Cách nào giúp Chính phủ lấy lại niềm tin của dân sau thất bại trong dịch COVID-19?

0:00 / 0:00

Mới đây, một khảo sát từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam phê bình cách đối phó dịch COVID-19 của Chính phủ tăng rất cao trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến cuối tháng 10 năm nay, trùng với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021.

ISEAS dẫn số liệu từ YouGov, một công ty phân tích dữ liệu của Anh và Đại học Hoàng gia London cho thấy, gần 97% người Việt Nam được thăm dò ý kiến từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020 cho biết Chính phủ đang xử lý khủng hoảng rất tốt hoặc tốt. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2021, niềm tin của công chúng vào Chính phủ đã giảm xuống. Khoảng 83% người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào cách xử lý đại dịch của Chính phủ, giảm 14%. Mặc dù con số này vẫn cao hơn nhiều so với dữ liệu so sánh ở Đông Nam Á, nhưng nó đánh dấu mức thấp nhất trong 10 tháng tại Việt Nam.

Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của mình:

“Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có được niềm tin của người dân trong quá trình chống dịch. Thậm chí đến đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội, tôi thấy tuyệt đại đa số người dân vẫn rất tin tưởng vào nhà cầm quyền trong việc chống dịch. Bằng chứng là người dân chấp hành rất tốt những quyết sách như 5K, ai ở đâu ở yên đấy, đặc biệt vấn đề chích ngừa.

Tuy nhiên, sau này niềm tin của người dân đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bị mài mòn rất lớn. Đặc biệt là qua hai hiện tượng. Thứ nhất là tình trạng tháo chạy của hàng trăm ngàn công nhân đã gây ra nỗi kinh hoàng chưa từng thấy trong 46 năm qua. Thứ hai là cái chết của 23 ngàn nhân mạng khiến người dân chao đảo, suy sụp và niềm tin bị mài mòn rất lớn.

Niềm tin trong dân chúng đối với việc chống dịch nói riêng và vấn đề quản trị quốc gia nói chung từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bấy lâu nay, được xây dựng nên từ hình ảnh của những người đứng đầu và những người có ảnh hưởng nhất trong ban lãnh đạo. Bây giờ niềm tin đó đã đổ nát đối với ngươi dân trong nước chúng tôi. Bằng cách nào để gậy dựng lại niềm tin là câu hỏi xác đáng dành cho bộ chính trị, nội các của chính phủ và đích thân ông Phạm Minh Chính. Với tư cách là Thủ tướng, ông Chính phải tìm ra giải pháp cho người dân chúng tôi.”

Theo thống kê chính thức từ Bộ y tế Việt Nam, tính đến nay cả nước có gần 1.076.000 ca nhiễm COVID-19 với số tử vong gần 23.600 ca được ghi nhận.

Rất nhiều người dân khi trao đổi với RFA đều cho biết, những tháng vừa qua họ sống trong ác mộng với cách chống dịch coi người bệnh như tội phạm của chính quyền TP.HCM. Thêm vào đó, tỷ lệ người chết do COVID-19 quá cao khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, dù chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai vắc-xin cho dân chúng.

a0af1595-ee07-4279-8c3e-e07858a8f4dc.jpeg
Một bức tranh trên tường tuyên truyền phòng chống Covid-19 dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 6 năm 2021. AFP

Hôm 18 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ông Đam cho rằng, TP.HCM cần phải tổ chức các lực lượng công an, y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, huy động đoàn thể để nắm được tất cả những ai chưa được tiêm vắc-xin.

Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở TP.HCM nhận định:

“Trong khi thế giới có nhiều cách chống dịch hiệu quả thì Việt Nam chống dịch theo kiểu lấy ý chí chính trị làm cơ sở mà không dựa trên cơ sở khoa học và dịch tễ. Năm ngoái chưa bùng phát thì thấy hiệu quả chống dịch tốt nên họ tự ca ngơi mình và đâm ra chủ quan. Cho nên khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ 27 tháng 4 đến cuối tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Từ đó người dân đặt vấn đề về năng lực quản lý yếu kém của nhà nước.

Mặc dù chính quyền vẫn nói chống dịch tốt nhưng sự thật khách quan chứng minh qua con số tử vong.

Chính quyền phải nghĩ rằng mọi sự việc vận động, phát triển không ngừng trong đó có kinh tế và cuộc sống xã hội. Nếu không nâng cao trình độ quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển mà kéo sự phát triển về cho phù hợp với trình độ quản lý của mình thì đất nước sẽ chậm phát triển, thậm chí kinh tế sụp đổ.

Thước đo để người dân đặt niềm tin vào chính quyền là cuộc sống, là kinh tế có phát triển hay không, đời sống người dân có đi lên hay không. Không phải là lạm phát ngày càng nhiều và vật giá ngày càng leo thang. Mọi thứ đều tăng chỉ có lương không tăng. Cuộc sống bây giờ là đang tồn tại chứ không phải đang sống.”

Nói đến niềm tin của người dân dành cho chính quyền, giữa tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đến người dân TP.HCM chia sẻ những mất mát về sức khỏe, tính mạng của người dân thành phố trong đại dịch COVID-19. Ông Phúc khẳng định “gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân”, đồng thời kêu gọi tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với nhân dân.

Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ bình luận với RFA về lời của ông Nguyễn Xuân Phúc:

“Trong lúc nhân dân ngán ngẫm cả hệ thống chính trị vì sách lược chống dịch sai lầm, dẫn tới sự thất vọng và niềm tin vào nhà cầm quyền đã không còn, vì chính quyền không thể che giấu sự yếu kém của mình trong đại dịch. Lời ông Phúc nói ta phải đặt trong bối cảnh đất nước bị thụt lùi về mọi mặt, nhất là đại dịch đã bày ra cho thiên hạ thấy Đảng Cộng sản không có khả năng lãnh đạo quốc gia vì yếu tố độc quyền về chính trị - nên ông Phúc nói bừa để trấn an dư luận, hay nói cách khác trấn an đảng của ông ấy.”

Tuy Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân”, nhưng có lẽ hình ảnh hàng ngàn lao động ngoại tỉnh chất hết ‘tài sản’ lên chiếc xe máy, lũ lượt rời thành phố cuối tháng chín vừa qua là câu trả lời rõ nhất, sống động nhất cho giới lãnh đạo về niềm tin của dân chúng đối với họ.