đầu đi học là đã 11 tuổi. Học hết lớp 2, đến năm 13 tuổi thì bị đuổi học vì theo đạo Tin Lành.

Lúc đó có rất nhiều người Mông theo đạo Tin Lành ồ ạt vì nghe qua đài Nguồn Sống phát từ Manila, Philippines. Tôi cũng là một người theo đạo trong thời gian đó.

Khi tôi học xong lớp 2 thì tôi và tất cả con cháu người Mông theo đạo Tin Lành đều bị đuổi ra khỏi trường hết. Từ đó trở đi, cho đến khi lớn lên, khi già đi, thế hệ chúng tôi không còn được học trong nhà trường của nước Việt Nam.

2. Tín ngưỡng và xã hội người Mông truyền thống

RFA: Xin Mục sư cho biết Đài Radio Nguồn Sống là đài như thế nào.

Mục sư Vàng Chí Mình: Đài radio Nguồn Sống do Mục sư Vàng Chúng Ly là người Mông gốc Lào ở Mỹ thực hiện. Sau 1975, ông sang Hoa Kỳ, sống ở California. Ông giảng đạo ở đài phát thanh Nguồn sống ở California. Người ta ghi âm lại vào băng rồi mang sang Philippines để phát. Vì ông giảng bằng tiếng Mông nên chúng tôi hiểu.

RFA: Xã hội và văn hóa người Mông Việt Nam khi đó như thế nào mà khi nghe Mục sư Vàng Chúng Ly giảng đạo thì mọi người đã theo đạo Tin Lành ồ ạt?

Mục sư Vàng Chí Mình: Trước khi biết đến đạo Tin Lành thì người Mông chỉ có đạo Thủ Ti. (RFA chú thích: Trong tín ngưỡng người Mông truyền thống, "Thủ Ti", hoặc "Thổ Ti" hay "Thứ Tỉ," là những vị "thần" hoặc "ma" cai quản một dòng họ, gia đình hoặc đất đai một khu vực nhỏ. Thủ Ti là cách phát âm của người Mông đối với từ "Thổ Địa" 土地, gần giống cách phát âm trong tiếng Quảng Đông, Trung Quốc là "Tǔdì". Tín ngưỡng Thủ Ti trong xã hội Mông trước đây có nhiều khác biệt với tín ngưỡng Thổ Địa của người Kinh ở Việt Nam và người Hán ở Trung Quốc, như Mục sư Vàng Chí Minh giải thích ở dưới đây.)

Trong phong tục thờ Thủ Ti truyền thống, phong tục của người Mông rất là lạc hậu. Chẳng hạn như khi trong nhà có người chết thì phải để trong nhà 7 ngày 7 đêm, khi thối hết rồi mới đem đi chôn. Nhiều khi không chọn được thời gian chôn cất thì phải để trong nhà lâu hơn, có thể lên đến mười mấy ngày. Thành ra hủ tục này làm cho cả làng bị thối lên khi có một người qua đời.

Ngoài ra, theo phong tục cũ, khi có người qua đời như vậy thì con cháu phải giết trâu bò rất nhiều. Nhà có bao nhiêu đứa con trai, con gái thì giết bấy nhiêu con trâu để làm lễ tang đó khao cả làng. Nếu trong nhà không có đủ trâu để giết thì phải đi mua, không đủ tiền mua thì vay nợ. Vay nợ xong thì mất nhiều năm đi làm để trả nợ. Thành ra phong tục đó làm cho con cháu người Mông rất nghèo khổ. Cứ hễ trong nhà có người qua đời là người còn sống bị mắc nợ nần.

Những người trẻ thấy không thể cứ tiếp tục mãi như vậy. Khi có người cao tuổi qua đời thì giới trẻ phải chịu rất nhiều gánh nặng cuộc sống như thế. Nhưng những người trẻ không biết cách nào để thoát khỏi hủ tục đó.

Những bài giảng đạo của Mục sư Vàng Chúng Ly qua đài radio Nguồn sống đã dạy chúng tôi cách thoát khỏi bế tắc đó.

Hồi đó chúng tôi rất muốn hiểu ngọn nguồn làm sao để thoát khỏi hủ tục cũ mà đài Nguồn Sống dạy. Vì vậy chúng tôi rất cố gắng nghe. Đài radio Nguồn Sống dạy là có một Ông Trời. Ông Trời đó bảo vệ cả thế giới. Những hủ tục làm cho cuộc sống chúng tôi nghèo khổ bế tắc là do chúng tôi làm nô lệ của ma quỷ. Làm theo những hủ tục khiến cho mọi người đã nghèo cứ nghèo mãi như thế là do làm theo ma quỷ sai khiến. Mục sư Vàng Chúng Ly dạy là không được giết trâu khi có người qua đời nữa vì như thế khiến con cháu nghèo hết đi. Khi có người qua đời mà phải đi vay nợ để mua trâu về giết, làm cho con cháu nghèo khổ nợ nần mãi, thì rõ ràng là nô lệ của ma quỷ rồi.

Chính vì Mục sư Vàng Chúng Ly dạy chúng tôi những điều chúng tôi rất cần, giúp chúng tôi thoát khỏi bế tắc do hủ tục để lại. Chúng tôi hiểu là con đường mà chúng tôi đang đi là “con đường nô lệ” nên chúng tôi theo đạo Tin Lành đông như vậy.

3. Đạo Tin Lành giúp cộng đồng Mông vượt qua hủ tục

RFA: Mục sư có nhận xét gì về vai trò của đạo Tin Lành đối với việc thay đổi xã hội người Mông?

Mục sư Vàng Chí Mình: Mục sư Vàng Chúng Ly hồi đó nhìn thấy những vấn đề khó khăn trong xã hội và phong tục người Mông. Ông đem đến một đức tin mới để thay đổi tinh thần người Mông.

Theo tín ngưỡng cũ, tức là tín ngưỡng Thủ Ti, nếu người con không giết trâu khi cha mẹ qua đời thì sẽ bị xuống địa ngục. Bị người ta dạy như thế nên chúng tôi rất sợ. Nhưng Mục sư Vàng Chúng Ly dạy chúng tôi là nếu không giết trâu khi cha mẹ chết thì chúng tôi vẫn không bị xuống địa ngục mà còn được lên Thiên Đàng. Điều đó làm chúng tôi không còn sợ khi bỏ hủ tục cũ nữa, chúng tôi rất thích.

Sau này tôi đọc lại tài liệu thì được biết là hồi đó người Mông ở Việt Nam có khoảng hơn chín trăm ngàn người, tức là gần một triệu người, thì có khoảng 480 ngàn người theo đạo Tin Lành. Gần một nửa luôn.

Chỗ chúng tôi, người ta chỉ cho nhau là nếu mà sợ là bỏ cái đạo Thủ Ti thì không biết đi đâu về đâu thì hãy nghe đài Nguồn Sống. Nghe đài sẽ biết cần làm gì để thoát khỏi hủ tục cũ. Có những vùng gần 100% đi theo đạo. Không có Mục sư, không có ai đến gõ cửa từng nhà để truyền đạo, nhưng nghe lời dạy qua đài Nguồn Sống mà chúng tôi tự bỏ đạo Thủ Ti, bỏ các hủ tục cũ.

Thế rồi vì không có Mục sư dạy Kinh thánh, chúng tôi nhóm lại với nhau đúng giờ để nghe đài radio Nguồn Sống. Chúng tôi tìm đài cassette để ghi âm lại lời giảng trên đài rồi truyền cho nhau nghe lại. Khi chúng tôi nhóm lại như vậy thì Nhà nước lo lắng.

RFA: Lúc đó, sau khi theo đạo Tin Lành, xã hội người Mông có những thay đổi gì? Có gì tiến bộ hơn trước không?

Mục sư Vàng Chí Mình: Chúng tôi bỏ tín ngưỡng Thủ Ti và các hủ tục liên quan. Nhưng thay đổi lớn nhất là người Mông trở nên đoàn kết.

Trước đó đạo Thủ Ti làm chúng tôi chia rẽ lắm. Mỗi dòng họ có những vị Thủ Ti riêng nên dòng họ này không thích dòng họ kia. Họ Vàng (họ Vương), họ Giàng (họ Dương), họ Phàng (họ Hoàng), họ Đào… chúng tôi suốt ngày cãi nhau, kiện nhau liên tục. Điều đó gây ra rất nhiều vấn đề trong bản làng.

Nhưng khi theo đạo Tin Lành thì các dòng họ vượt lên sự ngăn cách và có cùng chung một đấng tối cao để thờ phượng. Chúng tôi trở nên đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Sinh hoạt tôn giáo trong đạo Tin Lành làm cho sự chia rẽ giữa chúng tôi tan đi. Chúng tôi giống như một gia đình thôi.

Nhưng khi chúng tôi đoàn kết với nhau, biết yêu thương nhau thì chúng tôi nhóm họp với nhau mỗi khi bật băng cassette nghe giảng Kinh thánh, chính phủ lại bắt đầu lo sợ. Thế là cuộc đàn áp bắt đầu. Vấn đề là như vậy.

Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Nhìn từ góc độ tôn giáo học, tín ngưỡng Thủ Ti của người Mông trước đây có thể được xếp vào nhóm đa thần giáo. Việc chuyển từ đa thần giáo sang tôn giáo độc thần như Đạo Tin Lành, Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật... vốn là quy luật tinh thần chung của xã hội con người. Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ kể lại 10 năm đầu tiên của quá trình khổ nạn gần 30 năm của cộng đồng người Mông theo đạo Tin Lành mà chính ông là nạn nhân và là một trong những người, cùng nhiều người khác, nỗ lực giúp cộng đồng vượt qua khổ nạn.

Tất cả các phần phỏng vấn: phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối