Mỗi khi tháng 5 đến là mùa giáp hạt lại về đối với bà con ở khoảng 20 huyện khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Đó là thời điểm họ lại phải chống chọi với cái đói. Thật ra đói giáp hạt không phải là việc xa lạ nhưng theo báo chí trong nước, đã lâu lắm bà con không chịu đựng cái đói trên diện rộng như năm nay. Con số 240 ngàn người thiếu đói từ hàng chục ngàn hộ gia đình rải rác ở các huyện nghèo Thanh Hóa làm người ta không khỏi giật mình.
Theo phát biểu đăng trên tờ SGTT, ông Lương Văn Bường, chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết ngoài số người thuộc diện thiếu đói thường xuyên được nhận trợ giúp 15 kg gạo/ tháng, có đến 9 ngàn người ở huyện nhà thiếu đói gay gắt. Nguyên nhân chủ yếu của việc này được cho là thiếu đất sản xuất lương thực. Theo vị chủ tịch này, có tổng cộng 30 ngàn nhân khẩu trong địa bàn nhưng chỉ có 560 ha đất nông nghiệp.
Tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt (ý chỉ khoảng thời gian từ 15-30 ngày trước khi có thể thu hoạch mùa lúa mới) cũng xảy ra ở các vùng khác của tỉnh Thanh Hóa, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển ngập mặn. Theo thông tin báo chí trong nước, 7 huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân là những vùng cái đói hoành hành nhiều nhất.
Truyền thông trong nước hôm ngày 7 tháng 5 loan tin, tỉnh Thanh Hoá đề nghị với Trung ương hỗ trợ 2000 tấn gaọ để cứu đói cho dân trong tỉnh.
Thực hư ra sao?
Tuy nhiên, tiếp chuyện với đài RFA, ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tình trạnh không đến mức quá nghiêm trọng. Ông nói:
“Ở huyện Quan Sơn thì cũng có thiếu đói nhưng không nhiều, khi kiểm tra lại thì không đến mức độ như nhân viên ở xã báo cáo. Có khoảng trên dưới 100 hộ bị thiếu đói ở Quan Sơn thôi”.
Cũng theo ông Múi, ở những huyện miền núi nói chung và huyện Quan Sơn nói riêng thì diện tích canh tác lúa rất ít nên chủ yếu bà con khai thác luồng, nứa để bán mua gạo. Cũng có những hộ neo người thì không đi khai thác nứa, luồng được nên rơi vào cảnh đói.
Trao đổi với RFA, ông Cầm Bá Quân, chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho rằng thông tin này không sát với tình hình thực tế. Ông nói:
“Báo đăng như vậy thôi nhưng tình hình tại cơ sở cũng khá ổn định. Chính quyền địa phương và tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ tí gạo cho nhân dân rồi. Nông dân sản xuất lúa rồi bán lúa để mua gạo ăn chứ cứ vào kiểm tra nhà dân mà không thấy lúa thì cho rằng người ta không có gạo ăn là không phải. Chúng tôi cũng thấy rằng có một số ít nhân dân cũng khó khăn thật nhưng địa phương nào mà chẳng có chuyện tương tự như thế. Tất cả thông tin đưa ra về số người đói chưa phải là chính xác lắm”.
Cũng theo ông Quân, trong 3 ngày tới là gạo trợ giúp của tỉnh từ quỹ dự trữ quốc gia phải về tới thôn bản. Mỗi người thiếu đói được nhận 15 kg gạo 1 tháng. Những người được nhận trợ giúp này phải được địa phương công nhận thật sự thiếu đói. Và nhà nước chỉ trợ giúp trong những năm thiên tai hay trong mùa giáp hạt thôi chứ cũng không thể trợ giúp thường xuyên thì nguồn của nhà nước không đủ.
Ở huyện Quan Sơn thì cũng có thiếu đói nhưng không nhiều, khi kiểm tra lại thì không đến mức độ như nhân viên ở xã báo cáo.
Ô. Lò Đình Múi
Thế nhưng theo nguồn tin trong nước trích dẫn từ sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, có đến hơn 93 ngàn hộ (khoảng 240 ngàn nhân khẩu) thuộc 21 trong số 27 huyện đang thiếu đói. Bà con phải chống chọi với cái đói bằng khoai , bắp… Thậm chí, nhiều gia đình ở Mường Lát phải lấy cả ngô giống ra làm thức ăn chống đói.
Chị Huệ, người Thanh Hóa đang sống tại TP. HCM, sau khi hay tin nạn thiếu đói trên diện rộng xảy ra, chị gọi điện về gia đình ở Bá Thước và cho biết:
“Tại những vùng miền núi và ven biển, người ta sống khổ lắm. Họ không có ăn, không có quần áo mặc luôn mà phải nấu bắp, củ mì nấu thành cháo ăn cho đỡ đói”.
Ăn khoai, sắn độn không phải xa lạ đối với bà con chịu cảnh đói, thậm chí nhiều người chỉ ăn gạo lức với lá khoai mì.
Sinh viên Lê Bá Mai, quê Thanh Hóa đang theo học tại Hà Nội, cho biết anh vừa tổ chức 3 đợt cứu trợ cho huyện Mường Lát trong vòng 6 tháng qua. Đầu tháng 4, anh cùng 1 số bạn bè mang quần áo củ và sách vở tặng lại các em nghèo tại THCS Mường Lý, thuộc huyện Mường Lát, huyện nằm trong 61 huyện nghèo nhất nước. Anh tâm sự:
“Mường Lát là 1 huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Khi tôi tiếp xúc các học sinh bán trú ở trường THCS Mường Lý, thuộc huyện Mường Lát thì các em ăn gạo lức với lá sắn (lá khoai mì) hoặc lá rau tàu bay chấm muối mà thôi”.
Tận mắt chứng kiến nhiều người không có gạo ăn, tận mắt nhìn đồng bào đi bộ cả ngày đường mà chỉ tìm được 1 gùi bắp để rồi sau đó bán đổi gạo với giá rất rẻ, anh Lê Bá Mai cho biết:
Khi tôi tiếp xúc các học sinh bán trú ở trường THCS Mường Lý, thuộc huyện Mường Lát thì các em ăn gạo lức với lá sắn (lá khoai mì) hoặc lá rau tàu bay chấm muối mà thôi.
SV Lê Bá Mai
“Tôi cũng không nắm được tình hình chính thức nhưng việc người Mường Lát thiếu đói là chắc chắn và con số đó (240 ngàn người thiếu đói ở Thanh Hóa) là có thể phù hợp bởi vì đơn giản 1 điều là không ai tự nhiên kêu đói để xin cứu đói cả, chỉ có đói thì người ta mới kêu thôi. Những vùng biển mặn và những vùng miền núi ở Thanh Hóa làm người ta không thể canh tác lúa được thì chuyện không có lúa ăn là chuyện thường."
Con số 240 ngàn người thiếu đói từ hiện tại ở Thanh Hóa vẫn là 1 dấu hỏi. Thế nhưng có 1 điều chắc chắn rằng, đói trong mùa giáp hạt là chuyện xảy ra thường xuyên. Hiện tại đối với nhiều người, khi mùa giáp hạt về là nỗi ám ảnh về những buổi khoai sắn lại hiện lên. Và không biết đến bao giờ, mùa giáp hạt cũng như bao nhiêu mùa khác?