Tại buổi thảo luận ở Quốc Hội hôm 26 tháng Ba, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Ngô Sách Thực, kiến nghị để phát huy các hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật về hoạt động giám sát của nhân dân.
Theo ông Ngô Sách Thực, để Quốc hội khóa tới hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền của công dân theo Hiến pháp 2013, công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó cần hoàn thiện chính sách “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tất cả những gì thuộc về Nhân dân nó đã có luật rồi. Nó không cần đi tới một cái luật chi tiết trong chuyện này nữa. Và nếu như có thì rõ ràng đây là một cái sự cựa quậy mang tính tuyệt vọng của các nhà lập pháp trong bối cảnh người dân ngày càng bị gò ép và hoàn toàn không còn quyền gì nữa trong một xã hội. - Blogger Tuấn Khanh
Blogger Tuấn Khanh nêu quan điểm của ông liên quan kiến nghị của ông Ngô Sách Thực:
“Tất cả những gì thuộc về Nhân dân nó đã có luật rồi. Nó không cần đi tới một cái luật chi tiết trong chuyện này nữa. Và nếu như có thì rõ ràng đây là một cái sự cựa quậy mang tính tuyệt vọng của các nhà lập pháp trong bối cảnh người dân ngày càng bị gò ép và hoàn toàn không còn quyền gì nữa trong một xã hội. Cho nên nó dẫn đến chuyện họ tìm một đường nào đó cho người dân. Nếu như đó là Luật giám sát của Nhân dân.
Luật giám sát của Nhân dân thì thực sự nói một cách nào đó, lâu nay người dân vẫn có quyền chụp hình nơi công cộng cảnh CSGT hay một cảnh đụng xe. Nhưng dạo sau này, sự cường quyền của ngành công an nó dẫn tới chuyện công an có thể nói ‘khu vực này không được chụp hình’ hoặc ‘không được phép chụp hình’ mà không hề có luật gì hết. Tất cả những cái đó dựa trên hệ thống cầm quyền ngày càng cường quyền hơn. Người dân không có khả năng kháng cự lại chuyện họ hoàn toàn yếu thế.
Do đó, nếu Luật giám sát của Nhân dân ra đời thì nó là một cánh cửa nhưng đồng thời nó cũng cho thấy rằng xã hội Việt Nam đang tước mất rất nhiều quyền của người dân trong xã hội.”
Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc phân tích điều vô lý của Luật về hoạt động giám sát của nhân dân:
“Hiện nay đã có luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2016. Trong khi đó, tất cả mọi người đều biết Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Như vậy, ông Thực đề nghị ra một cái luật gọi là Luật hoạt động giám sát của Nhân dân. Điều đó có nghĩa là Quốc Hội tách rời khỏi dân sao?
Và nếu cho rằng người dân có quyền giám sát riêng - tôi xin phép nhấn mạnh là luật này dành riêng cho dân - thì phải có cơ chế và phải có cơ quan để thực hiện luật này. Cuối cùng thì nó vẫn phải thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bởi vì cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định, Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho dân. Cũng như Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói rõ là Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước dân, rồi chịu giám sát của Nhân dân…”
Ông Nguyễn Đình Ngọc kết luận, nếu ông Thực đề nghị có luật của riêng dân như vậy thì về mặt ý nghĩa chính trị, ông Thực đang chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Còn về mặt ý nghĩa Nhà nước thì ông Thực đang phản bội lại nhân dân. Bởi vì một Nhà nước sinh ra là để phục vụ dân. Đó là lý do căn bản nhất, quan trọng nhất để Nhà nước tồn tại.
Từ hàng chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có kế hoạch nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 2010, nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”.
Đến năm 2015, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt được pháp luật hóa ở mức cao nhất với Hiến pháp năm 2013.
Ngày 11 tháng Sáu năm 2019, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội thảo triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013. Tại buổi hội thảo, ông Ngô Sách Thực lại đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành một số luật như Luật giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật dân chủ ở cơ sở, Luật biểu tình, Luật đình công, Luật về Hội, Luật về tự quản ở cộng đồng dân cư… Điều này có thể được hiểu là luật được ban hành để Mặt trận Tổ quốc giám sát dân.
Blogger Tuấn Khanh nhận xét:
“Lúc này chúng ta đang mù mờ bởi không biết rốt cuộc là người ta đang bàn cái gì trong Quốc hội. Mấy chuyện đó không được nói rõ.
Chuyện giám sát Nhân dân thì có lẽ nghe nó quen thuộc, nó gần gũi hơn với tất cả những gì đang diễn ra ở Việt Nam lúc này, bởi camera đang chuẩn bị học cái cách ghi hình và nhận dạng con người theo kiểu Trung Quốc. Rời sắp tới thay đổi CMND điện tử có gắn chip. Người dân đi đâu cũng có thể bị gọi là bị định vị. Cuộc sống của người dân ngày càng bị bó buộc hơn rất nhiều với cái cách kiểm soát lúc này. Cho nên, nếu có luật giám sát Nhân dân nữa thì thôi mình không còn gì để nói trong một đất nước lúc nào cũng có luật nhưng làm luật ra để chống Nhân dân chứ không phải để phục vụ nhân dân.”
Phạm trù giám sát lần đầu tiên được nêu trong Hiến pháp Việt Nam năm 1980, tại Điều 8, đó là “Tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Thực tế bao nhiêu năm qua cho thấy, quyền giám sát của người dân luôn bị hạn chế, Quốc hội chưa phản ánh thực sự tiếng nói của người dân. Gần nhất, một số người đang trong giai đoạn vận động để tự ứng cử vào Quốc hội thậm chí còn bị bắt trong tháng 3 năm 2021.
Ông Lê Trọng Hùng bị bắt hôm 27 tháng Ba với cáo buộc bị cho là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Hùng bị bắt ngay sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội. Ông Hùng là một trong hơn 70 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo ý kiến của tôi, đây là một cái đề xuất ngớ ngẩn, kém hiểu biết, vô nghĩa và vô giá trị. Thay vào đó, có lẽ họ nên có luật gọi là Luật bảo vệ người tự ứng cử Quốc Hội thì tốt hơn, và đó mới là điều cần thiết. - Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc
Trước đó vào ngày 10/3, Facebooker Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, cũng bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam với cáo buộc bị cho là đăng, phát livestream thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam. Ông Khánh bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc nêu ý kiến về đề xuất nên có luật giám sát của Nhân dân:
“Theo ý kiến của tôi, đây là một cái đề xuất ngớ ngẩn, kém hiểu biết, vô nghĩa và vô giá trị. Thay vào đó, có lẽ họ nên có luật gọi là Luật bảo vệ người tự ứng cử Quốc Hội thì tốt hơn, và đó mới là điều cần thiết. Bởi vì vừa rồi trên thông tin báo chí, đã có hai người bị bắt trong lúc đang vận động để tự ứng cử Quốc Hội.”
Hiện nay không có một cơ chế nào, cũng không có luật nào để bảo vệ những người tự ứng cử Quốc Hội.
Nhiều trường hợp người dân thực thi quyền giám sát hoạt động của lực lượng chức năng như công an giao thông bằng cách quay phim, chụp hình đã bị chính những người thi hành công vụ hành hung, tịch thu điện thoại... Người tố cáo cán bộ hạch sách công dân, quan chức tham nhũng bị trù dập. Những trường hợp này được chính báo chí Nhà nước loan tin.