Kể từ ngày 5/8 tới đây, Cảnh sát Giao thông được quyền huy động trực tiếp các phương tiện giao thông, điện thoại... của tổ chức, cá nhân đang di chuyển trên đường dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản và không cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Công an.
Đại tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông vào ngày 31/7 cho báo giới trong nước biết nội dung vừa nêu có trong thông tư 65/2020 của Bộ Công an có hiệu lực từ 5/8.
Cụ thể, việc huy động được áp dụng trong những trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra như các trường hợp gây tai nạn cố tình chống đối, bỏ chạy, truy bắt tội phạm nguy hiểm...
Trao đổi với RFA tối 31/7, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam nói rõ thêm về quy định mới sắp được áp dụng ngày 5/8 tới đây:
“Thông tư 65 thực hiện Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ xử lý vi phạm giao thông. Trong xử lý vi phạm thì thông tư này nói về nội dung tuần tra và kiểm soát cũng như trình tự để kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm. Trong quy định này cũng có nói trong quá trình truy bắt người vi phạm trong lãnh vực giao thông thì có quyền trưng dụng phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường. Khi truy bắt thì người được mượn xe phải ghi nhận số hiệu của cảnh sát giao thông và phải hỗ trợ cảnh sát bắt giữ tội phạm.”
Vẫn theo Luật sư Hậu, Thông tư này được đăng trên website Bộ Công an và công khai trên mạng xã hội nên rất dễ cho người dân tìm hiểu và áp dụng trong trường hợp được huy động.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng hiện đang sống ở Đà Nẵng bày tỏ ngạc nhiên khi không hề hay biết gì về quy định mới này:
“Tôi nghĩ tôi sống ở Việt Nam 50 năm rồi và chưa bao giờ nghe đến thông tin như vậy từ chính phủ, tôi nghĩ là Việt Nam phải có một mức an ninh nào đó rất nguy hiểm mới huy động của nguời dân mà không cần sự phê duyệt của Bộ trưởng Công an. Quan trọng nhất là mức an ninh đặt ở mức cao thế nào thì mình mới áp dụng cái này vì cái này đặc biệt và rất ít xảy ra ở các nước.”
Từ Sài Gòn, chị Thảo Nguyên bày tỏ quan điểm của chị về lệnh huy động phương tiện người dân qua Facebook Messenger như sau:
“Ngày xưa coi phim cảnh sát TVB Hong Kong hay phim Mỹ đều thấy cảnh sát dừng xe người dân đang chạy, đưa thẻ ra rồi đòi lấy xe đuổi bắt cướp hay người xấu. Mình nghĩ đó là chuyện cần thiết khi nguy cấp. Chuyện đáng lo ngại ở đây là sẽ áp dụng từ ngày 5/8 mà dường như chẳng ai thông báo gì cho người dân, ngoài những trang báo đăng tin sơ sài đọc xong lại phải tìm kiếm thêm thông tin. Vậy lỡ người dân không đọc báo, không biết online thì lúc đó chẳng phải như ‘bắt cóc bỏ dĩa’ sao?”
Theo Thông tư 65/2020, khi được cảnh sát huy động phương tiện, người dân, tổ chức buộc phải hợp tác để ngăn chặn vi phạm có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Đại tá Vũ Quang Thái được báo trong nước dẫn lời cho hay nếu người dân cố tình chống đối, gây cản trở quá trình truy đuổi sẽ bị xử lý theo từng mức độ từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng nghĩ rằng nếu điều luật này được áp dụng sẽ ảnh hưởng không ít đến cuộc sống và công việc người dân. Ông giải thích:
“Vì cảnh sát huy động phương tiện giao thông hoặc phương tiện liên lạc trong lúc người dân đang làm việc hay cộng vụ nào đó. Tôi không biết chính phủ có tính toán đến những điều này hay không, tôi nghĩ làm sao người ta có thể giúp chính quyền trong việc này và phải giải trình với cơ quan thế nào, trường hợp đó có sự xác nhận thế nào hay không? Hay có gì chứng tỏ người ta đang được cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu hỗ trợ? Tôi nghĩ vấn đề này cần được truyền thông một cách rõ ràng. Nếu tất cả vì mục tiêu an ninh quốc gia, bảo vệ đời sống người dân Việt Nam thì người Việt sẽ ủng hộ.”
Bên cạnh đó, chị Thảo Nguyên cũng đặt ra câu hỏi về chuyện trong trường hợp cấp bách như vậy, liệu người đang thi hành công vụ có đủ thời gian thực hiện các trình tự huy động trong luật định hay không và người dân sẽ đến đâu lấy lại tài sản của mình. Trong trường hợp hư hao, tổn thất thì sẽ khó cho người dân khi yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Những điều chị Nguyên vừa nêu được giải thích trong Thông tư 65. Theo đó, người dân có quyền yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước nếu việc huy động gây thiệt hại, hư hỏng phương tiện.
Trên các diễn đàn, nhiều người bày tỏ ý kiến cho rằng với tình trạng cảnh sát giao thông nhũng nhiễu như hiện nay, liệu quy định sắp được áp dụng có giúp phía cảnh sát giao thông có thêm quyền hạn, từ đó dẫn đến tình trạng lạm quyền?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, người dân không nên lo lắng quá vì trong luật pháp Việt Nam có rất nhiều quy định đối với cán bộ chiến sĩ công an lạm quyền. Ông nói thêm:
“Trong khi thi hành công vụ mà lạm quyền và thực tế đã có xử lý hành chính và hình sự đối với những chiến sĩ này như tạm đình chỉ và đình chỉ công tác hoặc các hình thức kỷ luật như từ khiển trách đến cảnh cáo hạ bậc lương hoặc tước danh hiệu công an nhân dân, hoặc áp dụng hình thức kỷ luật nếu trong quá trình thực hiện mà anh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật và trình tự xử lý kỷ luật được quy định rất rõ. Trong một số trường hợp đặc biệt ví dụ như hạ cấp cán bộ chiến sĩ lạm quyền và quyết định đó được công bố công khai, có thể kiếu nại quyết định.”
Trả lời truyền thông trong nước, Đại tá Vũ Quang Thái cũng cho biết các văn bản luật đã quy định đầy đủ, ràng buộc trách nhiệm của người làm nhiệm vụ. Nếu cảnh sát lạm quyền, vi phạm sẽ bị xử lý từ cảnh cáo đến đưa ra khỏi ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Công an từ năm 2016 có quy định cho phép cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng phương tiện giao thông và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Công an.
Tuy nhiên, với việc thay đổi từ trưng dụng sang huy động phương tiện trong thông tư 65/2020, Đại tá Vũ Quang Thái cho rằng mục đích nhằm phù hợp hơn với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các Luật khác.
Thực tế cho thấy nhiều cảnh sát giao thông lâu nay từng lạm quyền trong xử phạt, thậm chí vòi vĩnh tiền của người tham gia giao thông. Nếu không có những quy định chặt chẽ và có sự giám sát hữu hiệu thì quan ngại của người dân đối với thông tư mới sắp có hiệu lực vào ngày 5 tháng 8 tới đây không phải là không có cơ sở.