COVID-19: Việt Nam lại đem dân ra xét nghiệm nhiều lần một tuần

0:00 / 0:00

Thuyết phục trước khi dùng biện pháp mạnh

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Công điện về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, Bộ cho rằng phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân mỗi hai hoặc ba ngày, còn tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân phải được thực hiện ít nhất một lần một tuần.

Bộ Y tế còn nêu rõ, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải theo chỉ định của cơ quan y tế và việc trả kết quả xét nghiệm chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm.

Với qui định mới vừa nêu, nhiều người cho rằng tần suất xét nghiệm như vậy là quá nhiều trong lúc người dân bị ‘nhốt’ trong nhà bắt đầu từ 23 tháng 8 đến nay.

Cô Tuyết, một người dân quận Bình Thạnh, nơi đang bị coi là “vùng đỏ” - vùng mức nguy cơ rất cao theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 - nói với RFA sáng ngày 3 tháng 9:

“Một tuần mà test hai, ba đến năm, bảy lần là quá nhiều. Trong khi đó nhốt dân ở trong nhà thì làm sao mà lây lan được?

Có phải trả tiền xét nghiệm hay không thì tôi không biết nhưng dù test miễn phí tôi cũng không muốn vì test hoài banh lỗ mũi người ta, chưa kể chảy máu nữa. Hơn nữa, chuyện test hay không là quyền của người dân chứ đâu phải cứ đến nhà rồi bắt người ta test. Nếu test thì chỉ cần một người trong nhà đại diện là đủ, đằng này nó bắt ra hết luôn.

Tôi thấy mấy ông lãnh đạo trong Chính phủ đưa ra nhiều cách mà dịch có bớt đâu, càng ngày càng lan rộng. Dân thì đói không có gì ăn. Mấy ổng phải thay đổi cách chống dịch thôi. Hay là mấy ổng lỡ mua một đống kit xét nghiệm nên phải xài cho hết?

Muốn chống dịch tốt thì chích cho dân mỗi người đủ hai mũi vắc-xin đi. Theo tôi biết thì đâu có thiếu tiền mua thuốc vì dân và doanh nghiệp đóng góp nhiều lắm.”

Vừa qua, truyền thông Nhà nước cũng đã loan tin nhiều người dân không đồng ý việc lấy mẫu xét nghiệm nên đã phản đối và liền sau đó bị công an bắt. Trường hợp mới nhất là ông Nguyễn Hoàng Suốt ở tỉnh An Giang. Theo thông tin, khi tổ công tác đến lấy mẫu xét nghiệm, ông Suốt không đồng ý mà yêu cầu “phải được tiêm ngừa vắc-xin Pfizer trước hoặc sau khi test thì mới cho lấy mẫu xét nghiệm”. Khi công an thuyết phục, ông Suốt nổi nóng vác dao rượt công an, do đó ông đã bị công an tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Một trường hợp khác xảy ra được người dân quay clip và đăng tải trên Facebook mới đây cho thấy một người dân ở Cà Mau tên Trần Tô Ân Châu cũng vì từ chối xét nghiệm COVID-19 tại nhà nên đã bị lực lượng chức năng khiêng đi cách ly tập trung.

Từ những sự vụ vừa xảy ra như trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền địa phương nên thuyết phục người dân xét nghiệm vì lợi ích cộng đồng. Ông nói:

“Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm trong Nghị định 117 cũng có những quy định trong luật hình sự tội lây lan bệnh cho người khác.

Có những người dân họ sợ, họ không chịu xét nghiệm thì phải thuyết phục họ, phải giải thích cho họ. Nếu họ cũng không nghe thì mới phải dùng biện pháp mạnh vì sức khỏe cộng đồng. Trong Hiến pháp có quy định, vì sức khỏe cộng đồng có thể bị hạn chế quyền công dân. Tức là quyền con người và quyền công dân có thể bị hạn chế theo luật định.”

Luật sư Hậu giải thích thêm, tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng cho hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh truyền nhiễm.

Gây tốn kém & phản khoa học

Luật là vậy, tuy nhiên trên thực tế, việc xét nghiệm toàn bộ người dân khu vực vùng đỏ hay toàn thành phố như công điện của Chính phủ đưa ra hôm 22 tháng 8 cũng gặp phải nhiều phản ứng từ các chuyên gia y tế, khi họ cho là chỉ gây “tốn kém vô ích và phản khoa học”.

TS.BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc Tế EXSON ở TPHCM phân tích rằng, nếu mục đích xét nghiệm là để tìm bệnh hoặc biết tỷ lệ bệnh của thành phố thì có thể làm xét nghiệm ngẫu nhiên, chọn lựa những nhóm đại diện, với số cỡ mẫu đủ độ tin cậy, chỉ khoảng 1% dân số. Đó là phương pháp cả thế giới người ta làm, là một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng. Ông nói:"Không ai đi xét nghiệm tất cả dân của một quận hay một khu phố để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược."

000_9L299T.jpg
Xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 13/8/2021. AFP

Một chuyên gia y tế không muốn nêu tên ở Hà Nội nói với RFA hôm 23 tháng 8 rằng, việc bắt buộc xét nghiệm tại nhà chẳng những vi phạm nhân quyền, mà còn liên quan vấn đề đạo đức. Ông nói:

“Về mặt đạo đức, không loại trừ trường hợp vu cho người ta dương tính để bắt người ta cách ly. Bắt những người đối kháng trong xã hội, các đối thủ chính trị vào khu cách ly rồi tìm cách triệt tiêu họ. Đó mới là cái đáng nói. Cộng sản có thể làm mọi chuyện nhưng rất kín võ, không ai biết. Chết do COVID làm gì có giám định pháp y. Chỉ cho vào bao rồi đem thiêu, thậm chí gia đình không được biết.”

Câu chuyện xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam hiện nay được các lãnh đạo Chính phủ và cả Bộ y tế cho là một trong những biện pháp chống dịch trong tình hình mới, tuy nhiên thực sự đã không nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân.

Mới cách đây mấy hôm, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn số 2925 có hiệu lực từ ngày 30 tháng 8 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, shipper hoạt động ở 8 quận "vùng đỏ" phải được xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày một lần vào lúc 5-6 giờ sáng tại các trạm y tế lưu động trên thành phố. Shipper hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại phải được xét nghiệm hai ngày một lần tại các trạm y tế lưu động trong thành phố đến hết ngày 6 tháng 9.

Anh Nguyễn Ngọc Cơ, Đội trưởng một đội shipper ở Sài Gòn nói với RFA rằng, từ khi dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo thành phố ban hành hết chỉ thị này tới thông tư kia. Cái này chưa ráo mực đã thay đổi các khác, làm khổ anh em shipper. Dịch bệnh như thế này ai cũng sợ không dám ra đường. Anh phân trần: "những người đang chạy ngoài đường bây giờ là những người thực sự khổ. Họ khổ lắm luôn mới phải ráng chạy kiếm cơm từng bữa cho gia đình. Nghỉ chạy bữa nào là nhà đói bữa nấy. Họ đang rất rất cần tiền. Họ khổ lắm mới phải bươn chải."